Tin VN sáng thứ Ba: Mưa lũ miền Trung: Hơn 1,500 ngôi nhà bị ngập, gần 7,000 người phải sơ tán

Mưa lũ miền Trung: Hơn 1.500 ngôi nhà bị ngập, gần 7.000 người phải sơ tán
Người dân sơ tán đến nơi an toàn hơn (Ảnh: Cắt từ clip)

Từ đêm 10/10 đến nay, nhiều tỉnh, thành phố Trung Bộ đã hứng chịu lượng mưa rất lớn. Mưa lũ đã khiến gần 7.000 người phải sơ tán.

Bên cạnh đó, mưa lũ phức tạp cũng đã làm 2 người chết, trong đó 1 người tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, do bị nước cuốn trôi, và 1 nạn nhân khác tại tỉnh Thừa Thiên Huế khi đi đánh cá chiều 13/10.

Ngoài ra, còn có 1.564 nhà bị ngập, trong đó riêng Đà Nẵng có 1.432 nhà, Huế 115 nhà và Quảng Trị có 17 nhà.

Nhiều khu vực trũng thấp tại Đà Nẵng bị ngập lụt từ 0,3-0,5 m, một số nơi ngập sâu từ 1-1,5 m như phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, và tuyến đường Thăng Long – Hoà Thọ Tây, quận Cẩm Lệ.

Trước diễn biến mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng, cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã sơ tán 6.835 người dân đến nơi an toàn tính đến ngày 15/10.

Nhiều địa phương như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, trong đợt mưa lũ này, lần đầu tiên trong lịch sử, cơ quan khí tượng phát cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 do mưa lớn ở 2 địa phương là Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Vụ Á khôi 17 tuổi bị sát hại, phi tang: Món nợ 50 triệu đồng

Nghi phạm Tạ Duy Khanh. (Ảnh: Tạ Duy Khanh/Facebook)

Tạ Duy Khanh và chị H.Y.N. đã xảy ra mâu thuẫn vì Khanh đòi khoản vay 50 triệu đồng song không được trả, nên Khanh đã lấy dao nhọn đâm nhiều nhát vào vùng ngực cô gái này.

Chiều ngày 16/10, Công an TP. Hà Nội tổ chức họp báo, cung cấp thông tin kết quả điều tra ban đầu vụ cô gái 17 tuổi H.Y.N. (quận Ba Đình, Hà Nội) bị giết, phân xác, phi tang xuống sông Hồng.

Theo đó, Công an TP đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Tạ Duy Khanh (SN 1985, quê Thái Bình) về hành vi Giết người.

Theo công an, ngày 10/10, Khanh hẹn chị H.Y.N. đến nhà Khanh tại phòng 5A8A tòa S2-12 tại một khu đô thị ở xã Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội).

Khi vào trong phòng khách, Khanh và chị N. xảy ra mâu thuẫn do Khanh đòi khoản vay 50 triệu đồng song không được trả, nên Khanh đã lấy dao nhọn đâm nhiều nhát vào vùng ngực cô gái này.

Sau khi chị N. chết, Khanh đã lấy dao phân xác nạn nhân thành nhiều phần rồi cho toàn bộ các phần thi thể vào bên trong thùng xốp màu trắng, dùng băng dính dán kín lại.

Sau đó, Khanh gọi điện thuê xe taxi anh L.N.T. (lái xe hãng taxi) chở Khanh mang theo thùng xốp (bên trong đựng thi thể chị N.) đi đến Miếu Bản thuộc thôn Giang Cao (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm).

Đến nơi, Khanh bảo anh L.N.T. dừng xe và nhờ anh tài xế taxi bê giúp thùng xốp xuống xe, để thùng xốp tại bậc lên xuống.

Sau khi anh tài xế lái xe rời đi, Khanh một mình bê thùng xốp đựng thi thể chị N. xuống sông Hồng để phi tang. Khanh vứt một số phần thi thể xuống sông Hồng và chôn giấu một phần thi thể ở mép sông Hồng, rồi Khanh về chung cư.

Khanh cũng vất 2 điện thoại của chị N. xuống sông Hồng (đoạn cầu Thanh Trì), giấu túi xách, dép của nạn nhân ở nhà trọ tại thôn 2, xã Bát Tràng.

Đến chiều ngày 12/10, do lo sợ thi thể nạn nhân bị phát hiện, Khanh đã đến chợ gần khu vực ngã tư Đa Tốn mua 125.000 đồng tiền xi măng mang đến khu vực giấu thi thể, với mục đích phủ xi măng lên phía trên nơi giấu thi thể chị N..

