Tin thế giới tối thứ Ba: Hơn 80 nhóm nhân quyền kêu gọi Liên Hợp Quốc, thà để một ghế trống còn hơn bầu cho Trung Quốc

Israel mong đợi ‘sự lên án mạnh mẽ hơn’ từ phía Trung Quốc

Liên Thành

Israel đang trông đợi một “sự lên án mạnh mẽ hơn” đối với các chiến binh Hamas từ phía Trung Quốc – quốc gia mà họ vẫn coi là đồng minh của mình.

Yuval Waks, một quan chức cấp cao tại đại sứ quán Israel ở Bắc Kinh nói với các phóng viên: “Khi mọi người đang bị sát hại, tàn sát trên đường phố, đây không phải là lúc để kêu gọi các giải pháp từ hai nhà nước”. 

Vị Đại sứ này cũng thể hiện mong muốn rằng chính quyền Bắc Kinh cần có một động thái mạnh mẽ hơn thay vì việc kêu gọi các bên bình tĩnh và ngồi lại đàm phán.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày hôm qua đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh và ngay lập tức chấm dứt hành động thù địch để bảo vệ dân thường, đồng thời nói thêm rằng “cách cơ bản để thoát khỏi xung đột nằm ở việc thực hiện giải pháp hai nhà nước và thành lập một Nhà nước Palestine độc ​​lập”.

Hơn 80 nhóm nhân quyền kêu gọi Liên Hợp Quốc, thà để một ghế trống còn hơn bầu cho Trung Quốc

Liên Thành

Hơn 80 nhóm nhân quyền kêu gọi Liên Hợp Quốc thà để một ghế trống còn hơn bầu cho Trung Quốc. (Ảnh: AP).

Hôm qua Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ quyết định bầu ra 15 thành viên Hội đồng mới dự kiến phục vụ trong thời hạn 3 năm bắt đầu từ tháng 1/2024, trong đó có 4 ghế dành cho các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc là một ứng cử viên cho vị trí này cùng với Kuwait, Indonesia và Nhật Bản. 

Dường như không có một áp lực nào khi 4 quốc gia cùng tranh nhau 4 ghế. Tuy nhiên Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối từ hơn 80 nhóm nhân quyền trên thế giới. Số lượng nhóm nhân quyền kỷ lục này đã gửi đơn kêu gọi Đại hội đồng Liên Hợp QUốc từ chối cho Trung Quốc một ghế trong Cơ quan nhân quyền hàng đầu của thế giới.

Nội dung lời kêu gọi có đoạn: 

“Chúng tôi, các tổ chức nhân quyền ký tên dưới đây, cùng viết thư để kiên quyết phản đối việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tái tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi các Quốc gia Thành viên tại Đại hội đồng không bỏ phiếu cho Trung Quốc và để trống một ghế.

Trung Quốc rõ ràng không thích hợp để giữ một ghế trong cơ quan hàng đầu của Liên hợp quốc, cơ quan (vốn dĩ) chịu trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền con người trên toàn cầu”.

Thư kêu gọi trích dẫn Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc các Quốc gia Thành viên khi tham gia bỏ phiếu cho các ứng cử viên Hội đồng Nhân quyền được khuyến khích “tính đến sự đóng góp của các ứng cử viên vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền”.

Các nhóm nhân quyền đồng loạt khẳng định, Trung Quốc đã hoàn toàn không đáp ứng được những kỳ vọng này đối với các ứng cử viên và ngược lại họ đã tích cực tìm cách làm suy yếu các nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên toàn thế giới.

Tổng thư ký Liên hợp quốc đã công nhận Trung Quốc đang tham gia vào “các hình thức đe dọa và trả thù” chống lại những người bảo vệ nhân quyền và vẫn là một trong những thủ phạm trả thù hàng đầu trên toàn cầu.

Hơn 40 chuyên gia của Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi “các biện pháp kiên quyết để bảo vệ các quyền tự do cơ bản” ở Trung Quốc và kêu gọi Hội đồng Nhân quyền “hành động với tinh thần cấp bách” để giải quyết các vi phạm nhân quyền. Các chuyên gia cũng kêu gọi Hội đồng Nhân quyền thành lập một phiên họp đặc biệt hoặc thành lập “một cơ chế độc lập và công bằng của Liên hợp quốc” để theo dõi, phân tích và báo cáo hàng năm về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đang được biết là quốc gia đã đàn áp những người bảo vệ nhân quyền và luật sư nhân quyền với mức độ ngày càng nghiêm trọng. 

Rất nhiều các cộng động người ở Trung Quốc đã bị bỏ tù, tra tấn thậm chí bị cướp tạng một cách phi pháp. Có thể kể đến hàng đầu như những học viên Pháp Luân Công, có cộng đồng Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và nhiều cộng đồng người khác.

