Hãng xe điện VinFast công bố doanh thu quý 2 chủ yếu tăng nhờ bàn giao xe cho Công ty cho thuê ô tô điện GSM Việt Nam (ông Phạm Nhật Vượng nắm quyền sở hữu). Tổng doanh thu của VinFast đạt 327 triệu USD, tăng 113%. Tuy vậy với chi phí cao cũng khiến hãng này gánh lỗ 526 triệu USD trong quý 2.
Cụ thể, trong báo cáo của VinFast gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), doanh thu quý 2 tăng lên hơn 327 triệu USD và số lượng xe ô tô điện bàn giao đạt khoảng 9.500 chiếc.
Mặc dù VinFast không đưa ra phân tích rõ ràng về doanh số bán hàng theo thị trường, nhưng phần lớn doanh thu tăng vọt được thúc đẩy bởi doanh số bán xe điện cho thị trường nội địa, nhờ kế hoạch biến ô tô của mình thành taxi xanh ở các thành phố chính của Việt Nam, theo Reuters.
Trong đó, đơn vị mua xe lớn nhất của VinFast là Công ty cho thuê xe ô tô điện của chính ông Phạm Nhật Vượng thành lập (GSM Việt Nam).
Tính đến quý 2, GSM đã mua khoảng 7.100 ô tô điện của VinFast. Dự kiến, Công ty này sẽ mua 200.000 xe máy điện và 30.000 ô tô điện của VinFast để kinh doanh dịch vụ taxi, vận tải và cho thuê.
VinFast cũng cho biết tính đến ngày 30/6, hãng có 122 cửa hàng dịch vụ cho ô tô điện và 245 cửa hàng dành cho xe máy điện.
Tuy doanh thu tăng nhưng VinFast lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh khoảng 2.715 tỷ đồng, lỗ ròng ở mức hơn 12.530 tỷ đồng (khoảng 526 triệu USD).
“Doanh số bán hàng ở Mỹ của VinFast dự kiến sẽ không sớm được cải thiện. Các vấn đề về chất lượng không tốt gây ra bởi sự ra mắt của VF8 sẽ không được giải quyết bởi VF9”, nhà phân tích David Byrne của Third Bridge cho biết.
Mẫu xe VF8 đã nhận được những đánh giá tiêu cực ở Mỹ về chất lượng và công ty đã tự nguyện thu hồi lô 999 xe đầu tiên để khắc phục sự cố phần mềm.
Để đẩy nhanh doanh số, CEO VinFast cho biết hãng đang đàm phán với một số đại lý tại Mỹ và sẽ sớm công bố đại lý.
VinFast cũng cho biết kế hoạch thành lập một nhà máy lắp ráp ở Indonesia, nơi nguồn cung niken, nguyên liệu cho pin EV rất dồi dào.
Đức Minh