Tin thế giới sáng thứ Hai: Trung Quốc có hàng chục nghìn cách chiêu mộ đặc vụ

Nga đối mặt nguy hiểm khi nhanh chóng tiến đến con số 300.000 người thương vong?

Liên Thành

Nga gặp nguy hiểm khi nhanh chóng tiến đến số lượng 300.000 người thương vong? (ảnh: ALEXANDER NEMENOV/AFP qua GETTY).

Theo nguồn tin từ quân đội Kyiv, quân Nga đang đối mặt với nguy hiểm chưa từng thấy khi quân đội nước này đang nhanh chóng chạm tới con số kỷ lục 300.000 người thương vong ở Ukraina. Tổn thất về nhân sự của Nga tăng đột biến sau chiến dịch ở phía Đông.

Bộ Tổng tham mưu Ukraina cho biết trong một báo cáo cập nhật đến cuối ngày hôm qua (21/10), quân đội Nga hiện tại đã mất khoảng 292.850 binh sĩ kể từ khi nổ ra cuộc chiến vào tháng 2 năm 2022. Và chỉ tính riêng ngày hôm qua thì con số này là 790 người. 

Ukraina cũng cho biết, Nga đã mất 1.380 máy bay chiến đấu. Và những số liệu này đánh dấu sự tổn thất nguy hiểm nhất trong gần 20 tháng chiến tranh.

Tình báo Anh: Trung Quốc có hàng chục nghìn cách chiêu mộ đặc vụ

Liên Thành

Tổng giám đốc MI5 Ken McCallum. (Ảnh: Yui Mok/PA qua Getty).

Người đứng đầu cơ quan tình báo MI-5 của Anh đã nhấn mạnh “quy mô kỷ lục” của hoạt động gián điệp Trung Quốc trong khu vực tư nhân với hàng chục nghìn cách tiếp cận từ các đặc vụ Trung Quốc để tuyển dụng thành viên. 

Trong tuần này, Giám đốc MI-5 Ken McCallum trước hội nghị Liên minh Five Eyes ở California với sự xuất hiện của lãnh đạo các cơ quan tình báo Anh, Mỹ, Australia, New Zealand và Canada, đã cho biết rằng: “Hàng tuần, các nhóm tình báo cảu MI-5 phát hiện một lượng lớn hoạt động bí mật của những nước như Trung Quốc, Nga và Iran”. 

The Guardian dẫn lời ông McCallum nói: “Hoạt động [tình báo của Trung Quốc] không chỉ nhằm vào bí mật của chính phủ hoặc quân sự”. “Thậm chí không chỉ nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng mà còn nhắm vào các công ty khởi nghiệp đầy triển vọng – các công ty đổi mới xuất phát từ các trường đại học, nghiên cứu học thuật của và đến những đối tượng mà họ thậm chí không nghĩ rằng vấn đề an ninh quốc gia có liên quan đến họ”.

Trong khi đó, Giám đốc FBI Christopher Wray tuyên bố rằng, Trung Quốc đã biến hoạt động gián điệp kinh tế, việc đánh cắp công việc cũng như ý tưởng của người khác trở thành một phần trọng tâm trong chiến lược quốc gia của họ. Và loại chiến lược này đang gây thiệt hại ngược lại đối với các quốc gia bị họ đánh cắp.

Ông Wray nói: “Mối đe dọa đó ngày càng trở nên nguy hiểm và quỷ quyệt hơn trong những năm gần đây”, và để minh chứng cho điều này ông này đã trích dẫn hơn 2.000 cuộc điều tra mở của FBI liên quan đến Trung Quốc và khẳng định có thời điểm cao độ mà FBI cứ sau mỗi 12 giờ đồng hồ lại bắt đầu môt cuộc điều tra mới.

McCallum trích dẫn con số hơn 20.000 người ở Anh, mà các đặc vụ Trung Quốc đã tiếp cận thông qua các trang web như LinkedIn để cố gắng tuyển dụng, hoặc lấy thông tin nhạy cảm từ những người lao động trên khắp nước Anh trong lĩnh vực công nghệ.

Người đứng đầu cơ quan tình báo Anh cũng trích dẫn 20 trường hợp các công ty Trung Quốc cố gắng tiếp cận sự phát triển công nghệ “nhạy cảm” tại các công ty và trường đại học của Anh, thông qua hoạt động đầu tư hoặc các phương tiện khác. Thông thường các Công ty Trung Quốc che giấu việc đầu tư thông qua các hình thức đầu tư khó hiểu, hoặc sử dụng các loại cấu trúc công ty phức tạp.

