EU buộc Thổ Nhĩ Kỳ chọn lựa phương Tây hay Nga và các quốc gia Hồi giáo
Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Margaritis Schinas đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hoặc là công khai tuyên bố ủng hộ NATO, EU và “các thuộc tính của phương Tây”, hoặc đứng về phía Nga và tổ hợp các quốc gia Hồi giáo cũng như các nhóm chiến binh.
Phát biểu tại một sự kiện ở Brussels hôm thứ Tư (11/10), ông Schinas đã nhấn mạnh về vụ bùng phát bạo lực gần đây giữa Israel và Palestine ở Gaza, lưu ý rằng tất cả 27 quốc gia thành viên EU đều ủng hộ “quyền tự bảo vệ chính mình” của Israel và lên án chủ nghĩa khủng bố sau vụ tấn công chết người của Hamas vào cuối tuần trước (7/10).
Đề cập đến Thổ Nhĩ Kỳ, ông Schinas tuyên bố rằng nước này phải “lựa chọn muốn đứng về phía nào của lịch sử”. Đây là dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ không thể đứng ở vị trí trung gian hoặc giữ thái độ trung lập giữa các cường quốc thế giới.
“[Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng] cùng với chúng ta – Liên minh châu Âu, NATO, các giá trị của chúng ta, các thuộc tính của phương Tây – hoặc [đứng cùng] với Moscow, Tehran, Hamas và Hezbollah. Câu trả lời cần phải rõ ràng”, trích dẫn phát ngôn của ông Schinas đăng trên tờ báo Hy Lạp Ekathimerini.
Nhận định của ông Schinas được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết chính phủ của mình sẵn sàng điều phối các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên ông Schinas không nói rõ Thổ Nhĩ Kỳ nên làm gì để chứng minh lòng trung thành với phương Tây.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trong một tuyên bố dài, được đưa ra sau các cuộc thảo luận riêng với Tổng thống Israel Isaac Herzog và Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas: “Thổ Nhĩ Kỳ… sẵn sàng cho mọi hình thức hòa giải, bao gồm cả trao đổi tù nhân, nếu các bên yêu cầu.”
Tuy nhiên trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ luôn chỉ trích mạnh mẽ các chính sách của Israel đối với người Palestine. Bản thân ông Erdogan cũng lên án các hoạt động quân sự mới nhất của Israel tại Gaza là “đáng xấu hổ” và là “một cuộc tàn sát”.
Ông Schinas ám chỉ ý rằng Nga đứng về phía Palestine, còn Moscow thì kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột và nhấn mạnh rằng người dân thường của tất cả các bên đều phải chịu đau khổ. Hôm thứ Năm (12/10), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhắc lại lời kêu gọi thực hiện các giải pháp trước đây của Liên Hợp Quốc và thành lập một nhà nước Palestine – thường được gọi là “giải pháp hai nhà nước”.
“Tất cả chúng tôi đều có cùng quan điểm… rằng cuộc đối đầu này phải chấm dứt ngay lập tức, các bên nên tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, ngăn chặn mọi hành động khủng bố và sử dụng vũ lực bừa bãi”, trích lời ông Lavrov.
Bắc Kinh cũng có cùng đề nghị này. Tuy nhiên, ông Yuval Waks, một quan chức cấp cao tại Đại sứ quán Israel ở Bắc Kinh, cho biết: “Khi người dân bị sát hại và tàn sát trên đường phố, đó không phải là lúc để đề xuất ‘phương án hai quốc gia’”.
Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas hôm thứ Bảy tuần trước (7/10) là một trong những vụ vi phạm an ninh quốc gia lớn nhất tại Israel trong nhiều thập kỷ. Theo thống kê của các quan chức địa phương, khoảng 1.300 người đã thiệt mạng. Quân đội Israel đã tiến hành các cuộc không kích kéo dài nhiều ngày để trả đũa, gây ra cái chết cho khoảng 1.500 người ở Gaza và khiến hàng ngàn người khác bị thương.
Vy An (Theo RT)
Phản ứng quốc tế sau khi Israel yêu cầu thường dân rời khỏi Gaza: ‘1 triệu người di chuyển trong vòng 24 giờ là không thể’
Liên Thành
Quân đội Israel đã ra lệnh sơ tán tất cả thường dân sống ở Thành phố Gaza và phía bắc Dải Gaza, trước một cuộc tấn công trên bộ được cho là chưa từng thấy vào khu vực đang bị người Palestine bao vây.
