Nhiều DN châu Âu ‘trả giá’ khi phụ thuộc vào bong bóng BĐS Trung Quốc

Nền kinh tế Trung Quốc đang trên bờ vực sau 3 năm phong tỏa khắc nghiệt COVID-19. (Ảnh minh họa: Roman_studio/Shutterstock)

Thị trường bất động sản sụp đổ ở Trung Quốc khiến những doanh nghiệp châu Âu muộn màng nhận ra việc phụ thuộc vào nền kinh tế tỷ dân cũng khiến họ phải ‘trả giá’.

Theo hãng thông tấn Bloomberg, Tập đoàn Wittur Holding, nhà sản xuất linh kiện thang máy của Đức, ghi nhận doanh thu giảm sâu do bong bóng bất động sản vỡ ở Trung Quốc, một trong những thị trường chính của công ty.

Nhu cầu về thang máy xuống rất thấp khi các hoạt động xây dựng ở Trung Quốc gần như đóng băng. Do gánh nặng nợ quá lớn cùng với quá khứ phụ thuộc vào thị trường tỷ dân đã khiến các cổ đông của công ty này, gồm Bain Capital (Mỹ) và một quỹ hưu trí của Canada, đã chuyển quyền sở hữu cổ phần cho chủ nợ là KKR & Co.

Theo thống kê của Liên minh châu Âu (EU), tình hình tồi tệ đến mức xuất khẩu của khối nay sang Trung Quốc đang hướng đến mức sụt giảm hàng năm lần đầu tiên kể từ ít nhất là năm 2002.

“Các công ty có đòn bẩy tài chính cao, tập trung kinh doanh ở một số ít thị trường, khó có thể linh hoạt để đối phó với các thách thức tài chính. Vì vậy, đối với họ, nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc có thể gây ra khó khăn và rủi ro tín dụng”, Svitlana Ukrayinets, nhà phân tích của hãng xếp hạng tín nhiệm nợ Moody’s Investor Service, bình luận.

Việc trì hoãn việc triển khai cơ sở sản xuất mới ở Trung Quốc cũng làm tăng thêm khó khăn cho IGM Resins. Giờ đây, IGM Resins có nguy cơ cạn tiền mặt trong 12-18 tháng tới và sẽ phải vật lộn để tái cấp vốn cho các khoản vay đến hạn thanh toán vào năm 2025. Moody’s đã cắt giảm xếp hạng tín dụng của công ty Hà Lan này hai lần trong năm nay.

Cũng trong tuần này, nhà phát triển bất động sản hàng đầu đất nước Country Garden được coi là vỡ nợ đối với trái phiếu bằng đô la sau khi không trả lãi suất coupon cho các chủ nợ trong thời gian ân hạn.

China Evergrande Group, tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ bất động sản của Trung Quốc, đang xoay sở hoàn tất kế hoạch tái cơ cấu và có thể thanh lý tài sản.

Bất ổn từ lĩnh vực nhà ở có nguy cơ lây lan thêm, cản trở động lực phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Vì vậy, các công ty châu Âu có thể đối mặt những căng thẳng gay gắt hơn nữa.

Ngoài ra, sau 3 năm phong tỏa khắc nghiệt trong thời COVID-19, chính quyền Bắc Kinh đã tự mình bỏ đi mọi cơ hội phục hồi kinh tế, các Tập đoàn đa quốc gia lần lượt rời bỏ quốc gia này.

Trong một video phóng sự tổng hợp, người dân ở TP Thượng Hải cho biết rất ít người nước ngoài quay lại kể từ khi gỡ phong tỏa.
bat dong san trung quoc thuong hai
Ngay cả TP Thượng Hải cũng không còn thu hút được người nước ngoài trở lại và kinh doanh. (Ảnh chụp màn hình: Khán Trung Quốc/Youtube)
trung quoc 1
Những hàng quán nổi tiếng cũng vắng vẻ, không cầm cự nổi và đóng cửa sau vài tháng. (Ảnh chụp màn hình: Khán Trung Quốc/Youtube)

Cư dân mạng than thở rằng TP Thượng Hải còn như vậy thì những thành phố khác sẽ còn thảm hại hơn. Buổi tối, người dân Trung Quốc không còn thấy cảnh tượng nhộn nhịp nữa mà đường phố thưa vắng khách, dẫn đến kinh tế ngày càng suy thoái do nhu cầu xuống thấp.

Đức Minh (t/h)

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.co. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.

Related posts