Trong suốt 19 tháng (từ tháng 4/2021 đến 10/2022), một hiệu phó trường THCS ở Bình Dương nghỉ làm không phép nhưng vẫn nhận lương.
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) vừa ký ký ban hành kết luận thanh tra các vấn đề về đào tạo, sử dụng ngân sách nhà nước tại Trường THCS Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hòa).
Theo kết luận, Trường THCS Vĩnh Hòa đã ban hành một số văn bản phục vụ công tác quản lý, phân công nhiệm vụ tư vấn tâm lý, hỗ trợ trực tuyến… không đảm bảo theo quy định về trình tự thủ tục, thời gian ban hành văn bản, không vào sổ đăng ký văn bản đi, không lưu trữ tại văn thư; Việc phân công nhiệm vụ giảng dạy chưa phù hợp, có giáo viên không đủ số giờ chuẩn, có giáo viên quá nhiều giờ dẫn đến phải chi trả tiền thêm nhiều giờ.
Cơ quan chức năng xác định trường chi sai hơn 306 triệu đồng chế độ thêm giờ năm học 2020-2021, năm học 2021-2022 cho giáo viên. Bên cạnh đó, Trường THCS Vĩnh Hòa chi sai chế độ khoa học kỹ thuật năm học 2019-2020 và chi sai chế độ bồi dưỡng tiết thực hành cho giáo viên dạy Thể dục.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ Phó Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Hòa Vũ Văn Đoàn thực hiện giờ giấc làm việc không đảm bảo 8 giờ/ngày, nghỉ làm không phép, không thực hiện nhiệm vụ giảng dạy từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2022, không đảm bảo các nhiệm vụ quản lý được phân công phụ trách về lĩnh vực cơ sở vật chất, y tế…
Đối với Hiệu trưởng trường là ông Hoàng Đức Tú, kết luận thanh tra cho thấy ông này chưa làm hết trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý tại Trường THCS Vĩnh Hòa; Không thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh ông Đoàn trong việc thực hiện giờ giấc làm việc, trách nhiệm làm việc, giảng dạy và nêu gương của viên chức quản lý, không báo cáo Phòng GD-ĐT nội dung sai sót trong việc công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến cho ông Vũ Văn Đoàn.
Từ những sai phạm trên, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo chỉ đạo các đơn vị liên quan thu hồi danh hiệu Lao động tiên tiến và chế độ tiền thưởng đối với ông Vũ Văn Đoàn, đề xuất xử lý trách nhiệm hành chính đối với ông Đoàn và ông Tú.
Trước đó, việc Phó hiệu trưởng Vũ Văn Đoàn không làm việc mà vẫn nhận lương gây lãng phí, thậm chí còn được công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến năm học 2021-2022, giáo viên trường THCS Vĩnh Hòa đã làm đơn kiến nghị gửi các đơn vị.
Giáo viên trường THCS Vĩnh Hòa còn nêu các vấn đề sai phạm trong công tác quản lý của Ban giám hiệu như: việc dạy học thêm trái quy định; làm sai thừa giờ, ký thay chữ ký trong bảng kê khai thừa giờ năm học 2021-2022…
Minh Long
Chương trình chấn hưng văn hóa 340.000 tỷ: Dư luận “hiểu hơi nặng nề về kinh phí”?
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL thừa nhận từ tên gọi, phạm vi và nguồn lực của chương trình đều đang phải xem xét lại, trong đó khó khăn lớn nhất là về nguồn tiền – dự toán 340.000 tỷ đồng “chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam”.
Chiều 22/10, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 6 để thảo luận, cho ý kiến về công tác năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024 đối với các lĩnh vực mà Ủy ban phụ trách, gồm: văn hóa, thể thao, du lịch, tín ngưỡng, tôn giáo, thông tin – truyền thông; giáo dục và đào tạo; thanh niên và trẻ em.
Trong lĩnh vực văn hóa, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 được đại diện Bộ VH-TT&DL – Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề cập đến.
