Trung Quốc kết án 12 năm tù doanh nhân Nishiyama gây náo động dư luận Nhật Bản

Văn phòng Astellas tại Mỹ. (Ảnh chụp màn hình video)

​​Sau khi doanh nhân Nhật Bản Hiroshi Nishiyama bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kết án 12 năm tù đã gây sốc dư luận, nhà chức trách và giới kinh doanh Nhật Bản. Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết, vụ việc khiến các công ty Nhật Bản đẩy nhanh rút khỏi Trung Quốc.

Vào tháng 3 năm nay, vì “nghi ngờ hoạt động gián điệp” nên ĐCSTQ đã tạm giữ giám đốc điều hành Công ty Astellas Pharma Inc. của Nhật Bản là ông Nishiyama, hồi tháng 10 đã chính thức bắt giữ ông. Ông Nishiyama Kuan bị kết án 12 năm tù và bản án được giữ nguyên trong phán quyết cuối cùng. Sáng 13/11, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để giải cứu ông Nishiyama, cũng cho biết sẽ tiếp tục kêu gọi ĐCSTQ cải thiện tính minh bạch của thủ tục tư pháp.

Reuters dẫn lời một số quan chức Tokyo chỉ ra vụ bắt giữ Nishiyama đã gây ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp, khiến đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014, qua đó đẩy nhanh xu thế rời Trung Quốc của người Nhật.

Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng, vụ việc có tác động rất lớn: “Tôi biết các công ty Nhật Bản đang xem xét lại”; “Bây giờ không thể để các công ty (Nhật Bản) gửi người đến làm việc trong các công ty Trung Quốc, vì lo ngại cho sự an toàn của họ”.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết 5 công dân Nhật Bản hiện đang bị giam giữ tại Trung Quốc, kể từ năm 2015 (một năm sau khi Luật Phản gián của ĐCSTQ có hiệu lực), đã có tổng cộng 17 người (Nhật Bản) bị ĐCSTQ giam giữ.

Bản án của ông Nishiyama mang tính biểu tượng

Vụ bắt giữ ông Nishiyama đã gây chấn động xã hội Nhật Bản, do đang lúc ĐCSTQ thúc đẩy đàn áp quy mô lớn vì vấn đề an ninh quốc gia, còn bản thân ông Nishiyama cũng tương đối nổi tiếng – ông nói thông thạo tiếng Trung Quốc và cũng từng là thành viên hội đồng quản trị của Phòng Thương mại Nhật Bản tại Trung Quốc, nhiều năm qua ông đã tham dự nhiều sự kiện cấp cao cùng quan chức hai nước.

Hai người biết ông Nishiyama đề nghị giấu tên chia sẻ, ông thường nói về mối quan hệ của ông với giới quan chức ĐCSTQ.

Nhiều quan chức Nhật Bản nói rằng vấn đề bắt giữ ông Nishiyama mang tính biểu tượng vì địa vị của ông. Kể từ khi ông bị giam giữ, các câu hỏi từ các doanh nhân Nhật Bản về việc liệu có an toàn khi đi du lịch đến Trung Quốc hay không đã tăng lên đáng kể, trong khi một số công ty Nhật Bản ở Trung Quốc đã yêu cầu nhân viên sống kín đáo, không “quá phô trương” trong việc bán hàng và các hoạt động khác.

Chủ tịch Hiệp hội điều hành doanh nghiệp Nhật Bản, ông Takeshi Niinami cho hay trong một cuộc họp báo vào tháng trước: “Mọi người lo lắng rằng sau khi đến Trung Quốc, họ có thể bị bắt bất ngờ”.

Nhật Bản đẩy mạnh thoái vốn khỏi Trung Quốc

Theo Bộ Kinh tế Nhật Bản, trong 9 tháng đầu năm nay, mặc dù tổng “đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng” (FDI) của Nhật Bản ra thế giới tăng gần 1/5, nhưng FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc lại giảm 30,6% so với cùng kỳ năm trước còn 393,4 tỷ yên (2,6 tỷ USD), đây là số tiền thấp nhất kể từ khi bắt đầu hệ thống dữ liệu vào năm 2014.

Một cuộc khảo sát gần đây về các công ty Nhật Bản đang kinh doanh tại Trung Quốc cho thấy, một nửa số người được hỏi nói rằng họ sẽ cắt giảm đầu tư trong năm nay. Theo thăm dò do Phòng Thương mại Nhật Bản tại Trung Quốc công bố vào tháng trước, chỉ 10% trong số 8.300 công ty Nhật Bản cho biết họ sẽ tăng cường đầu tư. Các lý do được người trả lời đưa ra bao gồm như nhu cầu trì trệ, vấn đề giám sát xuyên biên giới, và lo ngại về rủi ro đầu tư ở Trung Quốc.

Số người Nhật sống ở Trung Quốc không ngừng giảm trong 10 năm qua, xuống còn 102.066 người.

Theo Từ Giản, Epoch Times

Related posts