Tin thế giới sáng thứ Bảy: Nga bán gần một nửa dầu thô cho Trung Quốc

Thống kê: Nga bán gần một nửa dầu thô cho Trung Quốc

(Ảnh minh họa: PX Media/Shutterstock)

Cục Hải quan Trung Quốc cho biết rằng trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 79,9 triệu tấn.

Dự kiến, dòng chảy này sẽ vượt quá 100 triệu tấn trong năm nay. Điều đó đồng nghĩa với việc gần một nửa lượng dầu thô của Nga đang được bán sang Trung Quốc.

Năm nay, Nga là nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc, sau khi vượt qua Saudi Arabia. Ông Ivan Timonin, cố vấn cấp cao tại tổ chức Implement tin rằng Trung Quốc thực sự là thị trường dầu lớn nhất của Nga với lượng xuất khẩu dầu sang nước này ngày càng tăng.

Cố vấn Timonin tin rằng xu hướng này sẽ vẫn kéo dài, với lý do Trung Quốc bị thiếu hụt sản lượng dầu và hai bên đã có sẵn các cơ sở hạ tầng phục vụ việc xuất khẩu, nổi bật là đường ống Đông Siberia – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Nga có nên đa dạng hóa nguồn xuất khẩu dầu mỏ để giảm sự phụ thuộc vào một khách hàng duy nhất hay không. Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Konstantin Simonov nhận định Nga thực sự cần đa dạng hóa vì bên mua có thể sử dụng vị thế của mình làm đòn bẩy trong mối quan hệ với nhà cung cấp.

Giám đốc Simonov cũng cho hay rằng trong khi châu Âu từ chối mua dầu của Nga thì Ấn Độ và Trung Quốc lại cạnh tranh để giành nguồn cung này. Vậy nên, phần lớn dòng dầu sẽ đến với các thị trường lớn nhất ngoài châu Âu và Nga không nên bỏ lỡ chúng vì mục tiêu đa dạng hóa.

Phan Anh

Lãnh đạo nước đồng minh thân cận nhất của Nga ủng hộ EU

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. (Ảnh minh hoạ)

Belarus không phản đối Liên minh châu Âu dù cho khối này đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Belarus, Tổng thống Alexander Lukashenko cho biết trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm thứ Năm (26/10).

“Vì lý do nào đó mà Liên minh châu Âu, họ tin rằng chúng tôi, Belarus, là đối thủ của Liên minh châu Âu”, ông Lukashenko nói với ông Szijjarto. “Ông biết đấy, chúng tôi không phải là những người có tính báo thù và, dù cho tình hình hỗn loạn hiện tại ở EU và các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu đang áp dụng lên Belarus, ông nên biết rằng tổng thống Belarus là một người ủng hộ nhiệt tình việc gìn giữ Liên minh châu Âu. ”

Ông Lukashenko làm rõ rằng sự ủng hộ của ông đối với EU không xuất phát từ bất kỳ tình yêu cụ thể nào, mà bởi vì Liên minh Châu Âu là một trong những rường cột nâng đỡ hành tinh, cùng với Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.

Nhà lãnh đạo Belarus giải thích: “Nếu trụ cột này bị loại bỏ khỏi trật tự này thì sẽ rất tệ cho tất cả mọi người”.

Ông cũng lưu ý rằng do vị trí của Belarus nên nước này muốn EU trở thành một “liên minh mạnh mẽ, kiên cường, có chủ quyền và độc lập”.

Nhà ngoại giao Hungary nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại và cảm ơn ông Lukashenko về buổi gặp. Ông Szijjarto mô tả đây là một bước quan trọng hướng tới thiết lập hòa bình ở châu Âu trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine.

“Tôi tin vào sự đối thoại. Chúng ta muốn hòa bình trong khu vực của chúng ta. Có một cuộc chiến đang diễn ra ngay bên cạnh, mà không thuộc về trách nhiệm của chúng ta nhưng chúng ta đang phải trả giá cho nó. Người Hungary cũng bị chết trong cuộc chiến này. Chúng tôi không muốn ai chết cả”, ông Szijjarto nói, đồng thời nhấn mạnh Budapest “muốn cuộc chiến này kết thúc càng nhanh càng tốt” và sẽ tiếp tục thúc đẩy lệnh ngừng bắn.

