Tin thế giới tối Chủ Nhật: Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ gặp nhau vào tuần tới ở Sochi

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ gặp nhau vào tuần tới ở Sochi

Liên Thành

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. (Ảnh:Sputnik).

Ngày 1/9, Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Putin sẽ tiếp đón nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho các cuộc hội đàm diễn ra vào tuần tới. 

Thông báo được đưa ra sau hơn sáu tuần kể từ khi Nga rút khỏi một thỏa thuận ngũ cốc do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp quốc làm trung gian, cho phép ngũ cốc Ukraina tiếp cận thị trường thế giới thông qua hành lang an toàn trên Biển Đen. 

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, ông Putin và ông Erdogan sẽ gặp nhau vào thứ Hai (ngày 4/9) tại khu nghỉ dưỡng Sochi ở Biển Đen của Nga.

Thông báo đã chấm dứt nhiều tuần suy đoán về thời gian và địa điểm hai nhà lãnh đạo có thể gặp nhau trong cuộc gặp tới đây. 

Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo này thu hút sự quan tâm vì nó diễn ra trong bối cảnh các nỗ lực quốc tế tiếp tục cố gắng hoàn thiện Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, nhằm chuyển lương thực đến các khu vực đang đối mặt với nạn đói ở châu Phi, Trung Đông và châu Á.

Theo sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, gần 33.000 tấn ngũ cốc đã rời Ukraina trong giai đoạn thỏa thuận có hiệu lực. Cho đến nay, Ankara đã giữ vai trò then chốt trong thỏa thuận này.

Theo hãng tin AP, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã gửi cho Nga một đề xuất mới với hy vọng khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Tuy nhiên, đề xuất mới này không  không đáp ứng được yêu cầu của Mát-xcơ-va. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết điều này khi tiếp đón người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tới hội đàm tại thủ đô Nga vào hôm thứ Năm.

Ông Lavrov cho biết, ông đã đưa cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ một danh sách các hành động mà phương Tây sẽ phải thực hiện để hoạt động xuất khẩu từ Biển Đen của Ukraina được nối lại. 

Dự kiến, các cuộc đàm phán sắp tới giữa ông Putin và ông Erdogan có thể giúp tháo gỡ rào cản này.

Hôm thứ Sáu, trong khi Nga thông báo về cuộc họp sắp tới, tại Ukraina, hai tàu chở hàng đã xuất phát từ thành phố cảng Yuzhne của nước này.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraina Oleksandr Kubrakov cho biết tàu Anna-Theresa treo cờ Liberia và tàu Ocean Courtesy treo cờ Quần đảo Marshall đã khởi hành, mang theo gang và quặng sắt cô đặc.

Hiện chưa rõ các con tàu này đã ra khơi trong điều kiện pháp lý và an ninh nào.

Ukraina tuyên bố có thể đánh sâu 1,500 km vào bên trong nước Nga

Liên Thành

Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga tại căn cứ không quân Soltsy ở tỉnh Novgorod của Nga bị thiêu rụi sau cuộc tấn công của Ukraine ngày 19/ 8. (Ảnh: Unian TG channel).

Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraina, ông Oleksiy Danilov tuyên bố rằng, việc tiếp cận các mục tiêu ở khoảng cách sâu 1.500 km bên trong lãnh thổ Nga không còn là vấn đề nữa, vì Ukraina đã thử nghiệm thành công máy bay không người lái và tên lửa sản xuất trong nước.

Ông Danilov tuyên bố trên Đài phát thanh Ukraina: “Quốc tịch của vũ khí được sử dụng trên lãnh thổ Liên bang Nga là từ Ukraina. Hai hướng chiến lược đã được phát triển trong cùng một khoảng thời gian và đó là  chương trình tên lửa và máy bay không người lái”.

Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraina cho biết, chương trình tên lửa này đã được phát triển từ năm 2020, mặc dù từ năm 2015 Ukraina đã phát triển tên lửa đạn đạo Hrim của riêng mình với tầm bắn 1.000 km. 

Các tên lửa đã được chuẩn bị nhưng chưa được thử nghiệm và hoàn thiện đầy đủ khi chiến tranh bắt đầu, đặc biệt là do vấn đề kinh phí trong năm 2020-2021. Và Chương trình có lẽ đã được đẩy nhanh vào năm 2022-2023.

