Tin VN sáng thứ Tư: Hàng loạt cầu tràn ngập sâu, sạt lở liên tiếp xảy ra tại Quảng Ngãi

Hà Tĩnh: Phó Chủ tịch xã nhận 8 triệu đồng để làm giấy khai sinh

Trụ sở UBND xã Xuân Liên nơi ông Phan Danh Thắng làm việc. (Ảnh: vtc.vn)

Phó Chủ tịch xã Xuân Liên yêu cầu công dân làm xét nghiệm ADN và nhận 8 triệu đồng khi đến làm giấy khai sinh cho con.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), xác nhận ông Phan Danh Thắng, Phó Chủ tịch xã này, có nhận tiền của một người dân để làm giấy khai sinh cho con họ.

Theo ông Hùng, việc ông Thắng nhận tiền của người dân xảy ra cách đây vài tháng, song cách đây 3 ngày, người dân mới tố cáo sự việc.

“Ông Thắng đã trả tiền lại cho hộ dân. Hiện chúng tôi đang họp để có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp”, ông Hùng nói.

Trước đó, tháng 8/2023, chị Đ.N.Q.T. (SN 2005, thôn Tân Trù, xã Xuân Liên) đến UBND xã và gặp ông Thắng để nhờ hướng dẫn làm giấy khai sinh cho con trai.

Tại đây, ông Thắng cho biết muốn làm giấy khai sinh cho con thì phải có giấy xét nghiệm ADN chứng minh huyết thống giữa con và chồng của chị với chi phí 8 triệu đồng.

Khi chị T. chưa đồng ý, vào ngày 12/8, ông Thắng dẫn một người lạ mặt đến nhà của chị T. để lấy máu của con và chồng đưa về làm xét nghiệm ADN.

Bố chồng của chị T. sau đó đưa cho ông Thắng 8 triệu đồng như đã được thông báo trước đó. Số tiền này, ông Thắng đưa cho người đến lấy mẫu xét nghiệm 4,5 triệu đồng và giữ lại 3,5 triệu đồng cho mình.

Đến ngày 16/8, đơn vị phân tích mẫu máu trả kết quả xét nghiệm ADN xác định chồng và con chị T. có quan hệ huyết thống. Ngày 6/11, UBND xã Xuân Liên đã làm đăng ký khai sinh cho con chị T.

Gia đình chị T. bức xúc vì cho rằng ông Thắng đã lừa gia đình làm xét nghiệm ADN để thu tiền.

Về phía ông Thắng, ông này cho biết trên báo Tuổi Trẻ rằng trong quá trình chị T. làm giấy khai sinh cho con, ông có nhận được sự nhờ vả từ mẹ chồng chị T. (đang làm việc ở nước ngoài qua tin nhắn Facebook).

Sau đó, ông Thắng hỏi một cán bộ xã Xuân Liên về thủ tục làm giấy khai sinh khi chưa có đăng ký kết hôn.

Cán bộ này nói làm thủ tục cha nhận con nên phải xét nghiệm ADN, nên ông Thắng đã liên hệ với một người lấy mẫu máu xét nghiệm tại TP. Hà Tĩnh và đưa người này đến nhà chị T. lấy máu gửi đi phân tích.

“Chi phí để phân tích ADN là 4 triệu đồng, tôi cũng thông báo số tiền này với mẹ chồng chị T., nhưng hôm đến lấy mẫu máu thì bố chồng chị T. đưa cho tôi 8 triệu đồng.

Sự việc này do tôi sơ suất, chưa hiểu hết các quy định. Được tư vấn như vậy nên tôi thông báo lại để người dân làm theo. Sai sót của tôi đã ảnh hưởng đến kinh tế của hộ gia đình. Tôi đã xin lỗi gia đình chị T. và trả lại tiền cho gia đình chị”, ông Thắng nói.

Minh Long

Hàng loạt cầu tràn ngập sâu, sạt lở liên tiếp xảy ra tại Quảng Ngãi

Cầu Sông Rin cũ chìm sâu trong nước lũ, dòng nước cuồn cuộn chảy siết. (Ảnh: dẫn qua Thành Phố Quảng Ngãi/Facebook)

Mưa lớn kéo dài liên tục từ đêm 13/11, có nơi mưa lớn đến 473mm, khiến lũ trên các sông tại Quảng Ngãi lên nhanh, hàng loạt cầu tràn ngập sâu. Cùng lúc, người dân tại các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Tây… chứng kiến nhiều vụ sạt lở đang liên tiếp xảy ra.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng không khí lạnh, từ ngày 13/11 đến 17/11, tỉnh Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với tổng lượng mưa phổ biến 250-450mm/đợt, có nơi trên 600mm/đợt; các sông trong tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ ở mức báo động 2 đến báo động 3, có sông trên báo động 3; vùng biển gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 – 8, biển động.

Từ đêm 12 đến chiều 13/11, lượng mưa phổ biến tại tỉnh này từ 30-70mm ở vùng đồng bằng và Lý Sơn; từ 100-170mm ở khu vực vùng núi, riêng Giá Vực (huyện Ba Tơ) 243.8 mm, theo tin từ báo Quảng Ngãi.

Mưa lớn tiếp tục kéo dài. Đến sáng 14/11, nước từ thượng nguồn đổ về khiến các cầu tràn Thạch Nham, cầu Sơn Giang – Sơn Linh, cầu Tầm Linh, xã Sơn Linh, cầu Sơn Kỳ sâu gần 1m.

