Indrajit Basu
Đại công ty vi mạch bán dẫn Qualcomm là công ty Hoa Kỳ mới nhất thông báo sa thải nhân viên khi tình hình kinh tế khó khăn của Trung Quốc đã tác động đến thị trường toàn cầu và đẩy hoạt động kinh doanh của Hoa Kỳ rời đi nơi khác.
Biển hiệu Qualcomm bên ngoài một trong nhiều tòa nhà của công ty ở San Diego vào ngày 17/09/2020. (Ảnh: Mike Blake/Reuters)
Với một nền kinh tế trì trệ, nhu cầu và tiêu dùng yếu kém đang gây thiệt hại cho Trung Quốc, các đại công ty Hoa Kỳ đang cảm nhận được tình hình gay go này. Họ buộc phải đánh giá lại kế hoạch đầu tư và mở rộng của mình tại thị trường lớn thứ hai thế giới này.
Trong một tuyên bố hôm thứ Tư (20/09), nhà phát triển vi mạch bán dẫn di động Hoa Kỳ Qualcomm loan báo rằng họ đang sa thải nhân viên ở Trung Quốc, do “tình trạng bất ổn kéo dài trong môi trường kinh tế vĩ mô và nhu cầu,” cho thấy sự suy thoái và phục hồi chậm của ngành kéo dài hơn dự kiến.
Qualcomm cho biết, “Mặc dù chúng tôi đang trong tiến trình phát triển các kế hoạch của mình, nhưng hiện tại chúng tôi dự kiến những hành động này sẽ chủ yếu bao gồm việc cắt giảm lực lượng nhân sự, và liên quan đến bất kỳ hành động nào mà chúng tôi cho rằng phát sinh thêm khá nhiều các khoản phí tái cấu trúc, mà chúng tôi dự kiến sẽ phát sinh một phần đáng kể trong số đó trong quý 4 năm 2023.” Trong khi Qualcomm đưa tin rằng công ty này sẽ “sa thải một số nhân viên tại chi nhánh ở Thượng Hải,” thì Nikkei Asia đã trích dẫn các bài đăng trên mạng xã hội của những nhân viên nói về về việc sa thải “đáng kể” ở Thượng Hải.
Hôm thứ Hai (18/09), công ty thuốc điều trị ung thư Kinnate Biopharma có trụ sở tại San Diego cũng tuyên bố sẽ sa thải 70% người nhân công, như một phần của kế hoạch tái cấu trúc quy mô lớn, bao gồm việc sa thải nhân viên tại Kinnjiu Biopharma, chi nhánh của công ty tại Trung Quốc.
Số đợt sa thải này đã diễn ra cùng với một loạt đợt cắt giảm nhân lực trong những tháng gần đây của các công ty cùng ngành của họ ở Hoa Kỳ.
Hồi tháng Năm, nhà sản xuất xe hơi Ford đã công bố kế hoạch cắt giảm chi phí ở Trung Quốc trong nỗ lực phục hồi sau sự sụt giảm doanh số liên tục tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Doanh số bán hàng của Ford tại Trung Quốc đã giảm kể từ năm 2016, khiến hãng sản xuất xe hơi này phải cho tái cấu trúc hoạt động tại Trung Quốc, kế hoạch này có thể khiến 1,300 việc làm bị cắt giảm.
Trang mạng chuyên nghiệp thuộc sở hữu của Microsoft LinkedIn cũng đã công bố cắt giảm hàng trăm việc làm ở Trung Quốc hồi tháng Ba, bao gồm cả việc ngừng cung cấp ứng dụng Hoa ngữ, như một phần của quá trình “giảm bớt” do doanh thu giảm.
Do sự thúc đẩy của sự suy thoái thị trường trong năm nay, Intel và Micron cũng cắt giảm việc làm ở Trung Quốc. Những đợt cắt giảm này diễn ra sau đợt cắt giảm quy mô khá lớn hồi năm 2022 với sự tham gia của nhóm nghiên cứu và phát triển của nhà sản xuất vi mạch bán dẫn Marvell Technology của Hoa Kỳ tại Trung Quốc.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 5% vào năm 2023, mục tiêu thấp nhất kể từ năm 1991. Sau một thập niên xây dựng quá mức, ngành địa ốc của Trung Quốc đang sụp đổ. Tệ hơn nữa, người tiêu dùng Trung Quốc đã không thể có cách nào để thoát khỏi tình trạng suy thoái vốn đã bao trùm đất nước kể từ khi bắt đầu bùng phát virus Corona.
Ông Nirgunan Tiruchelvam, nhà phân tích cổ phiếu tại Aletheia Capital có trụ sở tại Hồng Kông, nói với The Epoch Times: “Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng [từ tất cả các khu vực]; không có ngành nào an toàn trước sự suy thoái của nền kinh tế to lớn đó.”
Khó khăn về nhu cầu, bất ổn về nguồn cung cấp
Ông Tiruchelvam cho biết thêm, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại đang dẫn đến sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến doanh số và doanh thu của các công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc.
