Để duy trì cuộc chiến kéo dài, Ukraine tái thiết quân đội, kinh tế và xã hội

Economist

Cù Tuấn, biên dịch

25-9-2023

Tóm tắt: Những cải tiến mang tính ngẫu hứng và phi tập trung hóa trong giai đoạn đầu của cuộc chiến vẫn chưa đủ.

Trong ánh nắng mùa thu, Kiev trông thật rực rỡ. Những con phố rợp bóng cây tràn đầy sức sống: những quán cà phê sân thượng nhộn nhịp và những người hipster tụ tập tại các quán bar ở Podil, một khu phố thời thượng. Bỏ tiếng còi báo động không kích kỳ quặc sang một bên, dấu hiệu chính của cuộc chiến kéo dài 18 tháng với Nga là những chiếc xe tăng rỉ sét được biến thành đài tưởng niệm chiến tranh tạm thời và nhiều người đàn ông mặc quân phục đang tận hưởng kỳ nghỉ phép cùng người thân của họ.

Đối với Valery Zaluzhny, sĩ quan cao cấp của Ukraine, cảnh những đứa trẻ ăn kem và những người đàn ông tặng hoa cho người mình yêu thật là mãn nhãn. “Đây là những gì mà chúng tôi đang đấu tranh để có được. Tôi chỉ muốn mọi người có cuộc sống bình thường trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine”, ông nói. Từ quan trọng là “toàn bộ”: Cuộc phản công của Ukraine vẫn chưa mang lại kết quả mà ông và những người khác mong đợi. Phòng tuyến của Nga vẫn chưa sụp đổ. Gần 1/5 lãnh thổ Ukraine vẫn nằm trong tay Nga. Trong cuộc chiến tiêu hao đang diễn ra, chưa rõ bên nào sẽ trụ vững hơn. Tất nhiên, một phần điều đó phụ thuộc vào yếu tố không chắc chắn thứ hai: số lượng hỗ trợ quân sự và tài chính do các đồng minh của Ukraine cung cấp sẽ tiếp tục được đưa tới khi chiến tranh tiếp diễn.

Những tiếng nổ đến từ trên trời

Dù cho Kiev vẫn duy trì sự bình thường bề ngoài của nó, thành phố này đang tràn ngập sự lo lắng. Người Ukraina biết rằng Nga đã dự trữ tên lửa và máy bay không người lái để tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của họ khi nhiệt độ giảm xuống. Họ biết rằng nguồn cung cấp quân tình nguyện đã cạn kiệt và nam giới Ukraine đang phải nhập ngũ để thay thế những người bị thương ở mặt trận. Và họ biết rằng sẽ không có hồi kết: một năm trước 50% trong số họ nghĩ rằng nó sẽ kết thúc trong vòng một năm. Bây giờ chỉ có 34% tin vào điều đó. Trong khi Vladimir Putin, lãnh tụ độc tài của Nga, không quan tâm đến mạng sống của quân đội mình thì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, lại xây dựng một xã hội dân chủ tập trung vào điều này. “Đây không chỉ là việc giải phóng các vùng đất [bằng bất cứ giá nào]. Nó là việc giải phóng lãnh thổ nhưng không gây thiệt hại nhiều sinh mạng”, ông nói với The Economist.

Viễn cảnh về một cuộc đấu dai dẳng đã bắt đầu thấm vào các bài phát biểu của ông Zelensky. “Chúng ta cần học cách chung sống với [cuộc xung đột]”, ông nói với người dân Ukraine gần đây. “Nó phụ thuộc vào loại chiến tranh. Chúng ta sẵn sàng tiếp tục chiến đấu trong một thời gian rất dài…[đồng thời] giảm thiểu số lượng thương vong. Như ở Israel chẳng hạn. Chúng ta có thể sống như vậy”.

Tuy nhiên, một cuộc chiến bền bỉ sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn trong kế hoạch quân sự, kinh tế và xã hội nói chung. Sự ứng biến và phi tập trung hóa đầy anh dũng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, giờ đã cho thấy là vẫn chưa đủ. Về mặt quân sự, ông Zelensky đã khởi xướng một sự thay đổi rõ ràng bằng cách bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng mới, Rustem Umerov. Giống như hầu hết người Ukraine, ông có lợi ích cá nhân trong cuộc chiến. Umerov là người Tatar ở Crimea, một nhóm dân tộc bị đàn áp vì có thiện cảm với Ukraine kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Tuy nhiên, ông nói, “Ukraine không phải là các cảm xúc, mà là về một hệ thống, hậu cần và các ngành công nghiệp”.

Ông Umerov, một cựu doanh nhân và nhà đầu tư 41 tuổi, cho biết sứ mệnh của ông là xây dựng năng lực cho cả ngành công nghiệp quốc phòng và binh lính của Ukraine, để các đồng minh phương Tây coi Ukraine không phải là một nước phụ thuộc luôn cầu xin viện trợ, mà là một đối tác có khả năng định hình vận mệnh của chính mình. Công việc trước đây của Umerov là quản lý danh mục tài sản của chính phủ và ông muốn áp dụng tư duy quản lý hiệu quả vào vai trò mới của mình. Cần loại bỏ quan liêu. Ông nói: “Bất cứ thứ gì có thể số hóa đều cần được số hóa”. Umerov không ngại gây sóng gió: sau hai tuần làm việc, ông đã thay thế sáu trong số bảy cấp phó của mình.

Một di sản đầy bom đạn

Khi còn là một phần của Liên Xô, Ukraine có ngành công nghiệp quốc phòng to lớn. Khoảng 1,5 triệu người Ukraine làm việc trong 700 doanh nghiệp quân sự, bao gồm 205 nhà máy và 130 cơ sở nghiên cứu và phát triển. Leonid Kuchma, tổng thống thứ hai của Ukraine, điều hành nhà máy tên lửa lớn nhất thế giới ở thành phố Dnipro vào thời Xô viết. Một nhà máy hàng đầu ở Kharkov sản xuất 900 xe tăng mỗi năm. Nhưng tham nhũng và sự bỏ mặc sau khi Liên Xô tan rã năm 1991 đã dần giết chết các doanh nghiệp này.

Giờ đây Ukraine đang xây dựng lại ngành công nghiệp vũ khí gần như từ đầu. Ông Umerov khẳng định: “Bất cứ thứ gì có thể sản xuất được tại địa phương thì đều phải được sản xuất tại địa phương”. Mảng liên quan đến việc cải cách doanh nghiệp nhà nước là công việc của Oleksandr Kamyshin, cựu chủ ngân hàng đầu tư, người từng điều hành công ty đường sắt nhà nước và theo đuổi các mốt quản lý phương Tây. Ông tuyên bố: “Một trăm ngày đầu tiên của cuộc chiến là thể hiện lòng dũng cảm. Một nghìn ngày tiếp theo là thể hiện độ cứng rắn”. Vào tháng 6 năm 2023, ba tháng sau khi được bổ nhiệm, Ukraine đã sản xuất được số lượng đạn pháo nhiều ngang với cả năm trước đó. Ông Kamyshin cho biết vào tháng 7 con số này đã tăng gấp đôi.

Ông Umerov muốn khuyến khích các nhà sản xuất vũ khí tư nhân, vốn chỉ chiếm 20-30% ngành công nghiệp địa phương. Ông nói rằng ông sẵn sàng trả trước cho các công ty địa phương nếu họ có thể chứng minh được khả năng chế tạo những gói dụng cụ hữu ích của mình. Nhiều người đang phải vật lộn với tình trạng thiếu các nhà quản lý có năng lực: Bộ Quốc phòng đang đề nghị giúp đưa những người như vậy từ tiền tuyến trở về. Ông Kamyshin dự đoán trong vòng 5 năm tới, các công ty tư nhân sẽ sản xuất 80% sản lượng của địa phương.

Một trọng tâm là máy bay không người lái. Sản lượng máy bay này của Ukraine đã tăng theo cấp số nhân, mặc dù chỉ từ một cơ sở nhỏ. Mykhailo Fedorov, bộ trưởng 32 tuổi về chuyển đổi kỹ thuật số, người đang điều phối nỗ lực trên, cho biết: “Chúng tôi sẽ [sản xuất] số lượng máy bay không người lái nhiều gấp 120 đến 150 lần so với năm ngoái”. Số lượng công ty địa phương tham gia kinh doanh mặt hàng này đã tăng từ 7 công ty vào tháng 12 lên 70 công ty hiện nay, phần lớn trong số đó là công ty tư nhân. Để khuyến khích sự tăng trưởng này, chính phủ đã loại bỏ thuế quan đối với các linh kiện nhập khẩu và đang mua máy bay không người lái với mức giá mà cho phép tỷ suất lợi nhuận lên tới 25%. Ông Fedorov nói: “Chúng tôi có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến công nghệ. Chúng tôi đang nhận được sự giúp đỡ từ các quốc gia có nền kinh tế lớn và mức độ tự do cao hơn. Công nghệ thích sự tự do và chúng thích tính di động. Chúng tôi có cả hai”.

Ông Kamyshin muốn các nhà thầu quân sự phương Tây cũng bắt đầu nội địa hóa hoạt động sản xuất của họ. BAE Systems, một công ty quốc phòng của Anh chuyên sản xuất nhiều loại vũ khí cung cấp cho Ukraine, đã thành lập một công ty con ở địa phương với hy vọng sản xuất các loại pháo L119 và M777, cả hai loại này đều được sử dụng rộng rãi ở mặt trận. Rheinmetall, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức, đang sửa chữa xe tăng Leopard ở Ukraine và có kế hoạch sớm mở một nhà máy sản xuất xe bọc thép tại đây. Như Armin Papperger, Giám đốc điều hành của nó, nói với CNN, “[Người Ukraine] phải tự giúp mình. Nếu họ luôn phải chờ [người châu Âu hoặc người Mỹ] giúp đỡ họ trong 10 hoặc 20 năm tới… điều đó là không thể”.

Việc bảo vệ những nhà máy như vậy khỏi các cuộc tấn công của Nga sẽ đòi hỏi sự khéo léo. Ông Kamyshin cho biết: “Chúng ta sẽ không có một nhà máy siêu khổng lồ kiểu Liên Xô mà có nhiều nhà máy nhỏ hơn trải rộng khắp đất nước”. Ông Fedorov nói rằng máy bay không người lái là bằng chứng cho những gì có thể xảy ra: Việc Ukraine tăng sản lượng các thiết bị trinh sát đã giúp nước này đánh ngang tay với Nga. Việc sản xuất tên lửa tầm xa hơn, có thể tấn công các mục tiêu ở Crimea và sâu bên trong nước Nga, cũng đang phát triển. Ông nói: “Đó là một thời điểm lịch sử quan trọng, khi chúng ta không chỉ đơn giản nhận viện trợ và hy vọng [rằng nó sẽ không cạn kiệt] mà là khi chúng ta tự tay chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và bắt đầu hình thành năng lực của chính mình”.

Ngành công nghiệp máy bay không người lái đang phát triển của Ukraine cũng cho phép các lực lượng vũ trang của nước này áp dụng các chiến thuật mới bằng cách tiến hành cuộc chiến tại bên trong nước Nga. Một mục đích là tấn công các nhà máy quân sự nhằm nỗ lực phá vỡ toàn bộ chuỗi cung ứng. Các ví dụ gần đây bao gồm cuộc tấn công vào cơ sở sản xuất decalin, chất phụ gia nhiên liệu cần thiết cho tên lửa và nhà máy sản xuất mạch điện cho tên lửa Kinzhal và Iskander.

Mục đích thứ hai mang tính tâm lý: phá vỡ vẻ ngoài bình thường mà Điện Kremlin đang cố gắng duy trì, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Matxcơva. Các sân bay ở đó đã phải tạm dừng các chuyến bay trong thời gian ngắn hầu như hàng ngày trong những tuần gần đây do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào thành phố (Ông Kamyshin nói ông muốn mở một cửa hàng bán áo thun với khẩu hiệu “Matxcơva không bao giờ ngủ”).

Ukraine cũng có mục tiêu thứ ba khi tấn công cơ sở hạ tầng của Nga: ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng của nước này. Kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine trên Biển Đen vào tháng 7, Nga đã bắn phá các tuyến đường xuất khẩu đó và các tuyến đường xuất khẩu khác, đồng thời đe dọa các tàu ghé vào các cảng của Ukraine. Kết quả là xuất khẩu của Ukraine đã giảm một nửa, gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Ukraine đang cố gắng phá vỡ sự phong tỏa của Nga. Tháng trước, nước này đã thiết lập một tuyến đường biển mới, ôm lấy bờ biển phía Tây Biển Đen, gần Romania và Bulgaria. Nếu Ukraine có thể bảo vệ nó, nước này có thể tăng xuất khẩu lên khoảng 70% mức trước chiến tranh. Vào ngày 17 tháng 9, hai con tàu đã cập cảng Chornomorsk gần Odessa để chở gần 20.000 tấn lúa mì. Vài giờ sau, Nga tung ra hàng loạt máy bay không người lái và tên lửa vào các cảng lân cận.

Một sự thay đổi về lãnh hải

Các chiến lược gia Ukraine hy vọng rằng, nếu họ có thể đe dọa các cảng của Nga trên Biển Đen và tấn công vào các căn cứ quân sự mà từ đó các cuộc tấn công vào các cảng của Ukraine được phát động, họ có thể duy trì hoạt động xuất khẩu của Ukraine. Đầu tháng này, tên lửa Ukraine đã phá hủy một tàu ngầm, một con tàu và các cơ sở cảng tại căn cứ hải quân Nga ở Crimea. Nga có hệ thống phòng không chắc chắn, nhưng các cơ sở ở xa hơn của Nga có thể không được bảo vệ tốt.

Việc tập trung vào bảo vệ xuất khẩu phản ánh nhận thức của các quan chức Ukraine rằng nền kinh tế cũng sẽ cần một cuộc cải tổ mạnh mẽ để đối phó với một cuộc chiến kéo dài. Ukraine đã nhận được 31 tỷ USD viện trợ tài chính vào năm ngoái và đang trên đà nhận được nhiều hơn nữa trong năm nay. Nhưng Bộ trưởng tài chính Serhiy Marchenko cho rằng sự hào phóng như vậy sẽ không xảy ra vô thời hạn.

Trong khi đó, chi tiêu quân sự đã tăng vọt từ 5% GDP trước chiến tranh lên 26% trong năm nay. Ngay cả khi cuộc chiến dừng lại, chi tiêu có thể không giảm nhiều. Tướng Zaluzhny nói: “Tôi muốn quân đội Ukraine mạnh đến mức Nga thậm chí không dám nhìn sang biên giới chúng tôi”. Ông Marchenko lưu ý rằng nền kinh tế đang bị thu hẹp quá nhỏ để tạo ra đủ doanh thu từ thuế để chi trả cho an ninh quốc phòng của Ukraine, vì vậy chính phủ sẽ phải giúp nước này phát triển bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy ngành công nghiệp.

Ông Marchenko nói, mối quan tâm chính của các nhà đầu tư không phải là an ninh vật chất mà là hệ thống pháp luật không đáng tin cậy, một vấn đề đã tồn tại từ trước chiến tranh. Tương tự như vậy, chính nạn tham nhũng chứ không phải thiệt hại do chiến tranh gây ra đối với cơ sở hạ tầng của Ukraine mà hầu hết người Ukraine coi là trở ngại chính cho quá trình phục hồi. Các nhà điều tra, công tố viên và tòa án chống tham nhũng độc lập mà Ukraine thành lập đang đạt được tiến bộ, nhưng hệ thống tư pháp rộng hơn vẫn hoạt động kém hiệu quả và khó lường.

Có lẽ tổn thương nặng nề nhất mà chiến tranh gây ra cho nền kinh tế là khiến 7 triệu người Ukraina phải di cư – gần 20% dân số trước chiến tranh là 37 triệu người. Hơn 2/3 là phụ nữ vì nam giới trong độ tuổi chiến đấu bị cấm rời khỏi đất nước. Dân số trong độ tuổi lao động đã giảm từ 16,7 triệu năm 2021 xuống còn 12,4 triệu trong năm nay.

Tiếng gọi của sự bình yên

Để thu hút mọi người quay trở lại, chính phủ đang cung cấp các khoản tài trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp và trợ cấp thế chấp cho những người xây dựng lại nhà. Nhưng nhiều người trong số những người ra đi đã định cư ở những nơi giàu có hơn, ổn định hơn ở EU, tìm được việc làm và cho con cái đi học. Họ dường như không muốn có nhiều biến động hơn và họ có thể thấy nhiều cơ hội hơn cho bản thân và con cái trong ngôi nhà mới, bất kể tình hình an ninh ở Ukraine như thế nào. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy ít nhất khoảng một nửa số người đã chuyển đến Đức có ý định ở lại đó trong tương lai gần.

Cuộc di cư không chỉ gây tổn thất về mặt kinh tế mà còn về mặt xã hội. Theo Olena Zelenska, vợ của ông Zelensky, người đứng đầu một sáng kiến về sức khỏe tâm thần của chính phủ, số vụ ly hôn đã gia tăng “vì phụ nữ và trẻ em ở nước ngoài và đàn ông ở đây”. Ông Zelensky nói rằng có nguy cơ thực sự là một cuộc chiến tranh tiêu hao có thể đẩy nhanh dòng người rời khỏi Ukraine, tạo ra thêm các vấn đề kinh tế và làm gia tăng khoảng cách giữa những người ra đi và những người ở lại.

