Hôn nhân không lối thoát

Đặng Duy Hưng 

Cả chục năm sau này, khuya nào anh cũng nằm ứa nước mắt. Có lẽ tất cả những người thân hay bạn bè gần gũi không ai hiểu tình yêu anh dành cho chị. Ngay cả chính bản thân anh cũng tự hỏi tại sao anh lại yêu chị đến mức mù quáng như vậy! Anh luôn tự bào chữa mỗi lần nói chuyện về Việt Nam:  

“ Nhìn cả nước Việt Nam, có hàng triệu cặp vợ chồng sống không hạnh phúc. Một số ông chồng nhậu nhẹt say xỉn, vũ phu tàn nhẫn với vợ con ai cũng biết, nhưng có mấy người vợ ra tòa xin ly hôn. Ai cũng có lý do chính đáng từ hãy đợi con cái khôn lớn hay những lý do khác.

Tội nghiệp người vợ sợ về nhà cha mẹ chửi ‘Phải có lửa mới có khói’ hay ‘Mày phải làm gì đó mới bị chồng đánh!’ hoặc là ‘Uổng công cho cha mẹ dạy dỗ công dung ngôn hạnh bao năm qua!’ ”

Anh thuộc lớp người may mắn đi du học bị kẹt ở nước ngoài sau ngày miền nam chuyể sang chế độ mới. Với vốn liếng tiếng Mỹ như tiếng mẹ đẻ, anh lao ra ngoài làm giàu nhanh chóng bằng nghề bác sĩ chuyên khoa tim. Bao nhiêu cô gái trẻ đẹp đủ màu da, màu tóc để mắt đến nhưng anh một lòng đợi một cô gái đồng hương cùng tiếng nói. Và anh gặp chị vào một ngày mưa bão ngập nước trên đường đến khách sạn K. họp ngay giữa trung tâm thành phố.

Đường ngập nước xe tắt máy anh phải xuống chạy bộ nhanh trong mưa gió để đến kịp buổi họp. Chị đang làm lễ tân nhìn thấy anh ướt như chuột lột khuôn mặt xanh lét đi đến hỏi phòng họp H. ở đâu. Chị nhờ nhân viên dọn phòng giúp đỡ anh ủi sấy khô bộ quần áo. Ngồi đợi chờ nói chuyện với nhau anh mới biết chị là người Việt Nam. Anh yêu cái giọng nói miền Tây sông Cửu Long hiền hậu chân thành của chị. Cứ ngỡ chuyện tình cảm sẽ không gặp trắc trở bởi anh và chị đều độc thân, chưa có ai lập gia đình riêng cả! Khi biết nhau rồi anh mới thấy lắm chướng ngại khó vượt qua. Chị nhất định không chịu làm đám cưới ở nhà thờ bởi anh theo đạo:

“Hãy quên em đi anh! Chúng ta kiếp này có duyên không phận. Em yêu anh lắm ! Rất nhiều con gái trên đất Mỹ hôm nay đều mong lấy được người chồng danh vọng như anh. Nhưng em không muốn làm một việc trái lòng, lừa dối ơn trên để tự tạo hôn nhân cho bản thân mình.”

Cha mẹ anh lúc đó ở Việt Nam cũng không chấp nhận anh lấy kẻ ngoại đạo. Nhưng sau hai tháng chia tay anh biết không thể sống thiếu chị nên anh mặc kệ sự cản trở của gia đình cầu hôn chị và tuyên bố đạo ai nấy giữ. Chị có thể làm bàn thờ ông bà ở nhà sau. 

Họ sống rất hạnh phúc trong 12 năm có 2 mặt con trai gái xinh đẹp học hành giỏi giang.

Đầu năm 1990, khi đất nước mở cửa cho người ngoại quốc vào thì sóng gió bắt đầu làm lung lay gạch móng gia đình anh xây dựng bao ngày qua. Anh dẫn chị về thăm quê hương gia đình hy vọng thời gian qua sẽ thay đổi tâm tư người thân, nhưng anh đã lầm! Thái độ hồ hởi của gia đình nhưng không thật lòng làm anh tội nghiệp vợ con. Tuy vậy, bản tính anh không thích cãi tay đôi với đấng sinh thành nên chị gồng một mình chịu đựng.

Chị bình tĩnh chống sào trong sóng lớn không một lời than phiền. Ngày trở lại nằm bên nhau chị nhẹ nhàng: “Em sẽ không bao giờ về thăm nhà anh hay ghé ngang qua nhà ngay cả khi họ đến định cư ở đây! Như anh thấy đó, em đã cố gắng hết sức nhưng tình trạng cũng không được cải thiện gì hơn!”

Tình cảm hai vợ chồng sứt mẻ từ đó và đúng như ý chị nói, nó sẽ tệ hại hơn khi cả gia đình anh đoàn tụ. Chị vẫn dịu dàng: “Bất cứ lúc nào anh muốn ly dị em chẳng muốn gì hơn được gặp hai con mỗi tuần một lần.”

Anh bắt đầu thấy chị ít nói hơn, dành hết thời gian cho hai con. Công việc của anh cũng đòi hỏi xa nhà từ sớm cho đến gần khuya mới về. Rồi một ngày anh sửng sốt khi khám phá ra chị bị nghiện rượu nặng, tối phải uống thật nhiều mới đi ngủ được. Tâm tính chị cũng thay đổi, hờn giận, buồn vui bất chợt. Anh vẫn yêu chị nồng nàn và luôn nghĩ về kỷ niệm ngày đầu gặp nhau. Hai vợ chồng vì tương lai con cái nhịn nhau cho cửa nhà đầm ấm, không gây tổn thương tình yêu con.