Về máy bay không người lái, Danilov cho biết, chúng ngày nay được triển khai rất mạnh mẽ ở Ukraina với sự tham gia của một số lượng lớn các công ty tư nhân. Và tất cả điều này sẽ mang lại kết quả … “

Ông Danilov nhấn mạnh, Ukraina không tấn công các mục tiêu dân sự của Liên bang Nga, Ông nói: “ Chúng tôi tấn công các nhà máy hoặc cơ sở sản xuất linh kiện quân sự, thứ có thể giết chết con em chúng tôi. Chúng tôi phải chấm dứt điều này”.

Đáng chú ý, liên quan đến một số nhà máy lọc dầu và các vật dụng khác thường xuyên bốc cháy hoặc bị trúng đạn ở Nga, ông Danilov cho rằng đây là hành động của các đảng phái Nga, những người mà Ukraina không kiểm soát.

Về khoảng cách mà quân Ukraina có thể tấn công các vật thể, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraina cho biết, ngay cả với khoảng cách 700 và thậm chí 1.000 hay 1.500 km sẽ không còn là vấn đề.

Ông Danilov nói thêm, đã có một số lượng rất lớn những người có chuyên môn đã tham gia làm công việc này, và tất cả những điều đó là nhằm mục đích bảo vệ đất nước.

Nga cảnh cáo công ty Anh về ý định xây dựng nhà máy sản xuất vũ khí ở Ukraina

Liên Thành

Lực lượng vũ trang Ukraine huấn luyện với súng hạng nhẹ L119 do hệ thống BAE chế tạo (ảnh: thenationalnews).

Điện Kremlin đã đưa ra cảnh báo dành cho BAE Systems – một công ty sản xuất vũ khí đến từ Anh rằng, cơ sở sản xuất pháo binh hạng nhẹ mới của họ xây dựng ở Ukraina sẽ là mục tiêu cho cuộc tấn công của quân đội Nga sắp tới.

Công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ của Anh – BAE Systems, tuần này vừa thông báo rằng họ đang thiết lập cơ sở sản xuất ở Ukraina và đã ký các thỏa thuận hỗ trợ chiến tranh của Kyiv.

Tuy nhiên, chính quyền Mát Xcơ Va cho biết căn cứ của nhà sản xuất này sẽ bị lực lượng của họ tấn công có dấu hiệu sản xuất vũ khí dùng để chống lại quân đội Nga.

Khi được hỏi về động thái này, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết: “Tất nhiên, bất kỳ cơ sở sản xuất vũ khí nào, đặc biệt nếu những vũ khí này bắn vào chúng tôi, chúng sẽ trở thành đối tượng được quân đội chúng tôi đặc biệt chú ý”.

Ông Peskov cho biết động thái này sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình xung đột hoặc góp phần giảm bớt tình trạng thù địch.

BAE Systems, công ty quốc phòng lớn nhất của Anh, hôm thứ Năm cho biết họ đã thành lập một đơn vị ở Ukraina và ký các thỏa thuận với chính phủ để tăng cường cung cấp vũ khí và thiết bị cho Kyiv.

Công ty được cho là vẫn chưa chính thức mở nhà máy hoặc văn phòng ở Ukraina nhưng họ đang giai đoạn lên kế hoạch cho sự kiện này.

Tuy nhiên, tổng thống Volodymyr Zelensky đã chính công bố thỏa thuận này sau cuộc gặp được cho là “rất hiệu quả” với giám đốc điều hành của BAE là Charles Woodburn.

Ông viết trên Twitter: “Những loại vũ khí tốt nhất hiện đang giúp các chiến binh của chúng ta bảo vệ Ukraina nên được sản xuất tại Ukraina”.

Ông cho biết thêm: “Việc phát triển sản xuất vũ khí của chúng tôi là ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt là pháo binh – hệ thống L119 và M777, xe bọc thép – CV90 mạnh mẽ. Đây là những vũ khí của BAE Systems, công ty đang bắt đầu hoạt động ở Ukraina”.

