Lê Học Lãnh Vân
Ngành Ecology, tiếng Việt gọi là Sinh môi học, nghiên cứu mối quan hệ giữa Sinh vật với Môi trường, bao gồm sinh vật với sinh vật và với môi trường sống trên một vùng địa lý nhất định.
Trong Sinh Môi học người ta chia ra năm cấp độ nghiên cứu, gồm có Sinh vật (Organism), Dân cư (Population), Quần thể (Community), Hệ sinh thái (Ecosystem) và Sinh quyển (Biosphere). Tương ứng với từng cấp độ, các nhà sinh môi học có các nhánh nghiên cứu Sinh môi học Sinh vật, Sinh môi học Dân cư, Sinh môi học Quần thể, Sinh môi học Hệ Sinh thái, Sinh môi học Sinh quyển.
Sinh môi học dùng kiến thức của nhiều ngành khác nhau, ít nhất gồm các ngành sinh lý học, sinh hóa học, động vật học, thực vật học, vi sinh học, sinh học tập tính, tiến hóa học, thổ nhưỡng, hóa học, vật lý học…
Ngành Sinh môi học có tính tổng hợp và phức tạp cao như vậy có mục tiêu gì?
Mục tiêu chính của Sinh môi học là hiểu về mối quan hệ cùng sự phân bố các điều kiện, thành phần sống (sinh vật đủ loài) và không sống (đất đá, khí hậu…) của môi trường. Hiểu để vận dụng vào cuộc sống của sinh vật, trong đó chính yếu là của nhân loại, sao cho có lợi mà vẫn giữ sự vận hành liên tục của hệ thống sinh môi, không phá vỡ hệ thống đó. Kiến thức sinh môi học cho con người biết tầm quan trọng của sự giữ gìn, bảo toàn hệ thống sinh môi có tính sống còn tới sự tồn tại của nhân loại.
Theo báo VnExpress ngày 07/9/2023, “Tỉnh Bình Thuận chuẩn bị khai thác khu rừng tự nhiên hơn 600 ha ở xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) để làm hồ chứa nước phát triển kinh tế xã hội”, và “Trong 600 ha rừng tự nhiên ở xã Mỹ Thuận có 137 ha rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên ở Núi Ông”. (https://vnexpress.net/khu-rung-hon-600-ha-sap-chuyen-thanh-ho-thuy-loi-4648600.html) (*). Bài viết này xin hiểu “rừng tự nhiên” trong bài báo đó là rừng nguyên sinh.
Dự án này cho biết sẽ tìm nơi khác trồng lại lại rừng mới. Tôi không biết các nhà quy hoạch có biết sự khác biệt giữa rừng nguyên sinh với rừng trồng mới, rừng thứ phát không?
Rừng nguyên sinh, về mặt sinh môi học, được định nghĩa là rừng chưa từng bị sự can thiệp bởi con người hay sự can thiệp rất nhỏ không đáng kể trong quá trình tạo lập. Nghĩa là khu rừng còn nguyên từ thời nó được tạo ra từ hàng chục ngàn năm hay thậm chí hàng triệu hay hàng chục triệu năm trước! Sự thành lập bắt đầu từ các sinh vật tự dưỡng, nghĩa là các sinh vật có thể sống bằng khoáng và nước, chịu đựng điều kiện thời tiết và dưỡng chất khắc nghiệt. Đá núi bị phân hóa dần dưới hoạt động sống. Xác của lớp sinh vật này là dưỡng chất cho các sinh vật kia. Dần dần mới tới các loại rêu khác, cây cỏ rồi các loại thực vật làm thức ăn cho nấm mốc, động vật…
Quá trình thành lập và tồn tại lâu như vậy khiến quần thể sáu trăm héc-ta rừng nguyên sinh tạo dựng nên một hệ sinh vật rất phong phú cùng vô vàn mối tương tác sống cân bằng trong hệ thống mạng lưới thức ăn rất, rất tế nhị, vô cùng hiệu quả. Hệ thống tập tính sinh vật cũng được hình thành do tiến hóa dưới áp lực chọn lọc tự nhiên hàng trăm ngàn, hàng triệu năm! Sự tiến hóa không chỉ khiến các sinh vật thích nghi lẫn nhau mà còn khiến quần thể sinh vật thích nghi với điều kiện thổ những, khí hậu… Hệ thống sinh vật đó rất cân bằng nên cực kỳ bền vững, khó có biến đổi tự nhiên tự nhiên nào lay chuyển được. Động đất không tiêu hủy được 600 héc-ta rừng, sạt lở càng không thể. Với năm tháng, giá trị khu rừng càng được tích tụ. Đó là vốn bền vững, rất quý mà thiên nhiên bền bỉ tạo lập và ông cha để dành cho chúng ta. Khu rừng mới thành lập nào có được giá trị hàng triệu năm như vậy? Nói một cách hình tượng, rừng nguyên sinh là nhà thiệt để ở còn rừng trồng mới là nhà hàng mã cho con nít chơi!
(Đó là chưa tính tới giá trị văn hóa độc đáo, giá trị tâm linh đã thành truyền thống trên vùng đất lịch sử lâu đời!)
Những người muốn phá sáu trăm héc-ta rừng đó có hiểu tính vô giá của khu rừng về mặt sinh môi học không? Hay họ chỉ thấy giá trị khu rừng theo giá bán mỗi mét khối gỗ trên thị trường?
Chỉ có con người mới có thể tàn phá sáu trăm héc-ta rừng trong thời gian rất ngắn. Những con người với lòng ích kỷ, tham vô độ, nắm quyền lực và phương tiện của hàng triệu người dân! Sự triệt hạ sáu trăm héc-ta rừng là có thể coi như hành động vì quyền lợi riêng mình mà ăn cướp của muôn loài sinh vật được không? Có thể coi như hành động ăn cướp của người dân được không? Ăn cướp của thế hệ sau được không?
Xin các thành viên quốc hội, trước khi biểu quyết, đến tận nơi, bàn tận mặt với các nhà chuyên môn, nhà chuyên môn thiệt chứ không phải các nhà quản lý hay các nhà phá rừng!
Nhìn các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu bảo vệ thiên nhiên tươi tốt làm tài sản để sống chung vững bền, không thể không tự hỏi: chỉ có môi trường dân chủ mới bảo vệ thiên nhiên hiệu quả như vậy sao?
Ngày 8 tháng 9 năm 2023
==================
(*): Sau khi bài đã đăng, báo VnExpress đăng đính chính rằng bài đó chưa cung cấp đủ thông tin và có ảnh cây căm xe, lim không thuộc phạm vi dự án. Do lịch sử 30 năm qua của sáu đời Chủ tịch tỉnh tỉnh Bình Thuận đều bị kỷ luật (trong đó vị Chủ tịch đầu tiên bị kỷ luật là do liên quan đến việc phá rừng Tánh Linh với quy mô lớn), vì ngại rằng những đính chính đó có thể theo yêu cầu chính trị hay phe phái, tôi vẫn dùng bản tin đầu tiên cho tới khi được các thông tin tiếp theo thuyết phục.