Indrajit Basu
Trong bối cảnh khó khăn, Sino-Ocean Group tin rằng con đường tối ưu phía trước là tái cơ cấu toàn diện các khoản nợ nước ngoài của mình.
Khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc trở nên gay gắt hơn vào thứ 6 (15/9) khi nhà phát triển Sino-Ocean Group Holding được nhà nước hậu thuẫn đình chỉ thanh toán nợ đối với tất cả các khoản nợ nước ngoài cho đến khi quá trình tái cơ cấu hoàn tất. Công ty cũng cho biết họ đã ngừng giao dịch chứng khoán bằng USD tại Hồng Kông.
Theo nhà phát triển bất động sản có trụ sở tại Bắc Kinh, “tái cơ cấu toàn diện” khoản nợ nước ngoài là con đường duy nhất phía trước khi họ phải đối mặt với những thách thức thanh khoản ngày càng tăng do doanh số bán hàng trên toàn ngành bị sụt giảm kể từ năm 2021.
“Bắt đầu từ nửa cuối năm 2021, lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc đã trải qua những thay đổi đáng kể và các nhà phát triển bất động sản phải đối mặt với những thách thức chưa từng có liên quan đến thanh khoản và nguồn vốn”, công ty cho biết trong hồ sơ giao dịch chứng khoán Hong Kong.
Trong khi Tập đoàn Sino-Ocean liên tục áp dụng các biện pháp để trả nợ, “Kể từ năm 2023, trong điều kiện môi trường tài chính và bán hàng trong ngành không được cải thiện đáng kể, Tập đoàn đã phải trải qua sự sụt giảm nhanh chóng về doanh số theo hợp đồng và sự không chắc chắn ngày càng tăng trong việc xử lý tài sản và đã liên tục gặp phải những hạn chế trong các hoạt động tài chính khác nhau”, theo hồ sơ.
“Trong bối cảnh trên, Tập đoàn tin rằng con đường tối ưu phía trước là tái cơ cấu toàn diện các khoản nợ nước ngoài của mình – một con đường đảm bảo đối xử công bằng và bình đẳng với các chủ nợ, cung cấp cơ cấu vốn bền vững và thiết lập một lộ trình để Tập đoàn ổn định hoạt động”, theo hồ sơ.
Vào tháng 8, Sino-Ocean cho biết các chủ nợ đã từ chối kế hoạch hoãn thanh toán khoản trái phiếu trong nước trị giá 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 278 triệu USD) của công ty nhưng đồng ý cho công ty thời gian ân hạn một tháng.
Mặc dù các vấn đề tài chính của Sino-Ocean đã âm ỉ kể từ tháng trước, tiết lộ hôm thứ Sáu đã khiến lĩnh vực bất động sản vốn đang gặp khó khăn của Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ sâu sắc hơn.
Đảm bảo việc giao nhà
Nhà phát triển bất động sản hiện đang gặp khó khăn – tự nhận là một trong những doanh nghiệp bán nhà hàng đầu ở Bắc Kinh và Thiên Tân với hơn 600 dự án bất động sản trên khắp Trung Quốc – không muốn phải đối mặt với bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc giao nhà hoặc gián đoạn hoạt động.
Sino-Ocean đang theo đuổi các nỗ lực cắt giảm chi phí và cải thiện hiệu quả đáng kể để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hồ sơ cho biết: “Ở giai đoạn này, Tập đoàn đang làm việc không ngừng nghỉ để đảm bảo giao các bất động sản đã hoàn thiện theo các thỏa thuận bán trước mà Tập đoàn đã ký kết và tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình”.
“Tập đoàn sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết để đảm bảo bàn giao các dự án hiện tại, đẩy nhanh việc bán các bất động sản đang được phát triển và hoàn thiện các bất động sản cũng như ổn định hoạt động kinh doanh của mình để bảo vệ lợi ích của người mua nhà, các đối tác của Tập đoàn và tất cả các bên liên quan”, hồ sơ cho biết thêm.
Công ty cũng thông báo chỉ định Houlihan Lokey (Trung Quốc) Ltd. làm cố vấn tài chính và Sidley Austin làm cố vấn pháp lý.
Lo ngại trong ngành gia tăng
Các vấn đề của Sino-Ocean làm tăng thêm mối lo ngại về lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, nơi phải đối mặt với những thách thức mới gần như hàng ngày, bao gồm cả sự mất niềm tin kéo dài của người mua nhà.
Dữ liệu giá nhà ở 70 thành phố của Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm thứ 6 cho thấy giá bất động sản bình quân có trọng số trên thị trường sơ cấp đã giảm liên tục trong tháng 8 sau khi điều chỉnh theo mùa.
Sự suy giảm tốc độ tăng giá nhà liên tiếp diễn ra rõ ràng nhất ở các thành phố cấp 3 và cấp 4, trong khi tỷ lệ trong nhóm 70 thành phố có giá bất động sản tăng liên tiếp đều giảm ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp trong tháng 8.
Hôm thứ 5 (14/9), Moody’s đã hạ triển vọng đối với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc (từ ‘ổn định’ xuống ‘tiêu cực’), do triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu hơn và những lo ngại về việc hoàn thành và bàn giao dự án đúng thời hạn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin và nhu cầu của người mua nhà trong 6-12 tháng tới, theo ước tính của tổ chức này.
“Sự phục hồi kinh tế sau chính sách zero-COVID kéo dài vẫn còn im ắng, vì đà mở cửa trở lại vào tháng 3, tháng 4 và tháng 5 dường như đang suy yếu. Kết quả là niềm tin tiêu dùng thấp đã kìm hãm chi tiêu của hộ gia đình, bao gồm cả việc mua bất động sản”, Moody’s cho biết.
Mặc dù các cơ quan quản lý có thể công bố thêm các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, cơ quan xếp hạng này cho rằng việc sử dụng thị trường bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi ngược lại mục tiêu của Bắc Kinh là giảm nợ và tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tiêu dùng nội địa và các lĩnh vực năng suất cao trong trung và dài hạn.
Sino-Ocean không chắc liệu công ty có thoát khỏi khó khăn hay không.
Hồ sơ cho biết sẽ cần phải tính đến nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty để có giải pháp toàn diện cho vấn đề nợ nước ngoài.
Do thiếu sự chắc chắn, công ty khuyên người nắm giữ chứng khoán và các nhà đầu tư khác nên xem xét các rủi ro liên quan và thận trọng khi giao dịch với chúng.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch