Darren Taylor
Theo các nhà phân tích, chỉ là vấn đề thời gian trước khi khối BRICS tạo nên một “trật tự thế giới mới”, cạnh tranh ngang hàng với các cường quốc phương Tây trên một số mặt trận, trong đó có kinh tế và quân sự.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của các nước BRICS — Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi — đã khai mạc tại Johannesburg (Nam Phi) vào ngày 22/8, với việc mở rộng khối là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
BRICS đang chiếm 42% dân số thế giới và gần 30% nền kinh tế toàn cầu. Nhưng khối này muốn nhiều hơn thế.
Bà Naledi Pandor – Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế của Nam Phi – cho biết: “Việc mở rộng BRICS chắc chắn sẽ được đưa ra thảo luận, các ngoại trưởng trong BRICS đang họp để vạch ra con đường phía trước liên quan đến việc mở rộng khối. Một tuyên bố rõ ràng về vấn đề này sẽ được đưa ra vào cuối hội nghị thượng đỉnh”.
Bà Pandor nói với The Epoch Times: “Chúng ta sống trong một thế giới đang thay đổi và chúng tôi muốn BRICS đi đầu trong một phong trào mới mà được thiết kế để đại diện cho lợi ích của các quốc gia đang phát triển và của Nam bán cầu”.
“Các tổ chức đa phương đang tồn tại hiện nay chủ yếu hoạt động vì lợi ích của các quốc gia có đặc quyền. Đã đến lúc phải thay đổi. Chúng tôi muốn một thế giới công bằng và hợp lẽ phải”.
Trung Quốc, Nga và Nam Phi rất ủng hộ việc bổ sung thêm thành viên mới để BRICS đại diện cho cái mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là “thế giới đa cực” nhằm “phá vỡ quyền bá chủ của phương Tây”.
Các quan chức BRICS Nam Phi tiết lộ với The Epoch Times rằng Ấn Độ đang phản đối việc mở rộng khối, trong khi Brazil thì giữ thái độ trung lập.
“Chúng tôi không ngạc nhiên khi Ấn Độ không muốn có một BRICS lớn hơn, vì Ấn Độ hiện là đồng minh của Mỹ, và Ấn Độ cũng có nhiều mâu thuẫn với Trung Quốc; liên tục xảy ra những tranh chấp biên giới giữa hai nước này”, một trong những quan chức nói.
“Đã đến lúc Ấn Độ phải quyết định xem họ sẽ đứng về phía nào”.
Giáo sư Danny Bradlow, nghiên cứu viên cấp cao tại Đại học Pretoria (Nam Phi), trong năm qua đã thường xuyên nói chuyện với giới chức cấp cao của BRICS về việc mở rộng khối. Ông nói với The Epoch Times: “Những gì tôi nghe được là BRICS sau khi được cải tổ sẽ cách mạng hóa nền kinh tế toàn cầu; điều này sẽ mang lại cho khối lợi thế to lớn đối với các cường quốc truyền thống như Hoa Kỳ và Tây Âu”.
Một số chuyên gia BRICS, bao gồm cả nhà kinh tế học người Congo là ông Patrick Lukusa, nói với The Epoch Times rằng, họ dự đoán rằng nhóm thành viên mới đầu tiên sẽ được lựa chọn dựa trên “giá trị chiến lược” và khả năng đại diện cho “các khu vực” của Nam bán cầu.
Trên cơ sở này, ông Lukusa cho biết, các ứng cử viên nặng ký cho vị trí thành viên bao gồm Argentina – quốc gia cùng với Brazil sẽ đại diện cho Mỹ Latinh; Nicaragua ở Trung Mỹ; Algeria, Ai Cập, Iran, Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – đại diện cho “người Ả Rập” ở Bắc Phi và Trung Đông; Nigeria và Senegal — cùng với Nam Phi sẽ đại diện cho châu Phi cận Sahara; Afghanistan, Kazakhstan – cùng với Nga sẽ đại diện cho Trung Á; và Indonesia và Thái Lan – cùng với Ấn Độ sẽ đại diện cho Đông Nam Á.
Ông Lukusa nói thêm: “Điều quan trọng là tất cả các quốc gia này đều là thành viên của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, và tất cả đều đang xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Nga, trong đó có mặt quân sự”.
“Trung Quốc tất nhiên sẽ đại diện cho Đông Á trong một BRICS kiểu mới”.
Giáo sư Bradlow cho biết một BRICS mở rộng có thể sở hữu gần 50% tổng trữ lượng dầu đã biết đến và 60% tổng trữ lượng khí đốt đã biết đến. “Nó cũng sẽ bao gồm hơn một nửa dân số thế giới”.
Ông Chris Devonshire-Ellis – nhà kinh tế tại Dezan Shira and Associates (tập đoàn đa quốc gia chuyên cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư ở châu Á) – đánh giá rằng, một BRICS mà bao gồm các thành viên hiện tại và các quốc gia mà ông Lukusa đề cập ở trên sẽ trở nên rất “đáng gờm”.
