Theo một báo cáo mới đây của nhóm hoạt động vì nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha, giới lãnh đạo Trung Quốc đã điều hành một mạng lưới “tình nguyện viên lãnh sự” toàn cầu thông qua các đại sứ quán và lãnh sự quán trong hơn một thập kỷ, với ý định tăng cường ảnh hưởng của chế độ này ở nước ngoài và tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp.
Những người ủng hộ nhân quyền đã nói với The Epoch Times bày tỏ lo ngại về cách các thực thể này có thể gây ra mối đe dọa cho những người bất đồng chính kiến ở hải ngoại cũng như an ninh quốc gia của nước sở tại.
Theo một báo cáo được công bố vào ngày 21/11, các “tình nguyện viên lãnh sự” cộng tác với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) – một tổ chức chuyên hoạt động gián điệp – để thu thập thông tin về các cá nhân bị Bắc Kinh nhắm tới, hỗ trợ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thao túng các cộng đồng hải ngoại, cũng như đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Bất chấp việc Bắc Kinh đóng cửa một số “đồn cảnh sát” ở hải ngoại để đáp lại sự phản đối từ các nước sở tại, báo cáo chỉ ra rằng mạng lưới “tình nguyện viên lãnh sự” cho đến nay vẫn bị “ngó lơ”, điều này tạo điều kiện cho ĐCSTQ thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng và các hoạt động thực thi pháp luật xuyên quốc gia bất hợp pháp ở hải ngoại.
Vào tháng 9/2022, Safeguard Defenders đã tiết lộ trong một báo cáo rằng có hơn 100 đồn cảnh sát Trung Quốc bí mật ở hải ngoại tại ít nhất 53 quốc gia trên thế giới.
Bà Laura Harth, Giám đốc chiến dịch của tổ chức phi lợi nhuận Safeguard cho hay, “đây là một sự bố trí giữa các cơ quan công an ở Trung Quốc với sự hợp tác của các nhóm liên kết với Mặt trận Thống nhất trên toàn thế giới”.
Một thập kỷ hoạt động phi pháp
Một báo cáo mới đây của Safeguard Defenders tiết lộ rằng, các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc đã tiến hành mạng lưới “tình nguyện viên lãnh sự” ở nước sở tại trong ít nhất một thập kỷ mà không tuyên bố hoạt động của họ. Một nghị định của Quốc Vụ Viện có hiệu lực vào ngày 01/09 đã chính thức hóa các mạng lưới này.
Báo cáo chỉ ra rằng “mạng lưới này hoạt động thông qua các hiệp hội và cá nhân có liên kết với Mặt trận Thống nhất và cho thấy sự can dự của Văn phòng Sự vụ Hoa kiều ở hải ngoại” và văn phòng này đã bị Tòa án Liên bang Canada chỉ định là “thực thể tham gia hoạt động gián điệp và hành động trái với lợi ích của Canada” vào năm 2022.
Theo báo cáo, Văn phòng Sự vụ Hoa kiều ở hải ngoại là tên gọi khác của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ.
Mạng lưới này hợp tác với các nhóm liên kết với Mặt trận Thống nhất ở hải ngoại để cung cấp các dịch vụ như hỗ trợ cộng đồng lãnh sự, “không chỉ có thể cung cấp cho họ khả năng truy cập rộng rãi vào dữ liệu riêng tư, địa chỉ nhà và thông tin liên hệ của cá nhân mà còn có thể tăng cường chức năng kiểm soát của họ một cách nguy hiểm đối với các cộng đồng hải ngoại và những người bất đồng chính kiến”, tổ chức này cảnh báo.
Hơn nữa, thậm chí có nhiều trường hợp mà các cá nhân cảm thấy sợ hãi khi đến thăm các cơ quan lãnh sự của ĐCSTQ, bởi họ vẫn tăng cường các nỗ lực đàn áp xuyên quốc gia.
Theo báo cáo, ở Trung Quốc, việc cấp hộ chiếu và các giấy tờ khác (chẳng hạn như thị thực nhập cảnh) bị chính trị hóa nặng nề và thường được sử dụng như một công cụ kiểm soát cũng như đòn bẩy đối với các cá nhân mục tiêu sống ở nước ngoài. Nỗ lực này nhằm đảm bảo hoa kiều tuân thủ các mệnh lệnh của Đảng, tuân thủ các yêu cầu đóng vai trò là người cung cấp thông tin trong cộng đồng hoặc cưỡng ép họ hồi hương.
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở rộng các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ trên toàn thế giới, chủ yếu dựa vào cộng đồng hoa kiều ở hải ngoại và các tổ chức kinh doanh do UFWD giám sát.
‘Gián điệp của ĐCSTQ’
Các nhà hoạt động nhân quyền bày tỏ mối quan ngại về “tình nguyện viên lãnh sự” trên ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times.
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping) – cựu luật sư Trung Quốc, hiện là nhà bình luận thời sự, đã gọi “tình nguyện viên lãnh sự” là “gián điệp của ĐCSTQ”.
