Tin thế giới trưa Chủ Nhật: Động đất mạnh 7,2 độ richter ở Ma-rốc khiến ít nhất 632 người thiệt mạng

Động đất mạnh 7,2 độ richter ở Ma-rốc khiến ít nhất 632 người thiệt mạng

Hình ảnh nhà đổ nát trong trận động đất mạnh tại Marrakesh, Ma-rốc hôm 8/9/2023. (Nguồn ảnh: FADEL SENNA/AFP via Getty Images)

Một trận động đất mạnh xảy ra ở vùng núi High Atlas của Ma-rốc vào cuối ngày thứ Sáu (8/9), đã khiến ít nhất 632 người thiệt mạng, phá hủy nhiều tòa nhà và khiến cư dân các thành phố lớn phải tháo chạy khỏi nơi cư trú, truyền hình nhà nước Ma-rốc đưa tin.

Truyền thông nhà nước Ma-rốc đưa tin hôm thứ Bảy (9/9), số người bị thương là 329, trích dẫn số thương vong ban đầu được cập nhật từ Bộ Nội vụ.

Một quan chức địa phương trước đó cho biết hầu hết các trường hợp tử vong đều ở các vùng núi khó tiếp cận.

Người dân tại Marrakech, thành phố lớn gần tâm chấn nhất, cho biết một số tòa nhà đã sụp đổ ở thành phố cổ này, một khu Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Đài truyền hình địa phương chiếu hình ảnh Tháp giáo đường Hồi giáo cùng gạch đá đổ nát đè lên một chiếc xe ô tô.

Bộ Nội vụ kêu gọi người dân bình tĩnh, nói trong tuyên bố trên truyền hình thông báo về số người thiệt mạng cho biết trận động đất đã tác động đến các tỉnh Al Haouz, Ouarzazate, Marrakech, Azilal, Chichaoua và Taroudant.

Ông Montasir Itri, cư dân ngôi làng miền núi Asni gần tâm chấn cho biết hầu hết các ngôi nhà ở đó đều bị hư hại. Ông nói: Hàng xóm của chúng tôi đang ở dưới đống đổ nát và mọi người đang nỗ lực giải cứu họ bằng các phương tiện sẵn có trong làng”.

Xa hơn về phía tây, gần Taroudant, giáo viên Hamid Afkar cho biết ông đã chạy ra khỏi nhà và đã cảm thấy dư chấn. “Mặt đất rung chuyển trong khoảng 20 giây. Cửa tự mở và đóng khi tôi chạy vội xuống từ tầng hai”, ông nói.

Trung tâm địa vật lý Ma-rốc cho biết trận động đất xảy ra ở vùng Ighil của dãy núi High Atlas với cường độ 7,2 độ richter. Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đưa ra cường độ của trận động đất là 6,8 độ richter và cho biết nó ở độ sâu khoảng 18,5 km (11,5 dặm).

Ighil, một khu vực miền núi với các làng nông nghiệp nhỏ, cách Marrakech khoảng 70 km (40 dặm) về phía Tây Nam. Trận động đất xảy ra ngay sau 11 giờ đêm (22:00 GMT).

Trận động đất này là trận động đất nguy hiểm nhất ở Ma-rốc kể từ trận động đất năm 2004 gần Al Hoceima ở vùng núi phía bắc Rif khiến hơn 600 người thiệt mạng.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết trong một tuyên bố, Liên Hợp Quốc sẵn sàng giúp đỡ chính phủ Ma-rốc trong “nỗ lực hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng”.

Thiệt hại tại thành phố Marrakesh

Tại Marrakech, cư dân Id Waaziz Hassan cho biết một số ngôi nhà trong thành phố cổ đã bị sập và người dân đang phải làm việc cật lực để di dời đống đổ nát bằng tay trong khi chờ đợi thiết bị hạng nặng tới.

Một đoạn video cho thấy một phần bức tường thành thời Trung cổ xuất hiện những vết nứt lớn và một phần khác đã bị đổ, đống đổ nát nằm ngổn ngang trên đường phố.

Một cư dân Marrakech khác, ông Brahim Himmi nói ông nhìn thấy xe cứu thương chạy ra khỏi khu phố cổ và nhiều mặt tiền tòa nhà bị hư hại. Ông cho biết mọi người rất sợ hãi và đang ở bên ngoài đề phòng một trận động đất khác.

Houda Hafsi, 43 tuổi, ở Marrakech, cho biết: “Chiếc đèn chùm rơi từ trần nhà xuống và tôi chạy ra ngoài. Tôi vẫn ở ngoài đường với các con tôi và chúng tôi rất sợ hãi”.

