Vùng đông bắc Trung Quốc hứng chịu mưa tuyết dữ dội nhất trong mùa đông
Thời tiết lạnh giá bất thường và bão tuyết đang tấn công vùng đông bắc Trung Quốc, ngày 6/11 được biết là thời điểm tuyết rơi dày đặc nhất từng thấy trong mùa đông này, thời tiết cực đoan đã khiến nhiều hoạt động xã hội phải tạm dừng.
Lúc 18:00 ngày 6/11, Đài quan sát khí tượng trung ương của Trung Quốc tiếp tục đưa ra các cảnh báo về mưa tuyết, không khí lạnh và gió mạnh ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Dự kiến từ 20:00 ngày 6/11 đến 20:00 ngày 7/11, các khu vực phía bắc Cát Lâm, miền trung và đông Hắc Long Giang sẽ có bão tuyết dày đặc, độ sâu tuyết mới ở một số khu vực nêu trên là từ 2 – 10 cm, ở một số nơi có thể đạt tới hơn 12 cm.
Trong hoàn cảnh đó, mọi hoạt động tại thành phố Song Áp Sơn tỉnh Hắc Long Giang – Trung Quốc phải tạm ngừng, các chuyến bay tại sân bay Mẫu Đơn Giang đều bị hủy. Hôm đó, các trường học trải khắp 6 quận của thành phố chính Cáp Nhĩ Tân đều phải tạm cho nghỉ; nhiều nhà ga hành khách cũng không thể hoạt động…
Bị băng tuyết ảnh hưởng, 27 đường cao tốc ở Hắc Long Giang đã bị đóng cửa ngày 6/11, đồng thời nhiều đường cao tốc chỉ được mở với giới hạn tốc độ, nhà điều hành đường sắt Hắc Long Giang trong ngày 6 và 7/11 đã đình chỉ 51 chuyến tàu chở khách.
Theo dữ liệu từ Flight Master, vào sáng sớm 6/11 sân bay quốc tế Thái Bình tại Cáp Nhĩ Tân đã hủy 405 chuyến bay; tương tự, nhiều chuyến bay ở Cát Lâm, Liêu Ninh và Nội Mông cũng bị hủy.
Video từ phương tiện truyền thông địa phương cho thấy, tại thành phố Trường Xuân tuyết rơi dày đặc khiến hành khách mắc kẹt tại các ga tàu, một số chuyến tàu phải dừng hoạt động.
Miền Bắc Trung Quốc trong tuần qua đã chịu một loạt điều kiện thời tiết bất thường, từ sương mù đến tháng 10 nóng thứ hai trong nhiều thập niên, rồi vào mỗi cuối tuần thì nhiệt độ giảm mạnh. Cơ quan Thời tiết Trung ương Trung Quốc cho biết, trong tuần này khi không khí lạnh di chuyển về phía đông và phía nam thì nhiệt độ dự kiến ở phần lớn vùng Đông Bắc sẽ giảm xuống một con số hoặc dưới mức đóng băng.
Theo Trương Đình, Epoch Times
Philippines hủy dự án đường sắt “Vành đai và Con đường” với ĐCSTQ, tìm nguồn tài trợ khác
Bộ trưởng Tài chính Philippines Benjamin Diokno cho biết sau khi chấm dứt tài nguồn trợ từ Bắc Kinh, Philippines đang tìm kiếm nguồn tài trợ từ Nhật Bản và Ấn Độ để làm nguồn vốn cho ba dự án đường sắt.
Bộ trưởng Giao thông Philippines Jaime Bautista hôm thứ Hai (6/11) cho biết Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ sẵn sàng tài trợ xây dựng 3 dự án đường sắt này.
Ông Jaime Bautista phát biểu trên một diễn đàn truyền thông rằng Chính phủ Philippines có thể tìm kiếm hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ 3 nước, cũng có thể tài trợ cho một số dự án đường sắt hoặc tìm kiếm đầu tư từ khu vực tư nhân. Ông cho biết Chính phủ Philippines đang xem xét các phương án này, nhưng hiện tại chưa thể cung cấp thông tin chi tiết.
Ông cũng nhấn mạnh rằng ông sẵn sàng chào đón bất kỳ quốc gia nào có thể cung cấp tài chính cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng này.
Ba dự án xây dựng đường sắt này là Đường sắt Mindanao, Đường sắt Subic-Clark và Đường sắt đường dài phía Nam, đòi hỏi tổng kinh phí 4,95 tỷ USD và đều do chính phủ tiền nhiệm khởi xướng. Ban đầu nó được lên kế hoạch tài trợ và xây dựng bởi Trung Quốc. Các nghiên cứu khả thi và kỹ thuật cho các dự án này đã được hoàn thành, chỉ còn lại vấn đề tài chính và thực hiện.
Reuters đưa tin Tổng thống Marcos Jr. đã ra lệnh đàm phán lại thỏa thuận cho vay với Trung Quốc sau khi nhậm chức vào năm ngoái. Nhưng phía Trung Quốc tỏ ra miễn cưỡng đồng ý với các điều kiện cho vay do Chính phủ Philippines đề xuất.
Trên thực tế, Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) đã không hành động theo yêu cầu chính thức của Philippines về hỗ trợ phát triển cho các dự án này kể từ tháng 7/2022. Do đó việc xây dựng thực tế các dự án này không thể bắt đầu.
Bộ trưởng Giao thông Jaime Bautista xác nhận vào cuối tháng trước rằng Philippines buộc phải từ bỏ các cuộc thảo luận với phía Trung Quốc và thay vào đó theo đuổi các lựa chọn tài chính khác sau khi các cuộc đàm phán về khoản vay với Trung Quốc không có tiến triển.
Tổng thống tiền nhiệm Duterte, người áp dụng chính sách đối ngoại thân Trung Quốc và xa lánh Mỹ, từng nói rằng ông sẵn sàng “im lặng” về tranh chấp Biển Đông nếu ĐCSTQ có thể giúp ông xây dựng tuyến đường sắt ở phía Nam. Các dự án này đã được đàm phán từ năm 2018. Tuy nhiên, sau một vài năm, nhiều dự án hoặc bị “trật bánh” hoặc không thành hiện thực.
Theo Bloomberg, Bộ trưởng Tài chính Philippines Benjamin Diokno cũng xác nhận rằng Philippines đang tìm kiếm nguồn tài trợ cho 3 dự án đường sắt từ Nhật Bản và Ấn Độ. Ông cho biết, dự kiến các cuộc đàm phán về khoản vay sẽ được hoàn thành trong quý đầu tiên của năm tới.
Ông Benjamin Diokno cũng cho rằng hợp tác với các chủ nợ đa phương cũng là một lựa chọn, có thể là sự kết hợp giữa Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Ông nhấn mạnh rằng Philippines hiện đang thảo luận tất cả các phương án tài chính.
Khi được hỏi liệu Philippines có khai thác quỹ tài sản có chủ quyền của mình, Quỹ đầu tư Maharlika, để tài trợ cho các dự án hay không, ông Benjamin Diokno cho biết điều đó là có thể, nhưng chính phủ sẽ chỉ có thể cung cấp một phần nhỏ trong số tiền đó.
Hôm thứ Hai (6/11), Chính phủ Philippines đã niêm yết 1,26 tỷ USD trái phiếu bán lẻ bằng đô la Mỹ trên các sàn giao dịch trái phiếu trong nước. Ông Benjamin Diokno cho biết, số tiền thu được từ việc bán trái phiếu vào tháng trước sẽ giúp tài trợ cho các dự án ưu tiên cơ sở hạ tầng hàng đầu của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm sáng kiến “Vành đai và Con đường” do ông Tập Cận Bình khởi xướng. Các nhà phân tích cho rằng dưới tác động kép của dịch bệnh và các vấn đề kinh tế của Trung Quốc, tiến độ của “Vành đai và Con đường” đã chậm lại rõ rệt trong những năm gần đây, thậm chí chỉ tồn tại trên danh nghĩa. ĐCSTQ hy vọng sẽ khôi phục kế hoạch này thông qua Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 17-18/10.
