Liên Thành
Chủ tịch xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, khoảng 50 tấn cá chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với 56 hộ nuôi. Người dân cho rằng, do cống thủy lợi bara Đò Điệm xả nước điều tiết khiến hàng chục tấn cá chết vì sốc nước, trong khi đó đơn vị vận hành cống thủy lợi này nói điều tiết nước đúng quy trình.
Sáng 6/10, chị Võ Thị Đào, 44 tuổi, trú xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà cùng người thân chèo thuyền ra các ô lồng đặt trên sông Đò Điệm, dùng vợt lưới vớt những con cá vược chết nổi trắng bụng hoặc đang bơi lờ đờ. Phía trên bờ, nhiều hộ dân khác bỏ cá vào xô đá, một số trải bạt cỡ lớn chất cá lại thành đống.
Chị Đào kể 2h hôm nay ra thăm bè, phát hiện hàng trăm con cá vược ngoi lên thở, hơn một tiếng sau thì chết. Dưới bè nuôi khoảng 2.000 con cá vược, tuổi 1-3, nặng 0,5-2,5 kg mỗi con. Ước tính số cá chết 2 tấn.
Thường ngày chị Đào bán cá vược 220.00 đồng/kg, nay giảm còn 75.000-80.000 đồng mà vẫn kén người mua. “Đầu năm vợ chồng mới vay tiền ngân hàng để mua lứa cá mới về thả gối vụ. Chuyến này trắng tay, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng”, chị Đào nói với báo VnExpress.
Có 56 hộ dân nuôi cá vược, hồng, chẽm trên sông Đò Điệm với số lượng 1.500-3.000 con mỗi hộ, tất cả đều bị thiệt hại. Bà Nguyễn Thị Lộc, 57 tuổi, chết lặng khi nhìn đàn cá chăm sóc 3 năm nay chưa kịp thu hoạch bị chết. Bà gọi các con ra ướp lạnh cá bảo quản, bán rẻ để giảm thiểu thiệt hại.
“Hơn 5 năm nuôi cá lồng bè, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cá chết hàng loạt với số lượng lớn như thế này. Trước đó thỉnh thoảng vẫn xảy ra nhưng cá chết ít hơn. Có thể do mấy hôm nay nguồn nước bị thay đổi sau đợt mưa lũ vừa qua, môi trường sống của cá bị ảnh hưởng”, bà Lộc nói.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch xã Thạch Sơn cho biết, khoảng 50 tấn cá chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với 56 hộ nuôi. Chính quyền đã cử cán bộ xuống hỗ trợ họ vớt cá để tránh ảnh hưởng môi trường, đồng thời kêu gọi mọi người tiêu thụ giúp giảm thiểu thiệt hại. “Hiện cá lớn đã bán cơ bản, còn 30% con cá nặng 0,5-0,7 kg tồn đọng”, ông Nghĩa nói.
Theo ước tích, số lượng cá chết lên hàng chục tấn. Người nuôi cá buộc phải vớt cá đưa đi bán để gỡ lại vốn. Các hộ dân nuôi cá cho rằng, sở dĩ cá bị chết là do cống thủy lợi bara Đò Điệm (cách địa điểm nuôi cá khoảng 200m) xả nước ngọt điều tiết. Nước có màu vàng nhạt, đục, đổ về quá nhiều khiến cá bị sốc chết hàng loạt.
“Lúc 5h chiều 5/10 cống thủy lợi bara Đò Điệm xả nước điều tiết, đến 1h sáng 6/10 cá nuôi của người dân bị chết. Chúng tôi chủ yếu sinh sống vào nghề nuôi trồng, giờ đây cá chết hết nên các hộ dân rơi vào cảnh khó khăn” – ông Nguyễn Văn Đức (trưởng thôn Sông Hải) nói.
Ông Nguyễn Thế Hùng – giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho biết trên báo Tuổi Trẻ, đơn vị quản lý, vận hành cống thủy lợi bara Đò Điệm, công trình có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt và tiêu thoát lũ. Những ngày cuối tháng 9-2023 ở Hà Tĩnh xảy ra đợt mưa lớn kéo dài dẫn đến nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn, vì vậy công trình này phải mở các cửa để điều tiết nước.
Trước khi xả, đơn vị vận hành cống đã thông báo đến chính quyền các địa phương, người dân để thu hoạch cá hoặc di dời lồng bè ra khỏi khu vực, tuy nhiên có nhiều hộ dân chủ quan, không thực hiện.
“Cách đây 3 ngày liên tục chúng tôi đã đóng cống để người dân thu hoạch cá. Nhưng sau đó nước đổ về quá lớn nên buộc phải xả nước điều tiết theo đúng quy trình. Nếu không xả thì ảnh hưởng đến công trình và nước quá lớn cũng không thể mở cửa thoát lũ được gây ngập úng ở nhiều địa phương. Ngày hôm qua công trình chỉ mở 4/16 cửa thoát lũ” – ông Hùng nói.