“Khi nền kinh tế chậm lại, và nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ giảm, nhiều công ty Hoa Kỳ phụ thuộc vào người tiêu dùng Trung Quốc phải đối diện với những thách thức tăng trưởng,” ông nói, và cho biết thêm rằng, sự suy thoái này cũng đang đe dọa làm tăng thêm cạnh tranh từ các doanh nghiệp địa phương, gây khó khăn cho các công ty Hoa Kỳ duy trì thị phần của mình.
Qualcomm báo cáo doanh số bán vi mạch bán dẫn di động giảm 25% trong quý 3 năm 2023, do nền kinh tế toàn cầu yếu hơn và tăng trưởng chậm ở Trung Quốc, dẫn đến doanh số bán điện thoại thông minh thấp hơn.
Nhưng hành động của Qualcomm cũng diễn ra sau khi Huawei lặng lẽ phát hành điện thoại thông minh 5G mới tại Trung Quốc sử dụng bộ vi mạch bán dẫn nội bộ của riêng mình. Bước đột phá này của Trung Quốc có thể tác động đến doanh số bán hàng của nhà sản xuất vi mạch Hoa Kỳ tại Trung Quốc.
Qualcomm là nhà phát triển bộ xử lý di động duy nhất được cấp giấy phép tiếp tục vận chuyển chipset 4G đã hạ cấp cho Huawei sau khi chính phủ ông Biden thêm công ty công nghệ Trung Quốc này vào danh sách đen thương mại. Nhà sản xuất vi mạch bán dẫn này hiện đang dự đoán rằng doanh số bán thiết bị cầm tay sẽ tiếp tục giảm trong năm nay, ít nhất là ở mức phần trăm một chữ số lớn.
Tương tự, Ford đã phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất xe hơi địa phương của Trung Quốc như SAIC Motor, Great Wall Motor, Geely, và BYD Auto, trong khi các đối thủ cạnh tranh chính của Kinnate bao gồm Shattuck Labs, LifeVantage, Immunome, Incannex Healthcare, Ocuphire Pharma, và một số các hãng nữa.
Natixis CIB Research có trụ sở tại Hồng Kông cho biết trong một ghi chú dành cho thành viên ghi danh ấn phẩm được The Epoch Times truy cập: “Sự phục hồi nhu cầu đã trở nên trì trệ hơn so với sự phục hồi nguồn cung cấp sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại.”
“Trong nửa đầu năm 2023, bất ổn về nguồn cung cấp bị dồn nén sau đại dịch Covid [đã] cao hơn đáng kể so với bất ổn về nhu cầu bị dồn nén. Điều này khác với sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 khi nhu cầu chứng kiến sự cải thiện tốt hơn đáng kể so với nguồn cung cấp,” ghi chú cho biết thêm.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc, thước đo tiêu dùng, đã tăng 2.5% trong tháng Bảy, giảm so với mức tăng 3.1% trong tháng Sáu, và không đạt dự báo tăng trưởng 4.5% của các nhà phân tích bất kể mùa du lịch hè. Đó là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 12/2022.
Bên cung cấp cũng bắt đầu tăng trưởng với tốc độ chậm hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng gần đây vẫn chỉ thấp hơn một chút so với mức trước đại dịch, tăng 3.7% vào tháng 07/2023 so với một năm trước, nhưng thấp hơn mức tăng 4.4% mà các nhà phân tích dự kiến.
“Những diễn biến này khiến thị trường tự hỏi liệu sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc có trở nên khó khăn hơn kỳ vọng trước đó hay không,” Natixis cho nói, đồng thời cho biết thêm rằng quá trình phục hồi sau COVID của Trung Quốc chậm chủ yếu là do nhu cầu phục hồi yếu hơn dự kiến.
Nhìn ra ngoài Trung Quốc
Do đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang chuyển trọng tâm từ Trung Quốc sang các thị trường khác.
Hãng tư vấn toàn cầu Boston Consulting Group cho biết trong một ghi chú tháng Chín mà The Epoch Times truy cập: “Hơn 90% các nhà sản xuất Bắc Mỹ mà chúng tôi khảo sát đã chuyển một số hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc trong 5 năm qua.” Ghi chú cho biết thêm, trong 5 năm tới, có một kế hoạch thực hiện những hành động như thế với tỷ lệ phần trăm tương tự.
Mexico, Đông Nam Á, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Morocco là những điểm đến cạnh tranh nhất.
Natixis lưu ý: “Do đó, các chính sách kích thích tập trung vào tâm lý tiêu dùng và đầu tư [là] chìa khóa để theo dõi thị trường trong chu kỳ kinh tế hiện tại.”
Nhu cầu trong nước ở Trung Quốc sẽ đặc biệt quan trọng vì thị trường ngoại quốc của quốc gia này cũng đang giảm nhanh chóng. Xuất nhập cảng của Trung Quốc giảm nhanh hơn nhiều so với dự kiến trong tháng Bảy, với tốc độ xuất cảng giảm với mức nhanh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Nhật Thăng biên dịch