Tin thế giới sáng thứ Tư: TT Philippines thuyết phục các nước láng giềng soạn thảo quy tắc Biển Đông

TT Philippines thuyết phục các nước láng giềng soạn thảo quy tắc Biển Đông

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (Nguồn ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Hôm thứ Hai (20/11), Tổng thống Philippines cho biết nước này đã tiếp cận các quốc gia láng giềng như Malaysia và Việt Nam để thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử riêng liên quan đến Biển Đông, trong bối cảnh tiến triển về việc đạt được một hiệp ước khu vực rộng lớn hơn với Trung Quốc còn hạn chế.

Dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr hiện nay, mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng. Ông Marcos Jr đã lên tiếng về hành vi “hung hăng” của Trung Quốc, đồng thời nối lại mối quan hệ bền chặt với đồng minh hiệp ước duy nhất của Philippines là Hoa Kỳ.

Phát biểu tại Hawaii trong một sự kiện được phát trực tiếp, ông Marcos cho rằng căng thẳng leo thang ở Biển Đông đòi hỏi Philippines phải hợp tác với các đồng minh và nước láng giềng để duy trì hòa bình trên những tuyến đường thủy đông đúc, khi tình hình hiện nay đang trở nên “khốc liệt hơn”.

“Chúng tôi vẫn đang chờ đợi bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN, đáng tiếc là tiến độ này diễn ra khá chậm”, ông Marcos đề cập đến những nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

“Chúng tôi đã chủ động tiếp cận các quốc gia khác quanh ASEAN mà chúng tôi đang có xung đột lãnh thổ, Việt Nam là một trong số đó, ngoài ra còn có Malaysia, để xây dựng quy tắc ứng xử của riêng chúng tôi.”

“Hy vọng điều này sẽ phát triển hơn nữa và mở rộng sang các nước ASEAN khác.”

Đại sứ quán Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về bộ quy tắc này.

Trung Quốc cho rằng việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này đã cảnh cáo tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng: “Bất kỳ động thái nào đi chệch khỏi khuôn khổ và đi ngược lại tinh thần của tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên (DOC) ở Biển Đông đều vô hiệu”.

Kế hoạch của ông Marcos diễn ra sau cuộc gặp hôm thứ Sáu (17/11) với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco. Các bên đã thảo luận những biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng ở vùng biển chiến lược này sau một loạt các cuộc đối đầu trong năm nay.

Trung Quốc khẳng định yêu sách của mình trên bản đồ bằng việc sử dụng “đường chín đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”) kéo dài tới 1.500 km, cắt vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippin và Việt Nam.

Manila và Bắc Kinh đã đối đầu liên tục trong nhiều năm khi Trung Quốc trở nên quả quyết hơn trong việc thúc đẩy các yêu sách hàng hải của mình, gây lo ngại cho các nước láng giềng và các quốc gia khác hoạt động trên tuyến đường thương mại quan trọng này, chẳng hạn như Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã biến những rạn san hô ngập nước thành các cơ sở quân sự được trang bị radar, đường băng và hệ thống tên lửa, một số trong đó thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Ông Marcos Jr lên tiếng: “Các rạn san hô gần nhất mà PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) bắt đầu thể hiện sự quan tâm… để xây dựng các căn cứ đã ngày càng tiến gần hơn đến bờ biển Philippines… Tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn trước.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp lại: “Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên lãnh thổ của mình hoàn toàn nằm trong chủ quyền của Trung Quốc và các nước khác không có quyền đưa ra những bình luận vô trách nhiệm.”

Ông Marcos Jr nói thêm rằng Hoa Kỳ “luôn đứng sau chúng tôi… không chỉ bằng lời nói mà còn là những hỗ trợ thiết thực”.

Vy An (Theo Reuters)

Hamas nói “gần đạt được thỏa thuận tạm đình chiến” với Israel – Reuters

Ismail Haniyeh, chủ tịch bộ chính trị Hamas, ảnh năm 2020 tại Kremlin. (Nguồn: Wikipedia)

Người đứng đầu Hamas nói với Reuters hôm thứ Ba rằng nhóm chiến binh Palestine đã gần đạt được thỏa thuận tạm ngừng bắn với Israel, ngay cả khi cuộc tấn công chết người vào Gaza vẫn tiếp tục và tên lửa đang được bắn vào Israel.