Về phía BAE, họ cho biết động thái này sẽ cho phép họ hợp tác trực tiếp với Kyiv để tìm kiếm các đối tác tiềm năng cho kế hoạch sản xuất súng hạng nhẹ 105mm, một loại pháo được sử dụng ở Ukraina và hiểu rõ hơn các yêu cầu phòng thủ của nước này.

Phái đoàn Quốc hội Mỹ thăm Đài Loan

Liên Thành

Phái đoàn Quốc hội Mỹ thăm Đài Loan (Ảnh: CNA).

Một phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ đã đến Đài Loan vào ngày 31/8, để gặp các nhà lãnh đạo cấp cao của Đài Loan.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, Dân biểu Rob Wittman, dẫn đầu phái đoàn gồm ba người.

Phái đoàn sẽ đến thăm Đài Loan từ ngày 31/8 đến ngày 2/9. Chuyến thăm như một phần rộng hơn của Mỹ tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Lin Yu-chan (林聿禪), Tổng thống Thái Anh Văn (蔡英文) đã hoan nghênh sự đến của phái đoàn vào tối thứ Năm.

Theo CNA , cả ba thành viên trong phái đoàn đã gặp bà Thái tại Văn phòng Tổng thống vào sáng thứ Sáu (1/9). Phái đoàn Hoa Kỳ cũng sẽ gặp các quan chức cấp cao khác của Đài Loan để thảo luận về quan hệ Mỹ-Đài Loan, an ninh khu vực, thương mại và đầu tư cũng như các vấn đề quan trọng khác mà hai bên cùng quan tâm.

‘Oanh tạc cơ’ Tu-160 được Nga điều động tới căn cứ chỉ cách Phần Lan 150km

Liên Thành

Oanh tạc cơ Tu-160 của Nga. (Ảnh chụp màn hình video).

Tờ Ilta-Sanomat của Phần Lan cho biết, Nga đã điều phi đội máy bay ném bom tới căn cứ không quân Olenya trên bán đảo Kola.

Theo thông tin, quyết định này được đưa ra nhằm bảo vệ máy bay ném bom chiến lược khỏi máy bay không người lái của Ukraina.

Được biết Olenya, nằm cách Phần Lan chỉ 150km, đã trở thành một trong những căn cứ không quân quan trọng ở Nga.

Tupolev Tu-160, máy bay mang biệt danh “Thiên nga trắng” nhờ màu sơn đặc trưng, được phát triển và biên chế vào Trung đoàn máy bay ném bom Hạng nặng số 184 thuộc không quân Liên Xô từ đầu năm 1984, đóng quân tại sân bay Pryluky ở Ukraina, khi đó vẫn là nước cộng hòa trực thuộc Liên Xô.

Trải qua gần 40 năm vận hành, đây vẫn là máy bay ném bom siêu thanh có sải cánh và khối lượng rỗng lớn nhất, tốc độ cao nhất từng được chế tạo, đồng thời là loại máy bay chiến đấu to và nặng nhất thế giới.

Tu-160 được trang bị 4 động cơ Kuznetsov NK-32, loại động cơ turbine phản lực cánh quạt lớn và mạnh nhất từng được lắp trên máy bay quân sự.

Máy bay Tu-160 có thể thực hiện đòn tấn công bằng bom thông thường, nhưng nhiệm vụ chính và quan trọng nhất khi nó được phát triển vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh vẫn là áp sát không phận Bắc Mỹ để phóng tên lửa hành trình tầm xa khi nổ ra chiến tranh hạt nhân.

Hướng tiếp cận phù hợp nhất là bay qua Bắc Cực, trong đó những chiếc Tu-160 phải tránh được lưới radar cảnh giới đa tầng và tiêm kích đánh chặn của Mỹ, Canada.

Viện thiết kế Tupolev đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm diện tích phản xạ radar của Tu-160, khiến nó có độ bộc lộc radar chỉ tương đương tiêm kích hạng nặng F-15.

Cảm biến chiếu xạ radar sẽ báo động khi Tu-160 bị radar đối phương bám bắt. Tổ bay khi đó sẽ kích hoạt hệ thống gây nhiễu và bật chế độ tăng lực động cơ, cho phép oanh tạc cơ bay nhanh gấp hai lần âm thanh để rút ngắn thời gian tiếp cận và tránh bị đánh chặn.