Đây không phải là nguồn gốc duy nhất của căng thẳng xã hội. Roman Hasko, một trung úy thuộc Lữ đoàn tấn công dù 80, người tình nguyện tham gia tuần đầu tiên của cuộc chiến, nói rằng anh cảm thấy thất vọng khi chứng kiến sự nhộn nhịp của Kyiv về đêm, khi anh vừa từ tiền tuyến gần Bakhmut về Kiev để nghỉ phép. “Tôi trông thấy rất nhiều tân binh tiềm năng. Trong đơn vị của tôi thì lại trống rất nhiều vị trí. Không phải tất cả đều thiệt mạng—một số bị thương hoặc bị bệnh… Nếu chúng ta muốn có được chiến thắng trong cuộc chiến này, chúng ta cần lấp đầy những vị trí còn trống”.

Trong những tuần đầu tiên của chiến tranh, những người như ông Hasko xếp hàng xin được nhập ngũ. Bây giờ Ukraina đang được bổ sung quân ngũ thông qua việc nhập ngũ. Một số thanh niên chưa được triệu tập rất lo lắng khi rời nhà ra chơi ngoài đường hoặc vượt qua các trạm kiểm soát vì sợ bị ép phải nhập ngũ. Nhiều người đã cố gắng hối lộ để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và rời khỏi Ukraine một cách bất hợp pháp. Tháng trước, ông Zelensky đã sa thải người đứng đầu tất cả các trung tâm tuyển quân trong khu vực. Ông thay thế họ bằng những người lính có kinh nghiệm chiến trường đã được cơ quan tình báo kiểm tra. Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng đã cắt giảm mạnh số lượng nam giới được miễn trừ nhập ngũ do các yếu tố y học.

Người Ukraina rõ ràng lo ngại về cách thức điều hành đất nước của họ. Tỷ lệ ủng hộ quân đội và Tổng thống vẫn ở mức cao, nhưng niềm tin vào các chính trị gia của đất nước nói chung đã giảm từ 60% trong tháng 12 xuống còn 44% trong tháng Sáu. Tỷ lệ người Ukraine cho rằng đất nước đang đi đúng hướng cũng giảm (xem biểu đồ). Đặc biệt có sự lo lắng về vấn đề tham nhũng.

Nhưng 76% nói với những người thăm dò ý kiến rằng họ không muốn có cuộc bầu cử mới cho đến khi chiến tranh kết thúc. Tỷ lệ ủng hộ nền độc lập của Ukraine ở mức cao nhất từ trước đến nay, ở mức 82%. Hầu hết họ không phàn nàn về những hạn chế đi lại hoặc việc cắt giảm các quyền tự do dân sự trong thời chiến. Darina Solodova, nhà xã hội học của Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc, cho biết: “Chiến tranh đã trở thành một phần của một điều bình thường khủng khiếp mới”.

Chương trình nghị sự ở Kiev

Chống lại sự xâm lược của Nga vẫn là một nguyên tắc thống nhất của đại đa số. Bà Solodova nói: “Vấn đề không phải là có nên phản kháng hay không mà là ai đã làm ít hay làm nhiều cho sự phản kháng đó”. Trên khắp Ukraine, 42% nói rằng ngay cả khi Nga tăng cường ném bom vào các thành phố thì Ukraine vẫn nên tiếp tục chiến đấu. Khoảng 21% cho rằng xung đột nên được đóng băng mà không có bất kỳ nhượng bộ nào đối với Nga. Chỉ có 23% cho rằng việc bắt đầu đàm phán là đáng giá. Ngay cả ở phía đông và phía nam, nơi gánh chịu gánh nặng chiến tranh, tỷ lệ ủng hộ đàm phán cũng tương đối thấp, lần lượt ở mức 32% và 39%. Chỉ 5% người Ukraine sẵn sàng nhượng lại bất kỳ lãnh thổ nào cho Nga và chỉ 18% số người được hỏi từ chối gia nhập NATO.

Nghiên cứu của Trung tâm Hòa bình bền vững và Phát triển Dân chủ, một tổ chức tư vấn ở Síp, cho thấy người Ukraine đã trở nên lạc quan hơn về tương lai bất chấp cuộc chiến. Hầu hết đều tin rằng thế hệ tương lai sẽ tốt hơn. Bà Zelenska không ngạc nhiên: “Mọi người biết họ đang chiến đấu vì điều gì, chứ không chỉ đơn giản là chống lại cái gì”.

Related posts