Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đoàn giám sát đề nghị Bộ GD-ĐT tạo biên soạn một bộ SGK phổ thông là quay lại tình trạng độc quyền, đi ngược xu hướng quốc tế.
Chiều ngày 31/10, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội. Về việc Bộ GD-ĐT có nên biên soạn một bộ SGK hay không, ĐB Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng điều này không phù hợp với Nghị quyết 122/2020 của Quốc hội và Luật Giáo dục năm 2019.
Theo ông Thanh, về cơ sở thực tiễn, việc giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK không phù hợp chủ trương xã hội hóa.
“Tôi tin rằng nếu đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đầy đủ thông tin về chính sách biên soạn sách giáo khoa của các nước trên thế giới thì sẽ không nêu kiến nghị Bộ GD-ĐT tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa phổ thông”.
“Việc này dễ dẫn đến triệt tiêu xã hội hóa, quay lại tình trạng độc quyền, trái với chủ trương khuyến khích xã hội hóa và đi ngược lại xu hướng quốc tế”, ông Thanh nói.
Dẫn báo cáo của đoàn giám sát nêu giai đoạn 2015-2022, Chính phủ bố trí 213.400 tỷ đồng cho đổi mới sách giáo khoa phổ thông, trong đó chi thường xuyên 81.000 tỷ đồng, chi đầu tư 131.600 tỷ đồng, ông Thanh đề nghị cung cấp số liệu cho biết mức chi nói trên vượt bao nhiêu so với chi bình thường hàng năm cho giáo dục phổ thông theo quy định.
“Chi đổi mới sách giáo khoa là bao nhiêu, gồm những khoản nào? Nếu không tách bạch các khoản chi này sẽ gây hiểu nhầm về số tiền khổng lồ và cách Chính phủ chi tiêu ngân sách”, ông Thanh nói.
Ông Thanh đề nghị làm rõ trong việc xã hội hóa sách giáo khoa, đóng góp của doanh nghiệp bao nhiêu, nhà nước chi bao nhiêu và ngân sách tiết kiệm được bao nhiêu tiền, từ đó đánh giá đầy đủ chủ trương này.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Sở KH&CN Lạng Sơn) cũng cho rằng thời điểm này, không nên giao cho Bộ GD-ĐT biên soạn SGK mà Bộ nên tập trung nghiên cứu, lựa chọn hiệu quả các bộ SGK đã và đang sử dụng hiện tại.
Theo ông Mạc, việc biên soạn bộ SGK mới tại thời điểm này là không thực sự cấp thiết. Trên cơ sở các bộ SGK hiện tại, lựa chọn bộ SGK phù hợp với năng lực giảng dạy của giáo viên, đồng thời phù hợp với năng lực học tập của học sinh từng trường, từng địa phương.
Minh Long
Hàng không Vietnam Airlines lỗ thêm hơn 2.270 tỷ đồng trong quý 3/2023
Trong quý 3/2023, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) tiếp tục báo lỗ sau thuế hơn 2.270 tỷ đồng, ghi nhận 15 quý lỗ liên tiếp. Theo báo cáo gửi CMSC, hãng bay này dự báo lỗ hơn 4.500 tỷ đồng năm 2023.
Vietnam Airlines (Mã chứng khoán: HVN) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 với doanh thu thuần đạt gần 23.570 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo lãi gộp đạt 1.240 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi tất cả các chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế hơn 2.270 tỷ đồng trong quý 3/2023, ghi nhận 15 quý lỗ liên tiếp từ quý 1/2020 đến nay.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ HVN là 3.743 tỷ đồng, thấp hơn phân nửa so với con số cùng kỳ năm trước (lỗ 7.790 tỷ đồng).
Lũy kế, lỗ sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm cuối tháng 9 lên đến hơn 37.930 tỷ đồng.
Chi phí tài chính vẫn là gánh nặng đối với hãng bay này. Cụ thể, chi phí tài chính quý 3 ghi nhận 1.895 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chi phí lãi vay chiếm 397 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý tăng lần lượt 61% và 8%.
Nợ phải trả cuối kỳ là gần 74.280 tỷ đồng, tăng 5% sau 3 tháng. Vay và nợ thuê tài chính chiếm hơn 28.580 tỷ đồng, tương đương với 38%. Vốn chủ sở hữu đang âm đến 13.950 tỷ đồng.
Vietnam Airlines vẫn chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Theo thông báo mới đây, công ty dời tổ chức từ 15/11 sang 22/11, ngày đăng ký cuối cùng giữ nguyên là 12/10.
Theo báo cáo vào tháng 9 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính Vietnam Airlines có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng trong năm nay.
Căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26/11/2019. Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường họp sau đây:
-Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục;
-Hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá so vốn điều lệ thực góp;
-Hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Theo các chuyên gia, với kết quả kinh doanh nói trên, Vietnam Airlines đã vi phạm cả 3 quy định này và nhiều khả năng sẽ bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Đức Minh