Vài ngày sau hội nghị thượng đỉnh, Philippines chính thức tuyên bố sẽ từ bỏ đàm phán với ĐCSTQ về khoản vay tài trợ cho ba dự án xây dựng đường sắt lớn.
Quyết định hủy các khoản vay từ ĐCSTQ của Philippines được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông. Tháng trước, các tàu của Philippines và Trung Quốc đã va chạm hai lần trên Bãi cạn Second Thomas đang tranh chấp. Mối quan hệ giữa hai bên lại xấu đi.
Các dự án khác do Trung Quốc tài trợ và xây dựng ban đầu đã bị Philippines gác lại bao gồm Dự án thủy lợi bơm sông Chico (Chico River Pump Irrigation Project), Dự án Nguồn nước trăm năm mới – Đập thủy lợi Kaliwa (New Centennial Water Source – Kaliwa Dam Project), dự án Kết nối thành phố Samal Island-Davao (Samal Island-Davao City Connector project) và các dự án camera quan sát ở nhiều thành phố ở Philippines.
Trí Đạt
WSJ: Công ty nước ngoài rút hàng chục tỷ USD doanh thu khỏi Trung Quốc
Trong nhiều năm, khi nền kinh tế rộng lớn của Trung Quốc phát triển nhanh chóng, các công ty nước ngoài vẫn lưu chuyển lợi nhuận họ kiếm được ở Trung Quốc, sử dụng số tiền này cho việc tuyển dụng và đầu tư mới. Giờ đây, họ đang rút lợi nhuận khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang.
Wall Street Journal đưa tin, dòng vốn chảy ra ngoài cho thấy lãi suất, căng thẳng với Mỹ và sự yếu kém về kinh tế đang làm suy yếu sức hấp dẫn đầu tư của Trung Quốc.
Theo báo cáo, phân tích dữ liệu của Trung Quốc cho thấy, tính đến cuối tháng 9, các công ty nước ngoài đã rút tổng lợi nhuận hơn 160 tỷ USD khỏi Trung Quốc trong 6 quý liên tiếp. Dòng lợi nhuận chảy ra ngoài liên tục bất thường này cho thấy, sức hấp dẫn của Trung Quốc đối với vốn nước ngoài đang suy yếu.
Lần đầu tiên sau một phần tư thế kỷ, dòng vốn khổng lồ chảy ra khỏi Trung Quốc đã đẩy tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này thành con số âm trong quý 3.
Theo dữ liệu cán cân thanh toán sơ bộ do Trung Quốc công bố vào tuần trước, từ tháng 7-9, nợ đầu tư trực tiếp – thước đo đầu tư trực tiếp nước ngoài, ở mức thâm hụt 11,8 tỷ USD.
Phân tích của Reuters tin rằng điều này có thể liên quan đến tác động của các nước phương Tây đối với việc “giảm thiểu rủi ro” của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng.
Dòng vốn chảy ra đã gây thêm áp lực lên đồng nhân dân tệ. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang phải vật lộn để giảm tốc độ trượt giá đồng nhân dân tệ. Các nhà đầu tư không hài lòng với chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc, cũng như có ít khoản đầu tư mới từ Trung Quốc.
Đồng nhân dân tệ đã mất giá 5,7% so với đồng USD trong năm nay, và chạm mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ vào tháng 9.
Trong khi nhiều nước phương Tây tăng lãi suất để cố gắng kiểm soát lạm phát, Trung Quốc lại duy trì lãi suất thấp để nỗ lực kích thích nền kinh tế. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và Trung Quốc đã chạm mức cao nhất trong hơn 20 năm.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cảnh báo: “Mức chênh lệch lớn giữa lãi suất ở Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục đè nặng lên nhân dân tệ và khiến dòng vốn không ngừng tháo chạy trong những tháng tới”.
Các nhà kinh tế và giám đốc điều hành doanh nghiệp tin rằng có nhiều yếu tố đã góp phần khiến lợi nhuận chảy ra ngoài, bao gồm khoảng cách ngày càng lớn giữa lãi suất của Trung Quốc với lãi suất của Hoa Kỳ và Châu Âu, khiến thu nhập của phương Tây trở nên hấp dẫn hơn.