Tại huyện miền núi Sơn Hà, cầu Sông Rin cũ nằm trên quốc lộ 24B, nối một số huyện ở khu vực phía đông – tây của tỉnh, bị ngập sâu; chính quyền xã đặt barie cấm đi qua, hướng dẫn người dân đi theo hướng khác. Cũng trong sáng 14/11, hơn 20.000 học sinh các bậc học trong huyện này phải nghỉ học do điều kiện thời tiết nguy hiểm.

Tại huyện miền núi Ba Tơ, rạng sáng 14/11, ngọn đồi sau nhà bà Đỗ Thị Yến Nhi (thôn Làng Mạ, xã Ba Tô) bị sạt lở, đất đá đổ vào làm sập một mảng tường nhà. May mắn, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người. Trước nguy cơ sạt lở đất tiếp tục xảy ra, một số hộ dân ở thôn Làng Mạ được yêu cầu sơ tán đến nơi an toàn.

Tuyến đường liên xã ở huyện Sơn Tây vỡ như bánh tráng do đất sạt lở. (Ảnh do ông Phạm Hoài Đào, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Sơn Tây cung cấp/Truyền hình Quảng Ngãi)

Huyện Sơn Tây có hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ trên các tuyến giao thông. Tuyến đường Sơn Mùa đi xã Sơn Liên bị ách tắc hoàn toàn do lượng lớn đất đá từ taluy dương đổ xuống đường. Tương tự, sạt lở cũng ngăn cách cục bộ trên tuyến đường từ Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây đi thôn Gò Lã, tuyến đường từ Xóm Trường đi vào Trường Tiểu học xã Sơn Dung.

Theo thông tin cảnh báo do Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi phát trong sáng 14/11, các vùng đã xảy ra sạt lở tại các huyện miền núi Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà tiếp tục có khả năng cao bị sạt lở, cần chú ý đặc biệt chú ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân. Vùng ven sông Trà Bồng, Vệ, Trà Câu, Phước Giang nước sẽ lên nhanh, đăc biệt chú ý khu dân cư vùng trũng, thấp ở các huyện đồng bằng thường xuyên bị ngập sâu như: Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, thị xã Đức Phổ.

Minh Sơn

Lũ tràn về TP Huế

Thừa Thiên – HuếTối 14/11, mưa lớn cộng với nước lũ từ thượng nguồn tràn qua Đập Đá ở trung tâm TP Huế khiến hàng loạt tuyến phố, khu dân cư bị ngập.

Hơn 22h, mưa xối xả, nước lũ lên nhanh, tràn qua Đập Đá. Cảnh sát đã rào chắn, túc trực hai đầu không cho người và phương tiện qua lại.

Hàng loạt tuyến đường trung tâm TP Huế như Bà Triệu, Trường Chinh, Tố Hữu, Nguyễn Công Trứ, Phan Chu Trinh… ngập 0,3-0,5 m. Nhiều chủ ôtô trên đường Tố Hữu và khu chung cư Xuân Phú phải gọi xe cứu hộ đến giải cứu.

Nước lũ tràn qua Đập Đá đêm 14/11. Ảnh: Võ Thạnh
Nước lũ tràn qua Đập Đá đêm 14/11. Ảnh: Võ Thạnh

Nước lũ tràn vào nhà dân dọc các sông Hương, An Cựu, Như Ý, gây ngập 0,5-0,7 m. Hơn 1.000 hộ dân ở Cồn Hền, phường Vỹ Dạ nằm giữa sông Hương cũng ngập 0,5 m. Phố cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, đang bị nước tràn vào.Advertisement

Chị Trần Thị My Ni, 33 tuổi, ở đường Hoàng Quốc Việt, phường An Đông, cho biết đã nhận thông báo hồ Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương xả nước về hạ du do mưa lớn, song không nghĩ lũ lên nhanh thế, vợ chồng trở tay không kịp.

“Buổi chiều, thấy trời không mưa, nước lũ ở sông cũng lên chậm nên chủ quan không dọn hàng tránh ngập. Mới vài tiếng mà nước đã ngập đường, tràn vào cửa hàng”, chị My Ni nói.

Ôtô bị ngập úng do nước lũ tràn vào ở khu vực Kiểm Huệ. Ảnh: Vạn An
Ôtô bị ngập do nước lũ tràn vào ở khu vực Kiểm Huệ. Ảnh: Vạn An

Đài Khí tượng Thủy văn Thừa Thiên Huế cho biết do ảnh hưởng của không khí lạnh và gió đông trên cao, trong 24 giờ qua, Thừa Thiên Huế mưa rất to. Lượng mưa tại Hương Sơn tới 910 mm, Thượng Quảng 870 mm, Thượng Lộ 815 mm, Thượng Nhật 790 mm, Bạch Mã 790 mm.

Dự báo, trời tiếp tục mưa to, lũ các sông lên nhanh, sông Hương đạt 4 m, vượt báo động 3 là 0,5 m (xấp xỉ đỉnh lũ năm 2022); sông Bồ lên 3,65 m, trên báo động 2 là 0,65 m; sông Truồi lên 3 m.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học ngày mai để tránh lũ.

Ngoài Thừa Thiên Huế, trước đó Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng mưa lớn, gây ngập cục bộ, sạt lở một số tuyến đường.

Võ Thạnh

Related posts