Bà Thủy cho biết Bộ này đang phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ sớm trình các cấp có thẩm quyền về chương trình này. Tuy nhiên, hiện còn một số vấn đề cần quan tâm như tên gọi, phạm vi và nguồn lực của chương trình.
Về phạm vi, bà Thủy cho hay rất nhiều ý kiến băn khoăn là văn hóa con người rất rộng, nếu “không đề cập một cách hài hòa, phù hợp thì vấn đề con người trong chương trình mục tiêu có sự mờ nhạt nên Bộ đang nghiên cứu”.
Về tên gọi, hiện cũng có nhiều ý kiến băn khoăn như tên gọi mà Bộ Chính trị đã giao – Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam – hay chỉ đơn giản là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
Về nguồn lực, theo bà Thủy đây là khó khăn lớn nhất. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nói có nhiều ý kiến băn khoăn và cho rằng chưa có đủ căn cứ để quy định trình nguồn lực.
“Tất cả các vấn đề, Bộ cũng đang rất tích cực nghiên cứu để sớm đề xuất các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện”, bà Thủy nói.
Trước thông tin do Bộ VH-TT&DL vừa công bố, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng nguồn lực ít hay nhiều sẽ có sự cân đối, điều quan trọng nhất là chương trình sẽ ưu tiên, tập trung cho việc gì và giải quyết thế nào.
“Giả sử một di tích văn hóa, khu di tích nếu chỉ duy tu bảo trì cái lõi thì kinh phí ít, nhưng cải tạo toàn bộ khuôn viên, còn làm du lịch thì ra kinh phí rất khác” – ông Vinh lấy dẫn chứng.
Từ đó, ông Vinh cho rằng Bộ VH-TT&DL nên nêu rõ hướng thứ tự ưu tiên thế nào, làm cái nào chính, cái nào trước và khi có nguồn lực làm tổng thể hơn, bài bản hơn và khi đó cần nguồn lực lớn hơn.
Về tổng vốn kinh phí mà các bộ đang lo ngại, ông Vinh cho rằng là do “thiếu thông tin”, khiến mọi người chưa hiểu về chương trình, nói theo cách của ông Vinh là dư luận “hiểu hơi nặng nề về kinh phí”.
“Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất gần đây là thiếu thông tin. Ngay cả chúng tôi đọc báo mới biết con số 350.000 tỷ chứ cũng chưa biết, chưa hình dung nó thế nào. Dân cũng vậy thôi, tiếp cận nhiều thông tin đâu đó không đầy đủ. Do đó, thay vì con số tổng thì Bộ VH-TT&DL cần giải thích cho người dân việc cần làm thì tôi cho rằng xã hội sẽ ủng hộ thôi”– Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục nói.
Theo nội dung trình Phó thủ tướng hồi cuối tháng 8, Bộ VH-TT&DL cho biết kinh phí để thực hiện chương trình chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt trong giai đoạn 2025-2035 là 350.000 tỷ đồng.
Cho ý kiến về chương trình, Bộ KH-ĐT, Bộ Nội vụ… đề nghị Bộ VH-TT&DL cần làm rõ đề xuất để đưa ra con số kinh phí trên, trong khi Bộ Y tế, Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) lo ngại về tính hiệu quả, cần thiết của chương trình.
Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng chương trình này dành phần lớn kinh phí để xây dựng hạ tầng cơ sở nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng…, và đây là việc cần đánh giá một cách thận trọng.
Đơn vị này cho rằng đầu tư hạ tầng là việc làm cần thiết nhưng thiếu cân đối vì việc tập trung quá nhiều kinh phí để xây dựng, cải tạo các công trình văn hóa chưa đi đôi với việc làm thế nào để phát triển các hoạt động văn hóa tương ứng. Trên thực tế, các công trình văn hóa “hiện đại” như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thư viện ở vùng nông thôn được đầu tư rất lớn từ các chương trình phát triển như Chương trình Nông thôn mới nhưng chưa được sử dụng đúng công năng và chưa thu hút được các hoạt động văn hóa của người dân địa phương. Các bảo tàng, nhà hát cũng không hoạt động thường xuyên do chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Nguyễn Quân