Vũ khí chủ lực của Tu-160 là 12 tên lửa hành trình tầm xa Kh-55 gắn trên hai bệ phóng dạng ổ xoay trong thân, mỗi quả mang đầu đạn hạt nhân với sức mạnh tương đương 250.000 tấn thuốc nổ TNT.

Tên lửa Kh-55 có thể bay bám mặt đất ở độ cao chỉ 100 m, tiếp cận mục tiêu được lập trình trước từ khoảng cách tới 2.500 km nhờ hệ thống dẫn đường quán tính và khớp địa hình.

Trong nhiệm vụ tập kích nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ, Tu-160 có thể khai hỏa tới 24 tên lửa đạn đạo diệt hạm Kh-15 với tầm bắn 300km.

Ngoài đầu đạn thông thường chúng còn có thể trang bị đầu đạn hạt nhân, đạt tốc độ tối đa gấp 5 lần âm thanh khi lao xuống mục tiêu, được dẫn đường bằng radar chủ động hoặc đầu dò thụ động chuyên bám theo tín hiệu radar đối phương.

Phi đội Tu-160 từng lập kỷ lục về thời gian làm nhiệm vụ với chuyến bay không nghỉ dài 25 tiếng, vượt quãng đường gần 20.000 km hồi năm 2020.

Nga cũng nhiều lần điều biên đội Tu-160 đến Venezuela, Nicaragua, Nam Phi và tuần tra gần bang Alaska của Mỹ.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đã cung cấp khả năng tái lập trình mục tiêu cho Kh-101 trong khi bay, giúp phi công cập nhật mục tiêu mới ngay cả khi tên lửa đã phóng đi.

Sau khi nhận ra dự án PAK-DA ngày càng thiếu khả thi do tiến độ chậm trễ và thiếu ngân sách, Bộ Quốc phòng Nga vào năm 2015 đã quyết định khởi động lại dây chuyền chế tạo mới dòng Tu-160.

Không quân Nga cũng đang tích cực hiện đại hóa những chiếc Tu-160 nguyên gốc lên phiên bản Tu-160M.

Quỹ Nobel bị chỉ trích vì mời đại sứ Nga và Belarus đến dự tiệc

Liên Thành

Đại tiệc Nobel năm 2022. (Ảnh: Jonas Ekströmer).

Theo Aftonbladet, các chính trị gia Thụy Điển chỉ trích Quỹ Nobel vì quyết định mời đại sứ Nga và Belarus tới dự tiệc trao giải Nobel ở Stockholm năm nay và cân nhắc tẩy chay buổi lễ.

Lãnh đạo Đảng Tự do Thụy Điển, Carl Johan Georg Pehrson, tuyên bố rằng ông “sẽ không ngồi và nâng cốc chúc mừng đại sứ Nga trong khi hành động gây hấn đẫm máu và kinh tởm của Putin ở Ukraina vẫn tiếp tục”.

Muharrem Demirok, lãnh đạo Đảng Trung tâm, cho biết ông sẽ kiêng tham dự bữa tiệc trao giải Nobel nếu biết có đại sứ Nga ở đó.

Lãnh đạo Đảng cánh tả Thụy Điển, Nooshi Dadgostar, cũng nói rằng bà sẽ không đến dự tiệc Nobel nếu mời đại sứ Nga đến dự. Bà Dadgostar nói: Không thể chấp nhận được việc ở cùng một quan chức Nga “trong khi bom đang rơi xuống Ukraina”.

Magdalena Andersson, một lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển – một đảng chính trị lớn nhất Thụy Điển không trực thuộc chính phủ, cũng chỉ trích Quỹ Nobel về quyết định mời đại sứ Nga tới dự tiệc trao giải Nobel.

Magdalena Andersson nói: “Quỹ Nobel nên xem xét nghiêm túc ý nghĩa của việc mời đại diện của một chế độ đang tiến hành cuộc chiến tàn khốc và bất hợp pháp ở Ukraina và cũng đang đe dọa Thụy Điển”.