Sau khi cả hai đứa con tốt nghiệp đại học, dọn đi xa, anh mới phát hiện chị lại nghiện thêm cờ bạc. Tiền bạc trong nhà từ từ không cánh mà bay. Mới đầu chị chơi cho khuây khỏa nỗi buồn cô đơn trong nhà không bóng người, nhưng bây giờ ngày nào chị cũng đi. Buổi tối khi anh đi làm về bếp núc lúc nào cũng lạnh tanh và không còn bữa cơm nóng, nụ cười vui từ người vợ hiền chờ chồng về nữa. Đầu óc chị hoàn toàn tăm tối không còn như ngày xưa có thể bàn luận phải trái. Ngay cả gia đình chị họp mặt khuyên nhủ hết mình nhưng tuần sau thì đâu vẫn ra đó.

Chị ngày nào cũng tìm cách moi tiền, luôn nói những chữ khó nghe nếu anh không đưa. Nghiện rượu và cờ bạc làm tâm trí chị như bị ác ma điều khiển. Không còn ai có thể gần gũi nói câu phải trái xoay chị về hướng thiện.

Lúc nào chị cũng muốn anh ký giấy ly dị chia đôi gia sản đường ai nấy đi. Gia đình hai bên bạn bè cũng bó tay khuyên nhủ anh: “Thôi anh đã làm hết sức rồi! Ký giấy cho khỏe đỡ suy nghĩ khi đi làm!”

Anh nhất định không chấp nhận, vẫn hy vọng một ngày chị trở lại với con đường chánh.

Nếu bạn theo đạo Phật thấm nhuần tư tưởng Khổng Mạnh tin vào tiền kiếp thì sẽ biện hộ là chắc chắn anh thiếu chị món nợ lớn từ kiếp trước. Nếu không, tại sao anh không thể dứt khoát thoát ra bể khổ hôn nhân không hạnh phúc? 

Có phải sự thật như anh thường tâm sự ‘không dứt khoát’ bởi có quá nhiều kỷ niệm đẹp với chị ngày ấy khó quên?

Hai gia đình anh chị có hai quan điểm khác biệt do tình thương không điều kiện dành cho con cái. Gia đình chị buồn bực về sự yếu đuối của anh không mạnh mẽ đứng ra bảo vệ cho người vợ trước sự dèm pha ghen ghét từ gia đình anh do bất đồng tôn giáo. Họ thẳng mặt đổ lỗi cho anh là người chịu trách nhiệm lớn nhất do sự yếu đuối của bản thân làm chị bị trầm cảm và tổn thương. Từ đó dẫn đến sự nghiện ngập kéo dài không còn cứu vãn được.

Bên phía gia đình anh thì vẫn tiếp tục tin chị bị Satan nhập vào dụ dỗ anh. Họ tin rằng linh hồn quỷ ám sẽ phá hoại quậy tan nát cho đến khi nào chị chịu rửa tội đặt niềm tin vào Thiên Chúa.

Ai là người thật sự có lỗi trong câu chuyện này? Là chị chăng? Tất cả chúng ta đứng bên ngoài nhìn vào đều nhận định chung: “Chị là một người đàn bà ham mê rượu chè cờ bạc, quên đi hạnh phúc bên người chồng hiền lành ngày ngày đi làm bảo vệ kỷ niệm đẹp thuở yêu nhau.”

Chúng ta đang sống trong thế hệ mà tâm bệnh sau COVID đè nặng lên triệu triệu gia đình. Đa số chúng ta không muốn nhìn sự thật phía sau một sự thật. Chủ thuyết sau cùng vẫn là: “Đèn nhà ai nấy sáng. Đèn nhà anh chị tối thì ráng sức chịu!”

Ai mà có thể giúp đỡ cho ai ngoại trừ bản thân mình. Gia đình chị đi chùa cầu xin Phật Trời ngó xuống giúp chị hồi tâm. Gia đình anh đi nhà thờ mong ơn trên giúp anh tỉnh táo minh mẫn để thoát khỏi cảnh đoạ đày. Nhưng dường như lúc cần nhất, Phật, Trời, Thiên Chúa, sao xa vời vợi!

Chiều nay chị ngồi chơi trò giựt máy slot machines nhìn ra cửa chính sòng bạc. Ngoài trời mưa ào ào như ai đó đang trút cơn giận xuống dưới đời. Nhìn vài nam nữ đứng cầm dù rũ nước mưa trước khi vào sát phạt, chị chợt nhớ đến hình ảnh của chồng ngày đầu tiên gặp. Khuôn mặt anh cùng giọng nói hiền lành đã làm rung động trái tim chị, đập mạnh muốn bay ra khỏi lồng ngực. Tâm tư chị như thổn thức: “Tại sao anh không đủ trưởng thành để bảo vệ cho người vợ đầu ấp tay gối? Hay đây là lỗi của bản thân chị ham vui cờ bạc rượu chè không cho anh một cơ hội hàn gắn?”

Chị kéo mạnh máy tự hứa: “Sau lần này mình sẽ nghỉ luôn về nhà nấu cho anh một bữa ăn tối.”

Chiếc máy tự nhiên rú lên cùng cái đèn trên nóc chớp chạy vòng quanh. Cả sòng bạc như dậy sóng hướng mắt về chị chúc mừng trúng thưởng lớn. 

Người quản lý xem xét máy xong: “Chúc mừng! Mời bà qua bên kia lãnh thường và sòng bạc tặng thêm một bữa buffet ăn uống thật ngon trước khi trở lại đánh.”

Chị lúc đó thật sự quên hết tất cả những ý nghĩ thoáng qua trong óc. Cầm tờ check trên tay: “Thêm một ngày cờ bạc vui đến với ta.”

Đặng Duy Hưng 

Related posts