Người đứng đầu Hamas, ông Ismail Haniyeh tuyên bố nhóm Hamas đã “gần đạt được thỏa thuận tạm đình chiến (truce)” với Israel, và đã truyền đạt thông điệp ấy với những người trung gian hòa giải của Qatar, theo những gì Ismail Haniyeh nói với Reuters (Anh) thông qua trợ lý của ông ta.

Tuyên bố không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Trong khi đó, một quan chức Hamas nói với truyền hình Al Jazeera (Qatar) rằng nội dung đàm phán tập trung vào các vấn đề như: thỏa thuận đình chiến (truce) sẽ kéo dài bao lâu, chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza, và trao đổi con tin Israel do Hamas bắt giữ với tù nhân Palestine ở Israel.

Quan chức Issat el Reshiq nói cả hai bên sẽ trả tự do cho phụ nữ và trẻ em, và thông tin chi tiết sẽ được quốc gia đứng ra làm trung gian Qatar công bố.

Israel, theo lệ thường, tránh đưa ra bình luận về tình trạng của các cuộc đàm phán do Qatar dẫn đầu. Đài truyền hình Channel 12 của Israel dẫn lời một nguồn tin chính phủ cấp cao giấu tên nói rằng “đã rất gần đạt được rồi” nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Trong vụ đột kích ngày 7/10 vào Israel, Hamas được cho là đã bắt khoảng 240 con tin, và khiến 1.200 người thiệt mạng.

Bà Mirjana Spoljaric, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), đã gặp Haniyeh ở Qatar hôm thứ Hai để “thúc đẩy các vấn đề nhân đạo” liên quan đến cuộc xung đột, theo một tuyên bố từ trụ sở tại Geneva của ICRC. Bà cũng đã gặp riêng chính quyền Qatar.

Theo ICRC, đây không phải là một phần của các cuộc đàm phán nhằm giải phóng con tin, nhưng với tư cách là một bên trung gian trung lập, ICRC sẵn sàng “tạo điều kiện thuận lợi cho bất kỳ việc thả con tin nào trong tương lai mà các bên đồng ý.”

Các thảo luận về một thỏa thuận trao đổi con tin với tù binh đã xôn xao trong nhiều ngày. Tuần trước, Reuters đã đưa tin rằng các nhà hòa giải Qatar đang tìm kiếm một thỏa thuận, mà trong đó Hamas thả 50 con tin để đổi lấy việc Israel trả tự do cho một số tù nhân và ngừng bắn kéo dài 3 ngày.

Đại sứ Israel tại Hoa Kỳ Michael Herzog nói trên chương trình “This Week” của ABC hôm Chủ nhật rằng ông hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận “trong những ngày tới”, trong khi Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed Bin Abdulrahman al-Thani nói rằng những điểm khúc mắc còn lại “chỉ là những tiểu tiết”. Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức Mỹ khác hôm Thứ Hai nói rằng một thỏa thuận đã gần kề.

Israel tuyên bố cuộc đột kích 7/10 là ngày đẫm máu nhất trong lịch sử 75 năm nước họ, và tiến hành chiến tranh xâm chiếm Dải Gaza, thề sẽ nhổ tận gốc Hamas. Cuộc chiến với danh nghĩa trả đũa này còn đẫm máu hơn. Gaza bị công hãm từ đó đến nay, và theo phía Palestine, họ đã bị giết ít nhất 13.300 người, trong đó có ít nhất 5.600 trẻ em; và các vùng đất của Dải Gaza, đặc biệt là phía Bắc, đã bị san phẳng thành các đống đổ nát.

Khoảng 2/3 trong số 2,3 triệu người ở Gaza đã trở thành người vô gia cư, với hàng ngàn người mỗi ngày vẫn đi bộ về phía nam với đồ đạc và trẻ em trên tay, mặc dù chính phía Nam và vùng trung tâm của dải đất cũng đang bị bom đạn dội xuống.

Palestine báo cáo 20 người chết khi trại tị nạn Nuseirat bị dội bom

Các cơ sở tị nạn, kể cả các bệnh viện, nơi có các tổ chức nhân đạo quốc tế hiện diện, và là nơi đang có hàng chục trẻ sinh non phải được chăm sóc, cũng không tránh khỏi bom đạn và bộ binh cùng xe tăng của Israel. Quân đội Israel tuyên bố rằng thậm chí cả các bệnh viện cũng có thể là căn cứ điểm của Hamas. Cho đến nay, quân đội Israel đã tung ra các video “bằng chứng” cho luận điểm này, mặc dù các “bằng chứng” này không có tính thuyết phục nhiều lắm.

Một trong các diễn biến mới nhất, cũng theo báo cáo của Reuters, cơ quan Y tế Gaza hôm Thứ Ba nói ít nhất 20 người Palestine đã thiệt mạng trong vụ đánh bom của Israel vào trại tị nạn Nuseirat ở trung tâm Gaza vào lúc nửa đêm. Không có bình luận ngay lập tức từ Israel.

Quận Nuseirat vốn đã đông đúc, phát triển từ một trại dành cho người tị nạn Palestine từ cuộc chiến tranh Israel-Ả Rập năm 1948, nằm ngay phía Nam vùng đất ngập nước chia cắt dải đất và là điểm đến đầu tiên của số lượng lớn người trốn khỏi cuộc chiến ở xa hơn về phía Bắc.

Hàng chục ngàn thường dân được cho là vẫn ở lại miền Bắc bất chấp lệnh yêu cầu di dời của Israel. Tất cả các bệnh viện ở đó đã ngừng hoạt động bình thường, mặc dù nhiều bệnh viện vẫn là nơi ở cho bệnh nhân và người dân Gaza phải di dời. Israel cho hay Hamas sử dụng bệnh viện làm lá chắn cho các chiến binh của mình, điều mà Hamas và các bệnh viện phủ nhận.

Bộ Y tế Gaza hôm thứ Hai nói ít nhất 12 người Palestine đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương khi Israel xả súng vào một bệnh viện do Indonesia xây dựng và bị xe tăng Israel bao vây. Israel cho biết họ đã bắn trả những chiến binh đã nổ súng từ bên trong nó.

Các quan chức Y tế nói 700 bệnh nhân cùng với nhân viên đã bị Israel vu khống, và đã phủ nhận sự hiện diện của bất kỳ chiến binh Hamas nào trong đó.

Người đứng đầu bộ phận điều dưỡng, Issam Nabhan, nói với Al-Jazeera Live hôm thứ Ba rằng các bệnh nhân đang hấp hối và có 60 xác chết cần được chôn trong sân khuôn viên. Ông kêu gọi bệnh nhân và nhân viên sơ tán.

“Không có oxy để cung cấp cho bệnh nhân. Tất cả những người cần phải hô hấp bằng thiết bị nhân tạo đã chết. Chúng tôi lên tiếng với thế giới tự do. Bệnh viện Indonesia đã trở thành nghĩa trang chứ không phải bệnh viện.”

Nhật Tân

Ukraine tiết lộ quy mô khoản vay mới nhất 1,1 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới

(Ảnh minh họa: phanurak rubpol/ Shutterstock)

Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal cho biết hôm thứ Bảy (18/11) rằng Chính phủ nước này dự kiến sẽ nhận được 1,1 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), đồng thời cho biết thêm rằng số tiền này sẽ được sử dụng cho các lợi ích xã hội, giáo dục, y tế và các ưu tiên khác.

Ông Shmigal viết trong một bài đăng trên Telegram: “Ukraine tiếp tục thu hút tiền từ các đối tác, với khoản vay dự kiến gần 1,1 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới”.

Thủ tướng Ukraine nói thêm rằng nước này cũng dự kiến ​​sẽ nhận được hỗ trợ tài chính 162 triệu Euro (177 triệu USD) từ Ngân hàng Đầu tư Châu Âu như một phần của chương trình khôi phục Ukraine, trong khi 190 triệu USD và 70 triệu USD sẽ được phân bổ tương ứng bởi Na Uy và Thụy Sĩ.

Đầu tuần này (13/11), hãng tin Ukrinform đưa tin viện trợ quân sự của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine đã lên tới 27 tỷ Euro (khoảng 28,8 tỷ USD) kể từ khi bắt đầu xung đột, đánh dấu mức cao kỷ lục trong lịch sử khối. Hỗ trợ quân sự bao gồm đạn dược, hệ thống phòng không và xe tăng.

