Tin VN trưa thứ Năm: Cựu Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc VEAM bị khởi tố

Vụ VĐV kêu đói: HLV tuyển trẻ bóng bàn quốc gia bị cho thôi việc

Bữa ăn trị giá 800.000 đồng nhưng không đủ dinh dưỡng của vận động viên đội tuyển trẻ bóng bàn. (Ảnh: Chụp màn hình/video/tienphong.vn)

Ông Bùi Xuân Hà sẽ thôi chức vụ huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển trẻ bóng bàn Việt Nam sau vụ lùm xùm liên quan đến chế độ dinh dưỡng cho vận động viên (VĐV).

Chiều ngày 4/10, Cục Thể dục thể thao đã ban hành quyết định số 543 về việc thay thế, bổ sung HLV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia năm 2023.

Theo đó, Cục Thể dục thể thao quyết định cho thôi tập huấn đối với ông Bùi Xuân Hà (Quân đội), HLV trưởng và ông Tô Minh (TP.HCM), HLV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, từ ngày 5/10, tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.

Cục này cũng quyết định điều động ông Vũ Văn Trung (Hà Nội) làm HLV trưởng và ông Vũ Đình Tuấn (Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội) làm HLV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia từ ngày 6/10 đến 31/12/2023.

Trước đó, trên báo chí và mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh bữa ăn của các VĐV tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, với mâm cơm rất tầm thường dành cho 8 người và có giá tới 800.000 đồng.

Ngoài ra, bữa sáng của các VĐV này cũng chỉ có một gói xôi gấc và một chai nước ngọt rẻ tiền. Tất cả làm dấy lên nghi ngờ những VĐV này bị cắt xén tiền ăn.

Một số VĐV tuyển trẻ bóng bàn quốc gia đang luyện tập tại Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình (Hà Nội) cũng phản ánh việc thường xuyên bị đói vì ăn không đủ, phải ra ngoài tự mua thêm đồ ăn mới có sức tập luyện.

Theo quy định của Bộ Tài chính, các VĐV trẻ bóng bàn quốc gia được hưởng chế độ ăn uống 320.000 đồng/ngày/người. Số tiền này được chia ra với mức 100.000 đồng/bữa sáng, 120.000 đồng/bữa trưa và 100.000 đồng/bữa tối.

Mỗi tháng, các VĐV trẻ quốc gia sau khi nhận lương và tiền ăn từ ngân sách của Cục Thể dục thể thao (cao nhất 15 triệu đồng) sẽ nộp từ 9 đến 10 triệu đồng vào bếp ăn tại Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình. Số tiền còn lại, họ đều phải nộp lại cho HLV trưởng là ông Bùi Xuân Hà từ 1 đến 5 triệu đồng tùy người.

Về việc này, ông Phan Anh Tuấn, Phụ trách bộ môn bóng bàn Cục Thể dục thể thao, cho biết HLV Bùi Xuân Hà nói rằng ông này giữ lại để “tiết kiệm” cho học trò.

Đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia được tập trung năm 2023 bắt đầu từ tháng 1 năm nay. Danh sách tập trung đội tuyển có 10 tay vợt gồm Lý Hoàng Long, Nguyễn Thái Bảo, Nguyễn Trí Hoàng, Huỳnh Tiểu Bình, Huỳnh Tiểu Di, Chế Thanh Phú, Đỗ Mạnh Lương, Nguyễn Thành Phúc, Bùi Mai Chi, Trần Thanh Xuân. Thời gian tập trung tập luyện của các tuyển thủ trẻ sẽ hết ngày 31/12.

Minh Long

Bánh mì Phượng bị đình chỉ 3 tháng, mức thấp nhất của khung hình phạt

Sau khi được đầu bếp quốc tế giới thiệu, Bánh mì Phượng trở thành một trong những thương hiệu ẩm thực của TP. Hội An. Ảnh do một du khách chụp vào tháng 8/2023. (Ảnh: Nha Phuong/Facebook)

UBND tỉnh Quảng Nam xử phạt 96 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với cơ sở Bánh mì Phượng (TP. Hội An) sau khi gây nên vụ ngộ độc đối với 313 thực khách.

Ngày 3/10, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với hộ kinh doanh Bánh mì Phượng 2 (địa chỉ số 02B đường Phan Chu Trinh, Phường Minh An, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Cơ sở Bánh mì Phượng Hội An được xác nhận có 5 hành vi vi phạm hành chính, gồm: (1) Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; (2) Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; (3) Không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; (4) Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống (Khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh; Chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác; Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh; trang thiết bị dụng cụ bảo quản chưa được vệ sinh).

(5) Chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vi phạm thứ 5 được xác đinh là lỗi nặng nhất. Trong vụ ngộ độc ngày 11-12/9, tổng cộng 313 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì Phượng.

Nguyên nhân ngộ độc được xác định do vi khuẩn Salmonella có trong các loại thực phẩm đã chế biến tại đây, thông qua kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm do Viện Pasteur thực hiện.

Với 5 vi phạm trên, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đề xuất mức phạt 110,5 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh 5 tháng đối với cơ sở Bánh mì Phượng.

Theo quy định tại điểm a, khoản 8, Điều 22, Nghị định số 115 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, riêng lỗi vi phạm thứ 5 như xác định của Sở Y tế có mức phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng, với hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 3 – 5 tháng.

Tuy nhiên, UBND tỉnh quyết định tổng mức phạt hành chính là 96 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp 3 tháng đối với cơ sở này.

Theo UBND tỉnh, lý do phạt mức thấp hơn đề xuất của cơ quan chuyên môn là do UBND tỉnh xem xét các tình tiết giảm nhẹ, bao gồm hộ kinh doanh vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm như tự nguyện đóng cửa kinh doanh vào ngày 13/9 sau khi nghe thông tin về ngộ độc; tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại (hộ kinh doanh đã tự nguyện đến các bệnh viện, cơ sở y tế để thăm hỏi và chịu chi phí điều trị cho bệnh nhân, có biên lai chi trả viện phí). Ngoài ra, hộ kinh doanh Bánh mì Phượng đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính.

Từ Khóa

Cựu Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc VEAM bị khởi tố

Hai bị can Nguyễn Thanh Giang (trái) và Hồ Mạnh Tuấn cùng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. (Ảnh từ cơ quan công an)

Hai bị can Nguyễn Thanh Giang và Hồ Mạnh Tuấn cùng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Ngày 4/10, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

Công an đã khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Thanh Giang (SN 1949), cựu Tổng Giám đốc VEAM.

Ông Hồ Mạnh Tuấn (SN 1963), Phó Tổng giám đốc VEAM, cũng bị khởi tố, và bị bắt tạm giam.

Cả 2 bị can Nguyễn Thanh Giang và Hồ Mạnh Tuấn cùng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Nhà chức trách cho biết trong các năm 2005 và 2011, ông Nguyễn Thanh Giang (khi đó là Tổng giám đốc VEAM) chỉ đạo Hồ Mạnh Tuấn (lúc đó là Trưởng phòng kỹ thuật VEAM, chủ tịch HĐQT VEAM Korea giai đoạn 2003-2009) lập các báo cáo, tờ trình mua 305 bộ khuôn dập cabin xe ô tô SV110 không đúng các quy định của pháp luật về việc đầu tư mua tài sản cố định của doanh nghiệp Nhà nước.

Toàn bộ số tài sản trên sau khi được mua về do không có giá trị sử dụng, gây lãng phí số tiền hơn 26 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Thanh Giang trước đó bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong một vụ án khác, liên quan đến những sai phạm trong quản lý, sử dụng khu đất diện tích 8.930,9m2 tại địa chỉ đường Bình Thới (phường 14, quận 11, TP.HCM), gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, bị can Nguyễn Thanh Giang đang điều trị bệnh tiểu đường, suy thận nên bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú.

VEAM hoạt động theo mô hình Tổng công ty Nhà nước. Năm 2010, VEAM chuyển sang hình thức Công ty mẹ – con theo quyết định của Bộ Công Thương, với 25 công ty con và đơn vị thành viên. Năm 2017, VEAM hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần với vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm hơn 88%.

Giữa năm 2022, hàng loạt lãnh đạo VEAM đã lĩnh án do sai phạm trong việc vay ngân hàng trái quy định, gây thiệt hại gần 183 tỷ đồng.

Phạm Toàn

Gia Lai: Bắt 2 cựu Phó giám đốc trung tâm đăng kiểm

Trung tâm đăng kiểm 81-02D. (Ảnh: Trung Tâm Đăng Kiểm Xe Cơ Giới 81-02d/Facebook)

Hai cựu Phó giám đốc trung tâm đăng kiểm 81-02D và một người khác liên quan bị bắt để điều tra về tội Nhận hối lộ và Môi giới hối lộ.

Ngày 4/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã quyết định khởi tố, bắt 3 người liên quan về tội “Nhận hối lộ” và tội “Môi giới hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 81-02D thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Xuân Tùng (làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku).

3 người gồm: Cao Anh Tuấn (SN 1982, trú tại phường Tây Sơn, TP. Pleiku), cựu Phó Giám đốc Trung tâm trong thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 4/2021 về tội “Nhận hối lộ”.

Hoàng Nam Đàn (SN 1984, trú tại phường Hoa Lư, TP. Pleiku), cựu Phó Giám đốc Trung tâm trong thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2022 về tội “Nhận hối lộ” và Trần Xuân Hải (SN 1971, trú tại phường Trà Bá, TP. Pleiku) về tội “Môi giới hối lộ”.

Trước đó, ngày 30/9, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã quyết định khởi tố vụ án về tội “Nhận hối lộ và môi giới hối lộ” xảy ra tại trung tâm trên.

Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định từ năm 2020 đến năm 2022, Cao Anh Tuấn và Hoàng Nam Đàn đã lợi dụng chức vụ là Phó Giám đốc, đồng thời chịu trách nhiệm phụ trách cải tạo xe cơ giới tại Trung tâm đăng kiểm để nhận tiền của các chủ phương tiện.

Trần Xuân Hải, là người môi giới, đã đưa cho Tuấn, Đàn số tiền từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng/1 xe để làm khống hồ sơ cải tạo xe cơ giới, tiến hành nghiệm thu cải tạo trái quy định để hưởng lợi bất chính.

Hiện vụ án đang được cơ quan Công an điều tra, làm rõ.

Trong một diễn biến có liên quan, hồi tháng 5/2023, tại Trung tâm Đăng kiểm 81-05D (xã Diên Phú, TP. Pleiku), công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Minh Lượng, Giám đốc trung tâm và Lê Đình Vượng, Phó giám đốc trung tâm để điều tra về tội Nhận hối lộ.

Hai tháng sau, cơ quan điều tra tiếp tục ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 3 cán bộ của Trung tâm Đăng kiểm 81-03D và một người mua bán ô tô về các tội Nhận hối lộ và Đưa hối lộ.

Ba cán bộ bị bắt gồm: Vũ Văn Tiên, Phó giám đốc, Đỗ Văn Xuân, cựu Phó giám đốc, Phan Văn Hùng, cựu đăng kiểm viên.

Người mua bán ô tô bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú là Nguyễn Ngọc Phước (ở phường Chi Lăng, Pleiku).

Minh Long

Related posts