Khi được hỏi về báo cáo của EU chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ đang trong “vòng xoáy đi xuống về mặt nhân quyền”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã trả lời hôm Thứ Bảy rằng đó là “EU đang nỗ lực tách khỏi Thổ Nhĩ Kỳ”, Politico đưa tin dẫn nguồn địa phương. Ông nói trên đường đến Đại hội đồng LHQ ở New York rằng “chúng tôi sẽ có các đánh giá của mình về những diễn biến này, và nếu cần, chúng tôi sẽ chia tay EU.” Thổ Nhĩ Kỳ là ứng viên vào EU đã 24 năm, và các đàm phán gia nhập bị đình trệ trong nhiều năm gần đây.
Hồi đầu tuần, Quốc hội EU bỏ phiếu chấp thuận báo cáo chỉ trích tình trạng Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách hạn chế “các quyền tự do cơ bản, nhân quyền và tự do dân sư, và các hành động của [Thổ Nhĩ Kỳ] đang đi ngược lại luật quốc tế và các quan hệ tốt với các nước láng giềng.”
Báo cáo cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đàn áp các nhóm phản truyền thống như LGBTQ, có những tranh chấp lãnh thổ với Hy Lạp, và từ chối tham gia cấm vận Nga do chiến tranh Ukraine, miêu tả đó là “khoảng cách ngày càng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các giá trị và tiêu chuẩn của EU.”
Báo cáo kết luận rằng quá trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ cần tạm ngưng, cho đến khi các vấn đề đó được giải quyết. Và trong thời gian ấy, kiến nghị nên cấp cho chính quyền Ankara một “thỏa thuận liên kết hiện đại hóa” thay cho con đường trở thành thành viên.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng báo cáo này chứa đựng những cáo buộc vô căn cứ và có cách tiếp cận “nông cạn và không có tầm nhìn xa” đối với mối quan hệ của nước này với EU.
Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 1987 và được công nhận là ứng viên vào năm 1999. Các cuộc đàm phán về tư cách thành viên bắt đầu vào năm 2005, nhưng tiến độ rất chậm và không có cuộc đàm phán nào diễn ra kể từ năm 2016, sau một cuộc đảo chính thất bại nhằm lật đổ Chính phủ của ông Erdogan.
Các quan chức EU kể từ đó đã lên án ông Erdogan về các cáo buộc vi phạm nhân quyền và hành vi vi phạm nhân quyền. Nghị viện châu Âu đã đưa ra một số báo cáo cảnh báo rằng ông Erdogan đang làm chệch hướng nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của EU.
Sau khi một báo cáo năm 2017 tuyên bố rằng những cải cách hiến pháp nhằm tăng cường quyền lực của ông có thể vi phạm luật pháp EU, ông Erdogan đã bác bỏ cảnh báo. Vào thời điểm đó, ông nói, “Các vị có thể viết bao nhiêu báo cáo tùy thích. Chúng tôi không công nhận báo cáo của các vị. Chúng tôi cũng sẽ không công nhận chúng trong tương lai.”
Trong những tháng gần đây, Thủ tướng Áo Karl Nehammer, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người phát ngôn Ủy ban châu Âu Peter Stano đều tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể sớm được chấp nhận vào EU.
Vào tháng 7, phát ngôn viên chính phủ Nga Dmitry Peskov nói Thổ Nhĩ Kỳ hãy chấp nhận thực tế rằng tư cách thành viên đầy đủ có thể sẽ không bao giờ được cung cấp.
“Hãy nói thực tế trắng ra,” ông Peskov nói, “không ai muốn nhìn thấy Thổ Nhĩ Kỳ ở Châu Âu. Tôi là đang nói về các quốc gia châu Âu.”
Nhật Tân (theo Politico, Reuters, và RT)