Philippines cáo buộc Trung Quốc phá hủy các rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ở Biển Đông, và đang xem xét thực hiện hành động pháp lý. Trong khi đó, Bắc Kinh cho rằng Philippines đang cố gắng tạo ra “vở kịch chính trị”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Philippines, ông Menardo Guevarra, hôm thứ Sáu (ngày 22/9) cho biết Philippines đang nghiên cứu khả năng khởi kiện lần thứ hai lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague. Năm 2013, Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) lần đầu tiên về yêu sách chủ quyền của nước này trong khu vực và cuối cùng đã thắng kiện.
Bộ Ngoại giao Philippines tối ngày 21/9 tuyên bố rằng họ đang chờ kết quả đánh giá của nhiều cơ quan khác nhau về thiệt hại đối với môi trường biển của rạn san hô mà nước này gọi là Iroquois (Iroquois Reef, Việt Nam gọi là Đá Khúc Giác) ở Quần đảo Trường Sa và sẽ chấp nhận hướng dẫn của ông Menardo Guevarra.
Ông Menardo Guevarra nói với Reuters rằng nghiên cứu này “không chỉ là vì cáo buộc phá hủy các rạn san hô, mà còn vì các sự cố khác và tình hình chung ở Biển Tây Philippines”, đồng thời ông còn nói thêm rằng một bản báo cáo và kiến nghị sẽ được gửi tới Tổng thống Marcos Jr. và Bộ Ngoại giao nước này. Manila gọi phần Biển Đông mà nước này tuyên bố có chủ quyền là “Biển Tây Philippines”.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trong một tuyên bố: “Bộ Ngoại giao sẵn sàng đóng góp cho nỗ lực này”.
Trong tuyên bố gửi cho các phóng viên vào cuối ngày thứ Năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines – bà Ma. Teresita Daza lưu ý rằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) “bắt buộc các quốc gia phải bảo vệ và giữ gìn môi trường biển”, và ĐCSTQ cũng là một bên thành viên của công ước này.
Bà nói: “Như phán quyết của tòa án trọng tài năm 2016 về vấn đề Biển Đông đã nêu rõ, nghĩa vụ này áp dụng cho tất cả các khu vực biển, dù nằm trong hay ngoài phạm vi quyền tài phán của các quốc gia.” “Do đó, các quốc gia đi vào vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển của Philippines cũng có nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển của chúng ta.”
Năm 2016, Philippines giành thắng lợi mang tính bước ngoặt trong vụ kiện Trung Quốc. Vụ kiện kết luận rằng các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc (ĐCSTQ) từ chối công nhận phán quyết năm 2016, họ cũng phủ nhận tuyên bố mới nhất về cáo buộc phá hoại rạn san hô, đồng thời ám thị sẽ không tham gia vào bất kỳ vụ kiện trọng tài nào.
Môi trường biển và san hô bị tàn phá nghiêm trọng
Lực lượng vũ trang và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines báo cáo rằng môi trường biển và san hô tại Rạn san hô Iroquois (Đá Khúc Giác) và bãi cạn Escoda (Việt Nam gọi là Bãi Sa Bin) đã bị phá hoại nghiêm trọng, “nhìn có vẻ không còn sức sống, gần như không có dấu hiệu của sự sống”. Philippines cho rằng nguyên nhân là do 33 tàu của ĐCSTQ neo đậu ở đó vào tháng 8 và tháng 9.
Ông Commodore Jay Tarriela, phát ngôn viên của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines ở Biển Tây Philippines, cho biết ông nghi ngờ lực lượng dân quân hàng hải của ĐCSTQ tiếp tục “thực hiện các hoạt động đánh bắt trái phép và mang tính hủy diệt ở khu vực liên quan, có thể trực tiếp gây ra hệ sinh thái của Biển Tây Philippines hoặc khu vực biển bị thoái hoá và phá hoại.”
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Philippines – bà Ma. Teresita Daza cho biết, Bộ Ngoại giao sẽ chờ đánh giá đầy đủ về thiệt hại môi trường đối với rạn san hô Iroquois (Việt Nam gọi là Đá Khúc Giác) của các cơ quan chính phủ liên quan.
Rạn san hô Iroquois nằm gần Bãi Cỏ Rong, nơi Philippines hy vọng một ngày nào đó sẽ có được trữ lượng khí đốt tự nhiên, nhưng kế hoạch đó gặp khó khăn hơn do yêu sách chủ quyền của ĐCSTQ đối với khu vực này.
Tại cuộc họp báo hôm thứ Năm (ngày 21/9), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh gọi các báo cáo là “trò hề chính trị bịa đặt” của Philippines, đồng thời yêu cầu Philippines dỡ bỏ xác tàu đổ bộ BRP Sierra Madre trên Bãi cạn Second Thomas (Bãi cạn Ayungin, Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây).
Yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” của ĐCSTQ ở Biển Đông cắt vào vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước như Việt Nam, Malaysia và Philippines. Để bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình đối với Bãi cạn Second Thomas (Bãi cạn Ayungin, Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, Philippines đã đặc biệt cử một đội nhỏ đến đồn trú trên con tàu đổ bộ rỉ sét “Sierra Madre” mắc kẹt ở đó trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, nhiệm vụ tiếp tế của Philippines đối với đội nhỏ này tiếp tục bị ĐCSTQ cản trở.
Để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, ĐCSTQ đã xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo trên các rạn san hô dưới nước. Một số hòn đảo được trang bị đường băng, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và tên lửa.
Theo Lý Ngôn, Epoch Times