ĐCSTQ công bố sách trắng về quản lý Tây Tạng

Vào giữa tháng 10, phóng viên CCTV Khổng Lâm Lâm (Kong Linlin) đã đến thăm một trường nội trú ở huyện Nagqu, Tây Tạng. Trong ảnh là trẻ em Tây Tạng mặc đồng phục và có sách giáo khoa tiếng Tây Tạng trên bàn. (Ảnh: Weibo)

Hôm thứ Sáu, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành sách trắng về các chính sách quản lý Tây Tạng, nhấn mạnh “quản lý biên giới trước tiên phải ổn định Tây Tạng”, trấn áp nghiêm khắc mọi loại hoạt động ly khai và phá hoại. Sách trắng cũng biện hộ cho vấn đề trẻ em Tây Tạng bị chính quyền ép đưa vào trường nội trú.

Nội dung sách trắng do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện ĐCSTQ công bố ngày 10/11 xoay quanh tôn giáo dân tộc Tây Tạng, tình hình xã hội tổng thể, an ninh sinh thái, xây dựng dân chủ và pháp trị; trong đó cũng nhấn mạnh “để quản lý tốt đất đất nước thì phải quản lý biên giới, và quản lý biên giới, trước tiên chúng ta phải ổn định Tây Tạng”. Cần phải nắm chắc quyền chủ động đấu tranh chống chủ nghĩa ly khai, kiên quyết chống lại và trấn áp nghiêm khắc mọi hình thức hoạt động ly khai, phá hoại.

Ông Tăng Kiến Nguyên, một học giả Đài Loan từ lâu đã nghiên cứu các vấn đề của Tây Tạng, cho rằng việc Sách trắng nhắc lại tầm quan trọng của “quản lý giới” chắc chắn có liên quan đến mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng nó cũng phản ánh mối lo ngại của chính quyền ĐCSTQ đối với Chính phủ Tây Tạng lưu vong.

Ông nói: “Luật (chính sách) hiện hành về quản lý Tây Tạng mang màu sắc thuộc địa, sẽ mâu thuẫn với tình cảm và văn hóa của người dân địa phương. Việc nhấn mạnh vấn đề này phản ánh sự bất an của họ. Nếu không thể thực sự thực hiện quyền tự chủ dân tộc trong khu vực, thì vấn đề sẽ vẫn tồn tại.”

Ông Bawa Kelsang, đại diện Văn phòng Hành chính Trung ương Tây Tạng tại Đài Loan, lo ngại người Tây Tạng sẽ phải đối mặt với sự kiểm soát chặt chẽ hơn của chính quyền ĐCSTQ trong tương lai.

Ông Bawa Kelsang nói: “Họ (ĐCSTQ) sẽ thực hiện hiện các cuộc lục soát nghiêm ngặt hơn, bao gồm cả điện thoại di động của mọi người và liệu có bức chân dung của Đức Đạt Lai Lạt Ma treo trên ngực (của người dân) hay không. Trước đây ĐCSTQ đã tiến hành chỉnh đốn các tu viện và trường học, trong tương lai sẽ có nhiều trí thức phải đối mặt với nguy cơ bị bắt và giam giữ.”

Tại cuộc họp báo ra mắt sách trắng nói trên, ông Từ Chí Đào, Phó Chủ tịch Khu tự trị Tây Tạng, cũng bác bỏ thông tin cho rằng trẻ em Tây Tạng bị ép phải xa gia đình để đến trường nội trú.

Ông Từ cho biết, “Do độ cao và điều kiện tự nhiên khó khăn ở một số vùng của Tây Tạng, dân số cực kỳ phân tán. Đặc biệt đối với trẻ em ở các khu vực nông nghiệp và chăn nuôi, việc đi lại đến trường rất bất tiện và khó đảm bảo, việc mở các lớp học phân tán lại càng khó đảm bảo chất lượng giảng dạy. Đặc biệt cần thiết phải thành lập loại hình trường bán trú, nội trú này để bảo vệ quyền học tập của trẻ em và tiếp cận bình đẳng các nguồn lực giáo dục chất lượng cao.”

Ông Bawa Kelsang cho rằng tuyên bố của ông Từ Chí Đào là không thuyết phục.

Ông nói: “Nếu chính quyền thực sự muốn giáo dục trẻ em Tây Tạng thì tại sao lại đóng cửa các trường tư thục? Mục đích là để ngăn chặn những đứa trẻ này tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ. Về mặt lịch sử, người Tây Tạng sống rải rác khắp cao nguyên Tây Tạng, vậy tại sao chính quyền Trung Quốc lại phải đưa người Tây Tạng vào những trường học giống như nhà tù để được học hành?”

Chuyên gia Liên Hợp Quốc: Trẻ em Tây Tạng bị tách khỏi gia đình để tiếp nhận giáo dục đồng hóa

Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết, trong những năm gần đây, chính quyền ĐCSTQ đã gửi hàng triệu trẻ em từ các khu vực Tây Tạng đến các trường nội trú nhằm thực hiện chính sách đồng hóa thông qua hệ thống giáo dục. Ông Tăng Kiến Nguyên cũng bày tỏ lo ngại về điều này.

Ông nói, “Việc sử dụng tiếng Hán trong một số khóa học quan trọng ở trường học sẽ cản trở việc sử dụng tiếng Tây Tạng trong cuộc sống hàng ngày của thế hệ mới. Môi trường nói tiếng Hán sẽ gây tổn hại rất nghiêm trọng cho dân tộc, văn hóa và truyền thống của thế hệ người Tây Tạng tiếp theo.”

Sách trắng đề cập, chiến lược cai trị Tây Tạng trong thời đại mới của ĐCSTQ là thể hiện tập trung Tư tưởng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới của ông Tập Cận Bình về công tác Tây Tạng; đồng thời nhấn mạnh chỉ bằng cách làm 4 việc lớn: ổn định, phát triển, sinh thái và biên giới vững chắc, thì mới có thể đảm bảo sự ổn định lâu dài và chất lượng cao ở Tây Tạng.

Theo Cao Phong, RFA

Related posts