Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc tán dương Hội nghị thượng đỉnh Tập-Biden “Mang tính thời đại”

Hai nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Mỹ hôm 15/11/2023. (Ảnh: Nhà Trắng)

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm thứ Sáu (17/11) đã ca ngợi cuộc gặp của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Joe Biden hôm thứ Tư (15/11) như một sự kiện “mang tính lịch sử”, một cột mốc ngoại giao khiến cả thế giới phải nín thở chờ đợi những gì xảy ra tiếp theo.

Bên cạnh việc khen ngợi ông Tập về kỹ năng ngoại giao, truyền thông Trung Quốc cho rằng mục đích của chuyến thăm có lẽ là tạo tiền đề cho một “bẫy tội lỗi” nếu ông Biden không thực hiện những gì ông Tập nghĩ rằng Tổng thống đã hứa.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) do nhà nước Trung Quốc điều hành cho biết có “sự tán dương cao độ” đối với “sự trao đổi quan điểm thẳng thắn và sâu sắc” giữa ông Tập và ông Biden, phản ánh “ý nghĩa mang tính thời đại” của cuộc gặp.

“Hội nghị thượng đỉnh này là cuộc gặp có ý nghĩa chiến lược và sâu rộng của các nguyên thủ quốc gia, để lại dấu ấn độc đáo và sâu sắc trong lịch sử quan hệ Trung-Mỹ”, tờ báo của Cộng sản Trung Quốc viết.

Thời báo Hoàn Cầu cho biết đã đến lúc Mỹ nhận ra “lợi ích chung” với Trung Quốc và tuân theo phương châm “hợp tác cùng có lợi” của Bắc Kinh.

Các biên tập viên của tờ báo Trung Quốc khẳng định: “Đối thoại và hợp tác là những lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cả hai nước”.

“Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ ra một cách sâu sắc rằng Trung Quốc và Mỹ nên cùng nhau phát triển nhận thức đúng đắn, giải quyết những bất đồng một cách hiệu quả, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, cùng gánh vác trách nhiệm với tư cách là các nước lớn và thúc đẩy giao lưu nhân dân”, Thời báo Hoàn Cầu cho biết, nhưng không đề cập đến bất cứ điều gì mà Tổng thống Joe Biden có thể đã nêu ra “một cách sâu sắc”.

Các nhà xã luận Trung Quốc cũng ca ngợi ông Tập vì màn góp mặt ấn tượng trong buổi chiêu đãi có các ông trùm kinh doanh Mỹ mà ông tham dự sau cuộc gặp với Tổng thống Biden. Hoàn cầu Thời báo dự đoán “thái độ thân thiện và cởi mở” của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ giống như “ánh nắng xuyên mây” xua tan “bầu không khí bêu xấu Trung Quốc”.

Với những lời khen ngợi khiên cưỡng dành cho nhà cai trị chuyên quyền của mình, Thời báo Hoàn Cầu đã bắt tay vào việc và ám chỉ chính quyền Biden phải tiếp tục nhượng bộ nếu mong đợi sự giúp đỡ của ông Tập trong việc chống lại vấn nạn fentanyl.

“Nhiều cơ quan truyền thông Mỹ nhận thấy rằng cả hai bên sẽ hợp tác hơn nữa về vấn đề fentanyl. Điều này thể hiện thiện chí của Trung Quốc với tư cách là đối tác và người bạn để giúp Mỹ giải quyết các vấn đề trong nước. Tương tự, Washington cũng nên thể hiện cách thức đúng đắn để hòa hợp các vấn đề mà người dân Trung Quốc quan tâm”, Thời báo Hoàn Cầu viết.

Thời báo Hoàn Cầu đề xuất rằng Washington có thể đáp lại thiện chí của Bắc Kinh đối với fentanyl, bằng cách dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu đối với công nghệ tiên tiến. Dù cho đến nay chỉ có một thông báo từ cơ quan quản lý duy nhất của Trung Quốc yêu cầu các công ty Trung Quốc ngừng cung cấp tiền chất cho các ổ ma túy tại Mỹ.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc -Tân Hoa Xã hôm thứ Sáu (17/11) đồng tình dẫn lời ông Robert Lawrence Kuhn, chủ tịch Quỹ Kuhn, ca ngợi cuộc gặp Tập-Biden là “sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm, chắc chắn đối với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ và được cho là đối với toàn thế giới”.

Ông Kuhn – một người ngưỡng mộ chế độ Tập Cận Bình lâu năm, một trong những “chuyên gia Mỹ” được truyền thông nhà nước Trung Quốc tìm đến để đưa ra những trích dẫn ủng hộ Bắc Kinh, ông thi thoảng đóng góp cho các ấn phẩm của Trung Quốc và là người nhận ‘Huân chương Hữu nghị Trung Quốc’ – một trong những giải thưởng cao nhất của Trung Quốc dành cho những người bạn nước ngoài của chế độ này. Dường như Tân Hoa Xã quên đề cập đến những điều trên mà chỉ xác định ông là một “chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc”.

“Việc cuộc gặp thượng đỉnh được tổ chức tất nhiên là tín hiệu quan trọng nhất, bởi vì không bên nào sẽ cho phép tổ chức cuộc gặp nếu mỗi bên không tin tưởng cao độ vào một kết quả thành công. Điều đó nói lên rằng, các thỏa thuận cụ thể rất quan trọng – chẳng hạn như về biến đổi khí hậu hoặc tiền chất fentanyl hoặc lịch trình liên lạc chính thức – bởi vì những thỏa thuận này minh họa và tái khẳng định cam kết của cả hai bên”, ông Kuhn nói.

Anh Nguyễn, theo Breitbart News

Hàn Quốc sẽ cấm ăn thịt chó

Hình ảnh trại nuôi 7.000 con chó để lấy thịt, trại lớn nhất Hàn Quốc. (Ảnh cắt từ video báo cáo từ năm 2013)

Giới chức Hàn Quốc tuyên bố sẽ chính thức cấm ăn thịt chó theo luật, kỳ vọng chấm dứt tranh cãi lâu nay về chủ đề này.

Tuy cũng như ở Việt Nam và Trung Quốc, người Hàn Quốc có ăn thịt chó từ lâu đời. Nhưng ở Hàn Quốc hiện nay, điều đó không còn phổ biến như trước nữa. Một cuộc thăm dò năm 2020 cho thấy có đến 83,8% người Hàn Quốc nói rằng chưa từng ăn món này và cũng không dự định sẽ ăn.

Con người ta ăn gì, ví như có người ăn chay, một phần lớn là do tự nguyện như theo tín ngưỡng hoặc nhân sinh quan, và thuận theo tập tục. Theo các học giả, thịt chó tuy có nằm trong món ăn của người Hàn Quốc xưa nay, nhưng nó chưa bao giờ là thành phần ẩm thực nòng cốt hay phổ biến ở bán đảo này.

Bất kể thế nào, những năm gần đây chủ đề ăn thịt chó đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi, và đảng cầm quyền ở Hàn Quốc đã đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự, đưa vào Quốc hội, và thành công vận động để sau này nó sẽ trở thành luật, theo Reuters và nhiều kênh khác báo cáo.

“Đã đến lúc chấm dứt xung đột xã hội và tranh cãi xung quanh việc tiêu thụ thịt chó thông qua việc ban hành một đạo luật đặc biệt để chấm dứt nó,” theo Yu Eui-dong, người đứng đầu chính sách của Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền, nói tại một cuộc họp các quan chức chính phủ cùng những nhà hoạt động về quyền động vật. Ông cũng cho hay, dự luật sẽ được đưa ra trong năm nay, và sẽ nhanh chóng được Quốc hội thông qua trở thành luật với sự ủng hộ của lưỡng đảng.

Theo lập luận của những người ủng hộ luật này, lối thực hành ăn thịt chó từ lâu của người Hàn Quốc đã vấp phải sự chỉ trích từ nước ngoài vì sự tàn ác của nó, đồng thời cũng vấp phải sự phản đối ngày càng tăng ở trong nước, đặc biệt là từ thế hệ trẻ.

Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee là người lên tiếng chỉ trích việc tiêu thụ thịt chó. Bà cùng với chồng, Tổng thống Yoon Suk Yeol, đã nhận nuôi những con chó hoang.

Bộ trưởng Nông nghiệp Chung Hwang-keun phát biểu tại cuộc họp rằng chính phủ sẽ nhanh chóng thực hiện lệnh cấm và cung cấp hỗ trợ tối đa có thể để những người trong ngành sản xuất thịt chó đóng cửa hoạt động kinh doanh của họ.

Dự luật chống thịt chó trước đây đã thất bại vì sự phản đối của những người trong ngành và lo lắng về sinh kế của nông dân và chủ nhà hàng.

Lệnh cấm được đề xuất sẽ bao gồm thời gian ân hạn 3 năm và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp chuyển ra khỏi ngành.

Các nhóm bảo vệ quyền động vật hoan nghênh triển vọng của lệnh cấm. Tổ chức Humane Society International cho biết trong một tuyên bố: “Một giấc mơ đã trở thành hiện thực đối với tất cả chúng ta, những người đã vận động hết mình để chấm dứt sự tàn ác này.”

Theo số liệu của chính phủ, có khoảng 1.150 trang trại chăn nuôi chó, 34 lò mổ, 219 công ty phân phối và khoảng 1.600 nhà hàng phục vụ thịt chó.

Một cuộc thăm dò của Gallup Korea năm ngoái cho thấy, 64% phản đối việc tiêu thụ thịt chó. Cuộc khảo sát cho thấy chỉ có 8% số người được hỏi đã ăn thịt chó trong năm qua, giảm từ mức 27% vào năm 2015.

Nhật Tân

Mỹ và Philippines ký kết thỏa thuận hạt nhân bước ngoặt

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Năng lượng Philippines Raphael Lotilla trong lễ ký kết Thỏa thuận 123 bên lề Hội nghị APEC tại San Francisco, California vào ngày 16 tháng 11 năm 2023. (Nguồn ảnh: FREDERIC J. BROWN/AFP via Getty Images)

Mỹ và Philippines hôm thứ Sáu (17/11) đã ký kết một thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt cho phép Washington xuất khẩu công nghệ và vật liệu hạt nhân cho Manila, theo Reuters đưa tin.

“Mỹ sẽ có thể chia sẻ thiết bị và vật liệu [hạt nhân] với Philippines khi họ xúc tiến phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ và cơ sở hạ tầng năng lược hạt nhân dân sự khác”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói tại buổi lễ ký kết bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở San Francisco, tiểu bang California.

Philippines dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đang nỗ lực phát triển năng lượng hạt nhân để loại bỏ sử dụng năng lượng carbon, đồng thời thúc đẩy độc lập năng lượng quốc gia.

Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Philippines về thỏa thuận hạt nhân nêu trên, được gọi là Thỏa thuận 123, đã bắt đầu từ tháng 11/2022.

Mục 123 của Đạo luật Năng lượng nguyên tử Hoa Kỳ năm 1954, có tiêu đề “Hợp tác với các quốc gia khác“, thiết lập một thỏa thuận hợp tác như một điều kiện tiên quyết cho các thỏa thuận hạt nhân giữa Hoa Kỳ và bất kỳ quốc gia nào khác. Thỏa thuận như vậy được gọi là Thỏa thuận 123, theo Wikipedia.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nói trong bài phát biểu sau khi ký kết thỏa thuận: “Chúng tôi nhìn thấy năng lượng hạt nhân sẽ trở thành một phần của hỗn hợp năng lượng của Philippines vào năm 2032 và chúng tôi rất vui mừng theo đuổi con đường này cùng với Mỹ. Năng lượng hạt nhân là một lĩnh vực mà chúng tôi có thể biểu hiện liên minh và quan hệ đối tác Philippines – Mỹ thực sự hiệu quả”.

Thỏa thuận hạt nhân nêu trên sẽ còn phải chờ Quốc hội Mỹ phê chuẩn mới chính thức có hiệu lực. Việc phê chuẩn này nhằm đảm bảo việc chuyển giao hòa bình vật liệu, thiết bị và thông tin hạt nhân tuân thủ các yêu cầu về không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tính đến cuối năm 2022, Mỹ đã ký Thỏa thuận 123 với 47 quốc gia, đảo quốc dân chủ Đài Loan và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Philippines lâu nay thường dễ bị tổn hại khi giá dầu mỏ toàn cầu biến động. Quốc gia Đông Nam Á này cũng thường bị thiếu điện theo mùa và giá điện cao.

Chính quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr coi năng lượng hạt nhân là nguồn thay thế khả dĩ khi Philippines loại bỏ dần các nhà máy điện than để tuân thủ các mục tiêu khí hậu toàn cầu, đồng thời cũng thúc đẩy độc lập năng lượng.

Những nỗ lực theo đuổi năng lượng hạt nhân trước đây tại Philippines đã bị đình trệ vì quan ngại về an toàn. Nhưng, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã đang thảo luận về khả năng khôi phục nhà máy hạt nhân được xây dựng từ những năm 1980, thời kỳ quốc gia Đông Nam Á bị khủng hoảng năng lượng.

Nhà máy Hạt nhân Bataan được hoàn thành vào năm 1984 dưới thời cha của ông Ferdinand Marcos Jr làm tổng thống Philippines. Nhà máy này đã đóng cửa vào năm 1986, thời điểm Tổng thống Marcos bị lật độ, và cũng là năm xảy ra thảm hoạt hạt nhân Chernobyl tại Ukraine, khi đó còn thuộc Liên Xô.

