Chánh Thanh tra Sở Tài chính Lào Cai tử vong trong tư thế treo cổ
Ông N.T.N được cho là mắc nhiều bệnh và bị trầm cảm nên mới treo cổ tự tử.
Theo báo chí nhà nước, chiều 23/8, một lãnh đạo UBND phường Cốc Lếu (TP. Lào Cai) xác nhận phường vừa xảy ra vụ một người đàn ông tử vong trong tư thế treo cổ.
Nạn nhân được xác định là ông N.T.N. (SN 1967, trú tại Tổ 2, phường Cốc Lếu). Ông N. là Chánh thanh tra của Sở Tài chính tỉnh.
Ông N. được người nhà phát hiện tử vong lúc 11h30 cùng ngày (23/8).
Được biết, những ngày gần đây, tâm lý của ông N. không ổn định. Nạn nhân có tiền sử mắc nhiều bệnh và bị trầm cảm.
Minh Long
Nguyên GĐ Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn tự tổ chức xét nghiệm COVID-19 để trục lợi
Nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị tòa án tỉnh này xét xử do lợi dụng dịch COVID-19 để trục lợi.
Ngày 23/8, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên toà xét xử Nguyễn Văn Thiệp – nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’.
Theo cáo trạng, trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, nhiều người có nhu cầu xét nghiệm PCR nên bị cáo Thiệp (khi đó là Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn) đã tự trang bị vật tư, thiết bị y tế, tự thuê địa điểm, thuê người vận chuyển để lấy mẫu, thu tiền xét nghiệm.
Ngày 15/8/2021, sau khi liên hệ với đại diện Công ty CP nghiên cứu khoa học xét nghiệm công nghệ cao Hợp Lực (gọi tắt là HSTC), 2 bên thống nhất Nguyễn Văn Thiệp sẽ chuyển mẫu cho HSTC xét nghiệm với giá 400.000 đồng/mẫu.
Đến ngày 21/8/2021, HSTC thông báo công khai giá xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp nên 2 bên đã thống nhất việc xét nghiệm sẽ gộp 5 đối với tất cả các mẫu mà bị cáo Thiệp chuyển đến với giá 235.000 đồng/mẫu (đến ngày 23/8/2021 là 225.000 đồng/mẫu, nếu còn dư thì sẽ xét nghiệm theo số dư).
Để hưởng chênh lệch từ việc xét nghiệm, bị cáo Thiệp đã chỉ đạo nhân viên của trung tâm và thuê một số người khác đến lấy mẫu, thu tiền xét nghiệm PCR của người bị cách ly tập trung, cách ly tại nhà với giá 720.000 đồng/mẫu đơn. Tất cả các mẫu trên đều được chuyển cho bên HSTC làm xét nghiệm.
Trong số tiền xét nghiệm thu của người dân, bị cáo Thiệp chi trả 25.000 đồng/mẫu là tiền công đi lấy mẫu. Đồng thời, Thiệp đã chỉ đạo đưa mẫu của những người cách ly tại khu cách ly, trạm y tế ra HSTC xét nghiệm nhưng không báo cáo với tổ điều phối xét nghiệm COVID-19 của tỉnh, toàn bộ tiền thu phí xét nghiệm không hạch toán vào sổ sách kế toán của Trung tâm y tế.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã làm việc với 397 người được lấy mẫu, thu phí với 609 mẫu, đủ cơ sở xác định tổng số tiền các nạn nhân đã nộp cho Trung tâm y tế là 438 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền mà trung tâm này trả cho HSTC là 146 triệu đồng, trả tiền công lấy mẫu là 15 triệu đồng. Số tiền chênh lệch 275 triệu đồng bị cáo Thiệp giao cho một cá nhân quản lý tại tài khoản cá nhân.
Sau đó, bị cáo Thiệp đã giao nộp số tiền 210 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Kết thúc phiên xét xử, bị cáo Thiệp bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù giam.
Bảo Khánh
Doanh nghiệp có lượng công nhân lớn nhất TP.HCM cắt giảm nhân sự lần thứ 3
Bị sụt giảm đơn hàng liên tục từ cuối năm 2022 đến nay, Công ty TNHH Pouyuen – doanh nghiệp có lượng lao động nhiều nhất TP.HCM vừa thông báo sẽ có lần thứ 3 cắt giảm lao động trong năm 2023, dự kiến lần này giảm hơn 1.220 người có hợp đồng không xác định thời hạn.
Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM sáng 23/8, Công ty PouYuen sẽ tiếp tục cắt giảm khoảng 1.220 lao động (hợp đồng lao động không xác định thời hạn).
Theo Sở này, chế độ cho người bị cắt giảm tương tự như hai lần trước. Cụ thể, lao động nghỉ việc cứ mỗi năm được hỗ trợ 0,8 tháng lương. Mức chi trả được tính bình quân 6 tháng liền kề trước khi nghỉ.