Một thương vụ đầu tư như vậy thường tập trung vào một công ty có liên kết với chuỗi cung ứng quân sự của Anh, hay chuỗi cung ứng cho một số “công ty thương mại lớn của phương Tây”.

Ông McCallum nói với Báo giới: “Những công nghệ này đang ở thời điểm lịch sử khi chúng bắt đầu thay đổi căn bản thế giới của chúng ta”.  “Và chúng tôi biết rằng các quốc gia độc tài đang tập trung cao độ vào những cơ hội mà những công nghệ này có thể mang lại cho họ.”

Ông McCallum cho biết thêm, công ty từ Trung Quốc có thể đã mua được dữ liệu nghiên cứu từ một trường đại học hàng đầu của Anh, và cơ quan tình báo Anh  đã cho biết họ phát hiện một số nỗ lực nhằm vượt qua các rào cản pháp lý khác nhau nhằm tác động đến việc nghiên cứu. Và càng ngày sẽ càng xuất hiện nhiều hơn các mối đe dọa cấp nhà nước được phát hiện.

Iran tiếp tục gửi 60 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho Gaza

Liên Thành

Xe tải của người Palestine xếp hàng trên Dải Gaza ở biên giới với Ai Cập để nhận hàng viện trợ nhân đạo ở Rafah ngày 21 tháng 10. (Ảnh :AP/Hatem Ali).

Iran đã gửi 60 tấn hàng viện trợ nhân đạo tới Ai Cập để chuyển đến Dải Gaza thông qua cửa khẩu biên giới Rafah.

Theo đài truyền hình nhà nước Iran: lô hàng viện trợ bao gồm thực phẩm, vật tư y tế và thuốc men.

Viện trợ được gửi từ Sân bay Tehran đến Ai Cập với sự phối hợp của Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Iran.

Sáng sớm hôm qua, một đoàn xe nhân đạo, bao gồm 20 xe tải, đã chính thức tiến vào Dải Gaza từ phía Ai Cập qua cửa khẩu biên giới Rafah. Đây là chuyến hàng viện trợ đầu tiên kể từ khi xung đột vũ trang nổ ra giữa Israel và nhóm Hamas của Palestine vào ngày 7/10.

Gaza hiện đang đối mặt một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc, trong tình trạng không có điện, nước và thực phẩm, nhiên liệu vật tư y tế ngày càng cạn kiệt.

Hãng tin Al-Qahera của nhà nước Ai Cập cho biết, chỉ có 20 xe tải đã đi vào Gaza hôm qua, trong số hơn 200 xe tải chở khoảng 3.000 tấn viện trợ vẫn đang được tập kết gần cửa khẩu trong nhiều ngày. 

Hàng trăm người nước ngoài khác cũng đang chờ đợi để vượt biên từ Gaza sang Ai Cập và thoát khỏi cuộc xung đột.

Liên Hợp Quốc cho biết, các vật dụng cứu trợ sẽ được chuyển đến cơ quan y tế Trăng lưỡi liềm đỏ của Palestine. 

Tuy nhiên, Cindy McCain, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết, viện trợ là không đủ. Bà nói: “Tình hình ở Gaza thật thảm khốc. “Chúng ta cần rất nhiều, rất nhiều xe tải nữa và dòng viện trợ liên tục.”

Đại diện chính quyền Gaza cũng cho biết, đoàn xe số lượng hạn chế “sẽ không thể thay đổi thảm họa nhân đạo”, đồng thời kêu gọi thiết lập một hành lang an toàn hoạt động liên tục suốt ngày đêm.

Chuyến xe cứu trợ đầu tiên khởi hành vài giờ sau khi Hamas thả 2 con tin người Mỹ. Việc thả hai con tin này liên quan đến lý do nhân đạo trong một thỏa thuận với Qatar, một quốc gia vùng Vịnh Ba Tư được xem là tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải ở Trung Đông.

Truyền thông Mỹ: Đối đầu giữa chuyến thăm Trung Quốc của Putin và chuyến thăm Israel của Biden ngày càng gay gắt

Liên Thành

Tổng thống Mỹ Biden gặp gỡ Thủ tướng Israel Netanyahu. (Ảnh: BBC).

