Việt Nam và nhiều nước phản đối “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” của Trung Quốc

Trước việc Trung Quốc tung ra “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo. (Ảnh: vov.vn)

Trước việc Trung Quốc tung ra “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo.

Tuyên bố trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đưa ra tối ngày 31/8.

Theo bà Hằng, việc Trung Quốc đưa ra “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” và việc thể hiện yêu sách đường đứt đoạn của Trung Quốc là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Do đó, yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

“Một lần nữa, Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn”, bà Hằng nhấn mạnh.

Trước đó vào hôm 28/8, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc phát hành bản đồ mới của Trung Quốc, thể hiện tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với toàn bộ Biển Đông. Bao gồm vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; vùng biển ngoài khơi đảo Borneo của Malaysia; khu vực tranh chấp ở biên giới phía nam với Ấn Độ và toàn bộ đảo Bolshoy Ussuriysky…

Sau đó, Ấn Độ đã đưa ra phản đối thông qua các kênh ngoại giao và gửi công hàm phản đối về bản đồ trên của Trung Quốc.

Về phía Malaysia, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố bản đồ trên không có hiệu lực ràng buộc với Malaysia. Đồng thời, Malaysia không công nhận các tuyên bố ở Biển Đông theo “bản đồ tiêu chuẩn 2023” của Trung Quốc.

Philippines vào ngày 31/8 lên tiếng kêu gọi Trung Quốc “hành xử một cách có trách nhiệm và tuân thủ cam kết” theo luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế ở La Haye năm 2016 về đường đứt khúc chín đoạn mà Bắc Kinh tự vạch ra ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố “nỗ lực mới nhất nhằm hợp pháp hóa chủ quyền và quyền tài phán của Bắc Kinh đối với những thực thể và vùng biển thuộc Philippines không có căn cứ theo luật pháp quốc tế”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đài Loan, Jeff Liu, cũng khẳng định lại Đài Loan “hoàn toàn không phải là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Dù Chính phủ Bắc Kinh xoay chuyển thế nào về quan điểm đối với chủ quyền Đài Loan, thực tế khách quan về sự hiện hữu của đất nước Đài Loan vẫn không thể thay đổi.”

Minh Long

Related posts