Trong khi đó, hỗ trợ tài chính, quân sự, nhân đạo và người tị nạn do các quốc gia thành viên EU cung cấp cho Ukraine đã lên tới khoảng 89 tỷ USD.

Vào tháng Mười, ông Gavin Gray, người đứng đầu phái đoàn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Ukraine, cho biết theo thời gian, hỗ trợ quốc tế dành cho Kyiv chắc chắn sẽ giảm đi, đồng thời kêu gọi chính quyền Zelenksy phát triển nguồn lực nội bộ để tự tuần hoàn tài chính.

Vào tháng Tư, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko cho biết thâm hụt ngân sách hàng tháng của Ukraine lên tới 5 tỷ USD, trong đó 2/3 là do các khoản vay và trợ cấp nước ngoài chi trả, và 3/4 chi tiêu dành cho nhu cầu quân sự.

Vào tháng Tám, Bộ Tài chính báo cáo rằng nợ quốc gia của Ukraine đã vượt quá 132 tỷ USD, chỉ riêng trong tháng Bảy đã tăng thêm 4 tỷ USD.

IMF trước đây dự đoán nợ nhà nước của Ukraine sẽ lên tới 88,1% GDP vào năm 2023 và sẽ vượt quá 100% GDP vào năm 2025.

Anh Nguyễn, theo RT

Ông Zelensky yêu cầu thay đổi nhanh chóng hoạt động của quân đội, sa thải chỉ huy

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen vào ngày 4 tháng 11 năm 2023 tại Kyiv, Ukraine. (Ảnh: Viktor Kovalchuk/Global Images Ukraine, Getty Images)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm Chủ nhật (19/11) đã yêu cầu thay đổi nhanh chóng các hoạt động của quân đội Ukraine và tuyên bố cách chức chỉ huy lực lượng y tế của quân đội.

Động thái của ông Zelensky được công bố khi ông gặp Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov, đồng thời tranh luận về cuộc chiến kéo dài 20 tháng chống lại Nga, với các câu hỏi về việc cuộc phản công ở phía đông và phía nam đang diễn ra nhanh như thế nào.

“Trong cuộc gặp hôm nay với Bộ trưởng Quốc phòng Umerov, các ưu tiên đã được đặt ra”, ông Zelensky nói trong chương trình video hàng đêm của mình. “Còn rất ít thời gian để chờ đợi kết quả. Cần hành động nhanh chóng trước những thay đổi sắp tới”.

Ông Zelensky cho biết ông đã thay thế chỉ huy Lực lượng Y tế của Lực lượng Vũ trang – Thiếu tướng Tetiana Ostashchenko.

Ông nói: “Nhiệm vụ rất rõ ràng, như đã được nhấn mạnh nhiều lần trong xã hội, đặc biệt là trong giới y tế chiến đấu, chúng ta cần một mức hỗ trợ y tế cơ bản mới cho binh lính của mình”.

Ông nói, điều này bao gồm một loạt vấn đề – dây garô tốt hơn, số hóa và liên lạc tốt hơn.

Ông Umerov xác nhận thay đổi trên ứng dụng nhắn tin Telegram và đặt ưu tiên hàng đầu là số hóa, “chiến thuật y tế” và luân chuyển quân nhân.

Các báo cáo của quân đội Ukraine về những tiến bộ trong việc tái chiếm các khu vực bị chiếm đóng ở phía đông và phía nam và tuần trước, xác nhận quân đội đã nắm quyền kiểm soát khu vực bờ đông sông Dnipro ở vùng phía nam Kherson.

Tổng tư lệnh Ukraine, Tướng Valery Zaluzhniy, trong một bài tiểu luận đăng trong tháng Mười Một cho biết cuộc chiến đang bước vào một giai đoạn tiêu hao mới và Ukraine cần công nghệ tinh vi hơn để chống lại quân đội Nga.

Trong khi liên tục nói rằng những tiến bộ sẽ mất thời gian, ông Zelensky phủ nhận cuộc chiến đang đi vào bế tắc và kêu gọi các đối tác phương Tây của Kyiv, chủ yếu là Hoa Kỳ, duy trì mức hỗ trợ quân sự.