Vào thời điểm cuộc chiến giữa Nga và Ukraina đang bế tắc và Trung Đông lo ngại chiến tranh tái diễn, Tổng thống Nga Putin đã gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình Tại Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường ” ở Bắc Kinh vào ngày 18/10. Quan hệ Trung-Nga có dấu hiệu ấm lên hơn nữa. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới thăm Israel để bày tỏ sự ủng hộ. 

Tờ New York Times đã phân tích xoay quanh những sự kiện này và chỉ ra rằng, những điều này nêu bật những thay đổi trong tình hình chính trị quốc tế do chiến tranh Nga-Ukraina gây ra, và sự đối đầu giữa các phe ngày càng trở nên rõ ràng.

Bài báo phân tích rằng, kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraina vào năm 2022, Nga, Trung Quốc và Iran đã hình thành một “trục mới” về ngoại giao, kinh tế, chiến lược và thậm chí cả hệ tư tưởng. Nga cần vũ khí của Iran và sự hỗ trợ ngoại giao từ ĐCSTQ; Iran cần Trung Quốc và Nga để giảm bớt sự cô lập; Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn dầu từ Nga, Iran và các nước khác bị phương Tây trừng phạt.

Nga, Trung Quốc và Iran có chung mục tiêu chính trị là đối đầu với trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo. Với sự bùng nổ xung đột ở Trung Đông, sự khác biệt giữa các nước phương Tây với Nga và Trung Quốc tiếp tục ngày càng sâu sắc.

Nhà phân tích người Đức, Ulrich Speck cho rằng, cũng giống như cuộc chiến Nga-Ukraina, cuộc chiến giữa Israel và Hamas là một cuộc xung đột khác kích thích sự đối đầu giữa nền dân chủ phương Tây và phe độc ​​tài Nga, ĐCSTQ và Iran, đồng thời đó cũng là thời điểm mà tất cả các nước phải nêu rõ quan điểm của mình.

Cho đến này, Matxcova và Bắc Kinh vẫn từ chối lên án Hamas, thay vào đó họ chỉ trích cách đối xử của Israel với người Palestine. Bài báo viết rằng, từ góc độ của Mỹ, chính phủ Trung Quốc và Nga đứng về phía người Palestine đang đấu tranh giải phóng và tự quyết nhưng không cho phép người Ukraina, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và thậm chí cả người Đài Loan có cơ hội như nhau.

Vào ngày ông Putin gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 18/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Israel để bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraina trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga, và đã công bố một đợt viện trợ mới cho Ukraina trong những ngày gần đây.

Truyền thông Pháp, Đức: Trung Quốc, Nga thể hiện “sự đoàn kết” chống phương Tây

Khi ông Tập Cận Bình gặp ông Putin ở Bắc Kinh vào ngày 18/10, ông Tập đã ca ngợi sự tin tưởng “ngày càng tăng” giữa hai nước; Ông Putin tuyên bố ở Bắc Kinh rằng, các mối đe dọa toàn cầu đã “củng cố” mối quan hệ giữa Matxcova và Bắc Kinh. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới một nước lớn kể từ khi Nga bị quốc tế cô lập do xâm lược Ukraina vào năm 2022, và ông Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế ra lệnh bắt giữ vào tháng 3 năm nay.

Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie Russia-Eurasia ở Berlin tuyên bố rằng: “Ông Putin giờ đây sẽ chỉ đến những nơi mà ông ta cảm thấy tuyệt đối an toàn”. Việc xuất hiện tại một diễn đàn quốc tế lớn như vậy cho thấy ông Putin không hoàn toàn bị cô lập”. Tờ New York Times nhận xét chuyến thăm của ông Putin cho thấy sự phụ thuộc của Matxcova vào sự hỗ trợ của Bắc Kinh khi cuộc chiến Nga-Ukraina đang bế tắc.

Đối với ông Tập Cận Bình, việc ông Putin tham dự lễ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường cũng rất quan trọng. Chuyên gia Gabuev phân tích rằng: “Rõ ràng không có nhà lãnh đạo chính trị lớn nào của phương Tây tham dự. Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không coi trọng việc này. Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, ông Putin vẫn là người đứng đầu một cường quốc hạt nhân, còn Nga vẫn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, vì cả Trung Quốc và Nga đều đang phải đối mặt với áp lực từ phương Tây, liên minh giữa ông Tập và Putin là một biện pháp hữu ích hơn là quan hệ đối tác dựa trên sự gần gũi và tin cậy lẫn nhau thực sự.

