Lễ hội mua sắm kết thúc vắng vẻ, người Trung Quốc bi quan về tương lai
Trung Quốc đang rơi vào tình trạng giảm phát. Lễ hội mua sắm 11/11 được coi là chỉ số quan trọng về niềm tin của người tiêu dùng, đã kết thúc trong sự vắng vẻ. Các chuyên gia cho rằng kỳ vọng của người dân Trung Quốc về tương lai rất bi quan.
Trong lễ hội mua sắm 11/11 năm nay, các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc đã tung ra rất nhiều chương trình khuyến mãi bắt đầu vào cuối tháng 10. “Giá thấp nhất trên toàn mạng” và “Rẻ thật” đã trở thành chủ đề khuyến mãi của Tmall và JD.com. Nhưng lễ hội mua sắm vẫn kết thúc trong sự vắng vẻ.
Năm 2019, các chủ đề liên quan đến “11/11” nằm trong danh sách tìm kiếm nóng của weibo trung bình gần 8 giờ, nhưng năm nay thời gian trung bình chỉ dưới 3 giờ.
Một báo cáo từ Bain & Company, công ty nhà tư vấn chiến lược của Mỹ, chỉ ra rằng người tiêu dùng Trung Quốc mua nhiều mặt hàng như khăn giấy, mì ăn liền và thức ăn cho vật nuôi trong lễ hội mua sắm 11/11. Trong khi đó, họ mua ít mặt hàng không thiết yếu hơn, như đồ gia dụng.
Ông Vương Hách, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với Epoch Times rằng: “Hiện tại mọi người đều không có tiền trong túi. Không những không có tiền trong túi, mà họ còn dự tính rằng tương lai họ cũng sẽ không có tiền”.
Ông nói: “Dự tính của người dân Trung Quốc về tương lai rất bi quan.”
Ông Ngô Gia Long, chuyên gia kinh tế tổng hợp ở Đài Loan, cũng cho biết: “Việc mua sắm trong lễ hội 11/11 không tốt như mong đợi, điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang thiếu nhu cầu nội địa”.
Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát kiểu thất nghiệp
Nhu cầu trong nước không đủ, cộng với khủng hoảng bất động sản và niềm tin người tiêu dùng suy yếu, khiến giá cả vẫn đứng trên bờ vực tăng trưởng âm trong nửa cuối năm.
Dữ liệu mới nhất cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 10 giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, rơi vào tình trạng giảm phát một lần nữa. Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng giảm tháng thứ 13 liên tiếp.
Ông Ngô Gia Long nói với Epoch Times rằng tình hình thực tế còn nghiêm trọng hơn dữ liệu được chính phủ công bố, giới chức cũng không thể che giấu được điều này.
“Về cơ bản, tình trạng (giảm phát) mà nền kinh tế Trung Quốc rơi vào được gọi là giảm phát thất nghiệp. Vì tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã làm giảm thu nhập và sức mua của (người dân), đồng thời cũng làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.”
“Công ty sa thải nhân viên, bạn mất việc. Sau khi mất việc, bạn giảm tiêu dùng, công ty giảm doanh thu, rồi công ty lại phải tiếp tục sa thải nhân viên, nếu không sẽ phá sản.” Ông cho rằng nền kinh tế của Trung Quốc hiện đã rơi vào một vòng xoáy lẩn quẩn.
Theo dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố, trong tháng 6 tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16-24 tuổi lên tới 21,3%, một mức cao kỷ lục mới.
Ông cho biết giá cả sẽ giảm do kinh tế khó khăn, nên người tiêu dùng có lẽ sẽ đợi đến khi giá giảm rồi mới mua. “Kết quả là, nhu cầu chung thực sự sụt giảm, vì vậy các công ty phải giảm giá và giải phóng hàng tồn kho. Kỳ vọng giá giảm đã trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm”.
Ông cho rằng tâm lý bi quan sẽ dẫn đến hành vi kinh tế bi quan, điều này cuối cùng lại thể hiện ở những dữ liệu kinh tế bi quan.