Về phần mình Thủ tướng Thụy Điển, Ulf Kristersson cũng đưa ra lời chỉ trích Quỹ Nobel về việc mời đại sứ Nga và nói rằng ông rất ngạc nhiên khi biết về lời mời.

Những phản ứng này xảy ra trong bối cảnh, vào hồi đầu tuần Quỹ Nobel đã công bố ý định mời các nhà ngoại giao Nga và Belarus tham dự lễ trao giải Nobel ở Stockholm.

Vào năm 2022, đại diện của Belarus và Nga được biết cũng đã không được mời dự tiệc Nobel.

Trung Quốc: Máy dò bức xạ hạt nhân cháy hàng, nước biển đặt tiêu chuẩn, nhưng trong nhà lại vượt gần nghìn lần

Tạ Linh

Nước xử lý hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản khiến người Trung Quốc hoảng sợ, để phát hiện bức xạ hạt nhân trong nước biển có vượt quá tiêu chuẩn hay không, các máy dò đã được bán hết, cuối cùng người ta phát hiện ra rằng bức xạ hạt nhân trong chính ngôi nhà của họ đã vượt quá tiêu chuẩn gần một nghìn lần. (Ảnh: AP).

Nhật Bản gần đây bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima, gây hoang mang rộng rãi trong người dân Trung Quốc, lúc đầu người dân điên cuồng mua muối dự trữ, sau đó không dám ăn hải sản, giờ lại tranh nhau mua máy dò phóng xạ hạt nhân đến cháy hàng.  Tuy nhiên, thật bất ngờ, người ta không những không phát hiện ra bức xạ hạt nhân trong nước biển vượt tiêu chuẩn, mà ngược lại phát hiện bức xạ hạt nhân trong nhà của chính mình đã vượt quá tiêu chuẩn gần một nghìn lần.

Một số học giả cho rằng, bức xạ hạt nhân của vật liệu xây dựng của Trung Quốc nhìn chung đã vượt quá tiêu chuẩn; đối với việc xả nước thải Fukushima ra biển khiến người dân Trung Quốc hoảng sợ, các học giả khác cho rằng, điều này không đáng lo ngại, vì nước thải đã được qua xử lý.

Theo Newstalk, một cư dân mạng Trung Quốc đăng trên mạng xã hội rằng, anh ta đã sử dụng máy đếm Geiger – một dụng cụ điện tử dùng để phát hiện và đo bức xạ ion hóa để đo bức xạ hạt nhân tại nhà mình và phát hiện ra rằng, giá trị bức xạ thực sự cao gấp 976 lần so với con số từ nước của Tokyo, Nhật Bản.

Bài đăng cho biết, giá trị bức xạ trong nhà anh ta còn cao hơn bức xạ của nước thải nhà máy Fukushima 3.0, thỉnh thoảng tăng tới 9,7, anh nói rằng giá trị này “thực sự khiến bản thân choáng váng!”

Cư dân mạng này chỉ ra rằng, theo dữ liệu từ Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, giá trị nước thải hạt nhân do Nhật Bản thải ra ở Tokyo là 0,01, còn dữ liệu của nhà anh ta cao gấp 976 lần so với nước thải ở Tokyo. Người này nói, máy đếm Geiger mua được nửa năm, không ngờ ngay khi vừa đo ở nhà đã phát nổ. Hiện tại đầu anh ta đang rất đau và muốn biết đây là hiện tượng phổ biến hay hiện tượng cá biệt.

Bài đăng đã được chụp màn hình và lan truyền rộng rãi trong cộng đồng mạng Trung Quốc.

Theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc như The Paper và Tin tức Cửu Phái, máy dò bức xạ hạt nhân, một sản phẩm không được ưa chuộng với đơn giá từ 350 đến 500 nhân dân tệ, đã trở thành cơn sốt ngay lập tức sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước đã qua xử lý hạt nhân vào ngày 24 tháng 8. Theo mua sắm trực tuyến, số liệu tìm kiếm nóng cho thấy lượng tìm kiếm “máy dò bức xạ hạt nhân” đã tăng 232% so với một tuần trước.