Ông Devonshire-Ellis nói với The Epoch Times: “Tổng GDP của khối này tính đến ngày hôm nay lên tới khoảng 30 nghìn tỷ USD, lớn hơn đáng kể so với nền kinh tế Hoa Kỳ và gấp đôi so với 14,5 nghìn tỷ USD của Liên minh châu Âu”.
Quan chức BRICS hàng đầu của Nam Phi Anil Sooklal nói với The Epoch Times: Trong tuần này, các ngoại trưởng BRICS sẽ thảo luận về các tiêu chí sẽ được sử dụng để lựa chọn thành viên mới.
Ông Devonshire-Ellis tin rằng “tiêu chí hàng đầu” sẽ là: sở hữu lượng lớn tài nguyên thiên nhiên.
“Dĩ nhiên là dầu và khí đốt, nhưng có khả năng BRICS sẽ trở thành khối sở hữu phần lớn hầu hết các nguồn tài nguyên toàn cầu. Chúng bao gồm kim loại quý, khoáng sản quý hiếm, tài nguyên năng lượng như than đá và năng lượng mặt trời, đất nông nghiệp, gỗ, thủy sản và nước ngọt”, ông nói.
Ông Lukusa thì cho rằng, dựa trên danh sách các quốc gia đã ký thỏa thuận Vành đai và Con đường, đồng thời có quan hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc và Nga, thì các ứng cử viên tiềm năng để đưa vào “trật tự thế giới mới” có thể bao gồm: Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras và Panama ở Nam Mỹ; Bolivia, Chile, Cuba, Ecuador, Peru, Uruguay và Venezuela ở Trung Mỹ; Azerbaijan ở vùng Kavkaz; Mông Cổ, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan ở Trung Á; và Pakistan, Sri Lanka và Việt Nam ở Đông Nam Á.
Ông Bradlow cho hay: “Điều này sẽ có tác động ở mức không thể tưởng tượng được đối với thương mại và kinh tế thế giới. Chưa kể đến chuỗi cung ứng. Nó sẽ tạo ra một sự thay đổi mạnh như một cơn địa chấn trong mọi thứ. Thế giới theo nghĩa đen sẽ là một nơi khác, tốt hơn hoặc xấu hơn”.
Quan chức BRICS của Nam Phi Anil Sooklal thì nói rằng BRICS không phải và “sẽ không bao giờ” là một “liên minh chống phương Tây”.
Tuy nhiên, theo ông Bradlow, với việc Belarus, Cuba, Iran, Syria và Zimbabwe nằm trong số các quốc gia muốn tham gia, nhận thức cho rằng BRICS là một “liên minh chống phương Tây” là điều khó tránh khỏi.
“Đặc biệt Trung Quốc và Nga, và đôi khi là Nam Phi, đã không giấu giếm rằng BRICS nên là hình mẫu cho cuộc nổi dậy chống lại những gì mà họ coi là bá quyền phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo, được đại diện bởi các tổ chức như Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới”, ông Bradlow nói.
Theo ông Lukusa, “sự phản kháng” của Ấn Độ và “sự do dự” của Brazil về việc mở rộng khối có thể sẽ cản trở nỗ lực kết nạp thành viên mới. Ông nói: “Ấn Độ ngày càng hướng tới Mỹ và không muốn trở thành một phần của bất cứ điều gì mà khiến Washington có dự cảm xấu”.
“Brazil thì cho rằng cần đưa ra các điều kiện đầy đủ hoặc thiết lập một cơ cấu phù hợp để có thể hiểu được việc mở rộng này sẽ diễn ra như thế nào. Brazil là một trong những nước cảm thấy BRICS thực sự có thể trở nên yếu hơn nếu khối kết nạp thêm nhiều thành viên mới”.
Bà Pandor thì cho hay, chỉ những quốc gia có thể thúc đẩy BRICS phát triển mới được xem xét trở thành thành viên.
Theo ông Lukusa, “BRICS nhiều khả năng sẽ đưa ra một tuyên bố rộng rãi rằng khối đã đạt được sự đồng thuận rằng họ nên mở rộng, và điều này sẽ mở đường cho việc mở rộng trong tương lai”.
Ông tin rằng việc tăng số lượng thành viên sẽ có lợi cho BRICS. “Nó sẽ cho phép nhiều giao dịch diễn ra hơn; nó sẽ cho phép nhiều quốc gia hơn tham gia [cơ chế tài chính BRICS là] Ngân hàng Phát triển Mới (NDB). Chúng ta thấy rằng Ảrập Xêút rất muốn trở thành thành viên của ngân hàng này”.
Theo ông Lukusa, NDB sẽ sớm sánh ngang với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới “khi các nước đang phát triển giàu có hơn như Trung Quốc, Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bắt đầu đổ tiền vào đó”.
Ông Devonshire-Ellis thì nói rằng Hoa Kỳ và châu Âu đang tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine và đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt lên Nga và Trung Quốc — một phần là để hạn chế các hoạt động của các nước này trong lĩnh vực công nghệ; trong khi đó, “có một sự thay đổi quan trọng hơn nhiều về địa chính trị, thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng đã và đang xảy ra”.
“Sự mở rộng sắp xảy ra của BRICS sẽ là điều có ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều”, ông nói.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch