Nguyên nhân sa thải cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương vẫn chưa được chính thức công bố, tuy nhiên mới đây Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã đăng một bài viết cho rằng quan chức ngoại giao có nguy cơ cao bị xúi giục làm loạn. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng bài viết được cho là ám chỉ nguyên nhân khiến ông Tần Cương bị cách chức.
Trang tin The Paper tại Trung Quốc hôm 4/11 đưa tin, số mới nhất của tạp chí “Thanh tra, giám sát kỷ luật Trung Quốc” đã đăng một bài viết của ông Trương Tế Văn (Zhang Jiwen), Tổ trưởng Tổ Kiểm tra, Giám sát Kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Nhà nước trú tại Văn phòng Đối ngoại Trung ương. Điểm chính của bài viết nói rằng công tác ngoại giao có nguy cơ bị xâm nhập xúi giục làm phản tương đối cao.
Tạp chí “Thanh tra, giám sát kỷ luật Trung Quốc” là ấn phẩm quan trọng chủ chốt của Trung ương ĐCSTQ và là ấn phẩm chính thức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia.
Bài viết này không nêu tên ai cụ thể, mà nhắm vào toàn bộ giới ngoại giao. Giới quan sát cho rằng một mặt đây là nhằm vào ông Tần Cương, mặt khác còn bộc lộ tâm lý khép kín của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ, những người không tin tưởng vào những quan chức ngoại giao tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài.
Bài viết nhận định, lĩnh vực ngoại giao phải đối mặt với những rủi ro chính trị, rủi ro liêm chính và rủi ro quản lý. Về rủi ro chính trị, cần phải đề phòng “nguy cơ thực hiện không đến nơi đến chốn những chỉ thị quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, nguy cơ rò rỉ bí mật, nguy cơ bị xâm nhập, xúi giục làm phản”.
“Vẫn còn tồn tại những trường hợp cán bộ vi phạm quy định quản lý đối ngoại khi đi thăm, công tác ở nước ngoài, nguy cơ buông lỏng kỷ luật, thiếu kỷ luật, pháp luật, đạo đức ngoài thời gian ‘8 giờ làm việc’ là tương đối cao.”
Bài viết chủ yếu nhắm vào các quan chức ngoại giao, cho rằng họ là lực lượng chính trong công tác đối ngoại, là những người ở tuyến đầu trong giao lưu đối ngoại, đặc biệt là đấu tranh với các thế lực thù địch phương Tây. Do đó, rủi ro bị xâm nhập và bị lôi kéo sa ngã là tương đối cao.
Bài viết cũng chỉ ra rằng các quan chức đối ngoại nên cẩn thận với việc “tìm kiếm lợi ích cá nhân từ ngoại giao”, chủ yếu là sử dụng các nguồn lực đối ngoại tích lũy và các mối quan hệ cá nhân để trục lợi cá nhân.
Nhật báo Sing Tao của Hồng Kông hôm Chủ nhật bình luận rằng bài báo nói trên chỉ trích các quan chức đối ngoại, bao gồm cả Bộ Ngoại giao: “Đặc biệt khi vụ việc của ông Tần Cương xảy ra, có tin đồn rộng rãi rằng ông đã ‘trêu hoa ghẹo nguyệt’ khi đang trú ở nước ngoài, bài viết này làm liên tưởng đến việc nhắm vào ông Tần Cương cũng là rất bình thường.”
Giới ngoại giao của ĐCSTQ vẫn do ông Vương Nghị nắm giữ trong nhiều năm, cái gọi là ngoại giao chiến lang cũng được phát triển dưới thời ông ta. Vương Nghị được ông Tập Cận Bình đánh giá sâu sắc về điều này và được thăng chức vào Bộ Chính trị tại Đại hội 20 của ĐCSTQ. Ông Tần Cương được thăng chức làm quan chức cao nhất phụ trách đối ngoại của ĐCSTQ, đảm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao. Tuy nhiên, ông chỉ giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao được vài tháng, rồi biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng vào cuối tháng 6 năm nay, sau đó bị cách chức bộ trưởng ngoại giao. Cách đây hai tuần, ông đã bị rút khỏi chức vụ ủy viên Quốc vụ viện. Đồng thời ông Vương Nghị quay lại giữ chức ngoại trưởng.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho biết hôm 19/9, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã được thông báo về việc cựu Ngoại trưởng Tần Cương ngoại tình khi đang giữ chức vụ đặc phái viên hàng đầu của ĐCSTQ tại Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ chưa bao giờ chính thức giải thích nguyên nhân ông Tần Cương bị cách chức bộ trưởng.
Một số nhà quan sát cho rằng việc cách chức ông Tần Cương có liên quan đến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa ĐCSTQ với Mỹ và các đồng minh phương Tây của Mỹ. Ông Tập Cận Bình đã cố gắng loại bỏ mọi rủi ro an ninh. Chuyện ngoại tình và đứa con ngoài giá thú của ông Tần Cương được cho là đã giúp Mỹ có cơ hội kiểm soát ông ta.
Trí Đạt (t/h)