Liễu Trương
André Malraux đã từng tuyên bố: L’art est un anti-destin, Nghệ thuật là cái chống lại định mệnh. Lời tuyên bố ngắn gọn và có sức gây ấn tượng đó khiến chúng ta suy nghĩ về sự mâu thuẫn giữa thân phận hữu hạn của con người và khả năng của con người tạo nên cái đẹp, cũng khiến chúng ta tự hỏi: André Malraux là ai? Ông nghĩ gì về nghệ thuật của con người?
I Một cuộc đời đa dạng
Không dễ định nghĩa cuộc đời của André Malraux. Ông sinh năm 1901 tại Paris, đã từng hoạt động trong nhiều lĩnh vực: khảo cổ học, văn học, mạo hiểm ở Đông Dương thời Pháp thuộc, tham gia vào chiến tranh ở Tây Ban Nha, hoạt động chính trị, biên khảo về nghệ thuật, v.v.
Thời mới lớn, André Malraux không ngồi lâu trên ghế nhà trường, ông bỏ học, ông không có bằng tú tài, nhưng ông tự học và trở thành một sinh viên Trường Ngôn Ngữ Đông Phương (École des Langues Orientales). Ông rất say mê ngành khảo cổ học. Vì có óc mạo hiểm, ông qua Đông Dương, từ năm 1923 đến năm 1927, hợp tác với một tờ báo chống chủ nghĩa thực dân, tham gia những phong trào cách mạng ở Trung Quốc, dưới lá cờ của Quốc Dân Đảng. Ông cũng tham gia những cuộc thám hiểm về khảo cổ, và bị bỏ tù từ năm 1923 đến năm 1924, vì đã trộm cắp và chứa chấp một số cổ vật của văn hóa Khmer.
Trở về Pháp, Malraux kể lại cuộc mạo hiểm đó trong cuốn tiểu thuyết La Voie royale (Con đường vương giả) (1930). Hai năm trước, năm 1928, ông đã cho ra cuốn Les Conquérants (Những kẻ đi chinh phục). Rồi ông trở nên nổi tiếng với tác phẩm La condition humaine (Phận người) (1933) được Giải Goncourt.
Từ một người không có bằng tú tài, chỉ tự học, Malraux được xem như một bậc trí thức có tư duy độc đáo. Ông không ngừng dấn thân vào thời cuộc. Ngay từ năm 1933, ông chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Hitler. Rồi ông chiến đấu bên cạnh những chiến sĩ Tây Ban Nha thuộc đảng Cộng hoà chống lại Franco. Sự dấn thân vào cuộc chiến này là nguồn sáng tạo cuốn tiểu thuyết L’Espoir (Niềm hy vọng) (1937). Sau đó Malraux gia nhập cuộc kháng chiến ở Pháp chống Đức Quốc Xã. Sau Đệ nhị Thế chiến, Malraux hoạt động sát cánh với tướng de Gaulle. Khi tướng de Gaulle lên nắm chính quyền, Malraux giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa từ năm 1959 đến năm 1969. Trong thời gian này ông viết bộ Hồi ký nổi tiếng: Les Antimémoires.
Malraux mất năm 1976, tro của ông được đặt ở Điện Panthéon ở quận 5 Paris, trên đồi Nữ Thánh Geneviève, được đại lộ Soufflot nối liền với vườn Luxembourg. Điện Panthéon là nơi an táng các nhân vật nổi tiếng đã đánh dấu lịch sử Pháp như Voltaire, J. J. Rousseau, Victor Hugo, v.v.
II Nghệ thuật thắng định mệnh
Tác phẩm của André Malraux có thể được chia ra nhiều phần: tiểu thuyết, tiểu luận được tập hợp năm 1976 dưới tựa đề Le Miroir des Limbes, biên khảo về nghệ thuật trong các cuốn Les Voix du silence (Tiếng nói của im lặng) (1951), Le Musée imaginaire de la sculpture mondiale (Viện bảo tàng tưởng tượng của nghệ thuật điêu khắc trên thế giới) (1952-1955), La Métamorphose des dieux (Sự biến hóa của các vị thần) (1957-1976). Tính nhất quán của các tác phẩm này là sự tra vấn thường xuyên có tính cách siêu hình về cái chết, về ý nghĩa của cuộc đời, về định mệnh và về sự tôn thờ nghệ thuật.
