Văn Việt trích dịch từ The New York Times, 5/10/2023
Nhà văn Na Uy được vinh danh “vì những vở kịch và văn xuôi sáng tạo của ông đã mang lại tiếng nói cho những điều không thể nói ra”. Giải thưởng được trao cho toàn bộ tác phẩm của nhà văn.
Jon Fosse ở Stockholm năm 2021. Ảnh: IBL/Shutterstock
Alex Marshall
Giải Nobel Văn học đã được trao hôm thứ Năm cho tiểu thuyết gia và nhà viết kịch người Na Uy Jon Fosse “vì những vở kịch và văn xuôi sáng tạo của ông đã mang lại tiếng nói cho những điều không thể nói ra”.
Tác phẩm của Fosse từ lâu đã được ca ngợi khắp châu Âu, nhưng gần đây lượng khán giả của ông ngày càng tăng ở các nước nói tiếng Anh. Với việc nhận được giải thưởng được xem là danh giá nhất trong văn học, tác giả (tên ông được phát âm là Yune FOSS-eh, theo người phiên dịch của ông) đã gia nhập vào danh sách những người đoạt giải bao gồm Toni Morrison, Kazuo Ishiguro và Annie Ernaux.
Các nhà phê bình từ lâu đã so sánh những vở kịch rải rác của Fosse với tác phẩm của hai người đoạt giải Nobel trước đây: Harold Pinter và Samuel Beckett. Và từ lâu ông đã được cho là sẽ giành chiến thắng. Vào năm 2013, các nhà cái ở Anh đã tạm thời đình chỉ đặt cược vào giải thưởng sau một loạt vụ cá cược đặt vào chiến thắng của Fosse. Cuối cùng, hành động này tỏ ra không cần thiết khi Alice Munro, nhà văn viết truyện ngắn người Canada, đã nhận giải.
Cùng với uy tín và doanh số bán sách tăng mạnh, Fosse nhận được 11 triệu krona Thụy Điển, khoảng 991.000 USD.
Trong những năm gần đây, Viện Hàn lâm Thụy Điển, nơi tổ chức giải thưởng, đã cố gắng gia tăng tính đa dạng của các tác giả được xem xét sau khi vấp phải những lời chỉ trích rằng chỉ có 17 người đoạt giải Nobel là phụ nữ và đại đa số đến từ Châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Việc lựa chọn Fosse có thể xem là một bước lùi so với những nỗ lực đó.
Trước thông báo hôm thứ Năm, tại một cuộc họp báo ở Stockholm, Fosse là một trong những ứng viên được yêu thích, mặc dù người được đề cử còn có Tàn Tuyết, một nhà văn Trung Quốc chuyên viết truyện ngắn siêu thực và thể nghiệm, cũng như Haruki Murakami; Gerald Murnane, một tác giả người Úc ẩn dật; và Laszlo Krasznahorkai, một tác giả người Hungary, từng được Susan Sontag gọi là “bậc thầy của ngày tận thế”.
Jon Fosse là ai?
Alex Marshall
Jon Fosse đã thành danh với tư cách là một tiểu thuyết gia, bắt đầu từ năm 1983 với “Red, Black” và trong những năm gần đây, sự quan tâm đến tiểu thuyết của ông ngày càng tăng.
“A New Name: Septology VI-VII” của ông, cuốn cuối cùng trong chuỗi bảy cuốn tiểu thuyết, khai thác những suy tính của một người đàn ông lớn tuổi đối với Chúa và đã lọt vào vòng chung kết của Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2022. Một số tác phẩm của ông gần đây đã được xuất bản với sự ca ngợi của Fitzcarraldo Editions, một nhà xuất bản thời thượng của Anh, là nhà của một số người đoạt giải Nobel, trong đó có Annie Ernaux.
Nhưng Fosse, 64 tuổi, có lẽ được biết đến nhiều hơn ở châu Âu nhờ những vở kịch của ông. Ông chuyển sang sân khấu ở độ tuổi ngoài 30 và kể từ đó đã sáng tác khoảng 40 tác phẩm được dịch sang hàng chục thứ tiếng. Một số vở đã được biểu diễn ở New York, bao gồm “I Am the Wind” và “Deathvariations” kể về một cặp vợ chồng sắp phải đối mặt với cái chết của con gái họ.
Anita Gates, trong một bài đánh giá về “Deathvariations” cho The New York Times năm 2006, cho biết thật dễ dàng khi thấy tác phẩm của Fosse “giống như Ibsen lược bỏ những yếu tố cảm xúc thiết yếu của nó. Nhưng nó còn hơn thế nữa”, thêm rằng vở kịch của ông có “sự giản dị đậm chất thơ”.
Mặc dù được dàn dựng rộng rãi trên khắp châu Âu, các vở kịch của Fosse hiếm khi gây được tiếng vang ở London hay New York, và khán giả Anglo-Saxon có thể thấy chúng khó hiểu. Ben Brantley, nhà cựu phê bình sân khấu của The New York Times, đã nhấn mạnh vấn đề đó trong một bài đánh giá năm 2014: “Đèn đỏ chắc chắn sẽ lóe lên trong tâm trí một số khán giả khi họ nghe các nhân vật trong “I Am the Wind” được xác định là Người này và Người kia”. ông nói.
Năm 2018, Fosse nói với The Financial Times rằng ông biết tác phẩm của mình rất khó đối với một số người. “Bạn không đọc sách của tôi vì cốt truyện”, ông nói. “Nhưng không phải vì tôi muốn trở thành một nhà văn khó khăn”, ông nói thêm. “Tôi chưa bao giờ cố gắng viết một cách phức tạp. Tôi luôn thử viết đơn giản và, tôi hy vọng là, sâu sắc nhất có thể”.
Khi được hỏi tác phẩm của ông nói về điều gì, ông trả lời: “Tôi cố gắng viết về bí ẩn của cuộc sống”, và thêm, “Tôi không tìm kiếm câu trả lời một cách đơn giản; Tôi muốn chúc tụng điều ẩn giấu”.
Fosse còn được biết đến là giáo viên dạy viết sáng tạo. Trong các học trò cũ của ông có Karl Ove Knausgaard, nhà văn người Na Uy, cũng được đề cử giải Nobel.
Ở Na Uy, chiến thắng của Fosse có ý nghĩa rất lớn
Alex Marshall
Các nhà văn Na Uy đã bốn lần nhận được giải Nobel Văn học nhưng Jon Fosse là người đầu tiên sau 95 năm. Trước ông, người Na Uy cuối cùng nhận giải là Sigrid Undset, một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử đoạt giải năm 1928 và Knut Hamsun năm 1920.
Cecilie Asker, biên tập viên văn hóa của Aftenposten, một tờ báo Na Uy, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng vì Na Uy khó có thể vô địch bóng đá World Cup nên giải thưởng của Fosse là điều mà đất nước “thực sự nên ăn mừng”.
Asker nói, sáng tác của Fosse có ý nghĩa rất lớn đối với nhiều người trong nước, đặc biệt vì nó viết bằng ngôn ngữ Nynorsk, gắn liền với di sản của đất nước. Asker nói: “Nó khiến mọi thứ có cảm giác gần gũi và chân thực hơn. Đối với chúng tôi, đọc một cuốn sách của Fosse cũng giống như đọc một bản nhạc vậy”.
Nhà văn thu hút sự nổi tiếng toàn cầu nhờ các vở kịch của mình
Alex Marshall
Damion Searls, dịch giả tiếng Anh của Fosse, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng giải thưởng có thể giúp Fosse tiếp cận được lượng khán giả lớn hơn, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và Anh, nhưng trước đó ông ấy đã nổi tiếng toàn cầu nhờ các vở kịch của mình.
Searls nói rằng mặc dù Fosse viết nhiều thể loại khác nhau, bao gồm kịch, tiểu thuyết, thơ, sách thiếu nhi và tiểu luận, nhưng điểm thống nhất trong các tác phẩm của ông là cảm giác thanh thản, đó là lý do tại sao tác phẩm của ông thường được mô tả là có tính thôi miên hoặc gợi lên một kinh nghiệm tâm linh.
“Thật khó để mô tả. Đó là một trải nghiệm rất độc đáo và đặc biệt khi bạn đọc ông ấy”, Searls, dịch giả tiếng Anh của Fosse từ tiếng Đức, Na Uy, Pháp và Hà Lan, nói. “Giống như bạn đang giao tiếp với những người khác và những thế lực lớn hơn của đời sống”.
Searls, nhà văn đang cư trú tại Đại học Wesleyan ở Connecticut, nói thêm: “Một trong những từ khóa mà ông ấy dùng để nói về tiểu thuyết của mình là hòa bình. Có một sự yên bình thực sự trong đó, mặc cho mọi chuyện xảy ra, người chết, người ly hôn, nhưng nó vẫn tỏa ra sự thanh thản đó”.
Những vở kịch của Fosse, có phong cách tối giản và ngôn ngữ cao siêu, đều gây cảm xúc “mạnh mẽ”
Alex Marshall
Đối với thế giới sân khấu ở Na Uy, giải thưởng Nobel của Jon Fosse là một tin tức quan trọng.
Erik Ulsfby, giám đốc Nhà hát Na Uy ở Oslo, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng nhiều vở kịch của Fosse, từ những năm 1990, đã là một phần của các trình diễn sân khấu ở đó vì “chất lượng và tầm quan trọng của chúng”.
