Philippines nâng cao cảnh giác, củng cố liên minh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc

Philippines nâng cao cảnh giác, củng cố liên minh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trình bày trong Tuần lễ Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, California, hôm 15/11/2023. (Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP qua Getty Images)

Những diễn biến gần đây đã đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong bối cảnh địa chính trị giữa Trung Quốc và Philippines. Đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Philippines đang từ bỏ cách tiếp cận thụ động truyền thống của họ. Trong một trục chiến lược đáng chú ý, hiện nay nước này đang ủng hộ việc thành lập một “nhóm bằng hữu” trong khu vực Đông Nam Á để cùng nhau đối đầu với ảnh hưởng của ĐCSTQ.

Cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều đang tăng cường nỗ lực để kiềm chế các thách thức ngày càng tăng của Trung Quốc đối với môi trường ổn định trên toàn cầu, trong đó các các nhà chức trách quốc phòng Nhật Bản dự đoán rằng “va chạm ở Philippines” có nhiều khả năng xảy ra hơn là “va chạm ở Đài Loan.” Việc Trung Quốc thường xuyên khai triển tàu hải cảnh ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng, khiến Philippines phải áp dụng cách tiếp cận quyết đoán và trực diện hơn.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã tuyên bố sẽ không nhượng bộ trước sự đe dọa của Trung Quốc, đồng thời công bố sáng kiến chiến lược nhằm thành lập một “nhóm bằng hữu” ở Đông Nam Á để cùng nhau chống lại những bước tiến của Trung Quốc.

Philippines đang thảo luận với Malaysia và Việt Nam để thiết lập một bộ quy tắc ứng xử mới và đang tích cực thúc đẩy sáng kiến ​​này với các quốc gia Đông Nam Á khác. Ad

Tổng thống Marcos Jr. đề nghị chuyển hướng khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, ủng hộ việc thành lập một mặt trận thống nhất giữa các quốc gia ASEAN nhằm thiết lập các chuẩn tắc mới nhằm chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Philippines đang tìm cách hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng, bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, và Nam Hàn để bảo đảm ổn định và an ninh khu vực. Hôm 20/11, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định chủ quyền của ĐCSTQ đối với Biển Đông, bác bỏ mọi sự can thiệp của ngoại quốc vào vấn đề này.

Philippines đã tăng cường hiện diện và hoạt động quân sự, đặc biệt là trong một loạt cuộc tập trận quân sự từ hôm 06/11 đến hôm 17/11. Các cuộc tập trận này, được tổ chức gần mũi phía bắc của đảo Luzon, gần Đài Loan, trong đó có các hoạt động phối hợp giữa các lực lượng trên bộ, trên biển, và trên không.

Cuộc tập trận này đánh dấu sự khác biệt so với các hoạt động trước đây, trong đó Philippines dẫn đầu các hoạt động thay vì đóng vai trò thứ yếu sau Hoa Kỳ. Vị trí chiến lược của những cuộc tập trận này, gần Đài Loan và bên kia Eo biển Ba Sĩ, có tầm quan trọng đáng kể trong việc chống lại bất kỳ cuộc xâm lược nào mà Trung Quốc có thể nhắm vào Đài Loan. Ad

Việc tăng cường liên hệ và năng lực quân sự ở Philippines là rất quan trọng trong bối cảnh này. Hồi tháng Tư, Philippines đã cấp cho Hoa Kỳ quyền tiếp cận bốn căn cứ quân sự mới, trong đó có ba căn cứ gần Đài Loan. Hơn nữa, các cuộc thảo luận hồi tháng Tám về việc phát triển một cảng dân sự mới ở Bán đảo Bataan, chỉ cách Đài Loan 200 km, đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của địa điểm này.

Trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc-Philippines đang leo thang, Nhật Bản cũng ngày càng tham gia nhiều hơn. Để thể hiện sự ủng hộ và đoàn kết, hôm 03/11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến thăm Philippines và đề nghị cung cấp cho đảo quốc này hệ thống tuần tra hạm và radar giám sát.

Sự hung hãn ngày càng tăng và lộ liễu của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là nhắm vào Philippines, đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh ĐCSTQ có thể xem Biển Đông như một cơ hội chiến lược để thay đổi hiện trạng khu vực.

Hoa Kỳ vẫn vẫn giữ lập trường mạnh mẽ và quyết đoán trong việc hợp tác với các đồng minh của mình để thách thức các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Bên cạnh đó, hồi tháng Tư, Nhật Bản cũng thành lập Cơ quan Trợ giúp An ninh Chính thức (OSA), một cơ quan mới chuyên cung cấp viện trợ quân sự cho các đồng minh và quốc gia đối tác, bao gồm việc phân bổ nguồn lực và phát triển cơ sở hạ tầng.

OSA của Nhật Bản đã cung cấp hiệu quả tàu, radar, và các thiết bị khác cho các quốc gia như Philippines, Việt Nam, Indonesia, và Mông Cổ trong thời gian ngắn, nhằm chống lại các mối đe dọa của Trung Quốc trong khu vực.

Theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Kishida dự kiến ​​sẽ đến thăm Hoa Kỳ vào mùa xuân năm sau. Chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ củng cố hơn nữa liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ và giải quyết tình trạng bất ổn quốc tế do chính sách bành trướng của Trung Quốc gây ra.

Hồng Ân lược dịch

Related posts