Suy thoái kinh tế của Trung Quốc đang khiến hiệu suất sản xuất toàn cầu xấu đi. Lợi nhuận ròng của ngành sản xuất toàn cầu từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2023 giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý thứ 4 liên tiếp lợi nhuận sụt giảm.
Theo Nikkeiđưa tin ngày 11/11, dữ liệu QUICK FactSet đã được sử dụng để tính toán hiệu quả hoạt động của hơn 13.000 công ty niêm yết lớn ở Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc (dự báo thị trường được sử dụng tính đến ngày 8/11 trước khi công bố). Đối với những doanh nghiệp còn chưa công bố kết quả tài chính, các chuyên gia đã sử dụng dự báo thị trường. Các doanh nghiệp này chiếm khoảng 90% giá trị vốn hóa thị trường của toàn ngành sản xuất toàn cầu.
Tổng lợi nhuận ròng từ tháng 7 đến tháng 9 là 1098,1 tỷ USD. Trong 16 ngành công nghiệp chủ yếu, 9 ngành có lợi nhuận sụt giảm dẫn đầu là ngành sản xuất như hóa chất (giảm 43%) và điện tử (giảm 12%), v.v. Ngành sản xuất máy móc (giảm 10%) chứng kiến lợi nhuận giảm lần đầu tiên trong 5 quý. Lợi nhuận ngành phi sản xuất tăng 16%.
Những thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc dường như đã dẫn đến sự suy giảm hiệu quả sản xuất. Dữ liệu QUICK FactSet cho thấy lợi nhuận ròng của hơn 240 công ty không phải của Trung Quốc có thị trường Trung Quốc chiếm hơn 30% tổng thu nhập hoạt động (giá trị ước tính) của họ đã bị giảm 30% lợi nhuận ròng. So với thị phần của Trung Quốc từ trên 10% đến dưới 30% (giảm 1%) và dưới 10% (tăng 7%), thì tình hình khó khăn càng rõ ràng hơn.
Tại Trung Quốc, nơi được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, hoạt động sản xuất của thiết bị tự động hóa và điện thoại thông minh không khởi sắc, đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành công nghiệp.
Bất chấp những kỳ vọng về chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc, mức tiêu dùng của Trung Quốc vẫn sụt giảm. Estée Lauder, một công ty mỹ phẩm lớn của Mỹ, đã bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái ở thị trường Trung Quốc, lợi nhuận của công ty này đã giảm hơn 90%. Thị trường Trung Quốc trước đây được coi là ‘con gà đẻ trứng vàng’ của hãng này.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc giảm 43% trong năm 2022. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung Quốc leo thang, Mỹ đã thuyết phục các nước đồng minh giảm hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Ý từng thông báo sẽ tham gia dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, nhưng đến tháng 4/2023 cũng đã thông báo rút khỏi dự án.
Trong khi đó, Chính phủ Hà Lan bắt đầu áp dụng biện pháp hạn chế với việc xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn sang Trung Quốc từ tháng 3/2023.
Trong nửa đầu năm 2023, tỷ lệ của Trung Quốc trong tổng hàng nhập khẩu vào Mỹ ở mức khoảng 13,3%, giảm so với tỷ lệ 21,6% vào năm 2017, đây là ngưỡng thấp nhất tính từ năm 2003.
Trong bối cảnh hoạt động kém hiệu suất trong ngành công nghiệp sản xuất, ngành tài chính đóng vai trò là một trụ cột hỗ trợ. Tăng trưởng lợi nhuận đứng đầu tất cả các ngành. Nếu xem xét lợi nhuận ròng của các ngân hàng lớn tại Mỹ, ngân hàng công nghiệp chính như ngân hàng quốc gia First Bank có mức tăng trưởng 61%, còn ngân hàng Morgan Chase tăng trưởng 35%.
Các công ty công nghệ lớn của Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi. Lợi nhuận của 6 công ty trong đó có Apple và Microsoft tăng 41%. Ngoài việc thúc đẩy cắt giảm chi phí như sa thải nhân viên, quảng cáo trực tuyến, vốn trước đây bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, cũng đã phục hồi. Ngành công nghiệp ô tô, dẫn đầu bởi Toyota, cũng hoạt động mạnh mẽ với lợi nhuận tăng 55%.
Nikkei cảnh báo rằng nếu nền kinh tế Mỹ, vốn đang hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp, sụp đổ, nó có thể ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề.
Trí Đạt