Ông Valeriy Chaly, cựu đại sứ Ukraine tại Mỹ, nhận định, sự phản đối của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đang thách thức những nỗ lực của Nhà Trắng trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Ông Chaly cảnh báo, Ukraine nên chuẩn bị ứng phó với tình huống xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị tiềm ẩn ở Mỹ, vốn có thể làm suy yếu sự hỗ trợ quân sự tiếp tục của Hoa Kỳ dành cho quốc gia Đông Âu này.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Espresso trong tuần này, ông Chaly, người từng là đại sứ Ukraine tại Washington từ năm 2015 đến năm 2019, đã bình luận về chuyến thăm Washington gần đây của một phái đoàn Ukraine nhằm tìm cách vận động Quốc hội Mỹ hỗ trợ thêm tài chính cho Kyiv. Theo nhà ngoại giao này, Ukraine cảm thấy đang rơi vào trạng thái bấp bênh.
Phát biểu với đài truyền hình Ukraine, ông tiết lộ: “Trong số ba kịch bản mà từ lâu chúng tôi đã nói đến, vì một lý do nào đó, chính phủ chúng tôi đã cân nhắc kịch bản lạc quan nhất, và bây giờ những gì đang xảy ra thực sự lại là kịch bản xấu nhất.”
Ông Chaly đã chỉ ra mối quan ngại rằng Đảng Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ, do tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson lãnh đạo, sẽ trì hoãn việc cung cấp việc viện trợ cho Kyiv. Ông bày tỏ lo lắng: “Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Rõ ràng là sẽ có sự sụt giảm [về viện trợ cho Ukraine].”
Tuy nhiên, cựu đại sứ Ukraine cho hay, ông chắc chắn rằng phương Tây sẽ không ngừng viện trợ cho Ukraine trong tương lai gần. Ông nói: “Tôi kỳ vọng mức hỗ trợ này sẽ không giảm mạnh cho đến mùa hè [năm sau].” Đồng thời ông lưu ý rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho Kyiv ít nhất cho đến tháng Bảy năm sau.
Nhà ngoại giao kỳ cựu này cảnh báo: “Tuy nhiên bây giờ chúng ta phải nghĩ đến mùa thu năm sau khi Hoa Kỳ rất có thể sẽ rơi vào một cuộc khủng chính trị, khi đó chúng ta sẽ rất khó chốt ngân sách cho năm.”
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt gói viện trợ trị giá 106 tỷ đô la tập trung chủ yếu cho Ukraine và Israel. Tuy nhiên, nhiều thành viên Đảng Cộng hòa đã phản đối chính sách “tờ séc trắng” của chính quyền Biden đối với Ukraine và cho biết họ muốn xử lý hai vấn đề này một cách riêng biệt.
Hôm thứ Sáu (17/11), Tổng thống Biden đã ký một dự luật chi tiêu tạm thời để ngăn chặn việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa. Dự luật này không bao gồm khoản ngân sách bổ sung nào dành cho Israel và Ukraine.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga – Ukraine vào tháng 2/2022, Hoa Kỳ đã cung cấp khoản viện trợ quân sự trị giá hơn 44 tỷ đô la cho Kyiv. Tuy nhiên, gần đây Nhà Trắng đã cảnh báo rằng nguồn ngân quỹ có sẵn đang cạn kiệt trong bối cảnh Quốc hội Mỹ rơi vào tình trạng bế tắc chính trị.
Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, vì điều này sẽ chỉ kéo dài xung đột và khiến phương Tây trở thành một bên trực tiếp tham gia vào cuộc chiến này.
Gia Huy (Theo RT)