Do khu vực nơi giấu thi thể có đông người qua lại nên Khanh mang xi măng về nhà.

Đến rạng sáng ngày 13/10, Khanh một mình quay lại vị trí nơi giấu thi thể nạn nhân và đổ xi măng phủ lên phía trên để che giấu.

Chiều cùng ngày, khi biết được thông tin cơ quan công an đã phát hiện thi thể của chị N., Khanh đã đi đến bến xe Giáp Bát, đi xe khách bỏ trốn về Thái Bình.

Đến khoảng 23h ngày 14/10, Tạ Duy Khanh bị bắt khi ở nhà riêng (xã Đồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Minh Long

Hà Nội: Người dân ở chung cư phải mua nước, xin nước để nấu cơm, rửa mặt

Người dân chung cư HH03-B1.3 xuyên đêm xếp hàng lấy nước sinh hoạt. (Ảnh: Chụp màn hình/video/vnexpress.net)

Hàng nghìn cư dân sinh sống ở chung cư HH03-B1.3 (Khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) vẫn chịu cảnh mất nước sạch khiến sinh hoạt gặp nhiều bất tiện. Kết quả xét nghiệm nước sạch tại đây cho thấy hàm lượng Amoni trong nước là 11,46 mg/l, gấp 38 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng hàng chục lần.

Ngày 16/10, nói với Báo Lao Động, nhiều cư dân khu HH03A, Khu đô thị Thanh Hà cho biết đến hôm nay đã 3 ngày chưa có nước sạch để dùng.

Nhiều gia đình phải mua nước ngọt đóng chai để nấu ăn, vệ sinh cá nhân. Không ít cư dân phải đi xin nước từ các nhà ở khu liền kề. Nhiều gia đình phải di cư sang nhà người quen ở Hà Nội để tắm giặt nhờ.

Chị Nguyễn Thị Thơm (sống ở tòa nhà HH03A) cho biết cả ngày gia đình phải ăn xôi để hạn chế sử dụng nước. “Đây là lần thứ hai trong ngày tôi đi chở nước. Muốn có nước phải ra khỏi khu đô thị, sang khu khác cách gần 500m để xin. Mất nước, cả nhà cũng không dám tắm”, chị nói.

Ông Phan Minh Châu – Tổ trưởng Tổ dân phố số 4 cho biết chiều ngày 15/10, có ít nước về đến bể nhưng không đáng kể. Vào đêm 15/10, 3 tòa A-B-C thuộc cụm HH03-B1.3 đều đã mất nước.

Việc thiếu nước kéo dài khiến cuộc sống của cư dân tổ 4 gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Tổ dân phố phải trích quỹ nước sạch do cư dân tự đóng góp để mua 1 xe nước từ Hà Đông về cho cư dân dùng tạm.

Khu đô thị này hiện có 23 tòa nhà với khoảng 16.000 cư dân. Từ đầu tháng 10, nhiều người tại đây phản ánh nước sạch có mùi thuốc tẩy và bị dị ứng da khi dùng.

Hôm 10/10, Viện Công nghệ môi trường thông báo kết quả xét nghiệm hàm lượng Amoni trong nước 11,46 mg/l, gấp 38 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng hàng chục lần.

Đại diện Công ty CP nước sạch Thanh Hà giải thích nguồn cung không đủ, bình thường cấp khoảng 2.000m3, giờ chỉ được 700m3/ngày đêm. Do vậy, công ty đã tăng sản lượng nước từ nguồn giếng khoan 1.000 lên 3.000m3/ngày đêm. Vì lưu lượng thay đổi, đồng thời phải bổ sung nước sạch quá gấp nên chưa kịp xử lý các vấn đề vi sinh.

Theo Công ty CP nước sạch Thanh Hà, sau buổi làm việc ngày 14/10 với chủ đầu tư khu đô thị, đơn vị đã dừng cấp nước từ nguồn khai thác ngầm tại nhà máy để đảm bảo chất lượng. Vì vậy, nước cấp cho khu đô thị này chỉ sử dụng từ nguồn nước mặt sông Đuống. Tuy nhiên, nguồn cung trên đang bị thiếu hụt và không ổn định dẫn đến việc cư dân không có nước dùng.

Về giải pháp trước mắt, trong cuộc họp với các bên, đại diện Sở Xây dựng đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội phối hợp Công ty CP nước sạch Thanh Hà để điều tiết, bổ sung nguồn cấp nước ổn định cho khu đô thị, công suất tối đa khoảng 2.000m3/ngày đêm.