Liên Hợp Quốc cho biết, họ cũng nhận được cảnh báo từ Israel về việc sơ tán 1,1 triệu người sống ở phía bắc Gaza trong vòng 24 giờ.
Lệnh này được đưa ra vào ngày thứ bảy của cuộc chiến và sau những ngày dài Israel thực hiện phong tỏa toàn diện 2,4 triệu cư dân Palestine ở Gaza.
Quân đội Israel cho rằng, các chiến binh Hamas đang ẩn náu trong các đường hầm bên dưới Thành phố Gaza. Và việc sơ tán này là vì sự an toàn của chính những thường người dân.
Quân Israel cũng nói rằng, những thường dân này sẽ chỉ có thể quay lại Thành phố Gaza khi có thông báo khác cho phép từ phía israel. Ngoài ra, những thường dân Palestine cũng bị cấm không được tiếp cận khu vực hàng rào an ninh của Nhà nước Israel.
Trước những thông báo từ phía Israel, những chiến binh Hamas đã cho biết, cảnh báo sơ tán của quân đội Israel là những nội dung giả mang tính “tuyên truyền”. Mục đích của Israel chỉ là muốn đuổi người dân ra khỏi vùng lãnh thổ này.
Cơ quan quản lý các vấn đề người tị nạn của Hamas cũng kêu gọi người dân ở phía Bắc “hãy kiên định trong nhà của mình và đứng vững khi đối mặt với cuộc chiến tâm lý kinh dị từ Israel.
EU yêu cầu X, Meta và TikTok xử lý thông tin sai lệch và liên quan khủng bố
Sau cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel cuối tuần trước, cơ quan chức năng của Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu các mạng xã hội xử lý thông tin sai lệch và bạo lực trực tuyến liên quan, đặc biệt từ tài khoản các nhóm khủng bố.
X xóa hàng trăm tài khoản vi phạm
Giám đốc điều hành Linda Yaccarino của nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter) ngày 12/10 tuyên bố, nhằm hạn chế “nội dung khủng bố” lan truyền trên Internet kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel cuối tuần trước, nền tảng xã hội này đã xóa “hàng trăm” tài khoản và hàng chục nghìn video đồ họa và văn bản có chứa ngôn từ căm thù liên quan đến tổ chức khủng bố Palestine
Theo tin từ đài truyền hình Mỹ CBS, động thái này chủ yếu nhằm đáp lại tối hậu thư 24 giờ do ông Thierry Breton là Ủy viên Thị trường Nội bộ của Ủy ban Châu Âu – một trong những cơ quan quản lý hàng đầu của EU – đưa ra cho ông chủ Elon Musk của X để tuân thủ các quy định mới về nội dung trực tuyến của EU, theo đó yêu cầu xử lý thông tin sai lệch trực tuyến liên quan xung đột Israel-Palestine.
Breton cho biết văn phòng của ông phát hiện “dấu hiệu” cho thấy có những nhóm đang truyền bá thông tin sai lệch và “khủng bố bạo lực” về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas trên nền tảng truyền thông xã hội X. Ông nói rằng một số hình ảnh chỉnh sửa được lưu hành rộng rãi, bao gồm việc sử dụng các hình ảnh cũ không liên quan đến cuộc xung đột vũ trang này hoặc cảnh quay quân sự bắt nguồn từ trò chơi điện tử, đó đều thông tin trắng trợn giả mạo hoặc gây hiểu lầm.
Trả lời email cảnh báo, bà Yaccarino phản hồi rằng cũng đang theo dõi các bài phát biểu bài Do Thái trên nền tảng này và đã trả lời hơn 80 yêu cầu xóa từ EU trong thời gian quy định: “Nền tảng mạng xã hội X không có chỗ cho các tổ chức khủng bố hoặc các nhóm cực đoan bạo lực”.
Hiện tại công ty đang phối hợp với các nền tảng truyền thông xã hội khác thông qua Diễn đàn toàn cầu về chống khủng bố trên Internet (GIFCT) để ngăn chặn lan truyền nội dung khủng bố trên Internet.
Trong bức thư ngỏ bà Yaccarino gửi ông Breton trên nền tảng X cho biết, họ hoan nghênh ông Breton và nhóm của mình tham gia sâu hơn, như tham dự các cuộc họp nhằm giải quyết bất kỳ mối quan ngại cụ thể nào, và mong muốn nhận được thêm thông tin chi tiết mà họ có thể phản hồi.
Tháng 8 năm nay, EU đã đưa ra quy định toàn diện mang tên Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), yêu cầu các công ty truyền thông xã hội có hơn 45 triệu người dùng phải tích cực hơn trong việc giám sát các nội dung bất hợp pháp, nếu không họ sẽ phải đối mặt với mức phạt khổng lồ tương đương 6% tổng số doanh thu hàng năm của công ty.