Nếu tỷ lệ thất nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục xấu đi, thì việc đảo ngược xu hướng kinh tế sẽ rất khó khăn. Cộng thêm cuộc khủng hoảng bất động sản đã kéo dài, tình hình kinh tế ảm đạm của Trung Quốc sẽ càng khó đảo ngược hơn.
Ông nói: “Nhìn chung, động lực tăng trưởng kinh tế đã bị xóa bỏ và biến mất”.
Ngày 9/11, tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Phố Tài chính Bắc Kinh, ông Lưu Thế Cẩm (Shijin Liu), Cựu Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, đã công khai thừa nhận rằng 3 động cơ tăng trưởng truyền thống là cơ sở hạ tầng, bất động sản và thương mại xuất khẩu hiện đều đã chậm lại.
Ông nói “các phương pháp cũ không còn hiệu quả”, làm thế nào để khai thác tiềm năng tăng trưởng mới là chìa khóa để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.
Một trong những “tiềm năng” được ông Lưu Thế Cẩm đề cập là thu hẹp khoảng cách về cơ cấu nhu cầu đầu cuối giữa nhóm thu nhập thấp và trung bình với nhóm thu nhập trung bình và cao. Nhờ đó mức tiêu dùng của nhóm thu nhập thấp và trung bình sẽ dần tiếp cận nhóm thu nhập trung bình và cao.
Để khuyến khích người tiêu dùng mở ví và tiêu tiền nhằm thúc đẩy nền kinh tế, gần đây nhiều ngân hàng ở Trung Quốc Đại Lục đã hạ lãi suất tiền gửi có kỳ hạn, từ 10 điểm cơ bản xuống 40 điểm cơ bản.
Ông Vương Hách cho rằng có điều gì đó không ổn trong cơ cấu quyền lực của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. ĐCSTQ muốn buộc người dân phải tiêu tiền thông qua các chính sách tài chính và tiền tệ, như hạ lãi suất tiền gửi.
Ông nói: “Nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong 3 năm qua. Thu nhập của người dân gần như cạn kiệt. Những người thực sự giàu không tiêu tiền mà gửi vào ngân hàng. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng được mở rộng hơn.”
Ông cho biết: “Trong trường hợp này, đại đa số người dân muốn tiêu dùng nhưng không có tiền. Một nhóm nhỏ những người có tiền lại có mức tiêu dùng hạn chế”.
“Nhiều người không tiêu dùng, không sinh con, mà chỉ nằm ườn. Điều này có nghĩa là toàn bộ xã hội Trung Quốc đã bước vào trạng thái mà người dân sống không hạnh phúc.”
Tại Trung Quốc Đại Lục, giới lãnh đạo chính trị của ĐCSTQ đã hy sinh sự phát triển kinh tế, khiến áp lực sinh tồn của giới trẻ ngày càng tăng. Họ chỉ có thể bày tỏ sự bất mãn của mình bằng cách “nằm ườn”, “phó mặc” và “4 không” (không hẹn hò, không kết hôn, không mua nhà và không sinh con).
“Vậy nếu sống mà không có hạnh phúc, họ sẽ làm gì tiếp theo? Chính là vùng dậy, ngọn lửa ngầm sẽ bùng phát. Toàn bộ xã hội bị chia rẽ rõ rệt, toàn bộ xã hội đang sôi sục. Hiện tại, dù giới lãnh đạo cấp cao nhất, hay những người dân bình thường, họ đều rất bất mãn với hiện trạng này.”
Ông Vương Hách nhận định: “Những thay đổi trong toàn xã hội có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Chúng ta hiện đang ở trong một thời kỳ rất đặc biệt.”
Bình Minh
Phần Lan cân nhắc đóng toàn bộ biên giới với Nga
Phần Lan cân nhắc đóng một số hoặc toàn bộ cửa khẩu với Nga, nhằm ngăn dòng người di cư không giấy tờ từ Trung Đông vào nước này, theo hãng tin TASS.
