Cựu nhân viên truyền thông: Chánh án ở Bắc Kinh chết thảm trong trường đua ngựa

Ông Trần Lập Như bị buộc tội chấp pháp nhưng lại phạm pháp, đùa giỡn với pháp luật và chà đạp nhân quyền. (Ảnh: Internet)

Theo truyền thông Đại Lục đưa tin, ông Trần Lập Như, Chánh án Tòa án quận Tây Thành Bắc Kinh, qua đời vì bạo bệnh vào ngày 15/8, hưởng dương 50 tuổi. Tuy nhiên, ông Triệu Lan Kiện, một cựu nhân viên truyền thông Đại Lục, tiết lộ với Vision Times rằng kỳ thực ông Trần Lập Như đã bị ngã ngựa chết trong trường đua ngựa.

Ông Triệu Lan Kiện đã viết trên Twitter rằng ông Trần Lập Như, Chánh án kiêm Thư ký của Tòa án quận Tây Thành Bắc Kinh, không chết vì bệnh tật, mà chết vì bị ngã ngựa. Ông ấy mới 50 tuổi, đang hưởng vinh hoa phú quý và nhiều đặc quyền.

Có thông tin cho biết, mấy ngày trước ông Trần Lập Như đã cưỡi ngựa ở Nội Mông. Sau khi bị ngã, ông bị ngựa kéo đi một quãng đường dài, bị thương nặng và tử vong sau khi giải cứu không thành công. Ông trở thành trường hợp hiếm hoi về một chánh án tòa án “chết vì cưỡi ngựa” và “chết trong sự đau đớn”.

Ông Triệu Lan Kiện cũng cho biết, vụ việc đã gây chấn động trong giới tư pháp Bắc Kinh và những người bạn cưỡi ngựa của ông, nhưng chính quyền đã giữ bí mật. Thông báo chính thức không tiết lộ nguyên nhân thực sự của cái chết.

Ông Triệu Lan Kiện nói với Vision Times rằng bản thân ông là một người vô thần, nhưng cái chết của Chánh án Trần Lập Như đã khiến ông phải suy ngẫm.

Ông cho biết tham nhũng tư pháp ở Trung Quốc đặc biệt nghiêm trọng, có thể được giải thích từ hai khía cạnh:

Thứ nhất là nhiều bạn học của ông làm việc trong bộ công an, kiểm sát và tòa án, hầu hết đều đã là triệu phú khi còn ở độ tuổi của ông. Chỉ cần làm việc trong hệ thống công an, kiểm sát và tòa án, ai cũng đều sở hữu rất nhiều tài sản, nhà ở cao cấp, và có rất nhiều nhà.

Mặt khác, ông từng trải qua một vụ kiện tụng và cá nhân ông cũng cảm nhận được sự tham nhũng của ngành tư pháp.

Ông từng đồng sáng lập công ty với Tịch Thù, một nhà thư pháp nổi tiếng người Trung Quốc. Khi ông không ở Trung Quốc, ông Tịch Thù đã chuyển nhượng tài sản của công ty, mỗi ngày 50.000 nhân dân tệ (khoảng 6.866 USD).

Gần 10 triệu tệ (khoảng 1,37 triệu USD) tài sản của ông đã bị lấy đi, tất cả đều là tiền mặt của công ty. Cuối cùng họ chỉ đưa cho ông hơn 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 137.000 USD).

Một triệu nhân dân tệ là sau khi tòa tuyên bố ông thắng kiện và bồi thường cho ông hơn 1 triệu nhân dân tệ. Một tranh chấp dân sự thông thường rõ ràng và đơn giản như vậy vốn có thể được xét xử rất nhanh chóng ở các quốc gia khác, nhưng ở Bắc Kinh ông đã phải đấu tranh suốt 14 năm và quá trình này rất vất vả.

Vì sao vụ kiện này lại mất nhiều thời gian như vậy? Cuộc đời có bao nhiêu 14 năm? Vì ông Tịch Thù có 3 thân phận chính trị, gồm Ủy viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Toàn quốc, Ủy viên Ủy ban Thanh niên Quốc gia, kiêm Ủy viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị tỉnh Giang Tây.

Ông Tịch Thù đã nhờ vả nhiều mối liên hệ hòng thoát tội, cộng thêm thân phận là Hội nghị Hiệp thương Chính trị Toàn quốc nên nhiều thẩm phán của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không dám tuyên án cho ông ấy thua kiện.

Đây là hiện trạng của nền tư pháp Trung Quốc. Không một thẩm phán nào còn trong sạch. Ông nghĩ vì vậy, vị chánh án tòa án này mới bị giẫm chết trước mặt mọi người một cách thê thảm như vậy ngay khi đang cưỡi ngựa trong trường đua ngựa.

Mặc dù bản thân là một người vô thần, nhưng ông Triệu Lan Kiện cũng nghĩ rằng đây chẳng phải là Trời đang trách phạt vì hành ác hay sao, cuối cùng phải chết trong trường đua ngựa khi còn rất trẻ.

Vì vậy ông nghĩ con người phải vững tin vào một điều gì đó, không được hành ác, nếu làm điều xấu, sớm muộn gì vận rủi cũng sẽ đến.

Theo Tiến sĩ Vương Hữu Quần, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Trần Lập Như là một người tàn nhẫn, chấp pháp nhưng lại phạm pháp, đùa giỡn với pháp luật và chà đạp nhân quyền.

Đặc biệt là trong thời gian làm Chánh án tòa án, ông ta đã nhiều lần kết án phi pháp đối với các học viên Pháp Luân Công và tống tiền họ.

Kết quả là ông ấy đã 4 lần bị “Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc Đàn áp Pháp Luân Công” (WOIPFG) đưa vào danh sách những kẻ bức hại.

Thông báo của WOIPFG chỉ ra rằng kể từ tháng 7/1999, Cục Công an, Viện Kiểm sát, Bộ Tư pháp Bắc Kinh cùng hệ thống “Phòng 610” phi pháp đã tiến hành cuộc đàn áp diệt chủng đối với các học viên Pháp Luân Công, bắt cóc, giam giữ, tra tấn và kết án phi pháp, khiến nhiều học viên Pháp Luân Công bị thương, tàn tật và tử vong.

Bình Minh

Related posts