Học giả Trung Quốc: Bắc Kinh cảnh giác với Nga

Về sự phát triển của quan hệ Trung-Nga, giáo sư quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong) tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói rằng, quan hệ Trung-Nga đã trở nên gần gũi hơn về mặt chiến lược so với một liên minh quân sự, nhưng vẫn còn một khoảng cách mang tính quyết định và quan trọng.

Ngoài ra, đối với ĐCSTQ, để đối phó với cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung, thì cần có mối quan hệ đối tác anh em với Nga và Triều Tiên, nhưng hiện tại, trong hai người anh em này, một người thì đang mắc kẹt trong vũng lầy của cuộc xâm lược Ukraina, và bị rơi nằm dưới các lệnh trừng phạt quốc tế, trong khi người kia vẫn đang phát triển tên lửa hạt nhân chiến lược, gây ra sự đối đầu và cân bằng quân sự giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Một học giả Bắc Kinh yêu cầu giấu tên chỉ ra rằng: “ĐCSTQ vẫn rất thận trọng”. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Bắc Kinh và Matxcova quan trọng hơn bao giờ hết, nhưng các đối tác của Bắc Kinh ngày càng yếu đi, và những mối nguy hiểm ngày càng lớn hơn.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, sự ủng hộ của chính quyền Bắc Kinh đối với Nga đã khiến châu Âu và Mỹ nhận thức rõ hơn về bản chất của ĐCSTQ, cũng như những rủi ro mà họ gặp phải khi giao dịch với chế độ này, và họ đã thực hiện các biện pháp để đối phó. Khi chiến tranh Nga-Ukraina và xung đột Israel-Palestine tiếp diễn, phương Tây ngày càng lo lắng hơn về nỗ lực thống nhất Đài Loan bằng vũ lực của ĐCSTQ.

Máy bay cất hạ cánh thẳng đứng đầu tiên được bán tại Mỹ

Phan Anh

(Ảnh: Chụp màn hình)

Máy bay điện cất hạ cánh thẳng đứng do công ty Lilium sản xuất sắp được bán cho khách hàng tư nhân tại Texas và nhiều nơi khác, theo tờ Design Boom.

Lilium, nhà phát triển máy bay điện cất hạ cánh thẳng đứng (eVTOL) đầu tiên có thể chở 7 người, thông báo mở bán phương tiện cho khách hàng tư nhân tại thị trường Mỹ cùng với EMCJET, công ty quản lý và môi giới máy bay. EMCJET cũng là đại lý độc quyền của Lilium tại Texas cho tới năm 2030. Lilium hướng tới trở thành sở hữu mẫu eVTOL đầu tiên bán cho khách hàng tư nhân tại Mỹ khi hợp tác với EMCJET. EMCJET sẽ mở bán cho những cá nhân muốn mua máy bay Lilium Pioneer Edition Jets trong nước.

Máy bay Lilium Jet sẽ có sẵn trên khắp nước Mỹ, ban đầu tập trung ở các thành phố lớn tại Texas, bao gồm Austin, Houston, San Antonio, và Dallas. Phiên bản đầu tiên dành cho khách hàng tư nhân trên thế giới là Lilium Pioneer Edition Jets. Mẫu máy bay được thiết kế để di chuyển trong khu vực với độ ồn nhỏ, hiệu suất cao và không thải khí.

Trước đó, hôm 12/10, Lilium cho biết công ty đã hoàn thiện hệ thống dây điện cao thế dành cho máy bay Lilium Jet. Hệ thống được cấp bằng sáng chế ở Mỹ và châu Âu này là một phần quan trọng đảm bảo độ an toàn và phân bố điện của mẫu máy bay. Hệ thống dây điện là thiết kế của Lilium, chế tạo bởi đối tác GKN Aerospace chuyên về tích hợp dây điện và nhà cung cấp đầu nối Rosenberger. Nó đóng vai trò như mạch điện của máy bay, với các bó dây cáp xếp gọn gàng. Dây cáp sẽ truyền điện từ bộ pin (ở bên hông máy bay) tới động cơ (nằm ở cánh).

Lilium cho biết dây cáp rất nhẹ nên không làm tăng trọng lượng cho máy bay. Nó cũng có thể xử lý điện cao thế hơn 90 volt, giúp Lilium Jet bay hiệu quả và an toàn. Hồi tháng 6/2023. Lilium cho biết họ là nhà sản xuất eVTOL duy nhất được Cục quản lý hàng không Mỹ (FAA) cấp phép cho máy bay.

Related posts