Sau 1 năm mất việc, vị giám đốc này cho biết “tôi đã hạ thấp tiêu chuẩn lương nhưng vẫn không tìm được việc làm”. Hiện ông buộc phải làm shipper giao đồ ăn để duy trì phí sinh hoạt trong gia đình.
Hôm 17/8, ông Đỗ (Du), 36 tuổi, đăng video lên mạng xã hội cho biết ông từng là giám đốc tiếp thị của một công ty Fortune Global 500 (bảng xếp hạng 500 công ty hàng đầu thế giới theo doanh theo).
Ông buộc phải làm shipper giao đồ ăn, mỗi ngày kiếm được 80-90 nhân dân tệ (17 – 19 Úc kim), “Tuy vất vả mệt mỏi, nhưng vẫn tốt hơn là ở nhà”. Ông chia sẻ, số tiền này vẫn có thể duy trì phí sinh hoạt cho cho gia đình nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ phải làm thêm công việc bán thời gian khác.
Khi đến các tòa nhà văn phòng để giao đồ, ông sẽ nhân tiện đưa danh thiếp cho khách hàng để tìm kiếm cơ hội việc làm.
Vào ngày 18/8, ông thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với tờ Jiupai News của Trung Quốc: “Trước đây tôi không nghĩ 36 tuổi là một trở ngại, nhưng bây giờ tôi thực sự nghĩ vậy. Nhiều công ty truyền thống thực sự không tuyển dụng những người trên 35 tuổi”.
Ông nói khi mới bị công ty cho nghỉ, ông nghĩ rằng không vấn đề gì khi tìm một công việc khác, nhưng sau đó ông mới thấy rằng tìm việc thực sự rất khó. Thất nghiệp được một năm, ông Đỗ cảm thấy hơi lo lắng vì suốt ngày ở nhà, tài chính và tinh lực đều hao hụt, ông buộc phải ra ngoài.
Ông cho hay, công việc giao đồ ăn không phải là một ý thích bất chợt, đó là sự lựa chọn cuối cùng. “Sau này khi tôi không có nguồn thu nhập, nó sẽ trở thành một cách để tôi kiếm tiền”.
Ông Đỗ thẳng thắn cho biết, lúc đầu rất khó chấp nhận mức chênh lệch giữa việc đi giao đồ ăn và làm giám đốc nhưng ông vẫn phải làm. Ông buộc phải chấp nhận công việc này và buông bỏ thân phận trước kia khi làm giám đốc tiếp thị của một nhà máy lớn.
“Tôi nhớ tháng đầu tiên làm rất vất vả, chỉ kiếm được 4.000 tệ (hơn 13 triệu VND), không đủ trả một phần nhỏ trong khoản vay mua nhà 15.000 tệ (gần 50 triệu VND) mỗi tháng”.
Ông Đỗ cho biết, hiện mỗi ngày ông chạy đi giao 30 đơn hàng, mồ hôi đầm đìa khắp người, cảm giác như đôi chân không phải của mình nữa.
Ông thẳng thắn nói rằng, hiện giờ người trẻ cũng không tìm được việc làm chứ đừng nói đến người trung niên như ông. Có rất nhiều đồng nghiệp xung quanh ông cũng đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.
Ông Đỗ đã nhận được nhiều sự đồng cảm từ cư dân mạng Trung Quốc. Có không ít người bình luận và chia sẻ về tình cảnh tương tự của bản thân.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 16-24 tuổi ở thành thị Trung Quốc liên tục tăng trong những tháng vừa qua. Con số này trong tháng Năm và tháng Sáu lần lượt là 20,8% và 21,3%.
Mới đây hôm 15/8, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết từ tháng 8 này sẽ tạm ngừng công bố dữ liệu thất nghiệp đối với mọi lứa tuổi. Ngoại giới cho rằng, Bắc Kinh không còn dám công khai dữ liệu vì e ngại sẽ gây hoang mang hoặc bất mãn trong nhân dân.
Theo NTD tiếng Trung
Minh Lý biên dịch