Meta giám sát 24/24
Ngoài nền tảng X, CEO công ty mẹ Meta của Facebook là Mark Zuckerberg và CEO Shou Zi Chew của TikTok phiên bản ngoài Trung Quốc cũng đã nhận được những lá thư tương tự.
Bức thư kêu gọi các công ty “luôn cảnh giác” trong cuộc xung đột đang diễn ra và trước các cuộc bầu cử sắp tới ở nhiều nước châu Âu.
Người phát ngôn của Meta nói với giới truyền thông rằng công ty sau ngày 7/10 đã ngay lập tức thành lập “Trung tâm Điều hành Đặc biệt”, bố trí các chuyên gia thành thạo tiếng Do Thái và tiếng Ả Rập để theo dõi chặt chẽ và ứng phó với diễn biến tiếp theo của tình trạng khẩn cấp này.
“Nhóm của chúng tôi đang làm việc suốt ngày đêm để thực hiện hành động đối với nội dung vi phạm chính sách nền tảng hoặc luật pháp địa phương. Chúng tôi cũng làm việc với các bên xác minh dữ kiện bên thứ ba để hạn chế lan truyền thông tin sai lệch”, người phát ngôn của Meta cho hay.
Ngoài cảnh báo về nội dung liên quan xung đột Israel-Palestine, Ủy viên EU Breton lưu ý rằng gần đây cũng đã nhận được những báo cáo liên quan cuộc bầu cử ở Slovakia có các các nội dung bị thao túng và ‘deepfake’ trên nền tảng Meta. Ông yêu cầu Meta cung cấp thông tin chi tiết về cách giải quyết vấn đề ‘deepfake’. Ông cũng lưu ý nhiều cuộc bầu cử khác cũng sắp diễn ra như tại Ba Lan, Romania, Áo, Bỉ… Ông cho biết DSA cũng “rất nghiêm túc” trong vấn đề thông tin sai lệch liên quan đến bầu cử.
Trình Phàm, Vision Times
Nghi vấn trong vụ người lái xe đâm vào Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco
Người đàn ông gốc Hoa lái ô tô đâm vào Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco và bị bắn tử vong đã được xác minh thân phận. Theo tin tức mới nhất cho biết, anh ta tên Dương Chiếm Nguyên (Zhanyuan Yang), 31 tuổi, đến từ Sơn Đông, Trung Quốc, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Khúc Phụ ở Sơn Đông năm 2014. Tuy nhiên, có nhiều điểm đáng nghi trong vụ này.
Ngày 12/10, Văn phòng Giám định Y tế San Francisco xác nhận người đàn ông đột nhập vào sảnh văn phòng cấp thị thực của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco vào ngày 9/10 là Dương Chiếm Nguyên, 31 tuổi, người Mỹ gốc Hoa.
Liên quan tới sự việc này, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Adrienne Watson khẳng định: “Chúng tôi lên án sự việc và tất cả những hành động bạo lực nhằm vào nhân viên ngoại giao làm việc tại Mỹ”.
Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân kêu gọi điều tra nhanh chóng vụ việc và thực hiện các biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn cho phái đoàn ngoại giao Trung Quốc, cũng như nhân viên làm việc tại đây theo Công ước Viên về quan hệ lãnh sự, nhưng không nêu thêm chi tiết.
Một nhân chứng kể rằng Dương Chiếm Nguyên có lần bước ra khỏi xe và hét lên: “CCP (từ viết tắt của ĐCSTQ) ở đâu?” – đây rõ ràng là ám chỉ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhiều nguồn tin nói với San Francisco Standard rằng một con dao và nỏ cũng được tìm thấy tại hiện trường.
Theo các phóng viên bước vào phòng của Dương Chiếm Nguyên, căn phòng rất bừa bộn, có 5 khẩu súng lục, ở trong góc có một đống vũ khí tấn công và một con dao. Ít nhất 5 khẩu súng được đánh dấu là súng giả.
Trong phòng có sách tiếng Trung về hóa học, tôn giáo, phim ảnh, khoa học viễn tưởng, v.v., cũng như sách Kinh thánh bản tiếng Anh và các tác phẩm của Mao Trạch Đông.
Những tấm bưu thiếp dán trên tường cho thấy, anh ấy đã sống trong căn hộ này ít nhất từ năm 2016.