“Chúng tôi có thể hạn chế giao thông ở khu vực biên giới, đóng một vài hoặc thậm chí là toàn bộ cửa khẩu với Nga. Chúng tôi cũng cân nhắc đặt trung tâm tiếp nhận người xin tị nạn ở biên giới”, Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cho biết hôm 14/11.
Phần Lan có chung đường biên giới dài tổng cộng 1.300 km với Nga, nhưng có rất ít hoạt động của con người. Phần biên giới hai nước trước đây chỉ được ngăn cách bằng một hàng rào thấp, chủ yếu nhằm ngăn gia súc và vật nuôi đi lạc.
Tuyên bố của Thủ tướng Orpo được đưa ra khi bình luận về việc gia tăng số người di cư bất hợp pháp vào Phần Lan từ cửa khẩu biên giới phía đông đất nước, nơi giáp Nga. Ông nhấn mạnh thông điệp của chính phủ Phần Lan rất rõ ràng, đó là nước này muốn đảm bảo an ninh biên giới của mình.
Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Mari Rantanen trước đó cho biết nước này đã chuẩn bị hạn chế giao thông ở biên giới với Nga.
Phần Lan đã ghi nhận khoảng 60 người tị nạn không giấy tờ vượt qua biên giới phía đông trong tuần này. Tuần trước, con số này là 71 người. Theo cơ quan biên phòng Phần Lan, những người này không phải công dân Nga, mà hầu hết đến từ Trung Đông, quá cảnh ở Nga trước khi vào Phần Lan.
Phần Lan từ tháng 4 bắt đầu dựng hàng rào an ninh bằng lưới thép, có trang bị hệ thống giám sát, ở biên giới với Nga. Dự kiến tới cuối năm 2026, khoảng 200 km hàng rào sẽ được xây dựng tại những đoạn quan trọng nhất dọc biên giới hai nước.
Phan Anh
Nhà Trắng: Khả năng viện trợ cho Ukraine giảm dần theo từng tuần
Khả năng của Nhà Trắng trong việc cung cấp cho Ukraine mọi thứ quốc gia này cần đang bị thu hẹp mỗi tuần nếu Quốc hội Mỹ không thông qua gói viện trợ lớn mới cho Ukraine.
Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp giao ban ở Washington như sau: “Điều đó đã ảnh hưởng đến khả năng của chúng tôi trong việc cung cấp cho Ukraine mọi thứ mà họ cần, và tác động này sẽ chỉ tăng lên theo thời gian”.
Ông Sullivan cho rằng Quốc hội Mỹ nên thông qua càng sớm càng tốt đề nghị của Tổng thống Biden, trong đó bao gồm viện trợ cho Ukraine và Israel, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Mỹ.
Ông Sullivan nhắc lại rằng Nhà Trắng đã gửi yêu cầu phân bổ kinh phí cho Israel, Ukraine, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như củng cố an ninh biên giới. Ông cho hay: “Chúng tôi đã trình bày chi tiết chính xác những gì chúng tôi cần, bao gồm cả Ukraine, và chúng tôi vẫn cần điều đó, và chúng tôi cần sớm nhất có thể”.
Ông Sullivan thông báo Chính phủ Mỹ đang tích cực làm việc với cả Hạ viện và Thượng viện, cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ, để đảm bảo số phiếu bầu cho nguồn tài trợ đó.
Ông Sullivan cũng cảnh báo Quốc hội Mỹ không nên để tình trạng chính phủ đóng cửa đe dọa nước này tương tự như trường hợp sau ngày 17/10, rằng diễn biến như vậy có thể là một “đòn tàn khốc”, đặc biệt là đối với quân đội Mỹ, lực lượng bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của nước này.
Bên cạnh đó, theo ông Sullivan, việc đóng cửa chính phủ có thể sẽ gửi tín hiệu tới cộng đồng quốc tế rằng “Mỹ không thể đoàn kết trên cơ sở lưỡng đảng”. Điều này đặc biệt quan trọng vào thời điểm thế giới đang trải qua nhiều biến động, bao gồm cả cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc chiến giữa Israel – Hamas.