Chỉ chưa đầy một tuần, máy dò bức xạ hạt nhân ở Trung Quốc nhanh chóng cháy hàng. Kể từ tháng 8, doanh số bán hàng của một số nhà sản xuất đã vượt quá 10.000 chiếc, gấp nhiều lần doanh số hàng tháng trước đó. Một số nền tảng bán hàng cho thấy có hàng chục nghìn đơn đặt hàng máy dò bức xạ hạt nhân vẫn chưa được xử lý.

Theo báo cáo của Tian’mu News, những người Trung Quốc đã mua thành công máy dò bức xạ hạt nhân đều nóng lòng muốn đo xung quanh môi trường của họ ngay khi nhận được hàng. Đúng như kết quả mà cư dân mạng Trung Quốc nói trên thu được, nơi có lượng phóng xạ hạt nhân cao nhất thực chất lại chính là nhà của mình.

Báo cáo dẫn lời một phụ nữ họ Hạ đến từ một thành phố ven biển ở tỉnh Chiết Giang cho biết, cô lấy máy dò bức xạ ra ngoài trời để đo thì hiển thị mức độ bức xạ ở mức 0,06 đến 0,08  Sievert (Si-vờ) /giờ, nhưng khi cô mang về nhà đo thì mức phóng xạ đã tăng lên 0,1 đến 0,2 Sievert/giờ. Trong đó, giá trị bức xạ trong nhà vệ sinh và phòng ngủ là cao nhất.

Theo báo cáo, nhiều người Trung Quốc đã khoe số đo bức xạ hạt nhân của họ ở trên mạng và hầu hết trong số đó là khoảng 0,1 Sievert (Si-vờ) /giờ, tương tự với những gì cô Hạ đo được. Do đó, một số người nghi ngờ rằng những bức xạ hạt nhân này đến từ vật liệu xây dựng, trong đó gạch men và đá cẩm thạch có mức độ bức xạ rất cao.

Một số cư dân mạng Trung Quốc cho rằng, nếu trong tương lai họ muốn lắp đặt nội thất, chắc hẳn ai cũng sẽ có một chiếc máy dò để tự mình phát hiện mức độ phóng xạ của vật liệu xây dựng’.

Về điều này, ông Thẩm Vinh Khâm (沈荣钦), phó giáo sư tại Đại học York ở Canada chỉ ra rằng, vật liệu xây dựng của Trung Quốc nhìn chung có vấn đề về bức xạ hạt nhân quá mức, điều này đã khiến nhiều người dân Trung Quốc bị sốc, người dân ở các thành phố khác cũng đo theo, bước đầu cho thấy tình trạng ô nhiễm phóng xạ trong các tòa nhà Trung Quốc không phải là hiếm, người dân bắt đầu phàn nàn về các nhà phát triển bất động sản, đồng thời họ cũng nghi ngờ liệu có sự thông đồng nào giữa chính phủ và doanh nghiệp hay không.

Ông Thẩm tin rằng cuộc khủng hoảng tài chính từ Tập đoàn Hằng Đại và Bích Quế Viên đến SOHO đã làm vỡ bong bóng bất động sản ở Trung Quốc, giờ đây mọi người nhận thấy rằng ô nhiễm phóng xạ hạt nhân không đến từ biển mà đến từ các gia đình và văn phòng, và họ bị phơi nhiễm quá mức ô nhiễm hạt nhân mỗi ngày. Phát hiện này tương đương với việc gây thêm tổn thương cho thị trường bất động sản đang suy thoái và khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn.

Một bài báo đăng trên tạp chí “The Conversation” của Nigel Marks, phó giáo sư vật lý tại Đại học Công nghệ Curtin ở Úc và các chuyên gia khác, đã chỉ ra rằng, bức xạ thực sự có ở khắp mọi nơi và đã có khoảng 8,4 kg tritium trong nước biển của Thái Bình Dương. Nếu so sánh, thì tổng lượng tritium trong nước thải từ nhà máy Fukushima nhỏ hơn nhiều, khoảng 3 gram.

Phó giáo sư Marks nói thẳng rằng, xả nước thải Fukushima ra biển sẽ không “giết chết” Thái Bình Dương.

Related posts