Một người phụ nữ khác ở đó, Dalila Fahem, cho biết có những vết nứt trong nhà và đồ đạc của cô bị hư hỏng. “May mắn là tôi chưa đi ngủ lúc trận động đất xảy ra”, cô nói.

Theo các nhân chứng mà Reuters phỏng vấn, người dân ở thủ đô Rabat, cách Ighil khoảng 350 km về phía Bắc và ở thị trấn ven biển Imsouane, cách đó khoảng 180 km về phía Tây, cũng phải rời khỏi nhà vì lo ngại một trận động đất mạnh hơn.

Ở Casablanca, cách Ighil khoảng 250 km về phía Bắc, những người qua đêm trên đường phố quá sợ hãi để trở về nhà.

Cư dân Mohamed Taqafi cho biết: “Ngôi nhà rung chuyển dữ dội, mọi người đều sợ hãi. Tôi tưởng chỉ có nhà của tôi là rung chuyển vì nó mỏng manh và cũ kỹ. Tôi nghe thấy tiếng người la hét, ai cũng chạy ra khỏi nhà”.

Các video được chia sẻ trên mạng xã hội về hậu quả ngay sau trận động đất mà Reuters chưa thể xác minh ngay lập tức, cho thấy mọi người sợ hãi chạy ra khỏi trung tâm mua sắm, nhà hàng và tòa nhà chung cư và tụ tập ở bên ngoài.

Anh Nguyễn (Theo Reuters)

Liên minh châu Phi gia nhập G20

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Trung tâm Truyền thông Quốc tế khi ông phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9. (Ảnh: REUTERS).

Ngày 9/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo, Liên minh châu Phi trở thành thành viên thường trực của G20 – khối các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị G20 ở New Delhi, ông Modi cho biết: “Ấn Độ đã đề xuất cấp tư cách thành viên thường trực G20 cho Liên minh châu Phi. Với sự chấp thuận từ các bên, tôi đề nghị lãnh đạo Liên minh châu Phi tiếp nhận vị trí thành viên thường trực G20”.

Tổng thống Comoros Azali Assoumani, người đang đảm nhiệm vị trí chủ tịch Liên minh châu Phi, sau đó ngồi vào vị trí giữa các lãnh đạo thế giới.

G20 hiện gồm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu, đại diện cho khoảng 85% GDP, hơn 75% thương mại toàn cầu và khoảng 2/3 dân số thế giới.

Liên minh châu Phi có 55 thành viên với tổng GDP 3.000 tỷ USD và dân số khoảng 1,4 tỷ người. Khối đã đình chỉ tư cách thành viên với Mali, Guinea, Sudan, Burkina Faso, Niger và Gabon sau khi đảo chính xảy ra tại 6 quốc gia này.

Liên Thành

Quan chức Hoa Kỳ nói Trung Quốc phải giải thích việc ông Tập vắng mặt tại hội nghị G20

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuống máy bay (ảnh: AP).

Ngày 9/9, ông Jon Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ nói rằng, chỉ có Trung Quốc mới có thể giải thích lý do Tổng bí thư ĐCS Tập Cận Bình vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 thường niên đang diễn ra ở New Delhi 

Ông Jon Finer nói với các phóng viên ở thủ đô Ấn Độ rằng: “Chính phủ Trung Quốc có trách nhiệm giải thích” lý do tại sao nhà lãnh đạo của họ “sẽ hoặc không tham gia”.

Theo ông Finer, mặc dù Hoa Kỳ thường được đề nghị giải thích các hành động của chính phủ Trung Quốc nhưng đó không phải là vai trò của họ. Vị quan chức Hoa Kỳ nói thêm rằng thật “không may” nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết vì sự thành công của khối.

Ông Finer nói: “Một số người suy đoán sự vắng mặt của lãnh đạo Trung Quốc cho thấy rằng nước này đang từ bỏ G20, xây dựng một trật tự thế giới thay thế và sẽ ưu tiên các nhóm như BRICS”.

Thủ tướng Lý Cường dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tham dự hội nghị.

Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden đã đến Ấn Độ vào ngày 8/9 để dự hội nghị thượng đỉnh.

Tuần trước, phản ứng trước thông tin ông Tập sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, TT Biden nói ông “thất vọng” nhưng sẽ gặp ông Tập

Ông Finer nói thêm rằng, Ấn Độ, nước chủ trì hội nghị thượng đỉnh, cùng với hai nước tiếp theo, Brazil và Nam Phi, cũng như Hoa Kỳ, đã cam kết hành động cho sự thành công của hội nghị.

Vị quan chức Hoa Kỳ cho biết: “Nếu Trung Quốc không làm vậy thì thật đáng tiếc. Nhưng chúng tôi tin rằng, phía Trung Quốc còn điều đáng tiếc hơn nhiều”.