Hiện Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách thuyết phục Quốc hội Mỹ ủng hộ viện trợ cho cả Ukraine và Israel, đồng thời phê duyệt gói tài trợ mới trị giá 106 tỷ USD, trong đó bao gồm hơn 61 tỷ USD cho Ukraine.
Phan Anh
Nepal cấm TikTok của Trung Quốc, cáo buộc gây tổn hại đến xã hội
Ngày 13/11, Nepal cho biết, họ sẽ cấm TikTok của Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng sự hài hòa và thiện chí xã hội đang bị xáo trộn do “lạm dụng” ứng dụng video từ nền tảng này.
Theo truyền thông địa phương, hơn 1.600 vụ tội phạm mạng liên quan đến TikTok đã được ghi nhận trong 4 năm qua ở Nepal.
Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Nepal Rekha Sharma cho biết, quyết định cấm TikTok đã được đưa ra tại cuộc họp nội các vào tuần trước.
Ông Sharma nói với Reuters: “Các đồng nghiệp đang nỗ lực hoàn thiện quyết định”.
Chủ tịch Cơ quan Viễn thông Nepal Purushottam Khanal cho biết các nhà cung cấp dịch vụ internet đã được yêu cầu đóng ứng dụng này.
TikTok đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về vấn đề này. Trước đây họ đã nói rằng những lệnh cấm như vậy là “sai lầm” và chúng dựa trên “những quan niệm sai lầm”.
Các nhà lãnh đạo phe đối lập ở Nepal chỉ trích động thái này, cho rằng nó thiếu “hiệu quả, sự chín chắn và trách nhiệm”.
TikTok đã bị các quốc gia khác cấm một phần hoặc hoàn toàn vì lo ngại về bảo mật.
Hàng chục tiểu bang của Mỹ đã cấm Tiktok. Nước láng giềng của Nepal là Ấn Độ đã cấm TikTok cùng với hàng chục ứng dụng khác của các nhà phát triển Trung Quốc vào tháng 6 năm 2020, vì cho rằng chúng có thể gây tổn hại đến an ninh và tính toàn vẹn của quốc gia.
Một quốc gia Nam Á khác, Pakistan, đã cấm ứng dụng này ít nhất bốn lần vì những gì chính phủ nước này gọi là nội dung “vô đạo đức”.
Tạ Linh
Hàng trăm ngàn người biểu tình ủng hộ Israel tại Washington
Đáp trả hàng loạt biểu tình lên án hoạt động quân sự của Israel thời gian qua, các nhóm Do Thái tổ chức “Diễu hành vì Israel” lên đến hàng trăm ngàn người ở National Mall, Washington DC.
Biểu tình khổng lồ mang tên “Diễu hành vì Israel” được tổ chức hôm Thứ Ba 14/11 (giờ Mỹ) tại thủ đô Washington:
Theo Reuters, các nhà tổ chức cho hay cuộc biểu tình có đến 200.000 người tham gia, ủng hộ Israel, đòi Hamas thả con tin, và phản đối chủ nghĩa bài Do Thái.
Theo New York Times, cuộc biểu tình khổng lồ thu hút hàng chục vạn người từ các nơi khắp nước Mỹ đổ về National Mall ở thủ đô Washington, thể hiện tình đoàn kết của người Mỹ với Israel kể từ khi chiến tranh Israel nổ ra sau khi nước này bị quân Hamas bất ngờ tấn công vào 7/10.
Cuộc biểu tình mang tên “Diễu hành vì Israel” (March for Israel) được các nhà tổ chức nhằm đáp trả các hoạt động chỉ trích Israel tăng cao thời gian qua, khi những người ủng hộ Palestine tổ chức biểu tình khắp nơi trên thế giới, gồm cả các nước phương Tây mà chính phủ ở đó ủng hộ chính quyền Netanyahu ở các mức độ khác nhau.
