TRÊN HÀNG KHÔNG MẪU HẠM USS CARL VINSON — Nhật Bản đã dẫn đầu một cuộc tập trận hải quân đa quốc gia thường niên, lần đầu tiên có sự tham gia của Philippines với tư cách là một quan sát viên, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường quấy rối tuần duyên hạm của Philippines trong khu vực Biển Đông tranh chấp.
Cuộc tập trận thường niên bắt đầu hôm thứ Bảy ngoài khơi bờ biển Nhật Bản này còn có sự tham gia của Hoa Kỳ, Úc, và Canada. Mục đích là thể hiện sức mạnh và trau dồi các phương thức mà lực lượng hải quân các nước có thể hợp tác cùng nhau, đồng thời thể hiện sự hiện diện và cam kết của họ trong việc bảo vệ cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và cởi mở” — một khu vực mà các đồng minh cho rằng đang bị cản trở bởi những tham vọng ngày càng bành trướng của Trung Quốc, với các yêu sách lãnh thổ sâu rộng của nước này.
Hôm thứ Bảy (11/11), một nhóm ký giả chọn lọc, trong đó có hãng thông tấn AP, đã được bay trên một chiếc phi cơ V-22 Osprey tới hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson để quan sát quá trình cất cánh và hạ cánh của chiến đấu cơ tàng hình F-35C “Lightning”, cũng như tiêm kích cơ Super Hornet F/A-18 và phản lực cơ E/A-18 Growler. Bên cạnh hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ này là khu trục hạm Hyuga của Nhật Bản.
Cuộc tập trận diễn ra sau cuộc đối đầu mới nhất giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông hôm thứ Sáu (10/11), diễn biến mới nhất bổ sung cho một loạt các tranh chấp lãnh thổ có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột vũ trang nghiêm trọng hơn.
Philippines cáo buộc một tàu hải cảnh và các tàu hộ tống của Trung Quốc đã di chuyển một cách nguy hiểm và dùng vòi rồng bắn vào một tàu tiếp viện của Philippines, trong khi chính quyền cộng sản Trung Quốc biện minh rằng các hành động của họ là phù hợp.
Tổng tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản Akira Saito cho biết: “Philippines là một quốc gia vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản, và chúng tôi hy vọng sẽ được hợp tác với hải quân Philippines nếu có bất kỳ cơ hội nào trong tương lai.” Ông nói thêm rằng cuộc tập trận không nhắm đến bất kỳ quốc gia cụ thể nào và sự tham gia của Philippines đã được ấn định từ trước khi nước này có cuộc chạm trán mới nhất với Trung Quốc.
Ông Saito cho biết khoảng 30 tàu hải quân và 40 chiến đấu cơ của bốn nước, cũng như lực lượng hải quân Philippines, đang tham gia cuộc tập trận chung nhằm giải quyết các mối đe dọa mới như chiến tranh trong cách lĩnh vực mạng, không gian, và thông tin.
Hồi đầu tháng Mười Một, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã đồng ý bắt đầu đàm phán về một hiệp ước an ninh quan trọng cho phép quân đội hai nước tiến vào lãnh thổ của nhau để tập trận chung. Nhật Bản cũng cam kết cung cấp radar giám sát cho hải quân Philippines theo một khoản tài trợ quân sự mới.
Mari Yamaguchi
Hồng Ân biên dịch