Hồ sơ trong phòng cho thấy, Dương Chiếm Nguyên là người tỉnh Sơn Đông. Bằng tốt nghiệp cho thấy anh ta tốt nghiệp Học viện Hạnh Đàm thuộc Đại học Sư phạm Khúc Phụ ở Trung Quốc năm 2014, chuyên ngành khoa học môi trường.
Anh ấy cũng có một tấm bảng trắng lớn với bản đồ vẽ tay về Đông Á và Đông Nam Á cùng dòng chữ “Giải phóng tư tưởng” và “Tìm kiếm sự thật”, những khẩu hiệu của ĐCSTQ do cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra.
Bạn cùng phòng của Dương Chiếm Nguyên không thể giải thích được vì sao anh ấy lại lái xe vào Lãnh sự quán Trung Quốc. Cô cho biết cô sống với anh ấy khoảng 3 năm, nhưng không biết rõ về Dương Chiếm Nguyên vì anh ấy chủ yếu sống khép kín và chơi trò chơi điện tử. Cô mô tả Dương Chiếm Nguyên “rất bảo thủ.”
Bạn cùng phòng cho biết, anh ấy bắt đầu hành động kỳ lạ trong những tháng gần đây. Anh bắt đầu ăn đồ ăn của cô, điều mà anh chưa từng làm trước đây và uống hết rượu của cô. Trước đó, cô nói, anh ấy không uống rượu.
Cô cho biết Dương Chiếm Nguyên từng học tại một trường đại học nghệ thuật. Thẻ căn cước trong ví của anh ấy cho thấy anh ấy cũng theo học tại ‘City College of San Francisco’ (CCSF).
Dường như anh ấy đang thất nghiệp và cô không biết làm thế nào anh ấy có thể ở Mỹ hợp pháp. Cô còn cho biết anh ấy đã dành thời gian để chạy bộ, bắn cung tên trong công viên và điều khiển máy bay không người lái.
Người bạn cùng phòng cho biết, chiếc xe Dương Chiếm Nguyên lao vào Lãnh sự quán không phải của anh ấy, mà là của một người khác cùng sống trong đơn vị.
Ngày 12/10, ông Giới Lập Kiến, Giám đốc điều hành Ban Thanh niên của Đảng Dân chủ Trung Quốc, nói với Epoch Times rằng Dương Chiếm Nguyên là một “tiểu phấn hồng” (thanh niên yêu nước mù quáng).
Ông Giới Lập Kiến nói: “Khi các cuộc biểu tình chống dẫn độ nổ ra ở Hồng Kông vào năm 2019, giới phong trào ủng hộ dân chủ đã nhìn thấy Dương Chiếm Nguyên tại Đại học California, Berkeley đang tham gia một số cuộc biểu tình ủng hộ cảnh sát Hồng Kông và chống lại nền độc lập của Hồng Kông. Vào thời điểm đó, phong trào dân chủ và phe ủng hộ ĐCSTQ đã xảy ra xung đột.”
Ông nghi ngờ về mục đích của Dương Chiếm Nguyên khi lái xe lao vào Lãnh sự quán Trung Quốc lần này.
Ông nói: “Theo lẽ thường, tiểu phấn hồng này đang tham gia vào các cuộc tấn công và tấn công khủng bố. Anh ta liều lĩnh lái xe vào Lãnh sự quán Trung Quốc, việc mang súng sẽ hợp lý hơn. Nhưng anh ta lại không mang theo súng. Đây chẳng phải là tự tìm đến chỗ chết hay sao? Có điều gì đó đáng nghi trong chuyện này”.
“Hôm đó, anh ấy bị bảo vệ của Lãnh sự quán Trung Quốc khống chế ngay tại chỗ và rất nghe lời. Chẳng phải giữa họ đã có sự sắp đặt gì sao? Đã vào được bên trong, thì không thể ngay lập tức bị khống chế phải không? Ít nhất sẽ có một số vật lộn hay gì đó.
Sau khi bị trói tay ra sau lưng và còng lại, anh ấy vẫn hét lên, ‘Đảng Cộng sản ở đâu?’ Khi cảnh sát đến, họ nói anh ấy có dao và nỏ và bắn chết anh ấy. Chuyện này rất kỳ lạ.”
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang lên kế hoạch có thể tổ chức cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo hai nước tại San Francisco.
Từ ngày 12 – 18/11, “Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương” sẽ được tổ chức tại San Francisco, dự kiến Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại đây.
Đây không phải lần đầu tiên Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco bị tấn công. Vào năm 2014, một người đàn ông đổ 2 thùng xăng lên phía trước tòa nhà và châm lửa.
Bình Minh (t/h)