Liên Thành

Chính quyền Trung Quốc muốn cấm mặc đồ ‘gây tổn thương cảm xúc dân tộc’, cư dân mạng phản đối

Cảnh sát Trung Quốc (ảnh: (GOH CHAI HIN/AFP/Getty).

Cơ quan lập pháp Trung Quốc gần đây đã công bố dự thảo luật, theo đó cấm phát biểu và ăn mặc được cho là “gây tổn hại đến tinh thần của người dân Trung Quốc”. Dự thảo này làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt ở Trung Quốc. Các nhà quan sát chỉ trích chính quyền ĐCSTQ đàn áp quyền tự do dân sự, từ chà đạp quyền tự do ngôn luận đến kiểm soát quyền tự do mặc quần áo của người dân. 

Dự thảo luật quy định rằng, những người mặc hoặc ép buộc người khác mặc trang phục và biểu tượng bị cho là “làm xói mòn tinh thần hoặc làm tổn thương tình cảm của đất nước Trung Quốc” có thể bị giam giữ tới 15 ngày và bị phạt tới 5.000 nhân dân tệ (680 USD).

Tuy nhiên, cư dân mạng đặt câu hỏi: làm thế nào những người thực thi pháp luật có thể đơn phương xác định khi nào thì “tình cảm” của dân tộc bị “tổn thương”.

Các học giả Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về dự luật của chính quyền. Học giả nổi tiếng Trung Quốc, ông Trương Minh (张鸣) nói trên weibo: “Ý các vị là gì khi nói trang phục làm tổn hại đến tinh thần dân tộc Trung Quốc? Bộ vest có được tính không? Quần jean có tính không? Mọi thứ từ phương Tây có tính không? Vậy thì chúng ta còn có thể mặc gì nữa?”.

Nhà bình luận độc lập Trung Quốc Từ Lâm nói với đài VOA: “Việc mặc quần áo có phải là quyền tự do cá nhân không? Ngay cả khi anh ta thể hiện một ý nghĩa nhất định, nó có thuộc phạm vi quyền tự do ngôn luận không? Mọi người đều có quyền bày tỏ quan điểm và ý kiến ​​riêng của mình”.

Nhiều cư dân mạng đã chế những bức ảnh để mỉa mai dự luật của chính quyền Trung Quốc.

Nhà tâm lý học Ngô Thông 吴桐 đã đăng một bức ảnh về trang phục của các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc cổ đại và cho biết: “Đồng phục của cảnh sát cũng mang phong cách phương Tây”.

Tuy nhiên, ông Trần Kiến Cương (Chen Jiangang), một luật sư nhân quyền ở Hoa Kỳ, nói với Đài VOA rằng, ĐCSTQ thực ra đã xử phạt người dân liên quan đến trang phục trước khi đưa ra bản thảo sửa đổi.

Vào ngày 10/8/2022, một người phụ nữ mặc kimono đã chụp ảnh trên phố Hoài Hải ở Tô Châu. Một video trực tuyến cho thấy người phụ nữ bị cảnh sát địa phương quát mắng: “Cô là người Trung Quốc, nhưng cô lại mặc kimono!” Cảnh sát bắt người phụ nữ này đi với cáo buộc gây rối. Trong hơn 5 giờ đồng hồ, người phụ nữ này đã bị giáo huấn, phải xóa ảnh chụp trang phục, và bị tịch thu kimono.

Truyền thông cũng đưa tin, vào ngày 6/9, một số thanh niên nam nữ đã đến công viên để chụp ảnh trong trang phục nhà Đường. Các nhân viên đã đuổi họ đi ba lần và nói: “Đừng mang trang phục Nhật Bản đến đây”. Mặc dù họ giải thích rằng đây không phải quần áo Nhật Bản nhưng các nhân viên công viên vẫn đuổi họ đi.

Một số cư dân mạng còn đăng một bức ảnh trên mạng xã hội X cho thấy cựu tổng bí thư ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình đã đến thăm Nhật Bản vào năm 1978 và cúi đầu chào người Nhật trong lễ đón tại Nhà khách. Ông cũng đề nghị các công ty Nhật Bản như Panasonic và chính phủ Nhật Bản hãy giúp đỡ Trung Quốc. Dòng tweet có nội dung: “Ông ấy có phạm tội làm tổn thương tình cảm của dân tộc Trung Quốc không? Ông ấy nên bị trừng phạt như thế nào?”

Liên Thành

Chủ tịch Hạ viện Mỹ chỉ trích Trung Quốc “giả tạo” về vụ xả thải Fukushima

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Đảng Cộng hòa, California) hôm thứ Năm (7/9) đã chỉ trích “giả tạo” của Trung Quốc liên quan đến việc Nhật Bản xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Nhật Bản bắt đầu xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào ngày 24 tháng 8, một động thái bị Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ và áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với tất cả thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản.