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất để chống lạm phát, thì Trung Quốc lại cắt giảm lãi suất khi các nhà hoạch định chính sách vật lộn với sự suy thoái kéo dài trên thị trường nhà đất.
Đồng thời, khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và căng thẳng địa chính trị leo thang, nhiều công ty nước ngoài đang tìm cách sử dụng tiền của họ tốt hơn. Mối quan hệ lạnh nhạt giữa Bắc Kinh và các nước phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã khiến các công ty đa quốc gia phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng và đầu tư của họ vào Trung Quốc.
Theo báo cáo, dữ liệu cho thấy, từ năm 2014 đến giữa năm ngoái, trừ 2 quý, khoản tái đầu tư của các công ty nước ngoài vào Trung Quốc đã vượt quá số tiền chuyển ra nước ngoài.
Ví dụ: vào năm 2021, khoản tái đầu tư ròng của công ty là 170 tỷ USD. Điều này đã thay đổi vào giữa năm 2022, khi Trung Quốc phong tỏa lẻ tẻ, và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bắt đầu tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng vọt. Kể từ đó, dòng vốn chảy ra vẫn tiếp tục diễn ra hàng quý.
Cuộc khảo sát gần đây về các công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản tại Trung Quốc cho thấy, các giám đốc điều hành cảnh giác với các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc, do nguy cơ xung đột với Đài Loan, và những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thắt chặt các quy định đối với các công ty nước ngoài hoạt động trong biên giới nước này.
Theo dữ liệu của cơ quan lưu ký trái phiếu chính phủ China Central Depository & Clearing, các quỹ đầu tư nước ngoài đã bán ra 13,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 1,85 tỷ USD) trái phiếu Chính phủ Trung Quốc trong tháng 9.
Tổng lượng trái phiếu Chính phủ Trung Quốc mà họ nắm giữ đã giảm xuống khoảng 2.070 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 283,67 tỷ USD), mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Nhìn chung đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc âm trong quý 3, với dòng vốn ra vượt quá dòng vốn vào 11,8 tỷ USD. Kể từ năm 1998, đây là lần đầu tiên dòng vốn ra hàng quý âm được ghi nhận trong dữ liệu cán cân thanh toán.
Bình Minh
Ông Trump từ chối lời mời thăm Kyiv của Tổng thống Zelensky
Cựu Tổng thống Donald Trump đã từ chối lời đề nghị đến thăm Ukraine của Tổng thống Volodymyr Zelensky, đồng thời cho biết điều này sẽ gây ra “xung đột lợi ích” trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
“Tôi rất tôn trọng Tổng thống Zelensky, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ không phù hợp nếu đến Ukraine vào thời điểm này”, ứng cử viên tổng thống đang dẫn đầu của Đảng Cộng hòa viết trong một tuyên bố phản hồi lời mời. “Chính quyền Biden hiện đang giải quyết vấn đề với ông ấy và tôi không muốn tạo ra xung đột lợi ích”.
Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm Chủ nhật (5/11), ông Zelensky nói trong chương trình “Meet the Press” của NBC rằng cựu Tổng thống Trump “rất được hoan nghênh” đến thăm Ukraine, nơi cuộc chiến với Nga đang kéo sang năm thứ hai và khiến hàng triệu người phải rời khỏi quê hương.
Ông Zelenskyy nói trong cuộc phỏng vấn: “Cựu Tổng thống Trump nói rằng trong khoảng 24 giờ, ông ấy có thể xử lý và kết thúc cuộc chiến. Tôi có thể nói gì đây? Nhưng ông ấy rất được chào đón”.
“Tổng thống [Joe] Biden đã đến đây và tôi nghĩ ông ấy hiểu những điều mà ông Trump sẽ hiểu khi tới đây”, ông tiếp tục. “Vì vậy tôi mời Tổng thống Trump. Nếu ông ấy có thể đến đây, tôi sẽ cần 24 phút để giải thích cho ông ấy tại sao ông không thể giải quyết được cuộc chiến này”.