Về phương diện triết học, đặt câu hỏi về định mệnh tức tra vấn về cuộc đời, đúng hơn tra vấn về cái hướng và ý nghĩa của cuộc đời. Một cách khái quát, định mệnh đưa về một sức mạnh cao siêu quyết định những biến cố trong cuộc đời của chúng ta, theo một sơ đồ khó hiểu và khó thay đổi. Định mệnh chấm dứt thời gian của đời người, tức đưa con người đến cái chết. Vậy định mệnh, do bản chất, là cái không tránh được: mọi cố gắng tránh né định mệnh đều là ảo tưởng. Như đã nói, định mệnh chấm dứt thời gian của đời người, do đó thời gian là một vấn đề tối hệ trọng đối với con người.
Trong số các nhà văn, nhà thơ, có lẽ Baudelaire là người nhạy cảm nhất về sự trôi qua khắc nghiệt của thời gian. Một trong những bài thơ sonnet của ông mang tựa đề L’Ennemi (Kẻ thù), vào đoạn chót, bài thơ tiết lộ vấn đề được nói đến, đó là sự tăng dần của lo sợ do bước tiến của thời gian gây nên:
Ôi đau đớn thay! Ôi đau đớn thay! Thời gian ăn mòn cuộc đời,
Và Kẻ thù lẩn trốn đang gặm nhấm trái tim của chúng ta
Nó lớn lên và vững mạnh thêm với nguồn máu vơi đi của chúng ta.[1]
Trong bài thơ, thời gian còn lại càng lúc càng ngắn ngủi làm tăng thêm lo sợ và trở thành một ám ảnh.
Trở lại André Malraux, ông không chịu phục tùng định mệnh, ông đi tìm một khí giới chống lại thời gian, đó là nghệ thuật. Năm 1945, ông tuyên bố: “Điều thiết yếu quan trọng đối với tôi, chính là nghệ thuật. Về nghệ thuật tôi như người sùng kính về tôn giáo”.
Trong suy nghĩ về sáng tạo nghệ thuật, Malraux luôn luôn cho thế giới của hình thức đối lập với đời sống. Trong Les Voix du Silence, Malraux xem nghệ thuật như một phương tiện để vượt khỏi cái chết, vượt khỏi những giới hạn của hiện thực. Mỗi kiệt tác là sự thanh khiết hóa thế giới, nhưng bài học chung mà những kiệt tác đó để lại là bài học về sự tồn tại của chúng, và chiến thắng của mỗi nhà nghệ sĩ chống lại sự lệ thuộc của mình sẽ tiếp nối sự chiến thắng của nghệ thuật chống lại định mệnh của nhân loại, trong một sự mở rộng thênh thang.
Nghệ thuật là cái chống lại định mệnh.
Vậy theo Malraux, con người có một cách thắng định mệnh, đó là nghệ thuật. Những sáng tạo nghệ thuật đáp lại nhau từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, từ mỹ học này đến mỹ học khác, trong một cuộc đối thoại thật sự xuyên qua các thời đại và bất chấp cái chết. Nghệ thuật là sự đối thoại giữa các nền văn minh và giữa những khuynh hướng thẩm mỹ khác biệt, là những biến hóa và tái sinh của một cố gắng vượt xa và khắc phục cái chết.
“Nhưng con người có bị sự vĩnh cửu ám ảnh không, hoặc có bị ám ảnh bởi ý muốn thoát khỏi sự lệ thuộc khắc nghiệt mà cái chết cứ nhắc đi nhắc lại mãi không? […] Không có cái chết nào không thể bị tổn thương trước một đối thoại mới khởi đầu, và sự sống còn của đối thoại không thể được đo lường với thời gian lâu dài của nó; sự sống còn đó là sự sống còn của cái hình thức của chiến thắng của một con người chống định mệnh, và cái hình thức đó, khi con người đã chết, nó bắt đầu đời sống bất ngờ của nó. Sự chiến thắng đã từng cho cái hình thức đó sự hiện hữu, sẽ cho nó một tiếng nói mà tác giả không biết đến. Những pho tượng đó có tính Ai Cập hơn người Ai Cập, có tính Kitô giáo hơn người Kitô giáo, có tính Michel-Ange hơn nghệ sĩ Michel-Ange – chúng có tính nhân loại hơn thế giới – và những pho tượng đó muốn mình là chân lý bất khả quy […] Những thân xác vẻ vang không phải là những thân xác dưới mộ”[2].
Lời tuyên bố của André Malraux: Nghệ thuật là cái chống lại định mệnh là ý muốn từ chối những sắp đặt tiền định, ý muốn biến đổi định mệnh để đi xa hơn. Nghệ thuật là cái khẳng định sức mạnh và vinh dự làm người của chúng ta.
[1] Ô douleur! ô douleu ! le Temps mange la vie,
Et l’obscur Ennemi qui nous ronge le cœur
Du sang que nous perdons croît et se fortifie!
Baudelaire
[2] Les Voix du silence, Gallimard, 1951, tr. 639.