Ví dụ, lương bình quân 6 tháng liền kề của lao động thâm niên 20 năm là 12 triệu đồng, mức trợ cấp mỗi năm sẽ là 9,6 triệu đồng. Tổng số tiền công nhân nhận được ở 20 năm làm việc là 192 triệu đồng.
Sau khi hai bên thống nhất thỏa thuận, lao động không phải đến nhà máy vẫn được trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp…
Trong tháng 9, công ty sẽ trả sổ bảo hiểm xã hội, hoàn tất các thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động, chế độ sẽ được chi trả trong vòng 7 ngày tiếp theo.
Từ lúc hoạt động ở TP.HCM từ năm 1996 đến nay, đây là đợt giảm lao động thứ tư của Pouyuen với quy mô lớn lên đến hàng nghìn người.
Hồi tháng 6/2020, công ty cho hơn 2.800 lao động nghỉ việc. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã hai lần giảm lao động với tổng khoảng 8.000 người.
Gần đây nhất vào tháng 5/2023, công ty Pouyuen cắt giảm 5.744 người có hợp đồng không xác định thời hạn, tương đương 10% tổng số 50.500 lao động.
Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng giá trị xuất – nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 374 tỷ USD, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,6%; nhập khẩu giảm 17,1% .
Trọng Minh
Vụ Công ty luật Pháp Việt đòi nợ thuê: 111 người bị khởi tố
Sau 6 tháng điều tra mở rộng, 111 người liên quan đến hoạt động đòi nợ thuê của Công ty luật TNHH Pháp Việt bị khởi tố.
Ngày 22/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố bị can đối với 111 người liên quan đến hoạt động đòi nợ thuê xảy ra tại Công ty luật TNHH Pháp Việt (có trụ sở tại tòa nhà T&T Dancesport, số 7 đường Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) để điều tra về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.
Các bị can bị khởi tố ở 60 tỉnh, thành trên cả nước.
Trong 111 bị can bị khởi tố, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam 21 bị can, trong đó có người chủ mưu gồm: 2 Phó Giám đốc Công ty Pháp Việt là Trần Văn Châu (SN 1980) và Hồ Quốc Hùng (SN 1987, cùng ngụ TP.HCM), các trưởng phòng, nhóm trưởng chuyên đòi nợ thuê của Công ty luật Pháp Việt để điều tra về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.
Các bị can khác trong vụ án bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Công an tỉnh Tiền Giang xác định có hơn 400 người liên quan, trong đó khoảng 200 người là nhân viên Công ty luật Pháp Việt liên quan đến hành vi cưỡng đoạt tài sản. Lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra những người còn lại bao gồm nhân viên cũ đã nghỉ việc hoặc có liên quan đến hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Ngoài Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng làm Phó Giám đốc, Công ty luật Pháp Việt cũng thuê bà Lê Thị Tuyết (SN 1985, ngụ TP.HCM) làm Giám đốc.
Nhóm người đứng đầu doanh nghiệp không có văn bằng chuyên ngành luật. Họ hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa trợ giúp pháp lý. Thực tế, Công ty luật Pháp Việt không có chức năng nhận hợp đồng đòi nợ thuê.
Theo thống kê sơ bộ của Cơ quan tố tụng hình sự tỉnh Tiền Giang, vụ án này có hơn 3.000 người ở khắp cả nước là nạn nhân. Số tiền các nhân viên Công ty luật Pháp Việt cưỡng đoạt là hơn 1.000 tỷ đồng. Công ty Luật TNHH Pháp Việt được hưởng lợi từ 24% đến 35% trên số tiền đòi được.
Như đã đưa tin trước đó, vào lúc 10h ngày 14/2, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) và Công an TP.HCM phá chuyên án, triệu tập nhiều người là lãnh đạo, nhân viên Công ty luật TNHH Pháp Việt để điều tra.
Khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty luật Pháp Việt, lực lượng chức năng thu giữ nhiều tang vật gồm: 233 CPU máy tính bàn, 4 laptop, trên 300 điện thoại di động và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động cưỡng đoạt tài sản. Triệu tập làm việc 133 người có liên quan, công an phát hiện nhiều dữ liệu điện tử, tin nhắn có nội dung liên quan đến việc đòi nợ thuê.
Theo tài liệu thu thập, Công ty Luật TNHH Pháp Việt ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với 6 ngân hàng và công ty tài chính. Khi nhận thông tin về nợ xấu của khách hàng từ các ngân hàng và công ty tài chính, Châu và Hùng phân chia cho các trưởng phòng, các trưởng phòng phân chia cho các nhóm trưởng để giao cho những thành viên trong nhóm.
Trung bình mỗi tháng, công ty nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính từ 141.000 – 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng chưa trả.
Công ty phân chia số hợp đồng này cho các nhân viên đòi nợ bằng cách đe dọa giết vợ, con, người thân, ghép hình tung lên mạng nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa cho mất việc làm, thậm chí đem quan tài, bình gas, xăng dọa cho nổ tung cơ quan, nhà, để buộc người vay trả nợ.
Ngọc Mai