Ulsfby nói, các vở kịch được viết bằng tiếng Nynorsk, có phong cách tối giản và bằng một “ngôn ngữ cao siêu” khác xa với cuộc sống hàng ngày. Nhưng Fosse “rất mạnh mẽ” khi bàn về các mối quan hệ và tác phẩm của ông mang nhiều cảm xúc sâu sắc.
Đã tổ chức một festival các tác phẩm của Fosse trong năm nay với sự tham dự của hàng nghìn người hâm mộ, Ulfsby cho biết vở kịch yêu thích của mình là “Dream of Autumn” (Giấc mơ mùa thu), trong đó một cặp đôi gặp nhau tại một nghĩa trang, dường như là lần đầu tiên – cho đến khi mọi chuyện trở nên rõ ràng là họ đã trải qua cuộc đời của họ cùng với nhau.
Vở kịch đã mang lại cho ông “cảm giác mình là một phần của điều gì đó lớn lao hơn”, Ulfsby nói, cả về mặt tôn giáo lẫn mối liên hệ với thiên nhiên.
“Khi tôi cố gắng viết tốt, sẽ có ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ im lặng”
Alexandra Alter
Trong một cuộc phỏng vấn với Los Angeles Review of Books vào năm 2022, Jon Fosse đã nói về quá trình phát triển của mình với tư cách là một nhà văn, mối quan hệ của ông với Chúa và chủ nghĩa thần bí, cũng như làm thế nào ông cố gắng vượt qua ranh giới mà ngôn ngữ có thể gợi lên, trong sáng tác của mình.
Ông nói: “Khi tôi cố gắng viết tốt, thì sẽ có ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ im lặng. Ngôn ngữ im lặng này nói lên tất cả những gì nó cần nói. Đó không phải là câu chuyện, nhưng bạn có thể nghe thấy điều gì đó đằng sau nó – một tiếng nói im lặng cất lên”.
Ông cũng mô tả việc viết bằng tiếng Nynorsk chứ không phải tiếng Bokmål, ngôn ngữ Na Uy được sử dụng rộng rãi hơn trong văn học, không phải là một hành động chính trị mà chỉ đơn giản là một sự lựa chọn sáng tạo.
Ông nói: “Đó đơn giản là ngôn ngữ của tôi. Đó là những gì tôi đã học được từ ngày đầu tiên đến trường cho đến khi ra trường, trong khoảng 12 hoặc 13 năm. Đó là ngôn ngữ thiểu số và đó chỉ là lợi thế đối với tôi với tư cách là một nhà văn. Nó hầu như không bao giờ được sử dụng trong quảng cáo hoặc công việc theo cách nó được sử dụng trong học viện, trong văn chương và trong nhà thờ”.
Fosse viết bằng dạng thức viết ít phổ biến hơn trong hai dạng thức viết của tiếng Na Uy
Henrik Pryser Libell
Ngôn ngữ mà Fosse viết, Nynorsk, là một trong hai dạng chữ viết của tiếng Na Uy. Cái còn lại là Bokmål. Nynorsk có chỗ đứng vững chắc trong văn học Na Uy và được nhiều tác giả sử dụng, và Fosse có lẽ là người nổi bật nhất.
Nynorsk, hay “tiếng Na Uy mới”, được nhà ngữ văn và nhà thơ Ivar Aasen xây dựng vào thế kỷ 19 sau khi nghiên cứu các phương ngữ Na Uy trên khắp đất nước. Còn Bokmål phát triển từ tiếng Đan Mạch. (Na Uy liên minh với Đan Mạch từ năm 1380 đến năm 1814).
Theo Tổng cục Giáo dục và Đào tạo Na Uy, có khoảng 85% dân số sử dụng tiếng Bokmål, trong khi Nynorsk được sử dụng từ 10 đến 15%. Không giống như hầu hết các ngôn ngữ chính khác ở châu Âu, tiếng Na Uy không có tiêu chuẩn chính thức cho ngôn ngữ nói và hầu hết người Na Uy đều nói phương ngữ, ngay cả trong môi trường chính thức. Hầu hết các phương ngữ có phần gần gũi với Nynorsk hơn Bokmål.
Tất cả người Na Uy đều học cả hai ngôn ngữ viết ở trường. Ngôn ngữ chính được dạy ở mỗi khu học chánh được xác định theo trưng cầu dân ý địa phương và Nynorsk là ngôn ngữ phổ biến nhất ở miền tây Na Uy, nơi Fosse lớn lên.
Nynorsk khác với Bokmål về từ vựng và ngữ pháp. Phong cách Nynorsk có xu hướng trực tiếp, gọn gàng hơn và sử dụng nhiều động từ chủ động hơn. Các ngôn ngữ Scandinavia (tiếng Na Uy, tiếng Thụy Điển và tiếng Đan Mạch) dễ hiểu lẫn nhau và hầu hết người Scandinavia có thể đọc được các ngôn ngữ khác.