Các chuyên gia của Liên hợp quốc và các cơ quan hiệp ước đã nhiều lần nêu lên những quan ngại sâu sắc về việc đàn áp những người bảo vệ nhân quyền.

Các nhóm công tác của Liên Hợp Quốc về việc giam giữ tùy tiện lưu ý rằng họ đã đưa ra hơn 100 phát hiện về việc giam giữ tùy tiện ở Trung Quốc và kết luận rằng hành vi vi phạm luật pháp quốc tế có hệ thống như vậy có thể cấu thành tội ác chống lại loài người.

Văn bản kiến nghị của các tổ chức Nhân quyền cũng cho rằng, mặc dù không quốc gia nào có thành tích nhân quyền hoàn hảo. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc Cộng sản liên tục thể hiện sự không sẵn lòng tham gia một cách thiện chí vào hệ thống nhân quyền của Liên Hợp Quốc và họ thậm chí tích cực làm suy yếu các chuẩn mực nhân quyền được quốc tế công nhận.

Các tổ chức Nhân quyền liệt kê tình trạng Hồng Kông, Tây Tạng, và nhiều vấn đề khác tại Trung Quốc, đồng thời viện dẫn kết quả bầu hội đồng nhân quyền vào năm 2020, khi Trung Quốc là quốc gia nhận được sự tín nhiệm ít nhất. 

Từ đó đưa ra lời kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tại Đại hội đồng không bỏ phiếu cho Trung Quốc và sẵn sàng để lại một ghế trống.

Hơn 8.000 mục tiêu bị tấn công, 1.000 tấn bom đã được thả xuống Gaza trong 48 giờ

Liên Thành

Hơn 8.000 mục tiêu khác nhau bị tấn công và 1.000 tấn bom đã được thả xuống Gaza trong 48 giờ (ảnh chụp màn hình video Reuters).

Không quân Israel cho biết, tính đến cuối ngày hôm qua họ đã thả khoảng 2.000 quả đạn dược và hơn 1.000 tấn bom xuống Gaza nhằm vào hơn 8.000 mục tiêu khác nhau.

Quân đội Israel vẫn đang tích cực chiến đấu để tiêu diệt các tay súng Hamas sau cuộc tấn công với quy mô lịch sử nhằm vào nước này vào tuần trước. 

Giao tranh nổ ra cả tại một số địa điểm bên trong Israel, nơi các chiến binh được cho là vẫn đang ẩn náu sau khi làm thiệt mạng 700 người Israel và bắt giữ hàng chục con tin trong một cuộc đột kích làm tiêu tan danh tiếng về khả năng phòng thủ bất khả chiến bại của Israel.

Người phát ngôn quân đội Israel cho biết, quân đội đã tái lập quyền kiểm soát tại các cộng đồng đã bị xâm nhập, nhưng các cuộc đụng độ riêng lẻ vẫn tiếp tục diễn ra khi một số tay súng Palestine vẫn đang còn lẩn trốn.

Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari cho biết: “Chúng tôi hiện đang tiến hành tìm kiếm ở tất cả các cộng đồng và dọn dẹp sạch sẽ các khu vực dân cư”.

Trước đó, một phát ngôn viên khác là Trung tá Richard Hecht, thừa nhận rằng Israel phải mất nhiều thời gian hơn dự tính để đưa mọi thứ trở lại thế trận phòng thủ, an ninh như ban đầu.

Ở thời điểm hiện tại, hình ảnh về hàng trăm thường dân Israel nằm ngổn ngang trên đường phố của các thị trấn và số lượng người bị bắt cóc khỏi nhà là nỗi ám ảnh chưa từng thấy trong cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài hàng thập kỷ qua.

Và Israel đã đáp trả bằng cuộc oanh tạc dữ dội nhất từ ​​trước đến nay vào Dải Gaza, khiến con số thiệt mạng từ Palestine đang vượt qua con số 500 người, và họ được cho là đang tiếp tục dự tính một cuộc tấn công trên bộ chưa từng có.

300.000 quân dự bị Israel đã được huy động chỉ sau hai ngày. Một chỉ huy quân đội Israel nói rằng họ chưa bao giờ tuyển nhiều quân dự bị với quy mô như vậy.

Trong khi đó nhiều nguồn tin cho biết, các chiến binh Hamas vẫn đang tiếp tục tiến vào Israel từ Gaza, có trên dưới 100 tay súng đã bị tiêu diệt ở khu vực Beeri kể từ thứ Bảy tuần trước.

Trong một tuyên bố khác, không quân Israel cho biết, tính đến cuối ngày hôm qua họ đã thả khoảng 2.000 quả đạn dược và hơn 1.000 tấn bom xuống Gaza nhằm vào hơn 8.000 mục tiêu khác nhau.

