Nga cân nhắc cùng Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản

Nga cân nhắc cùng Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản
Ngư dân dỡ hải sản đánh bắt được bằng lưới kéo xa bờ, tại cảng Matsukawaura ở thành phố Soma, Fukushima, Nhật Bản, ngày 1/9/2023. (Ảnh: JIJI Press/AFP qua Getty Images)

Nga cho biết họ đang xem xét việc tham gia cùng Trung Quốc trong lệnh cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản sau khi Tokyo xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra đại dương.

Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm toàn diện đối với tất cả các sản phẩm hải sản của Nhật Bản sau khi Tokyo xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (thuộc Công ty Điện lực Tokyo) ra Thái Bình Dương vào ngày 24/8.

Thứ 3 (26/9), cơ quan giám sát an toàn thực phẩm Nga Rosselkhoznador cho biết họ đã thảo luận với phía Trung Quốc về khả năng rằng các sản phẩm cá xuất khẩu của Nhật Bản bị nhiễm phóng xạ, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin.

Cơ quan Rosselkhoznador của Nga nói: “Khi tính đến những rủi ro có thể xảy ra với sản phẩm bị ô nhiễm phóng xạ, Rosselkhoznadzor đang xem xét khả năng cùng với Trung Quốc hạn chế nguồn cung các sản phẩm cá từ Nhật Bản”.

“Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi đàm phán với phía Nhật Bản”, Rosselkhoznador nói thêm.

Cơ quan này cho hay họ đã yêu cầu Tokyo cung cấp thông tin về quy trình kiểm tra phóng xạ đối với các sản phẩm cá xuất khẩu, bao gồm cả sự hiện diện còn sót lại của đồng vị phóng xạ triti. Nhật Bản có thời hạn đến ngày 16/10.

Tính đến tháng 9 năm nay, Nga đã nhập khẩu khoảng 118 tấn hải sản từ Nhật Bản. Năm ngoái, nước này nhập khẩu 190 tấn các sản phẩm cá của Nhật Bản.

Người phát ngôn chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết Tokyo sẽ xem xét kỹ lưỡng yêu cầu của Nga, đồng thời kêu gọi Moscow “hành động dựa trên bằng chứng khoa học”.

Ông Matsuno nói với các phóng viên rằng Nga có thành viên trong nhóm chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA); nhóm này đã kiểm tra và phê duyệt kế hoạch xả nước thải Fukushima vào tháng 7.

Trong báo cáo mới nhất về kiểm tra nước, Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết, kết quả phân tích nước biển được lấy mẫu vào ngày 19/9 cho thấy nồng độ triti tại 11 điểm lấy mẫu nằm dưới giới hạn cho phép và sẽ không có tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường.

Nga cũng không phát hiện điều bất thường nào trong các mẫu nước biển được lấy tại các khu vực của Nga mà tương đối gần với nơi xả nước đã qua xử lý của Nhật Bản, theo Interfax.

Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc hành xử dựa trên bằng chứng khoa học

Bộ Ngoại giao Nhật Bản trước đó đã đệ đơn khiếu nại chính thức lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để chống lại lệnh cấm của Trung Quốc. Tokyo cũng kêu gọi Trung Nam Hải bãi bỏ các hạn chế nhập khẩu của họ.

Trong đơn khiếu nại, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh rằng tiêu chuẩn của Nhật Bản đối với nồng độ triti trong nước thải đã qua xử lý khắt khe hơn so với tiêu chuẩn mà các lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc áp dụng.

Bộ này cho biết: “Ví dụ, lượng triti được thải ra hàng năm từ [Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi] chỉ xấp xỉ 1/10 lượng triti được thải ra từ Nhà máy điện hạt nhân Qinshan ở Trung Quốc”. Các bể chứa nước đã qua xử lý tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Okuma, Fukushima, Nhật Bản, ngày 24/8/2023. (Ảnh: STR/JIJI Press/AFP qua Getty Images)

Trong cuộc nói chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào ngày 6/9, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhắc lại quan điểm của Nhật Bản về việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh hành động dựa trên bằng chứng khoa học.

Giáo sư Nobumasa Akiyama đến từ Đại học Hitotsubashi – một chuyên gia về chính trị quốc tế và chính sách hạt nhân – tin rằng Bắc Kinh muốn “đạt được lợi thế ngoại giao bằng cách liên tục duy trì sự phản đối đối với việc Nhật Bản xả nước thải”.

Theo ông Akiyama, điều quan trọng đối với Nhật Bản là phải duy trì được niềm tin của cộng đồng quốc tế hơn là lo lắng về sự phản đối mạnh mẽ từ một số quốc gia.

“Điều này không có nghĩa là việc đối thoại là không còn cần thiết, dù độ an toàn đã được khoa học chứng minh; đúng hơn là cần phải đạt được cả an toàn khoa học và cả an sinh xã hội. Điều quan trọng là chính phủ Nhật Bản không nên hài lòng với việc nhiều nước đã không lên tiếng phản đối, mà phải kiên nhẫn cung cấp thông tin mà các nước muốn biết từ quan điểm của họ”, ông nói với hãng truyền thông NHK của Nhật Bản.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Related posts