Sát cánh cùng Israel, phản đối chủ nghĩa bài Do Thái (anti-semitism), là khẩu hiệu của cuộc biểu tình hàng vạn người này; đối lập với khẩu hiệu đòi ngừng bắn, đòi nhân đạo và công bằng của các biểu tình của những người ủng hộ Palestine.
Những xe chở đầy các quan chức cao cấp của Mỹ cũng đến, trong đó có cả các nhà lập pháp kỳ cựu của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đều được mời tới phát biểu, thể hiện thông điệp gắn bó vững như núi của Mỹ đối với Israel.
“Chúng tôi đau buồn cùng bạn, chúng tôi sát cánh cùng bạn và chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi bạn nhận được tất cả sự hỗ trợ mà bạn cần,” Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer của Đảng Dân chủ nói, đề cập đến những đau khổ mà người Israel phải gánh chịu vào ngày 7 tháng trước, khi 1.200 người Israel đã mất mạng do quân Hamas tấn công.
“Những lời kêu gọi ngừng bắn thật quá đáng,” Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson của Đảng Cộng hòa tiếp lời, nhưng không đề cập tới trên 11.300 người Palestine đã mất mạng vì bom đạn của Israel, và con số còn đang tăng vọt theo từng ngày. “Israel sẽ không ngừng phản công đến chừng nào Hamas vẫn còn là mối đe dọa cho quốc gia Do Thái.”
“Không ngừng bắn! Không ngừng bắn!”, lời của ông Johnson được đám đông hô to phụ họa.
Cuộc diễu hành kiêm biểu tình này được thu xếp chỉ trong vài ngày bởi Liên đoàn Do Thái Bắc Mỹ và Hội các Chủ tịch các Cộng đồng Do Thái Lớn ở Mỹ. Các trường học, giáo đường, và các trung tâm cộng đồng đã đưa xe buýt đi các nơi chở người tham dự biểu tình.
Vào thời điểm bắt đầu, khu thương mại National Mall đã chật cứng những người được đưa đến từ Los Angeles, Houston, Miami, Boston, Philadelphia, và các nơi khác của Mỹ. Họ cầm trong tay các lá cờ Israel, và các biểu ngữ thể hiện ủng hộ quốc gia Do Thái Israel.
“Đây rõ ràng là một thông điệp đoàn kết,” bà Tamara Wilkof (71 tuổi) nói, người đi cùng nhóm gồm hàng trăm xe buýt đến từ Cleveland. Bà tin rằng mọi người tới đây cùng nhau là vì chứng kiến chủ nghĩa bài Do Thái đột nhiên gia tăng trong thời gian qua. Một người đi cùng nhóm đã nói một nghĩa trang Do Thái ở ngoại ô Cleveland đã bị công kích vào cuối tuần trước bởi những hình vẽ bậy chống Do Thái.
Những người Do Thái mà người nhà là nạn nhân của quân Hamas hôm nay, hay là nạn nhân của phát xít năm xưa, đã lên tiếng nói lên mối liên hệ với những đợt mà người Do Thái bị đàn áp trong lịch sử, kể từ thời bị người Ai Cập bắt làm nô lệ.
Có người Do Thái từng bị giam trong trại cải tạo của Liên Xô, hoặc từng trốn khỏi Iran đã nói rằng họ nhìn thấy dấu hiệu đáng lo ngại của chủ nghĩa bài Do Thái đang lan rộng ở Hoa Kỳ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Natan Sharansky, một cựu nhà bất đồng chính kiến ở Liên Xô và là chủ tịch điều hành Cơ quan Do Thái cho Israel từ năm 2009-2018, đã kêu gọi đám đông đấu tranh cho Israel.
“Chúng tôi sẽ chiến đấu chống lại những người cố gắng mang lại tính hợp pháp cho Hamas. Chúng tôi sẽ chiến đấu vì Israel. Chúng tôi sẽ chiến đấu vì mọi người Do Thái. Chúng tôi sẽ chiến đấu chống lại chủ nghĩa bài Do Thái,” ông Sharansky nói. “Chúng ta đã đánh bại Liên Xô. Hôm nay chúng ta sẽ đánh bại kẻ thù của mình.”