Trong số các mục tiêu có 3 bệ phóng tên lửa đang nhắm vào Israel, một nhà thờ Hồi giáo nơi phiến quân Hamas đang hoạt động và 21 tòa nhà cao tầng phục vụ hoạt động của đội quân này.

Cơ quan Y tế ở Gaza cho biết tính đến cuối ngày hôm qua ít nhất 493 người đã thiệt mạng và hơn 2.750 người bị thương.

Izzat Reshiq, một quan chức của Hamas, cho biết trong một tuyên bố rằng quân đội Israel đã nhắm mục tiêu và đánh bom vào các ngôi nhà có phụ nữ và trẻ em, nhà thờ Hồi giáo và cả trường học ở Gaza là một tội ác chiến tranh.

Thủ Tướng Netanyahu: Israel sẽ đối xử với Hamas như cách thế giới văn minh đối xử với ISIS

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo, Hamas đã chứng tỏ mình là ISIS (nhà nước Hồi giáo), hoặc tên khác là “Daesh”. “Nhà nước Hồi giáo” này vốn đã khiến thế giới kinh hoàng vì sự tàn bạo của chúng và Israel sẽ đối xử với Hamas tương ứng.

Thủ tướng Netanyahu đã kể lại một số vụ giết người kinh hoàng do tổ chức Hamas người Palestine được Iran hậu thuẫn này thực hiện, bao gồm cả việc lôi trẻ em ra khỏi nhà để sát hại.

Thủ tướng Israel nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn biết Hamas là ai. Bây giờ cả thế giới đều biết. Hamas là Daesh, và chúng tôi sẽ đối xử với họ chính xác như cách thế giới văn minh đối xử với Daesh.”

Thủ tướng Netanyahu cam kết sẽ tiến hành chiến tranh chống lại Hamas và cuộc chiến sẽ đạt năm mục tiêu:

– Loại bỏ những kẻ khủng bố Hamas ra khỏi các cộng đồng Israel và lãnh thổ Israel;
– Phát động một cuộc tấn công “quy mô lớn” vào Hamas ở Gaza;
– Bảo vệ sự bình yên ở biên giới phía bắc với Li Băng và biên giới phía đông ở Judea và Samaria (Bờ Tây);
– Tiến hành bình thường hóa ngoại giao với phần còn lại của thế giới Ả Rập và Hồi giáo; và
– Đoàn kết người Israel.

Cuối cùng, Thủ tướng Netanyahu nhắc lại lời đề nghị của mình kêu gọi các đảng đối lập tham gia vào một chính phủ đoàn kết quốc gia khẩn cấp.

“Sự cạnh tranh giữa chúng ta đã chấm dứt. Tất cả chúng ta phải đoàn kết. Và khi chúng ta đoàn kết, chúng ta sẽ chiến thắng”, ông Netanyahu nói.

Thủ tướng Netanyahu cảnh báo rằng các cuộc tấn công vào Gaza chỉ mới bắt đầu và “mọi nơi Hamas sử dụng để chống lại chúng tôi sẽ biến thành đống đổ nát”.

Thủ tướng Israel cũng cảm ơn sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đồng thời ông ca ngợi, Hoa Kỳ đã đáp ứng các nhu cầu an ninh của Israel “bằng cả lời nói và hành động”.

Ông cũng cảnh báo người Israel không nên chia sẻ “tin tức giả” nhằm làm tổn hại tinh thần và sự đoàn kết của người dân Israel.

Sau đó, Thủ tướng Netanyahu đã chia sẻ một bài đăng bằng tiếng Anh trên nền tảng X như sau:

“Israel đang ở trong chiến tranh.

Chúng tôi không muốn cuộc chiến này.

Nó buộc chúng tôi phải chịu đựng theo cách tàn bạo và man rợ nhất. Tuy nhiên mặc dùng Israel không bắt đầu cuộc chiến này, nhưng Israel sẽ kết thúc nó.

Người Do Thái đã từng không có quốc gia.

Người Do Thái đã từng không có khả năng tự vệ.

Điều này đã không còn đúng nữa.

Hamas sẽ hiểu rằng bằng cách tấn công chúng tôi, họ đã phạm một sai lầm mang tính lịch sử. Chúng tôi sẽ khiến họ phải trả một cái giá mà họ và những kẻ thù khác của Israel phải ghi nhớ trong nhiều thập kỷ tới.

……

Hamas là ISIS.

Và cũng giống như việc các lực lượng văn minh đã đoàn kết để đánh bại ISIS, các lực lượng văn minh phải hỗ trợ Israel trong việc đánh bại Hamas”.

Đáng chú ý, Thủ tướng Netanyahu đã không đề cập đến Iran.

Gia Huy (Theo Breitbart News)

Related posts