Ông McCarthy đã đến Tokyo vào ngày 7/9 để tham dự cuộc họp của các chủ tịch nghị viện nhóm G7. Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với Nhật Bản và cho rằng lập trường của Trung Quốc về việc xả nước ở Fukushima trái ngược với quan điểm của các nước khác.

Ông nói với các phóng viên: “Tôi chỉ coi đó là một cách khác mà Đảng Cộng sản Trung Quốc bịa đặt giả dối, cố gắng chia rẽ. Đó là một quan điểm không công bằng và nhìn nhận sai lầm của họ so với quan điểm của thế giới”.

Ông McCarthy đã ăn các sản phẩm được trồng ở Fukushima trong bữa trưa với Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản ông Rahm Emanuel để thể hiện sự ủng hộ của mình. Ông Emanuel cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Nhật Bản, đồng minh số 1 của Washington.

Ông Emanuel đăng trên mạng xã hội X (tên cũ là Twitter) : “Mong được hợp tác cùng nhau để củng cố liên minh Mỹ – Nhật và hỗ trợ [Nhật Bản], đồng minh số 1 của chúng tôi, khi mà chúng ta cùng nhau đương đầu với các chiến thuật cưỡng chế kinh tế mới nhất của Trung Quốc”.

Thủ tướng Kishida hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Indonesia vào ngày 6/9. Đây là cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ vụ xả thải nước nhiễm xạ đã qua xử lý.

Ông Kishida cho biết ông đã giải thích với ông Lý về các biện pháp an toàn mà Nhật Bản đã thực hiện để xử lý tình trạng xả nước và kêu gọi Bắc Kinh dựa vào bằng chứng khoa học. Ông từ chối bình luận về phản ứng của ông Lý.

Theo văn phòng của thủ tướng Nhật, ông Kishida cho biết :“Chúng tôi đã giải thích cẩn thận quan điểm của mình, bao gồm đảm bảo tính minh bạch và công khai hoạt động giám sát của chúng tôi, đảm bảo độ tin cậy thông qua sự tham gia của IAEA”.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản trước đó thông qua các kênh ngoại giao đã yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm thủy sản nhập từ Nhật.

Khi được hỏi về cuộc gặp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói với các phóng viên hôm 7/9 rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hy vọng Nhật Bản “sẽ làm việc theo cùng hướng” với Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản trước đó đã đệ trình phản biện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chống lại lệnh cấm của Trung Quốc, và kêu gọi ĐCSTQ bãi bỏ biện pháp của mình.

Trong tài liệu đệ trình lên WTO, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh rằng tiêu chuẩn xả tritium của Nhật Bản là ít hơn 22 nghìn tỷ becquerel mỗi năm và con số đó là thấp hơn so với tiêu chuẩn do các lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc thải ra.

Bộ cho biết: “Ví dụ như, lượng tritium được thải ra hàng năm từ [Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi] xấp xỉ 1/10 lượng tritium được thải ra từ Nhà máy điện hạt nhân Qinshan ở Trung Quốc”.
‘ĐCSTQ muốn đạt được lợi thế ngoại giao’

Giáo sư Nobumasa Akiyama của Đại học Hitotsubashi, một chuyên gia về chính trị quốc tế và chính sách hạt nhân, cho biết ông tin rằng ĐCSTQ đang tìm cách “đạt được lợi thế ngoại giao bằng việc liên tục duy trì sự phản đối việc xả thải của Nhật Bản”.

Ông Akiyama cho rằng điều quan trọng đối với Nhật Bản là duy trì được niềm tin của cộng đồng quốc tế hơn là lo lắng về sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia cụ thể.

“Điều này không có nghĩa là việc truyền thông không còn cần thiết khi độ an toàn đã được khoa học chứng minh; đúng hơn, cần phải đạt được cả an toàn khoa học và an sinh xã hội”, ông Akiyama nói với kênh truyền thông NHK của Nhật Bản.

“Điều quan trọng là chính phủ Nhật Bản không nên hài lòng với việc nhiều nước không phản đối mà phải kiên nhẫn cung cấp thông tin họ muốn biết từ quan điểm của phía khác”.

Trong khi đó, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho rằng nếu các chuyên gia trên toàn thế giới đồng ý việc xả thải tuân theo các tiêu chuẩn khoa học và thủ tục quốc tế thì không cần phải lo lắng.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cho rằng đây là vấn đề khoa học và Đài Loan tôn trọng quan điểm của các chuyên gia, trong khi Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ hiểu tính chuyên nghiệp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Anh Nguyễn (Theo Aldgra Fredly/ The Epoch Times)

Related posts