Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh dấy lên các nghi vấn xung quanh tính lâu bền về khả năng lãnh đạo chính trị và quân sự của ông Tập Cận Bình sau khi bộ trưởng thứ hai của Trung Quốc biến mất.
Tòa Bạch Ốc cho biết, cuối tuần trước (16-07/09), Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã tổ chức một cuộc họp đột xuất với ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, tại Malta.
Cuộc họp này nằm trong những nỗ lực của chính phủ Tổng thống (TT) Biden nhằm nối lại tuyến liên lạc cao cấp với chính quyền cộng sản Trung Quốc và giải quyết các mối bang giao song phương đã xấu đi vì một loạt vấn đề, từ thương mại đến Đài Loan.
Trong ba tháng qua, Tổng thống Joe Biden đã cử bốn quan chức cấp Nội các tới Bắc Kinh: Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, đặc phái viên về khí hậu John Kerry, và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.
Tòa Bạch Ốc gọi cuộc họp mới đây là “vô tư, thực chất, và mang tính xây dựng,” còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả cuộc họp là “thẳng thắn, thực chất, và mang tính xây dựng.”
Theo một thông cáo của Tòa Bạch Ốc các cuộc họp cuối tuần qua (16-17/09), ông Sullivan và ông Vương đã thảo luận về “các vấn đề chính trong mối bang giao song phương Hoa Kỳ-Trung Quốc, các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, cuộc chiến tranh của Nga với Ukraine, và các vấn đề xuyên Eo biển [Đài Loan],” cùng các chủ đề khác.
Theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, trong cuộc họp, ông Sullivan “lưu ý tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố hòn đảo dân chủ tự trị Đài Loan này là lãnh thổ của mình và sẽ chiếm lấy đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết. Trong ba năm qua, Bắc Kinh đã tăng số lượng chiến đấu cơ mà họ thường xuyên cho bay đến gần hòn đảo. Hôm 14/09, quân đội quốc phòng Đài Loan báo cáo có 68 phi cơ quân sự và 10 tàu hải quân Trung Quốc đã được nhìn thấy ở khu vực xung quanh Đài Loan.
Theo bản tóm tắt cuộc đàm thoại do Bộ Ngoại giao của Bắc Kinh công bố, trong các cuộc họp với một trong những cố vấn hàng đầu của Tổng thống Biden, ông Vương đã nhắc lại lập trường của chính quyền Trung Quốc về Đài Loan, nói rằng vấn đề này “là lằn ranh đỏ đầu tiên không thể vượt qua trong mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hai bên đã đồng lòng “duy trì các trao đổi ở cấp cao” giữa hai nước.
Tính lâu bền
Cuộc trao đổi này diễn ra trước thềm cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tuần tới tại New York. Mặc dù Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bày tỏ hy vọng rằng ông Blinken có thể ngồi lại với ông Vương bên lề cuộc họp này hoặc trước cuối năm nay, nhưng hôm 15/09, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ cử Phó Thủ tướng Hàn Chính thay thế. Năm ngoái, ông Vương là người đã tham dự cuộc họp cao cấp này.
Theo lịch trình, hôm 18/09, ông Vương sẽ tới Moscow để gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Bộ Ngoại giao của Moscow cho biết hai nhà ngoại giao hàng đầu dự định “thảo luận về một loạt các vấn đề hợp tác song phương, bao gồm cả các cuộc giao tiếp ở cấp cao và cấp cao nhất,” đồng thời sẽ “tập trung vào các nỗ lực tăng cường hợp tác trên vũ đài quốc tế.”
Cuộc họp này cũng diễn ra khi tình trạng bất ổn rõ ràng từ nội các của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang được quan sát chặt chẽ.
Hồi tháng Sáu, khi Ngoại trưởng Trung Quốc đương thời Tần Cương tiếp đón ông Blinken tại Bắc Kinh, hai bên đã đồng ý tiếp tục cuộc trò chuyện của họ tại Hoa Thịnh Đốn vào một thời điểm thuận tiện cho đôi bên.
Khoảng một tuần sau, ông Tần biến mất khỏi tầm mắt công chúng.
Hôm 25/07, sau một tháng vắng mặt không rõ nguyên nhân, ông Tần đã mất chức Ngoại trưởng. Không có lý do nào được đưa ra trong tuyên bố chính thức ngắn gọn do truyền thông nhà nước phát hành.
Ngay sau khi ông bị bãi nhiệm, Bộ Ngoại giao đã xóa gần như toàn bộ hồ sơ và các cam kết công khai của ông Tần khỏi trang web của bộ này. Mặc dù sau đó trên trang chính thức của bộ, một số đề cập đã xuất hiện trở lại nhưng ông Tần, người được nhiều người xem là được ông Tập bảo hộ, đã không xuất hiện trước công chúng một lần nào kể từ tháng Sáu.
Ông Vương được tái bổ nhiệm vào chức vụ ngoại trưởng. Nhà ngoại giao kỳ cựu này đã giữ chức ngoại trưởng gần một thập niên trước khi được bổ nhiệm vào Ủy ban Ngoại giao của ĐCSTQ hồi tháng Một, một chức vụ cao hơn chức bộ trưởng trong hệ thống chính trị nhập nhằng của chính quyền này.
Khi những bí ẩn xung quanh nhà ngoại giao này được tìm hiểu sâu hơn, thì hôm 31/07, ông Tập đã cách chức hai chỉ huy hàng đầu mà ông bổ nhiệm để giám sát đơn vị kho vũ khí hạt nhân của quốc gia. Tướng Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), người đứng đầu Lực lượng Hỏa tiễn của Quân Giải phóng Nhân dân, và chính ủy đơn vị quân đội, Tướng Từ Trung Ba (Xu Zhongbo), đã không xuất hiện trên truyền thông nhà nước trong nhiều tháng, trong khi đó, những người kế nhiệm của họ được công bố mà không có nghi thức phô trương. Nơi ở hiện tại của họ và lý do miễn nhiệm họ vẫn là điều chưa được biết đến.
Giờ đây, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), đã biến mất khỏi tầm mắt công chúng. Một loạt các bài báo trích dẫn những nguồn tin ở Trung Quốc và các quan chức Hoa Kỳ cho rằng Tướng Lý đã bị tước bỏ trách nhiệm và có thể đang bị điều tra về tội tham nhũng, điều này sẽ khiến ông trở thành quan chức cao cấp thứ tư của Trung Quốc bị thất sủng trong vòng chưa đầy một năm kể từ khi ông Tập đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba.
Tính đến ngày 17/09, Tướng Lý đã không được nhắc đến trước công chúng trong 19 ngày. Lần xuất hiện công khai mới đây nhất của ông là hôm 29/08, khi ông trình bày tại một diễn đàn an ninh và có các cuộc đàm luận với các bộ trưởng quốc phòng đến thăm từ Ghana, Zambia, và một số quốc gia Phi Châu khác.
Hôm 15/09, ông Rahm Emanuel, đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, viết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng: “Như Shakespeare đã viết trong vở Hamlet, ‘Có điều gì đó mục nát ở đất nước Đan Mạch.’”
Ông Emanuel đã từng ví danh sách các thành viên mất tích ngày càng tăng trong Nội các của ông Tập với tác phẩm “And Then There Were None” (Và Rồi Chẳng Còn Ai) của nữ thi hào Agatha Christie.
Chính quyền Trung Quốc vẫn kín tiếng về tình huống này.
Khi được hỏi về bộ trưởng quốc phòng này tại cuộc họp báo hôm 11/09, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh trả lời: “Tôi không biết về tình huống mà quý vị nói đến.”
Trong một cuộc báo hôm 17/09, một quan chức chính phủ cao cấp nói với các phóng viên rằng hai bộ trưởng mất tích của Trung Quốc “đã không xuất hiện” trong suốt hai ngày họp trao đổi.
Quan chức chính phủ cao cấp này cho biết ông Sullivan và ông Vương đã dành khoảng 12 giờ bên nhau trong hai ngày đó.
Người ta kỳ vọng rằng những cuộc đàm thoại này có thể giúp đặt nền móng cho một cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Biden và ông Tập tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco vào tháng Mười Một.
Quan chức chính phủ cao cấp này cũng cho biết không có thông tin mới nào về việc có thể diễn ra cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập vào tháng Mười Một tại hội nghị thượng đỉnh APEC. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng đây là một cuộc thảo luận “mang tính xây dựng,” trong đó những người tham gia từ cả hai bên nhận ra giá trị của việc duy trì các tuyến liên lạc mở.
Cuộc gặp ở Malta diễn ra sau bốn tháng kể từ khi ông Sullivan và người đồng cấp Trung Quốc lặng lẽ gặp nhau ở Vienna. Quan chức cao cấp này nói với các phóng viên, rằng trong cuộc họp ở Malta, ông Sullivan nhấn mạnh Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trong thế cạnh tranh nhưng Hoa Kỳ không tìm kiếm sự đối đầu.
Bản tin có sự đóng góp của Emel Akan và Eva Fu
Cẩm An biên dịch