Gần đây có tham luận tại hội nghị của Hiệp hội Dân số Trung Quốc chỉ ra, Tổng tỷ suất sinh (TFR – Total fertility rate) của Trung Quốc vào năm 2022 giảm xuống còn 1,09, là mức thấp nhất trong số các nước có dân số hơn 100 triệu.
Nhóm có mức sinh thấp nhất trong số các nước có dân số trên 100 triệu
Theo các nguồn tin truyền thông tại Trung Quốc, Hiệp hội Dân số Trung Quốc gần đây đã tổ chức hội nghị thường niên năm 2023, hơn 1.400 chuyên gia, học giả và nhân viên dân số từ khắp Trung Quốc tham gia.
Hội có công bố tham luận gây chú ý: “Mức sinh đang đi về đâu: Ước tính và Dự báo xu hướng” do các nhà nghiên cứu Li Yue, Wang Qi và Zhang Xuying thuộc Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc là đồng tác giả.
Tham luận chỉ ra, ước tính sơ bộ về Tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc vào năm 2022 đã giảm xuống còn 1,09 – thấp hơn so với cùng kỳ của Nhật Bản là 1,29 và cao hơn một chút so với Hàn Quốc là 0,8 – dữ liệu cho thấy thuộc nhóm có mức sinh thấp nhất trong số các nước có dân số trên 100 triệu.
Sử dụng dữ liệu từ cuộc điều tra dân số lần thứ 7, tham luận đã ước tính mức sinh kể từ năm 1990, qua đó phát hiện vào cuối những năm 1990 lần đầu tiên Tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc giảm xuống dưới 1,5, điều này một lần nữa xảy ra vào năm 2018.
Giới học thuật nhìn chung cho rằng để có sự kế thừa dân số bình thường nhằm cơ bản bảo đảm dân số ổn định giữa hai thế hệ thì Tổng tỷ suất sinh ít nhất phải đạt 2,1, đối với mức thấp hơn 1,5 tức là đã xuống dưới mức cảnh báo.
Đề xuất trợ cấp của Chính phủ
Về vấn đề hóa giải nguy cơ xu hướng tỷ lệ sinh thấp, làm sao để đảo ngược tâm lý xã hội của giới trẻ Trung Quốc “không dám sinh con, không muốn sinh con”, nhà kinh tế nhân khẩu học Liang Jianzhang của Trung Quốc (là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Dịch vụ du lịch Trip.com) gần đây đã trả lời phỏng vấn với Nhật báo Tin tức kinh tế (NBD) chỉ ra, mỗi đứa trẻ trong gia đình có hai con sẽ được trợ cấp tiền mặt hàng tháng là 1.000 nhân dân tệ; mỗi đứa trẻ trong gia đình nhiều con sẽ được trợ cấp tiền mặt hàng tháng 2.000 nhân dân tệ (cho đến khi đứa trẻ 20 tuổi).
Chuyên gia Liang Jianzhang nói rằng trợ cấp “thúc đẩy sinh sản” sẽ có hiệu quả, ở một mức độ nhất định thì hiệu quả phụ thuộc vào mức độ trợ cấp. Ví dụ, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về lượng trợ cấp tiền mặt năm 2017 liên quan phúc lợi gia đình ở một số nước phát triển: ở Anh chiếm 2,12% GDP, ở Pháp 1,42%, ở Thụy Điển 1,24%, ở Nhật Bản 0,65%, và ở Hàn Quốc 0,15%.
Chuyên gia này cho rằng từ điều đó có thể thấy lượng trợ cấp tiền mặt cho phúc lợi gia đình ở các nước châu Âu chiếm tỷ trọng GDP cao hơn nhiều so với Nhật Bản và Hàn Quốc, đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh của người châu Âu nhìn chung cao hơn so với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoài ra ông cũng kiến nghị rằng cần giảm một nửa thuế thu nhập và đóng bảo hiểm xã hội đối với gia đình có 2 con, miễn thuế thu nhập và đóng bảo hiểm xã hội đối với gia đình có 3 con, ước tính những biện pháp này có thể nâng tỷ lệ sinh của Trung Quốc lên khoảng 20%. Chuyên gia Liang Jianzhang cũng cho rằng có thể đẩy nhanh giai đoạn giáo dục cơ bản, cân nhắc rút ngắn thời gian học phổ thông 12 năm xuống còn 10 năm, thực hiện hệ thống giáo dục bắt buộc 10 năm.
Tuy nhiên đề xuất của chuyên gia Liang Jianzhang đã làm dấy lên phán ứng trái chiều trong cộng đồng mạng Trung Quốc: Có người băn khoăn 2000 nhân dân tệ có thể làm được gì? Có người cho biết vấn đề muốn sinh hay không thì không phải ở chuyện 2.000 nhân dân tệ, mấu chốt là chi phí chăm sóc y tế và giáo dục quá đắt đỏ…
Theo Hạ Tùng, Epoch Times
Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.