Ônh Szijjarto đã chỉ trích EU hồi đầu tuần vì cố gắng đẩy nhanh việc Ukraine gia nhập khối vì “lý do an ninh”. Ông nhấn mạnh rằng “Liên minh châu Âu không phải là một tổ chức an ninh, nó là một tổ chức hội nhập kinh tế- chính trị, vì vậy việc biện minh cho một quốc gia với tư cách thành viên trong tương lai chỉ vì lý do an ninh là hoàn toàn không chấp nhận được”.

Vào tháng Chín, ông Szijjarto cũng tuyên bố Hungary sẽ chặn việc Ukraine gia nhập EU nếu nước này tiếp tục phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số Hungary sống ở phía Tây Ukraine. Ông đưa ra một số luật gây tranh cãi được ban hành kể từ cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn năm 2014 ở Kyiv đã quy định sử dụng tiếng Ukraine.

Anh Nguyễn

Israel tuyên bố đã giết chết ba chỉ huy cấp cao của Hamas

Người dân tìm kiếm những người sống sót và thi thể của các nạn nhân trong đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy trong các cuộc không kích của Israel, ở Khan Younis ở phía nam Dải Gaza, ngày 26/10. (Ảnh: Mahmud Hams/AFP).

Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết, họ đã giết chết ba chỉ huy cấp cao của Tiểu đoàn Daraj-Tuffah thuộc nhóm Hamas trong một cuộc không kích ở Dải Gaza vào ngày 26/10.

Phía Israel nói rằng, cuộc tấn công của họ đã giết chết chỉ huy tiểu đoàn, Rifaat Abbas; phó chỉ huy Ibrahim Jadba; và chỉ huy hỗ trợ chiến đấu, Tarek Maarouf.

Theo Lực lượng Phòng vệ Israel, Tiểu đoàn Daraj-Tuffah là một phần của Lữ đoàn thành phố Gaza của Hamas. Tiểu đoàn này “được coi là lữ đoàn quan trọng nhất của tổ chức khủng bố Hamas”.

Lực lượng phòng vệ Israel cho biết thêm: “Các đặc nhiệm của tiểu đoàn đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xâm lược và tấn công giết người nhằm vào Israel ngày 7 tháng 10”.

Thái Học

Nga tiến hành tăng lãi suất cơ bản lần thứ 4 liên tiếp

(Ảnh minh họa: Mila Moskovskaya/Shutterstock)

Hôm 27/10 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 2% lên mức 15%/năm trong bối cảnh lạm phát tăng cao hơn dự báo, theo tờ Moscow Times.

Trong một tuyên bố, CBR cho biết áp lực lạm phát ở Nga hiện đã tăng cao hơn mức dự báo của ngân hàng này và “gây ra rủi ro đáng kể”. CBR dự báo mức lạm phát của Nga sẽ vào khoảng 7 – 7,5% trong năm nay, tăng 1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. CBR kỳ vọng chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ giúp giảm giá tiêu dùng xuống 4 – 4,5% vào năm 2024, sau đó hướng đến mức mục tiêu 4%.

Các quan chức CBR cho biết sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát cùng với các điều kiện trong nước và bên ngoài để cân nhắc đưa ra các quyết định tiếp theo về lãi suất.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 4 liên tiếp của CBR. Kể từ tháng 7 vừa qua, ngân hàng này đã tăng lãi suất tổng cộng 750 điểm cơ bản.

Sau quyết định trên của CBR, đồng nội tệ ruble đã tăng giá trong các giao dịch tại Sở Giao dịch Moscow. Tính đến 13h30 ngày 27/10 giờ Moscow (tức 17h30 giờ Việt Nam), đồng USD đã giảm giá 1,13%, xuống mức 92,9 Ruble đổi 1 USD, trong khi đồng Euro được giao dịch ở mức 98,19 ruble đổi 1 euro (giảm 1,41%), đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc ở mức 12,653 Ruble đổi 1 NDT (giảm 0,98%).

Trước khi công bố quyết định trên, vào lúc 13h25, đồng USD đã giảm 0,67%, xuống mức 93,32 Ruble/USD, đồng Euro giảm 1%, xuống 98,59 Ruble/Euro và tỷ giá đồng NDT ở mức 12,716 Ruble/NDT (tức giảm 0,49%).

Phan Anh

Related posts