Bà Ostashchenko được thay thế bởi Thiếu tướng Anatoliy Kazmirchuk, người đứng đầu một bệnh viện quân sự ở Kyiv.

Việc sa thải bà Ostashchenko diễn ra một tuần sau khi một hãng tin Ukraine đưa tin về việc sa thải bà cũng như những người khác dựa trên tham khảo ý kiến với các nhân viên y tế và các quan chức khác chịu trách nhiệm hỗ trợ quân đội.

Anh Nguyễn, theo Reuters

Bệnh viện cabin ở Bắc Kinh được chuyển đổi thành nhà cho thuê

Một trại cabin cách ly COVID-19, được xây dựng trong 20 ngày vào năm 2022 tại Bắc Kinh, đã được chuyển đổi thành nhà cho thuê giá cả phải chăng và 4.910 phòng đã chính thức được cho thuê vào tháng 9 năm nay.

Bệnh viện cabin tại Tứ Xuyên được xây dựng năm 2022. (Ảnh cắt từ video YouTube)

Theo báo cáo của China News Weekly, vào ngày 15/11, Nhà Thất Thái (Qicai) Bắc Kinh, một điểm cách ly COVID-19 trong thời kỳ dịch bệnh, đã thay đổi chức năng một lần nữa vào ngày 27/9. Ủy ban Phát triển Nhà ở và Đô thị – Nông thôn Thành phố Bắc Kinh đã ban hành “Thông báo về Xác định các dự án nhà ở cho thuê giá cả phải chăng (đợt 7)”, Khu nhà Thất Thái được công nhận là “nhà ở cho thuê giá phải chăng”, số lượng phòng cũng tăng lên, và 4.910 phòng đã chính thức được cho thuê.

Khu nhà Thất Thái Bắc Kinh bắt đầu hoạt động thử nghiệm vào ngày 1/6. Theo báo cáo, “4608 phòng có sẵn để chuyển đến ở, nhân viên của các doanh nghiệp vừa và lớn đã đăng ký tại Quận Triều Dương có thể đăng ký chuyển đến.” Theo tài liệu quảng cáo của đơn vị dự án Công ty Phát triển Nhà ở Giá cả phải chăng Quận Triều Dương, “Khu nhà Thất Thái được xây dựng vào năm 2022. Nó chỉ mất 20 ngày xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Ước tính khu nhà Thất Thái đã tiếp nhận tổng cộng 38.787 người bị cách ly.”

Tiểu Lâm (Xiao Lin), khách thuê đang kinh doanh thương mại điện tử, nói: “Phòng đơn 18m2 có phòng tắm riêng, có thể xách hành lý vào ở ngay”. Trong ảnh cho thấy phòng đã được trang bị đầy đủ tiện nghi, có giường, sofa, tủ quần áo, tivi, điều hòa. “Mỗi một phòng là một container độc lập, tính riêng tư rất tốt, chỉ là không cách âm.”

Thạch Nghệ (Shi Yi), đối tác kinh doanh của Tiểu Lâm, cho biết bạn có thể nghe thấy tiếng máy bay bay trên đầu cứ sau vài phút vào ban ngày, và bạn có thể nghe thấy hàng xóm di chuyển ghế vào ban đêm, và khi có người đi ngang qua hành lang thì cả căn phòng đều cảm thấy rung chuyển rõ rệt. Khi dàn nóng của điều hòa rung thường xuyên, trong phòng sẽ xuất hiện tiếng ầm ầm tần số thấp giống như tiếng tàu hỏa chạy dưới lòng đất.

Ông Ngô (Wu), người môi giới thuê phòng, là một trong những người thuê đầu tiên chuyển đến ở. Theo ông, nhà ở hiện tại được thuê trực tiếp với công ty bất động sản, người thuê trực tiếp ký hợp đồng ngoại tuyến với Công ty Chao Baofa. Tiền thuê hàng tháng là 1.200 nhân dân tệ (khoảng 4,2 triệu đồng), không yêu cầu phí trung gian và phí quản lý, không hạn chế đăng ký ở, chỉ quy định mỗi phòng không quá 2 người. Hiện tại có hơn 520 phòng cho thuê, trong đó có gần 400 phòng đã cho thuê, hầu hết khách thuê là công nhân trẻ ở độ tuổi 20.

