6-11-2023
Báo Tiền Phong đã nổ phát súng muộn mằn vĩ đại, báo hiệu một sự kiện có tên “Hòn non bộ Hạ Long”. Lẽ ra các báo phải có bài này từ ngày họ đổ những ngàn xe đất đầu tiên, nhưng nay mới có, thôi, chậm cũng hơn không.
Có rất nhiều vấn đề xung quanh câu chuyện này. Thứ nhất: Dù chưa có trong tay những bức Không ảnh toàn khu vực nhưng nhìn một cách đại thể, thì đã thấy “chướng tai gai mắt” thật sự.
Tôi sẽ tới tận nơi và có những nhìn nhận sâu hơn về vụ này trong vài ngày tới nhưng tại bài này tôi chỉ nêu một điểm xác đáng (Tôi ít khi “bám” đề tài vội vã, ăn theo, ngoài bài này) nên chỉ nêu một vài điểm.
Những nhà tham gia lập và thực hiện dự án hầu như không tính đến chuyện: Một cái bể bơi 400 mét vuông chỉ ba ngày không lọc nước là nước đổi màu, mươi ngày sau thành màu xanh đen và hôi hám, không thể bơi được.
Khu vực đang bị quây sẽ khu biệt với biển cả.
Sự giao lưu TỰ NHIÊN theo thuỷ triều, dòng chảy, khi có vận động thuỷ văn từ khu này với bên ngoài, giữ cho nước biển luôn được sạch và bảo đảm các tính chất tự nhiên của nó, nay bị “ngăn sông cấm biển”, Vịnh Hạ Long sẽ thành ao Hạ Long, vài hecta mặt nước sẽ bị khu biệt, bị cấm cung trong phạm vi hữu hạn này.
Nửa năm sau, môi trường nước sẽ thay đổi theo hướng tệ hơn. Ba năm sau cái ao tù này sẽ cho du khách cảm nhận được bằng… mũi!
Thứ hai: Đã đến lúc nên tạo một khung pháp lý, ràng buộc trách nhiệm thật nặng, trong đó có cả những chế tài bằng tiền, gõ vào đầu loại cơ quan thẩm quyền có tên là nơi chuyên “đánh giá tác động môi trường” các dự án.
Trong trường hợp cụ thể là câu chuyện ao Hạ Long, nên xét đến chuyện “thu còi” cơ quan này và các cơ quan “thẩm định môi trường” trên toàn quốc, nếu xảy ra tương tự.
(Thực tế là đã xảy ra rất nhiều) chứ không để anh này tự tung tự tác, khi có vấn đề thì cho là “đúng quy trình” là xong!
Một vài tháng qua tôi đã tới hàng chục khu công nghiệp tầm trung nằm kín đáo trong những địa điểm tít tận vùng cao ở Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ miền Bắc thì nhận thấy một sự lạ: Khó mà “tiêu thụ” hết lượng nước thải đi đâu!
Câu chuyện này nói sau kẻo loãng câu chuyện Hạ Long.
Thứ ba: Hội đồng nhân dân. Những điều hôm nay cộng đồng biết qua báo Tiền Phong thì vài ngàn đôi mắt, đôi tai của những chức trách sở tại, từ cỡ Tổ trưởng dân phố trở lên, đến HĐND thành phố Hạ Long, UBND tỉnh này biết hết, biết trước.
Hội đồng nhân dân TP Hạ long gần thực địa hơn báo Tiền Phong, hơn những người đang sống ở Hà Tiên, Cao Bằng, Điện Biên, Sài Gòn nhiều.
Nếu họ đã được báo cáo và gật tuốt thì phải bàn đến việc lớn hơn. Nếu họ ít quan tâm, nhìn vấn đề hời hợt thì phải xem xét và khi cần, có thể giảm quân số của Hội đồng này xuống bớt 50% được.
Thứ tư: Các chức trách ở Hạ Long khi bị chất vấn nói: Đó là “vùng đệm” của Vịnh Hạ Long.
Báo cũng dừng ở đây.
Người đọc cũng dừng ở đây.
Vậy “vùng đệm” là cái quái gì?
Vùng đệm là nơi các “xác” thoả sức biến tấu, đào núi lấp biển, quy ra thóc hết hay sao?
Vùng đệm của tấm áo, là cái tà áo, cổ áo, nếu cắt bỏ hai cái này thì cái áo thành cái gì?
Hiện đã có luật nào, định tính nào về “vùng đệm” hay chưa?
Nếu các “vùng đệm” của Vịnh Hạ Long (theo cách nghĩ này) ước tính vài chục km bờ vịnh mà được nền văn minh bốn mét phủ kín xung quanh thì nơi này thành cái gì?
Bốn câu hỏi trên, xin gửi tập trung vào một mối: Hội đồng nhân dân Thành phố Hạ Long.
Nhiều chuyện khác bàn sau.