Ông nói: “Họ tiến hành cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ đối với đồng bào hải ngoại và can thiệp vào công việc nội bộ của nước sở tại”.
Ông Lại tin rằng những người được gọi là tình nguyện viên lãnh sự này sẽ rất hữu ích trong các cuộc bầu cử vì họ tổ chức các hoạt động thuyết phục cử tri ủng hộ các ứng cử viên và nhà lập pháp ủng hộ ĐCSTQ thông qua nhiều nhóm thân với chính quyền Bắc Kinh.
“Do tính chất bí mật của những hoạt động này, việc thu thập bằng chứng tại chỗ là một thách thức”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng ĐCSTQ có thể kín đáo chỉ đạo một nhóm cộng đồng hải ngoại cung cấp hỗ trợ tài chính cho một ứng cử viên cụ thể.
Ông tiếp tục nói: “ĐCSTQ lợi dụng những lỗ hổng trong khuôn khổ pháp lý của các quốc gia phương Tây và sự cởi mở về chính trị của các hệ thống dân chủ, điều này khó có thể ngăn chặn một cách hiệu quả”.
‘Mở rộng quyền tài phán của ĐCSTQ’
Luật sư nhân quyền Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping) hiện đang cư trú tại New York, coi “các tình nguyện viên lãnh sự” là “sự mở rộng gián tiếp quyền tài phán của ĐCSTQ”.
“Các hành động đàn áp xuyên biên giới thường có liên quan đến các cơ quan quyền lực của ĐCSTQ, như công an và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ‘tình nguyện viên lãnh sự’ về cơ bản được hình thành thông qua các kênh ngoại giao, kết nối với các tổ chức mặt trận thống nhất của ĐCSTQ, họ đi theo một con đường khác”, ông Ngô lập luận.
Ông cảnh báo rằng nạn nhân không chỉ là Hoa kiều mà còn cả người nước ngoài đến Trung Quốc để kinh doanh hoặc du lịch. Mạng lưới này sẽ cho phép ĐCSTQ thu thập thông tin về những cá nhân này. Nếu những người nước ngoài này bày tỏ quan điểm chống ĐCSTQ, Bắc Kinh có thể từ chối cấp thị thực cho họ hoặc cắt đứt quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc.
Ông nói thêm: “Điều này rất đáng báo động”.
‘Chi phí bồi dưỡng’ cho tình nguyện viên lãnh sự
Phó chủ tịch toàn cầu của Mặt trận Nhân dân (FDC), nhà văn nổi tiếng Thịnh Tuyết (Sheng Xue), nói với The Epoch Times rằng “tình nguyện viên lãnh sự” có thể đóng vai trò là “một lực ly tâm mạnh mẽ trong xã hội dân chủ địa phương, thúc đẩy sự chia rẽ và làm suy yếu các quốc gia dân chủ”.
Theo bà Tuyết, Bắc Kinh đã nỗ lực không ngừng nghỉ để thu hút và tận dụng Hoa kiều làm gián điệp và cung cấp thông tin bí mật, đồng thời “những cá nhân này nhận thấy mình có giá trị đối với ĐCSTQ, từ đó họ tìm cách đảm bảo lợi ích từ chế độ”.
Bà cho biết, mạng lưới “tình nguyện viên lãnh sự” trở thành một cơ chế đe dọa và gieo rắc nỗi sợ hãi trong cộng đồng người Hoa ở hải ngoại.
Hơn nữa, bà nói rằng phần lớn công dân Trung Quốc định cư ở nước ngoài không hoàn toàn hiểu và đánh giá cao quyền tự do mới có được của họ.
Bà tiếp tục nói: “Mặc dù họ sống ở các quốc gia dân chủ, nhưng trong thâm tâm họ vẫn bị ràng buộc bởi sự cai trị độc tài của ĐCSTQ”.
Lấy Canada làm ví dụ, bà nói rằng đất nước này có khoảng 1,8 triệu cư dân Trung Quốc và ĐCSTQ kiểm soát một số lượng lớn cộng đồng người Hoa thông qua các lãnh sự quán và các tổ chức liên kết như các tổ chức cộng đồng.
Bà nói: Họ có thể “đóng vai trò gây chia rẽ trong xã hội địa phương”.
Về phần mình, ông Lại Kiến Bình cho rằng các “tình nguyện viên lãnh sự” có thể có liên quan đến những cá nhân đã cố tình gây rối và tấn công ít nhất 40 người biểu tình phản đối ĐCSTQ trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới San Francisco để tham dự hội nghị APEC vào ngày 15/11 – 17/11.
Ông Lai nghi ngờ một số người biểu tình ủng hộ ĐCSTQ có thể đã được trả tiền để có mặt tại hội nghị thượng đỉnh và nhận chỉ thị từ chính quyền Trung Quốc.
“ĐCSTQ có thể đưa ra các khoản đền bù tài chính hoặc cơ hội kinh doanh. Nếu không, rất ít người có nguy cơ vi phạm luật pháp nước sở tại hoặc tham gia vào các hoạt động phi pháp”, ông kết luận.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch