Tin thế giới sáng thứ Năm: ‘Ông hoàng livestream’ Lý Giai Kỳ vạ miệng, chạm vào nỗi đau của giới trẻ Trung Quốc

Camera nhỏ nhất thế giới có kích thước chỉ bằng… hạt muối

Chiếc camera nhỏ nhất thế giới. (Ảnh: Chụp màn hình)

OVM6948 CameraCubeChip của nhà sản xuất Omnivision đang giữ kỷ lục là chiếc camera thương mại nhỏ nhất thế giới, với kích thước chỉ 0,65 x 0,65 x 1,158 mm, theo tờ Oddity Central.

Được phát triển bởi Omnivision, hãng công nghệ toàn cầu chuyên về các giải pháp hình ảnh kỹ thuật số, analog, cảm ứng và thiết bị hiển thị tiên tiến cho nhiều ứng dụng trong nhiều ngành, CameraCubeChip dựa trên cảm biến OVM6948 siêu nhỏ, đã lập Kỷ lục Guinness là cảm biến hình ảnh thương mại nhỏ nhất thế giới hiện nay.

Thiết bị này có thể gắn trên nhiều dụng cụ y tế khác nhau – bao gồm ống nội soi và ống thông có đường kính nhỏ tới 1,0 mm. Kích thước nhỏ ấn tượng này cũng giúp thiết bị có thể đi sâu vào các mạch máu hẹp nhất của cơ thể trong các thủ thuật thần kinh, nhãn khoa, tai mũi họng, tim, cột sống, tiết niệu, phụ khoa và nội soi khớp.

Mặc dù có kích thước nhỏ bé, OVM6948 CameraCubeChip có độ phân giải rất cao 40 KPixel (200 x 200 điểm ảnh), cung cấp hình ảnh chất lượng cao ở một số khu vực nhạy cảm nhất trên cơ thể con người. Đây cũng là camera gắn chip duy nhất trên thế giới có khả năng chiếu sáng mặt sau mang lại hiệu suất ánh sáng tốt hơn, nhằm giúp giảm nhiệt của đèn LED.

Camera nhỏ nhất thế giới có thể ghi hình với góc quay 120 độ và phạm vi lấy nét mở rộng từ 3 – 30 mm. Thiết bị này cũng có thể quay video với tốc độ lên tới 30 khung hình/giây và đầu ra analog có thể truyền đi hơn 4 m với độ ồn tối thiểu.

Theo trang web Omnivision, với mức tiêu thụ điện năng thấp của cảm biến, nhiệt tạo ra ở đầu xa của ống nội soi sẽ ít hơn. Điều này sẽ giúp bệnh nhân thoải mái hơn và cho phép các bác sĩ thực hiện thủ thuật trong thời gian dài hơn.

Phan Anh

Ông Rudy Giuliani bị các luật sư đại diện kiện đòi gần 1.4 triệu USD phí pháp lý

Luật sư cũ của ông Trump, ông Rudy Giuliani vừa bị chính các luật sư của mình kiện đòi 1,36 triệu USD phí luật sư chưa thanh toán liên quan đến các vụ án bầu cử liên bang và bang Georgia năm 2020.

Công ty luật Davidoff Hutcher & Citron LLP và cộng sự Robert Costello đã đệ đơn kiện hôm thứ Hai (18/9) tại Manhattan, New York. Ông Robert Costello là bạn của ông Giuliani từ những năm 1970 khi cả hai đều là công tố viên liên bang New York.

Ông Costello đại diện cho ông Giuliani từ tháng 11 năm 2019 cho đến mùa hè năm nay, với mức phí hơn 1,57 triệu USD. Ông Giuliani đã trả 214.000 USD cho đến nay, với khoản thanh toán mới nhất là 10.000 USD được gửi vào tuần trước.

Ông Giuliani nói với trang tin tức Insider: “Tôi không thể diễn tả được mức độ tổn thương của mình trước những gì ông Bob Costello đã làm”.

Ông cũng nói: “Thật xấu hổ khi các luật sư làm những việc như thế này và tất cả những gì tôi có thể nói là hóa đơn của họ vượt xa bất kỳ khoản phí hợp pháp nào”.

Ông Giuliani nói trước tòa vào tháng trước rằng ông không có tiền mặt do các vấn đề pháp lý ngày càng gia tăng sau khi ông làm việc với Cựu Tổng thống Donald Trump. Ông ấy đang cố bán căn hộ 3 phòng ngủ ở Manhattan của mình với giá 6,5 triệu USD.

Những rắc rối pháp lý của ông Giuliani còn lâu mới kết thúc, vì ông không nhận tội đối với các cáo buộc liên quan đến cuộc bầu cử năm 2020 ở Georgia. Ông Giuliani cũng được cho là “Đồng phạm 1” trong bản cáo trạng liên bang gồm 4 tội danh nhắm vào ông Trump về cuộc bầu cử 2020, mặc dù ông chưa bị truy tố trong cuộc điều tra đó.

Cựu thị trưởng thành phố New York cũng bị buộc phải trả gần 90.000 USD phí luật sư trong vụ kiện phỉ báng mà ông đã thua kiện. Công ty của ông đang bị tính phí 20.000 USD một tháng để lưu trữ hồ sơ điện tử của ông và khoảng trên dưới 15.000 USD cho chi phí tìm kiếm các hồ sơ nói trên.

Doanh nghiệp của ông cũng đang bị đòi khoản phải trả 57.000 USD cho hóa đơn điện thoại. Ngoài ra, giấy phép hành nghề luật của ông Giuliani đã bị Hội đồng Luật sư D.C đình chỉ và ông đang phải đối mặt với các thủ tục tố tụng tại tòa thượng thẩm ở D.C.

Anh Nguyễn (Theo Just the News)

Tổng thống Ba Lan ví Ukraine như người đang chết đuối

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt tay trong cuộc họp báo chung vào ngày 28/6/2023 tại Kiev, Ukraine. (Ảnh của Vitalii Nosach/Global Images Ukraine qua Getty Images)

Hôm Thứ Ba (19/9), khi được phóng viên hỏi về quan hệ với Ukraine, đặc biệt sau khi Kiev đã khiếu nại Ba Lan cùng 2 nước khác lên WTO về vụ cấm nhập khẩu ngũ cốc, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã ví Ukraine như người đang chết đuối, và “bất kể ai tham gia cứu người đang chết đuối cũng biết anh ta cực kỳ nguy hiểm, rằng anh ta có thể lôi bạn cùng chìm sâu xuống,” theo Pravda Ukraine đưa tin. Sau đó, cuộc gặp mặt dự kiến giữa ông và Tổng thống Ukraine nhân dịp họp Đại hội đồng LHQ đã bị hủy bỏ, theo Rzeczpospolita đưa tin.

Tổng thống Duda đã ví Ukraine như người đang chết đuối, sau đó cuộc gặp mặt giữa ông và tổng thống Zelensky đã bị hủy bỏ. (Ảnh chụp màn hình)

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng Kiev nên nhớ vai trò quan trọng của nước láng giềng Ba La, khi được phóng viên hỏi về vụ Ukraine chọn dùng biện pháp pháp lý nhắm vào Ba Lan, Hungary, và Slovakia để giải quyết vấn đề xuất khẩu nông sản.

“Sẽ tốt hơn nếu Ukraine nhớ được rằng họ đang nhận trợ giúp từ chúng tôi, và cũng cần nhớ rằng chúng tôi cũng là kênh trung chuyển tới những nơi nhập khẩu hàng hóa của Ukraine,” ông Duda nói bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19/9 tại New York.

Ông đã ví Ukraine như người đang chết đuối, và “bất kể ai tham gia cứu người đang chết đuối cũng biết anh ta cực kỳ nguy hiểm, rằng anh ta có thể lôi bạn cùng chìm sâu xuống.”

Ông nói, “Chúng ta có nên hành động để bảo vệ mình khỏi bị người chết đuối làm hại không? Tất nhiên chúng ta phải hành động để bảo vệ mình khỏi người đang chết đuối làm hại… Chúng tôi phải quan tâm đến lợi ích của chính mình và chúng tôi sẽ thực hiện việc này một cách hiệu quả và kiên quyết.”

Mặc dù là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ trong suốt thời gian chiến tranh, quan hệ của Ba Lan với Ukraine đã bị rạn nứt sau một số sự kiện thời gian qua. Trong chiến tranh, Ba Lan không chỉ trực tiếp hỗ trợ Ukraine, mà cũng là tuyến đường quan trọng đẻ đưa vũ khí và các viện trợ của phương Tây vào Ukraine.

Sau khi lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc và nông sản từ Ukraine được gỡ bỏ khi hết hạn vào hôm 15/9 theo chủ trương của EU, thì 3 thành viên —Ba Lan, Hungary, và Slovakia— đã quyết định vẫn tiếp tục cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine (không cấm quá cảnh).

“Chúng tôi làm như vậy là để bảo vệ lợi ích của nông dân chúng tôi,” Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói hôm Thứ Sáu tuần trước.

Nông dân Bungari đã đưa các máy kéo, máy xúc, đi các nơi, chăn một số đường để phản đối việc chính phủ này đã tuân theo chủ trương của EU và đã gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu.

Nhật Tân

‘Ông hoàng livestream’ Lý Giai Kỳ vạ miệng, chạm vào nỗi đau của giới trẻ Trung Quốc

Phát ngôn của Lý Giai Kỳ đã gây sốt trên mạng xã hội và khiến cư dân mạng phẫn nộ. (Ảnh chụp màn hình video, hình bên phải là khi anh khóc và xin lỗi mọi người)

Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi), còn được goi là “ông hoàng livestream” hay “ông hoàng son môi” của Trung Quốc, đã có nói câu nói được cho là “đụng chạm” đến nỗi đau của giới trẻ nước này trong một buổi livestream bán hàng hôm 10/9. Khi đó anh đang quảng cáo cho một thương hiệu bút chì kẻ mày Huaxizi (sản phẩm nội địa) có giá 79 nhân dân tệ, một số khán giả để lại bình luận nói rằng thương hiệu này ngày càng đắt tiền và Lý Giai Kỳ đã lập tức phản bác lại: “Đôi khi bạn phải tự tìm lý do ở chính mình, bao nhiêu năm qua lương có tăng hay không? Có làm việc chăm chỉ chưa?”

Phát ngôn của Lý Giai Kỳ đã gây sốt trên mạng xã hội và khiến cư dân mạng phẫn nộ. Có người để lại bình luận:

“Anh kiếm tiền của người bình thường, nhưng cuối cùng lại cười nhạo sự nghèo khó của người bình thường.”

“Người trẻ tuổi nằm ườn và mặc kệ không phải là vì không muốn nỗ lực, không phải vì không muốn kiếm tiền, mà là không có cơ hội.”

“Mọi thứ đều tăng lên, nhưng lương không tăng trong 3 năm mà lại còn giảm, là trách chúng tôi không chăm chỉ làm việc?”

Lý Giai Kỳ mất hàng triệu người theo dõi chỉ sau một đêm. Sóng gió trên Internet này bất ngờ phản ánh hoàn cảnh suy thoái kinh tế của Trung Quốc và tình trạng thất nghiệp của thanh niên.

Trong sáu tháng qua, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đã đạt mức cao kỷ lục, lần lượt từ 17,3%, 18,1%, 19,6%, 20,4%, 20,8% và 21,3% trong các tháng từ tháng 1 đến tháng 6, nghĩa là cứ 5 thanh niên từ 16 đến 24 tuổi thì có hơn 1 người thất nghiệp. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tuyên bố sẽ không công bố dữ liệu liên quan từ tháng 8 nữa.

Mặt khác, ngành bất động sản, chiếm 1/3 tổng tài sản ở Trung Quốc, đang đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng toàn diện. Các nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, với nhiều dự báo thấp hơn mục tiêu khoảng 5% của Chính phủ.

Ông Lưu Tiêu (Liu Qiao), Viện trưởng Học viện Quản lý Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh, vài tháng trước đã chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ không bước vào một “xã hội ít ham muốn” vì mức thu nhập hiện tại của người dân vẫn còn quá thấp.

Lý Giai Kỳ là một trong những người livestream thành công nhất ở Trung Quốc. Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc trích dẫn “Danh sách 100 người livestream có thu nhập ròng hàng năm hàng đầu của Trung Quốc (khu vực Đại Lục) vào năm 2021” cho biết, thu nhập hàng năm của Lý Giai Kỳ lên tới 1,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6,3 tỷ đồng).

Lý Giai Kỳ chính thức tham gia Taobao Live vào năm 2017 và trở thành người livestream bán hàng. Năm 2018, vào sự kiện ngày 11/11 của Tmall, anh đã lập kỷ lục bán được 15.000 thỏi son trong 5 phút, mang về cho anh danh hiệu “ông hoàng son môi”. Các chương trình phát sóng trực tiếp của anh quảng cáo các sản phẩm từ thực phẩm, mỹ phẩm và đồ nội thất gia đình. Theo các thông tin, mỗi tối livestream bán hàng anh bán được hàng hóa với tổng giá trị lên đến hàng triệu đô la Mỹ.

Các nhà phê bình cho rằng bình luận của Lý Giai Kỳ là thiếu tế nhị vào thời điểm hàng triệu thanh niên Trung Quốc phải đối mặt với triển vọng kinh tế ảm đạm.

Nhưng sự tức giận cũng đã mở ra một cửa sổ cho mọi người nhìn thấy sự vỡ mộng lan rộng trong giới trẻ Trung Quốc. “Trong các bình luận trên mạng xã hội phản ứng lại vụ việc của Lý Giai Kỳ, tôi thấy một Trung Quốc đang sụp đổ”, một dòng tweet viết.

Những người hâm mộ Lý Giai Kỳ chủ yếu là phụ nữ trẻ ở Trung Quốc. Họ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế, nhiều bài đăng trên mạng xã hội cho thấy họ đang vật lộn để kiếm sống như thế nào và số tiền họ chi tiêu không tỷ lệ thuận với mức lương của họ.

Một số cư dân mạng nữ cho biết, trong suốt 3 năm xảy ra dịch bệnh, lương không tăng dù chỉ một xu, tiêu dùng giờ chỉ giới hạn ở những nhu cầu thiết yếu hàng ngày, số khác lại cho rằng 11 năm trước họ vừa tốt nghiệp với mức lương hàng tháng 6.000 tệ (khoảng 20 triệu đồng). Hôm nay, 11 năm sau, đã lấy chồng, sinh con nhưng lương tháng là 5.000 tệ. Một số người còn cho biết lương trong nhà nước đã giảm 22%, “Bây giờ tôi được trả hơn 2.000 nhân dân tệ, khối lượng công việc gấp nhiều lần so với trước đây. Bạn có nghĩ điều đó là hợp lý không?”

Một người khác viết: “Những công việc phải làm thì vẫn làm như trước, không hề ít đi, cần tăng ca thì vẫn tăng ca như trước, không ít đi, nhưng công ty nói không có tiền, không có dự án, không nhận tiền, phúc lợi ngày lễ tết đều bị cắt không còn chút nào, phát được mấy chục tệ tiền quà sinh nhật thì khấu trừ thuế trong tiền lương, mọi người nói xem có phải là nên trách chúng ta làm việc không chăm chỉ chăng?”

“Rui mu shi pin” đã phát động một cuộc thăm dò trên weibo, hỏi cư dân mạng xem lương của họ có được tăng trong 3 năm qua hay không, hơn 60% trong số 17.000 cư dân mạng tham gia bỏ phiếu cho biết không có tăng lương, gần 30% cho biết lương của họ đã giảm và chỉ có 10% cho biết lương của họ được tăng.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cũng đăng một bài báo chỉ trích Lý Giai Kỳ, nói rằng: “Nhiều người nổi tiếng và người livestream trên Internet rất khiêm tốn trước khi kiếm tiền, nhưng lại trở nên rất kiêu ngạo sau khi kiếm được tiền. Nhưng bất cứ ngành nghề nào cũng không tách rời được người phổ thông, những người luôn phải tính toán cẩn thận chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày của họ. Một khi đã ‘nổi’, liền quên mục đích ban đầu là làm tốt dịch vụ, thì chắc chắn sẽ bị từ chối và đào thải.”

Nhà bình luận Lý Lâm Nhất ở New York đã phân tích vì sao sự việc này lại gây ra hậu quả lớn đến mức truyền thông chính thức của ĐCSTQ cũng phải can thiệp: “Với sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, chất lượng cuộc sống của người dân bình thường ở Trung Quốc cũng dần giảm sút. Sự việc của Lý Giai Kỳ đã tạo ra một kênh để người dân Trung Quốc trút giận, hoặc nó gây ra sự cộng hưởng của người dân với cuộc sống nghèo khó, đó là lý do tại sao nó lại gây ra ồn ào lớn như vậy.”

“Không phải ĐCSTQ không biết điều này. Mục đích can thiệp của họ là để ‘dẫn đầu xu hướng’, chĩa mũi dùi vào những người livestream như thế này để giúp người dân trút giận, từ đó trốn tránh trách nhiệm của chính họ (ĐCSTQ) khi khiến nền kinh tế trở nên tồi tệ. Tuy nhiên, từ góc độ nào đó của ĐCSTQ mà nói, họ cũng không dám làm lớn chuyện, nếu không họ sẽ lại bắt đầu lo lắng về sự bất ổn của chính quyền.”

Đây không phải là lần đầu tiên Lý Giai Kỳ vướng vào tranh cãi, ngày 3/6/2022, anh giới thiệu chiếc bánh kem hình xe tăng trong một buổi livestream, buổi livestream sau đó bị gián đoạn và ngoại giới suy đoán rằng anh đã động chạm đến sự kiện “Lục Tứ” (sự kiện Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989, bị cấm vì vi phạm cấm kỵ chính trị. Sau khi biến mất 109 ngày, anh trở lại vào tháng 9 cùng năm trong phòng livestream Taobao.

Sau sự lỡ lời lần này, Lý Giai Kỳ đã nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi và thừa nhận lời nói của mình không phù hợp: “Tôi là nhân viên bán hàng tại quầy mỹ phẩm và tôi biết rằng công việc của mọi người đều vất vả và không hề dễ dàng. Những gì tôi nói đã cô phụ sự mong đợi của các bạn.” Tuyên bố này không thể dập tắt được sự giận dữ của người hâm mộ và anh lại xin lỗi trong nước mắt khi livestream vào ngày hôm sau.

Về việc xin lỗi này, nhiều cư dân mạng vẫn không chấp nhận, và một số người chỉ ra rằng tội lỗi của Lý Giai Kỳ ngày càng lớn hơn, bởi vì anh ta bất ngờ trở thành một người khai sáng tư tưởng, “Anh ta khiến mọi người bắt đầu suy nghĩ đến việc làm việc chăm chỉ nhưng ngày càng có ít tiền hơn, tiền trong xã hội đều biến mất.”

“Thực ra cách nói của Lý Giai Kỳ và chính quyền đều có ý nghĩa giống nhau, đều là để người dân suy nghĩ lại, nhưng chúng được thể hiện theo những cách khác nhau. Cả hai đều để người dân bình thường phản ánh, vì trước giờ họ đều không bao giờ để các ông chủ suy nghĩ lại.”

Một số cư dân mạng còn hỏi: “Không phải Bộ Ngoại giao nói rằng nền kinh tế Trung Quốc ổn định và cải thiện sao?”

Chủ đề “79 nhân dân tệ có ý nghĩa gì đối với người bình thường” cũng trở nên phổ biến trên mạng internet ở Trung Quốc Đại Lục, nhiều cư dân mạng cho rằng số tiền này đủ trang trải chi phí sinh hoạt của họ trong vài ngày.

Trong ảnh chụp màn hình trên, cư dân mạng liệt kê 79 tệ tương đương với 1 – 2 ngày tiền ăn cơm, 1 ngày tiền lương, 1 tuần tiền ăn sáng, 1 lần uống trà buổi chiều, 1 cây bút kẻ lông mày, 1 chiếc áo, nửa tháng tiền đi lại, 1 bữa ăn lớn.
Trong ảnh chụp màn hình trên, một cư dân mạng viết, “Các bạn khi kiếm tiền thì bị lãnh đạo chửi, khi tiêu tiền thì bị Lý Giai Kỳ chửi”.

Trí Đạt

Hàn Quốc bắt quả tang 24 giáo viên bán đề thi đại học cho các cơ sở dạy thêm

(Ảnh minh họa: Jessica Jeong/Shutterstock)

Hôm 19/9 vừa qua, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết 24 giáo viên trung học đã bị bắt quả tang bán đề thi cho các cơ sở giáo dục tư nhân trước và sau khi tham gia ra đề trong kì thi tuyển sinh đại học Suneung (CSAT) và các kì thi CSTA thử, theo hãng tin Korea Times.

Cụ thể, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo sẽ nộp đơn khiếu kiện hình sự đối với 4 giáo viên và yêu cầu điều tra 22 giáo viên do nghi ngờ vi phạm luật phòng chống tham nhũng. Hai trong số 24 giáo viên sẽ phải đối mặt với cả khiếu nại hình sự và án điều tra.

Bốn giáo viên phải đối mặt với các khiếu nại hình sự bị cáo buộc đã che giấu việc bán đề thi cho các cơ sở dạy thêm khi được chọn làm người ra đề CSAT.

Trong khi đó, 22 giáo viên phải đối mặt với yêu cầu điều tra do bị bắt quả tang bán câu hỏi kiểm tra cho các trung tâm dạy thêm sau khi tham gia vào quá trình làm đề thi cho kì thi CSAT và kì thi thử CSAT.

Theo quy định của pháp luật, tất cả những người tổ chức kỳ thi CSAT đều có nghĩa vụ giữ bí mật mọi thông tin liên quan đến kỳ thi.

Bộ cho biết một trong 24 giáo viên bị phát hiện đã bỏ túi gần 500 triệu WON (khoảng 9,1 tỷ đồng) từ hành vi bán đề thi và nhiều người khác kiếm được hơn 100 triệu WON/người. Một số giáo viên thậm chí đã từng 5-6 lần tham gia ra đề CSAT.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết thêm họ cũng có kế hoạch yêu cầu điều tra 21 cơ sở dạy thêm tư nhân nghi ngờ mua đề thi của các giáo viên trên.

Phơi bày sự thông đồng giữa các nhà giáo dục công và tư nhân là một phần trong nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm tạo ra một kỳ thi CSAT công bằng, giúp các gia đình giảm bớt chi phí cho các cơ sở dạy thêm.

Theo thống kê của chính phủ, chi phí đổ vào các cơ sở dạy thêm học thêm trong khối học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hàn Quốc đã tăng lên mức kỷ lục, đạt 26.000 tỷ WON vào năm ngoái, mặc dù tổng số học sinh giảm 0,9%.

Được tổ chức vào ngày thứ Năm thứ ba trong tháng 11 hàng năm, kỳ thi tuyển sinh đại học CSAT là kì thi quan trọng nhất của một học sinh sau 12 năm đèn sách. Kết quả kì thi CSAT sẽ quyết định xem các em học sinh có thể thi đỗ vào các trường đại học hàng đầu hay không.

Phan Anh

Xung đột vũ trang lại bùng nổ giữa Azerbaijan và Armenia tại Nagorno-Karabakh

Azerbaijan tuyên bố rằng các biện pháp quân sự mà họ gọi là hoạt động “chống khủng bố” tại Nagorno-Karabakh đang tiếp diễn ngày thứ hai liên tiếp. Azerbaijan cho biết họ sẽ không dừng sử dụng vũ lực cho đến khi người Armenia tại Karabakh phải đầu hàng.

Theo RT, Azerbaijan đã phát động “các biện pháp chống khủng bố” tại Nagorno-Karabakh vào hôm thứ Ba (19/9), cáo buộc Armenia đang triển khai quân đội quy mô lớn trong khu vực gây tranh cãi này. Armenia phủ nhận triển khai quân tại khu vực Nagorno-Karabakh vốn được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan.

Trong khi đó, Armenia cáo buộc nước láng giềng Azerbaijan bắt đầu “một chiến dịch xâm lược quy mô lớn khác chống lại người dân ở Nagorno-Karabakh” và cho rằng Azerbaijan đang tìm cách “thanh trừng sắc tộc” tại khu vực này, nơi người Armenia chiếm đa số.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan, trong tuyên bố mới nhất, nói rằng quân đội nước này “tiếp tục thành công các hoạt động chống khủng bố” tại Nagorno-Karabakh. Bộ này khẳng định lực lượng vũ trang Azerbaijan đã vô hiệu hóa được các vị trí chiến đấu, phương tiện quân sự, pháo binh, hệ thống phóng tên lửa phòng không, các trạm phát thanh điện tử và các khí tài quân sự khác của Armenia.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan trước đó nói rằng “các hoạt động chống khủng bố sẽ dừng lại” nếu “các đội hình của lực lượng vũ trang Armenia đồn trú tại Karabakh” đầu hàng.

Bộ Quốc phòng Armenia đã lên tiếng phủ nhận quân đội của họ hiện diện tại khu vực Nagorno-Karabakh.

Theo BBC, giới chức Nagorno-Karabakh cho biết 27 người đã thiệt mạng, trong đó có hai dân thường, và nhiều người khác đã bị thương kể từ khi xung đột vũ trang leo thang trở lại khu vực này.

Azerbaijan cũng cho biết họ sẵn sàng đàm phán, nhưng khẳng định “các đội hình quân đội Amernia phải giương cờ trắng” và phải giải tán “chế độ bất hợp pháp” tại Karabakh.

Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thân cận của Azerbaijan, nói rằng Baku đã tiến hành hoạt động quân sự “để đáp trả các cuộc tấn công và khiêu khích vũ trang từ lâu của các thành phần được Armenia vũ trang bất hợp pháp” tại Karabakh.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời nhấn mạnh rằng “tiến trình đàm phán toàn diện” là con đường duy nhất để đạt được hòa bình lâu dài trong khu vực Nagorno-Karabakh.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với cả Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, và cũng đã kêu gọi cả hai chấm dứt xung đột.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Blinken nói: “Không có giải pháp quân sự và các bên phải nối lại đàm phán để giải quyết những khác biệt nổi bật giữa Baku và người Armenia tại Nagorno-Karabakh”.

Nga cũng đã tái khẳng định kêu gọi các bên ngừng bắn. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với báo giới: “Phía Nga mạnh mẽ thúc giục các bên xung đột hãy kết thúc cuộc chiến đẫm máu này, lập tức dừng chiến đấu và quay lại giải quyết xung đột thông qua con đường chính trị và ngoại giao”.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres vào sáng thứ Tư (20/9) đã kêu gọi các bên xung đột chấm dứt chiến đấu và “tuân thủ nghiêm túc hơn thỏa thuận ngừng bắn năm 2020, cũng như các nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế”.

Azerbaijan và Armenia xảy ra chiến tranh lần đầu vào đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ. Sau đó, vào năm 2020, Azerbaijan chiếm lại các khu vực bên trong và quanh Nagorno-Karabakh trước khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết dưới sự giám sát của lực lượng gìn hòa bình người Nga.

Hải Đăng

Related posts