Vào tháng Ba, cựu Tổng thống Trump từng nói ông có thể giải quyết cuộc chiến ở Ukraine trong một ngày nếu ông giành được nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Với tư cách là tổng thống Mỹ, ông sẽ có thể đưa ông Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào bàn đàm phán và đạt được một “thỏa thuận công bằng cho tất cả mọi người”.
Tổng thống Ukraine lập luận rằng cuộc đàm phán hòa bình ba bên mà Tổng thống Trump hình dung có thể không diễn ra dễ dàng như ông ta hy vọng, đặc biệt nếu liên quan đến việc Ukraine phải từ bỏ lãnh thổ cho Nga hoặc từ bỏ một phần nền độc lập của mình.
Ông Zelensky đang kêu gọi Mỹ cung cấp thêm kinh phí để giúp lực lượng vũ trang của ông chống lại Nga, đồng thời cảnh báo rằng binh lính Mỹ có thể bị kéo vào một cuộc xung đột lớn hơn với Nga ở châu Âu nếu Washington không tăng cường hỗ trợ.
Thêm viện trợ cho Ukraine
Cuộc phỏng vấn diễn ra sau khi chính quyền Biden công bố một gói “hỗ trợ an ninh” với tổng trị giá 425 triệu USD để củng cố kho vũ khí đã cạn kiệt của Ukraine.
Cụ thể, theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, gói này bao gồm 300 triệu USD đạn dược dẫn đường bằng laser để tiêu diệt máy bay không người lái của Nga. Khoản tài trợ này đến từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, cho phép chính phủ Ukraine mua thiết bị quân sự trực tiếp từ các nhà sản xuất Hoa Kỳ.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Chính quyền tiếp tục kêu gọi Quốc hội thực hiện cam kết với người dân Ukraine bằng cách thông qua nguồn tài trợ bổ sung đảm bảo Ukraine có những thứ cần thiết để tự vệ trước cuộc chiến tàn khốc”.
Ngoài việc chính quyền Biden cung cấp viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, Hạ viện đã thông qua dự luật cung cấp viện trợ 14,3 tỷ USD cho Israel, nhưng không bao gồm bất kỳ khoản tăng viện trợ nào cho Ukraine.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer (Đảng Dân chủ, New York) cho biết ông sẽ không cho phép dự luật của Hạ viện được bỏ phiếu và ông Biden sẽ phủ quyết nó.
Anh Nguyễn
Tỷ lệ đảo ngược nội tạng của thai nhi đã tăng gấp 4 lần ở Trung Quốc
Gần đây, các nhà nghiên cứu từ 2 bệnh viện ở Thượng Hải và Trường Sa công bố một báo cáo cho biết, tỷ lệ đảo ngược nội tạng của thai nhi đã tăng gấp 4 lần, và suy đoán rằng việc nhiễm virus COVID-19 có liên quan đến căn bệnh bẩm sinh này.
Theo Tencent.com, ngày 2/11, các nhà nghiên cứu từ Đại học Giao thông Thượng Hải và Đại học Đồng Tế đã công bố một bài báo truyền thông trên Tạp chí Y học New England, cho biết các trường hợp đảo ngược nội tạng của thai nhi đã gia tăng ở 2 bệnh viện tại Trung Quốc từ tháng 1-7/2023.
Tổng cộng có 52 ca đảo ngược hoàn toàn và 4 ca đảo ngược một phần, gấp khoảng 4 lần mức lịch sử trong cùng thời kỳ.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Hòa bình Quốc tế của Hiệp hội Phúc lợi Trung Quốc ở Thượng Hải, và Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Hồ Nam ở Trường Sa, để đánh giá tỷ lệ đảo ngược nội tạng của thai nhi trong khoảng thời gian từ tháng 1/2014 – 7/2023, và phát hiện ra số ca nhiễm tăng đột biến trong 7 tháng đầu năm nay.
Tỷ lệ đảo ngược nội tạng lên đến đỉnh điểm vào tháng 4 và duy trì ở mức cao vào tháng 6. Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu suy đoán rằng viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) có thể có mối quan hệ nhất định với sự đảo ngược nội tạng của thai nhi, điều này vẫn cần nghiên cứu thêm.