Hải Đăng

Nhiều trường đại học Anh đã nhận tài trợ lớn liên quan đến quân đội TQ – Nghiên cứu

Binh sĩ quân đội Trung Quốc xếp hàng tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh (Ảnh: Twinsterphoto / Shutterstock)

Một báo cáo nghiên cứu chỉ ra 5 năm qua nhiều trường đại học Anh đã nhận được số tiền lớn tài trợ từ các tổ chức liên quan đến quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – vấn đề có thể gây nguy hiểm cho nước Anh.

Báo cáo mới này (PDF) xem xét mức độ mà các trường đại học Anh phụ thuộc vào Trung Quốc, báo cáo do tổ chức tư vấn Civitas của Anh công bố. Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã dựa theo Đạo luật Tự do Thông tin (Freedom of Information Act, FOIA), đưa ra yêu cầu tới 88 trường đại học Anh về nguồn tài trợ của Trung Quốc, trong đó 46 trường đã phản hồi.

Kết quả cho thấy, từ năm 2017 đến nay, 46 trường đại học Anh này đã nhận được từ nguồn quỹ Trung Quốc tổng cộng khoảng 122 triệu – 156 triệu bảng.

Tác giả báo cáo Robert Clark, là người phụ trách quốc phòng và an ninh của Civitas, chia sẻ ông cảm thấy sốc trước tỷ lệ nguồn tài chính liên quan đến quân đội Trung Quốc. Ông cho biết tại buổi ra mắt báo cáo: “Trong nguồn tài trợ từ Trung Quốc mà các trường đại học Anh nhận được, có 30% – 33%, tức khoảng 1/3 đến từ các thực thể liên quan trực tiếp đến Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc”.

Trong số các nguồn tài trợ này, khoảng 16% – 20% thực thể có quan hệ với quân đội Trung Quốc và bị Mỹ trừng phạt.

Báo cáo chỉ ra có 3 trường đại học Anh nhận được số tiền từ Trung Quốc đến từ các thực thể liên quan hoàn toàn đến quân đội của ĐCSTQ, bao gồm Đại học Westminster, Đại học Huddersfield, và Đại học Cranfield nổi tiếng về nghiên cứu quốc phòng.

Nguồn vốn lớn nhất của Trung Quốc là từ tập đoàn viễn thông Huawei với số tiền từ 27 triệu – 37 triệu bảng.

Mặc dù vào năm 2020 chính quyền Anh đã cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G của Anh, nhưng sau thời gian đó thì các trường đại học ở Anh vẫn nhận được khoảng 13,9 triệu bảng tiền tài trợ từ Huawei.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng cơ quan nghiên cứu đầu đạn hạt nhân chính của Trung Quốc cũng cung cấp gần 2 triệu bảng cho các trường đại học Anh, ngoài ra có gần 5 triệu bảng đến từ cơ quan nghiên cứu hàng không vũ trụ của quân đội Trung Quốc.

Chuyên gia Clark cho biết, một số khoản tài trợ có thể nhỏ, chẳng hạn như “10.000 bảng Anh từ cơ sở thử nghiệm công nghệ tên lửa siêu thanh lớn nhất Trung Quốc”, nhưng nghiên cứu này bao gồm cả mục đích quân sự.

Ông tin rằng ĐCSTQ có thể trở thành mối đe dọa đối với nước Anh, việc chấp nhận những khoản tiền này là “rất thiển cận và ngây thơ”.

Clark cũng chỉ ra rằng 40% nguồn tài trợ cho Viện Khổng Tử ở Anh đến từ các thực thể liên quan đến ngành công nghiệp quân sự của ĐCSTQ.

Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, Thủ tướng Anh Rishi Sunak hứa sẽ đóng cửa các Viện Khổng Tử, nhưng lời hứa vẫn chưa được thực hiện, Chính phủ Anh chỉ quyết định ngừng tài trợ cho các Viện Khổng Tử.

Clark gợi ý rằng Anh nên noi theo Mỹ xây dựng danh sách trừng phạt nhắm vào quân đội ĐCSTQ, đồng thời nên chấm dứt mối quan hệ với Viện Khổng Tử để đảm bảo quyền tự do học thuật.

Người chủ trì cuộc họp báo cáo là Nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh Bob Seely, ông nói rằng giới chính trị Anh chưa hiểu biết đầy đủ về ĐCSTQ, cần tăng cường nghiên cứu về ĐCSTQ.

Theo Trần Đình, Epoch Times

Related posts