UBND phường Khương Đình cho biết chung cư mini bị cháy có khoảng 150 người sinh sống, 70 người được cứu hộ thành công và 54 người được đưa đi cấp cứu, trong đó có nhiều người tử vong.
Nhiều nạn nhân thoát ra trong tình trạng ngất xỉu sau nhiều giờ mắc kẹt trong chung cư. (Ảnh: vtc.vn)
Theo thông tin ban đầu từ Công an Hà Nội, đến 7h30 sáng ngày 13/9, có nhiều người tử vong trong vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân.
Trước đó, lúc 23h50 ngày 12/9, tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân xảy ra một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ. Căn nhà có diện tích khoảng trên 200m2 với khoảng 150 người dân sinh sống.
Đến 5h ngày 13/9, thống kê sơ bộ cho thấy lực lượng chức năng đã thực hiện cứu hộ thành công trên 70 người dân, đưa đi cấp cứu 54 người, trong đó có người đã tử vong.
Hiện, cơ quan chức năng chưa có thông tin cụ thể về số người tử vong và nguyên nhân vụ cháy.
Là người sinh sống trong tòa nhà, ông Nguyễn Công Huy kể khoảng 23h30 đêm 12/9, ông cùng vợ và 2 người con đang chuẩn bị đi ngủ thì bất ngờ nghe thấy tiếng hô hoán từ các phòng xung quanh.
“Sau khi chạy ra ngoài, tôi ngửi thấy mùi khét kèm khói đen bốc lên nghi ngút từ tầng 1. Ngay lập tức, tôi chạy vào phòng hô hoán vợ con chạy thoát ra phía sau căn hộ, dùng thang dây và tụt xuống con ngõ phía sau tòa nhà”, người đàn ông kể.
Ông nhớ lại thời điểm đó, cả căn chung cư bị cắt điện, mọi người không thể sử dụng thang máy để thoát xuống nên nhiều người “liều mạng” nhảy từ tầng cao xuống các căn nhà bên cạnh.
“Sống ở đây 7 năm nay, chưa bao giờ tôi thấy xảy ra vụ cháy kinh khủng như vậy. Tòa chung cư mini có tổng 45 hộ dân sinh sống. Thời điểm cháy, hàng chục hộ đang ở trong tòa nhà nên nhiều người mắc kẹt, nhiều người bị thương khi cố nhảy thoát ra khỏi đám cháy”, ông Huy nói.
Nói với báo Dân trí tại hiện trường, ông Ngô Phó Điền – bảo vệ tòa chung cư mini trên cho biết vụ cháy xuất phát từ tầng 1. Thời điểm cháy, trong tòa nhà có 45 hộ dân đang sinh sống.
Anh Nguyên, một người dân sống cạnh chung cư bị cháy cho hay lúc hỏa hoạn xảy ra có rất nhiều người nhảy xuống từ tầng trên cùng của tòa nhà. “Tiếng rơi trên mái tôn nghe như tiếng nổ lớn”, người đàn ông miêu tả.
Khánh Vy
Indonesia mở thầu mua 300.000 tấn gạo, Việt Nam cung cấp 50.000 tấn
Trong bối cảnh giá gạo thế giới tăng mạnh do các lệnh cấm và hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ và một số quốc gia, Indonesia vẫn mở thầu nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo 5% tấm với giá dao động hơn 600 USD/tấn. Trong đó, một doanh nghiệp Việt Nam nhận đơn hàng 50.000 tấn.
Trong phiên mở thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo 5% tấm của Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) được công bố vào hôm 12/9, Công ty TNHH lương thực Phát Tài (tỉnh Đồng Tháp) là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam nhận đơn hàng cung cấp 50.000 tấn.
Ông Lê Phát Long, Giám đốc Công ty TNHH lương thực Phát Tài xác nhận trúng gói thầu nêu trên với khối lượng 50.000 tấn, với giá dao động khoảng 640 – 650 USD/tấn (giá CIF). Nếu quy ra giá FOB, giao tại cảng từ Việt Nam có giá tương đương khoảng 600 đô la Mỹ/tấn, theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đến từ Pakistan trúng thầu 95.000 tấn và Thái Lan cung ứng 155.000 tấn với mức giá dao động 630 – 650 USD/tấn (giá CIF).
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo Việt Nam trong 8 tháng năm nay đạt 5,8 triệu tấn, với giá trị đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Philippines và Indonesia là những thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết giá gạo trên thị trường thế giới thời gian qua tăng “dựng đứng” một phần do hiệu ứng tâm lý sau khi Ấn Độ và một số quốc gia áp lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này, báo Việt Nam Net đưa tin.
“Giá lúa trong nước đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, trên dưới 8.000 đồng/kg – tương đương giá gạo 5% tấm xuất khẩu phải ở ngưỡng 680-690 USD/tấn”, ông Bình tính toán.
Sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ vào ngày 20/7 và hôm 25/8, Ấn Độ tiếp tục áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ (đây là loại gạo được làm chín một phần khi còn trong vỏ thóc) xuất khẩu. Dẫn đến giá gạo ở châu Á đã tăng trở lại, lên gần mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Tuấn Minh