Khu nhà Thất Thái này không phải là điểm cách ly hoặc nơi trú ẩn đầu tiên được chuyển đổi thành nhà ở cho thuê. Có thông tin cho rằng vào tháng Một năm nay, Khu công nghệ cao Tế Nam ở tỉnh Sơn Đông đã chuyển đổi và nâng cấp các cabin cách ly thành “căn hộ dành cho nhân tài” để đảm bảo “chuyển đổi bình ổn”, nhằm đáp ứng sự tập trung của các công ty sản xuất cao cấp trong các công viên đặc trưng, như khu công nghệ cao phía Đông và tình trạng thiếu chỗ ở cho nhân viên tại các khu công nghiệp.

Vào tháng 7 năm nay, thông báo đấu thầu của chính quyền thành phố Đam Châu, tỉnh Hải Nam cho “Dự án phá dỡ cơ sở và khôi phục địa điểm của dự án bệnh viện cabin” cho biết, 3 bệnh viện canin có tổng diện tích là 145.000 mét vuông và giá kiểm soát đấu thầu đạt hơn 13 triệu nhân dân tệ, toàn bộ kinh phí xây dựng đều đến từ đầu tư của chính phủ.

Một số cư dân mạng Trung Quốc bình luận:

“Hãy để cho chính phủ chuyển văn phòng đến đây trước!”

“Có thể giảm tiền thuê nhà một cách thích hợp để cung cấp cho người nghèo.”

“Giá quá đắt! Đi lại bất tiện là một thiếu sót.”

“Tiền cho thuê nhà thuộc về đơn vị nào? Đất xây dựng và mục đích sử dụng của tòa nhà đã thay đổi, không cần phải xin phép lại à?”

“Lãnh đạo có chịu ở trong đó không?”

Hiện nay, nhiều loại virus, đặc biệt là bệnh viêm phổi do mycoplasma đã bùng phát ở nhiều nơi tại Trung Quốc Đại Lục, nhiều bệnh viện đã quá tải. Mặc dù truyền thông Đại Lục đã quảng cáo rằng “năm nay có thể là năm xảy ra dịch bệnh viêm phổi do mycoplasma”, nhưng nhiều cư dân mạng chỉ ra rằng “thực sự chính là cái gọi là virus corona mới”. Mới đây ông Chung Nam Sơn, học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cũng thừa nhận rằng đỉnh điểm của dịch bệnh virus corona mới đang quay lại. Theo báo cáo gần đây của trang China Banned News Network, vì dịch viêm phổi do mycoplasma bùng phát, các bệnh viện đang chật vật tìm giường bệnh, một số nơi đã mở lại các điểm cách ly tạm thời.

Nhiều nơi ở Trung Quốc Đại Lục cũng đang chi số tiền khổng lồ để xây dựng hoặc dỡ bỏ các bệnh viện dã chiến, việc lãng phí tiền thuế của người dân như vậy đã gây phẫn nộ trong dư luận.

Theo báo cáo của Liberty Times Đài Loan hôm 5/8, thông báo về việc xây dựng một bệnh viện dã chiến đã được đưa ra ở khu vực Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 1/ 8, và ngân sách đấu thầu lên tới 42 triệu nhân dân tệ. Cáp Nhĩ Tân ở Hắc Long Giang, Châu Văn Sơn ở Vân Nam và huyện Thượng Lật ở Giang Tây đều đã mời thầu các dự án xây dựng bệnh viện cabin, với số tiền mỗi dự án lên tới hơn 10 triệu nhân dân tệ, một con số đáng kinh ngạc.

Jimu News hôm 5/8 đưa tin, Chính quyền thành phố Đam Châu, tỉnh Hải Nam đã chi số tiền khổng lồ 13,4 triệu nhân dân tệ để đấu thầu phá bỏ bệnh viện dã chiến. Chỗ này xây dựng, chỗ kia phá bỏ, một số cư dân mạng trực tiếp chỉ trích: “Một bên xây, một bên phá, thì sẽ có tiền!”; “Đây là cách lãng phí tiền thuế của người dân!”.

Lý Mộc Tử, Vision Times

Related posts