Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có 61 trường hợp tử vong do bệnh dại ở 26 tỉnh, thành, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh dại là bệnh phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại, có khoảng 60.000 – 70.000 người bị chết do bệnh dại.
Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều tử vong.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong 10 năm qua, thế nhưng mỗi năm vẫn ghi nhận có từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã có 61 trường hợp tử vong ở 26 tỉnh thành, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù số ca tử vong do bệnh dại ở một số tỉnh đã giảm đáng kể, chỉ số này vẫn tăng ở 20 tỉnh trong giai đoạn 5 năm (2017-2021), so với giai đoạn 2011-2016.
“Chết vì bệnh dại là cái chết ám ảnh và thương tâm nhất, người bệnh sẽ tỉnh táo chờ đợi cái chết trong đau đớn, vật vã cho đến những phút cuối cùng. Người chứng kiến cũng không thể tránh khỏi tổn thương tâm lý nặng nề”, TS Trần Xuân Nguyên, Trưởng ban chuyên môn, Hội Đông Y Việt Nam nói.
Tiến sĩ Angela Pratt, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh sự cần thiết về một cam kết mạnh mẽ và hướng mục tiêu vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm loại bỏ tử vong do bệnh dại vào năm 2030.
“Chúng ta phải đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng với các dịch vụ y tế quan trọng, bao gồm điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm bệnh dại cho những cộng đồng chưa được cung cấp đầy đủ các dịch vụ này. Điều này sẽ giúp cứu sống các bệnh nhân”, đại diện WHO nói.
Hiện nay, chúng ta đã có đủ các loại vắc xin, thuốc, công cụ và công nghệ để phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn của một trong những căn bệnh tồn tại lâu đời nhất.
5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị giết mổ mỗi năm
Chia sẻ tại buổi tập huấn kiến thức và truyền thông giảm tiêu thụ thịt chó, mèo diễn ra tại Hà Nội sáng 28/9, TS Trần Xuân Nguyên cho biết thực tế, tại Việt Nam người dân chủ yếu giết để ăn thịt theo sở thích, thói quen, thậm chí là yếu tố văn hóa, xã hội và kinh tế ở một số địa phương.
Hàng năm có khoảng 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị giết mổ ở Việt Nam. Những con chó, mèo này thường là vật nuôi bị đánh cắp hoặc được nuôi bất hợp pháp trong các trang trại để tiêu thụ.
“Nhiều người tin rằng ăn thịt chó hoặc thịt mèo trong những thời điểm nhất định trong tháng âm lịch trong năm có thể “giải đen”, mang lại may mắn. Trong khi đó, việc tiêu thụ và buôn bán thịt chó và mèo có thể gây bệnh dại và bệnh xoắn khuẩn, các bệnh về đường tiêu hóa do vi khuẩn E.coli và Salmonella gây ra”, TS Nguyên nói.
Cũng theo ông Nguyên, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về thú y của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là ở vùng nông thôn và miền núi. Một bộ phận người nuôi chó, mèo chưa chấp hành nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo..
Bên cạnh đó, việc bắt giữ và xử lý chó thả rông là một nhiệm vụ khó và nhạy cảm do động chạm đến tài sản của người dân. Việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định việc quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo chưa được thực hiện.
Theo WHO, hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt chó là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng và làm tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm như xoắn khuẩn, tả…
Ông Rahul Sehgal, Giám đốc Chính sách và Đào tạo quốc tế, Tổ chức Soi Dog, cho biết thêm, hàng năm hàng triệu con chó mèo bị bắt, giết thịt một cách dã man tại Việt Nam. Trong khi đó, chó mèo có thể truyền nhiều bệnh nguy hiểm cho con người như dại, tả, chlamydia mèo… Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ chó mèo vẫn đang ở mức cao.
Ông hy vọng Việt Nam có thể thay đổi một tập quán đã lỗi thời vì sức khỏe của con người, vì cộng đồng.
Minh Long