“Như các thành viên cùng một gia đình, chúng ta đến với nhau hôm nay,” Tổng thống Israel Isaac Herzog đã phát biểu qua cầu truyền hình video nối từ nơi ở của ông ở phía Tây Jerusalem, “như một mishpachah lớn, một tuần hành lớn vì Israel.”
Theo New York Times, bất chấp các tiếng nói kêu gọi ngừng bắn vì nhân đạo, các tiếng nói lên án tội ác chiến tranh cũng như tội ác diệt chủng của quân đội Israel, những kêu gọi được đưa ra bởi các cộng đồng khác nhau ở quốc tế cũng như ở chính nước Mỹ, thì giới chức Mỹ tính đến nay phần đông vẫn kiên trì lập trường đứng về phía Israel.
New York Times cho hay, đã có một loạt các điện tín nội bộ mà trong đó hàng chục nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ ký vào bản ghi nhớ gửi cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Trong bản ghi nhớ đã thể hiện sự bất đồng sâu sắc với cách tiếp cận của chính quyền Joe Biden trong vấn đề Israel.
Ritchie Torres, một nghị sĩ Đảng Dân chủ đến từ Bronx và là một trong những tiếng nói ủng hộ Israel nhất tại Hạ viện, đã cảnh báo trong bài phát biểu đầu chương trình hôm Thứ Ba rằng “câu chuyện đã chuyển hướng chống lại Israel.” Ông nhấn mạnh rằng lệnh ngừng bắn với Hamas nên bị loại khỏi bàn đàm phán, nói rằng nó giống như việc Mỹ tiến hành ngừng bắn với Nhật Bản sau trận Trân Châu Cảng.
Biểu tình và biểu tình
Reuters bình luận rằng thời gian qua các cuộc biểu tình khổng lồ và công khai liên quan đến chiến tranh Israel đã nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Phần đông là các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine, nhưng cũng có các cuộc biểu tình ủng hộ Israel.
Theo Reuters, nếu tính riêng ở Washington, thì cuộc biểu tình lớn nhất được ghi nhận trước lần này là cuộc biểu tình hàng ngàn người vào hôm 4/11, ủng hộ Palestine và kêu gọi ngừng bắn.
“Không quan tâm tới hòa bình”
Ariel Ben-Chitrit, 33 tuổi, một nhân viên chính phủ liên bang đến từ Herndon, Virginia, người cầm trong tay lá cờ Israel màu xanh và trắng trong cuộc biểu tình hôm Thứ Ba, đã nói: “Lệnh ngừng bắn là sự tạm dừng cho phép Hamas tái vũ trang.”
Ben-Chitrit bày tỏ sự tiếc nuối vì dân thường Palestine phải chịu đựng đau khổ và các bệnh viện ở Gaza phải chịu điều kiện khắc nghiệt, nhưng anh tin rằng cách duy nhất để chấm dứt xung đột là loại bỏ Hamas.
“Hamas đã chứng minh rằng họ không quan tâm đến hòa bình,” anh nói.
Chính quyền Biden đã từ chối lời kêu gọi ngừng bắn nhưng kêu gọi Israel cho phép tạm dừng giao tranh để dân thường di chuyển đến các địa điểm an toàn hơn và viện trợ nhân đạo vào Gaza. Quyết định tạm dừng 4 giờ đồng hồ mỗi ngày vì nhân đạo rồi sau lại bắn tiếp này đã bị không ít tiếng nói trái chiều đã gọi đó là đạo đức giả.
Erica Taxin, 56 tuổi, chủ phòng tập yoga ở Philadelphia, nói rằng bà không tán thành lệnh ngừng bắn.
Bà nói, các chiến binh “không chỉ bắt giữ con tin mà còn giết chết trẻ em và những người xây dựng hòa bình,” đề cập đến những nhà hoạt động Israel ủng hộ hòa bình với người Palestine bị sát hại. “Điều đó có liên quan gì đến công bằng xã hội?”
Nhật Tân