Ngoài ra, Công ty CP nước sạch Thanh Hà có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư khu đô thị Thanh Hà hoàn thiện quy trình xử lý nguồn nước ngầm tại chỗ, đảm bảo quy chuẩn và nguồn cung ổn định cho cư dân, thời hạn hoàn thành trong 3 tháng.

Bảo Khánh

Cấp biển đẹp sai quy định, cựu Trưởng phòng CSGT An Giang lĩnh 2 năm tù

Bị cáo Nguyễn Bá Quận cùng các đồng phạm đã can thiệp phần mềm cấp biển số xe, cấp sai 5.056 biển số xe ôtô cho bản thân, người thân và người dân có nhu cầu. (Ảnh: vov.vn)

Bị cáo Nguyễn Bá Quận cùng các đồng phạm đã can thiệp phần mềm cấp biển số xe, cấp sai 5.056 biển số xe ôtô cho bản thân, người thân và người dân có nhu cầu.

Sau một tuần xét xử và nghị án, chiều ngày 16/10, TAND An Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bá Quận (SN 1962), cựu Trưởng phòng CSGT tỉnh An Giang, mức án 2 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị cáo Quận cùng các đồng phạm đã can thiệp phần mềm cấp biển số xe, cấp sai 5.056 biển số xe ôtô cho bản thân, người thân và người dân có nhu cầu.

Cùng tội danh, HĐXX cũng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Ân (SN 1975, cựu Phó Đội trưởng Đội Đăng ký, Quản lý Phương tiện Cơ giới Đường bộ – Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ, Công an tỉnh An Giang) 1 năm 9 tháng tù giam; bị cáo Bùi Quốc Khánh (SN 1990, cựu Đội trưởng Đội Đăng ký, Quản lý Phương tiện Cơ giới Đường bộ – Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ, Công an tỉnh An Giang) 1 năm 6 tháng tù được hưởng án treo (thời gian thử thách 3 năm); bị cáo Võ Chí Linh (SN 1982) và Nguyễn Hoàng Em (SN 1985, cựu cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ, Công an tỉnh An Giang) mỗi bị cáo 1 năm 3 tháng tù được hưởng án treo (thời gian thử thách 2 năm 6 tháng).

Hình phạt bổ sung đối với hai bị cáo Quận, Ân là cấm đảm nhận chức vụ liên quan đến hành vi phạm tội trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; bị cáo Khánh, Hoàng Em, Linh bị cấm đảm nhận chức vụ liên quan đến hành vi phạm tội trong thời hạn 2 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Các bị cáo Quận, Ân, Khánh mỗi người nộp 50 trệu đồng sung công quỹ nhà nước; các bị cáo Quận, Ân, Hoàng Em, Linh phải liên đới bồi thường 18 triệu đồng cho bị hại.

HĐXX xác định trong 9 năm, từ tháng 8/2012 đến 6/2021, ông Quận và 4 cấp dưới vì động cơ cá nhân đã can thiệp phần mềm, giữ và cấp các biển số đẹp cho gia đình và người quen “nhằm tạo uy tín cho bản thân” khiến nhiều người dân bị thay đổi biển số.

Để giữ lại biển đẹp, nhóm CSGT sẽ tắt màn hình hiển thị kết quả bên ngoài, khi chủ xe bấm biển số. Nếu chủ xe bấm được biển đẹp (nằm trong danh sách cần giữ lại), cán bộ sẽ giả vờ “mạng bị lỗi” rồi yêu cầu bấm lại để lấy biển ngoài danh sách.

Sau đó, cán bộ dùng tài khoản quyền lãnh đạo trên phần mềm (do ông Quận đưa), chuyển biển số đẹp vào “kho” ở trạng thái “chưa hoàn thành”. Khi cần cấp biển số đẹp cho chủ xe nào thì CSGT sẽ can thiệp, lấy từ “kho” ra. Bằng cách này nhóm cán bộ cấp sai hơn 4.175 biển số.

Nhóm CSGT còn lợi dụng chức năng dữ liệu cũ, thay đổi thông tin, lùi thời gian đăng ký (trước năm 2013, không có hồ sơ thực tế); thay đổi thông tin biển số đã cấp cho cơ quan nhà nước (biển đỏ, chữ số màu vàng) thành biển thường (biển trắng) để cấp theo nhu cầu, tổng 881 biển.

Liên quan vụ án, các chủ phương tiện khai đã xin được biển số đẹp nhờ quen biết ông Quận và một số cán bộ, hoặc phải chi 1-50 triệu đồng thông qua “cò làm biển số”. Công an An Giang đã tách hành vi này thành vụ án Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ để điều tra riêng.

Phạm Toàn

Related posts