Theo báo cáo của “MedSci”, đảo ngược nội tạng bao gồm đảo ngược toàn bộ (dextrocardia – tim nằm bên phải) và đảo ngược một phần (tim trái). Đây là một bệnh bẩm sinh hiếm gặp. Mô nội tạng xảy ra tình trạng đảo ngược so với sự phát triển của nội tạng bình thường.
Nhiều tháng sau khi chính sách Zero-COVID của Trung Quốc được dỡ bỏ, các bệnh viện đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể các trường hợp thai nhi đảo ngược nội tạng được chẩn đoán qua siêu âm.
Đảo ngược nội tạng bẩm sinh có liên quan đến sự phân bố bất thường của các hình thái ở các cơ quan tổ chức bên trái và bên phải, và rối loạn chức năng túi mật trong quá trình phân bố phủ tạng vào giai đoạn đầu của thai kỳ.
(Nội dung Twitter: “Có mối liên hệ nào giữa nhiễm COVID-19 trong những tuần mang thai và sự đảo ngược nội tạng của thai nhi không?
Hôm trước, NEJM đã công bố một nghiên cứu của Giáo sư Biên Sam thuộc Trường Khoa học và Công nghệ Đời sống của Đại học Đồng Tế và những người khác, phát hiện ra rằng trong 7 tháng đầu tiên sau khi “Zero-COVID” sụp đổ vào năm 2023, tỷ lệ đảo ngược nội tạng thai nhi ở Trung Quốc được chẩn đoán qua siêu âm cao hơn 4 lần tỷ lệ mắc trung bình hàng năm từ năm 2014 – 2022.
Hiện tượng đảo ngược nội tạng thường được gọi là ‘người trong gương’ mà tôi từng tweet.”)
Một bào thai có trái tim đảo ngược được tìm thấy ở Sơn Tây. Tài khoản Weibo của Bệnh viện Nhân dân Trường Trị đã đăng một bài viết vào ngày 16/1/2022.
Bài viết cho biết, gần đây, Khoa Siêu âm của bệnh viện này cùng với Phòng thí nghiệm Giải phẫu của Học viện Y tế Trường Trị, và Phòng thí nghiệm Y tế Hoa Đại Thâm Quyến, đã chẩn đoán một trường hợp dị tật cấu trúc thai nhi phức tạp.
Thai nhi bị đảo ngược một phần phủ tạng, thiếu lá lách, gan giữa và dị tật tim nghiêm trọng, gồm các triệu chứng đảo ngược tâm nhĩ (ngăn trên của tim, là nơi máu đi vào tim), đường ra đôi của tâm thất phải, thông liên thất (một lỗ hở tại vách liên thất), và đứt tĩnh mạch chủ dưới.
Bài viết nêu, nhân viên y tế cho rằng dị tật cấu trúc của thai nhi rất phức tạp, việc điều trị bằng phẫu thuật sau sinh khó khăn, tiên lượng xấu, nên cuối cùng sản phụ đã chọn phương pháp bỏ thai.
Sau đó, dựa trên sự đồng ý và cho phép của cha mẹ thai nhi, một cuộc giải trình gen toàn bộ vùng mã hóa (WES) đã được thực hiện trên thai nhi và cha mẹ em. Kết quả phát hiện ra 3 đột biến locus gen (vị trí vật lý của gen trên phân tử DNA) trên nhiễm sắc thể gồm SPAG1, NPHP3 và FLNB. Trong đó NPHP3 là biến thể gây bệnh, và FLNB là biến thể nghi ngờ gây bệnh.
Thông tin trên Wikipedia cho thấy, nghịch đảo phủ tạng hay còn gọi là đảo ngược nội tạng là một bệnh bẩm sinh hiếm gặp. Triệu chứng là vị trí các cơ quan nội tạng của người bệnh hoàn toàn trái ngược với người bình thường (đối xứng gương). Dị tật bẩm sinh này rất hiếm, xảy ra ở khoảng 1 trên 1 triệu người. Sự đảo ngược phủ tạng thường liên quan đến gen lặn nhiễm sắc thể thường.
Lý Mộc Tử / Vision Times