Philippines hôm thứ Sáu (1/12) cho biết họ đang thành lập một trạm bảo vệ bờ biển trên hòn đảo lớn nhất mà nước này nắm giữ ở khu vực Biển Đông tranh chấp, để cải thiện việc giám sát các tàu Trung Quốc đang khẳng định yêu sách của Bắc Kinh ở vùng biển này.
Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Ano đưa ra thông báo này trong chuyến thăm đảo Thị Tứ do Philippines nắm giữ, đây là một phần của quần đảo Trường Sa đang tranh chấp gay gắt.
Ông Ano cho biết trạm bảo vệ bờ biển sẽ được trang bị “hệ thống tiên tiến”, bao gồm radar, thông tin vệ tinh, camera ven biển và quản lý giao thông tàu thuyền.
Trạm giám sát đã được xây dựng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm sau.
“Những hệ thống này sẽ nâng cao đáng kể khả năng của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) trong việc giám sát hành động của lực lượng hàng hải Trung Quốc, các quốc gia khác có thể đến đây, cũng như các tàu và máy bay công cộng của chúng tôi”, ông Ano nói.
Ông Ano cho biết, việc thu thập dữ liệu theo thời gian thực sẽ có “tác động đến hành vi” của các bên tranh chấp, đặc biệt là Trung Quốc, đồng thời ca ngợi việc này sẽ “thay đổi cuộc chơi”.
Đảo Thị Tứ cách đảo lớn Palawan của Philippines khoảng 430 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc, hơn 900 km.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, bao gồm cả vùng biển và đảo gần bờ biển của các nước láng giềng, và đã phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế rằng tuyên bố của họ không có cơ sở pháp lý.
Nước này triển khai tàu để tuần tra vùng biển, xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự để củng cố lập trường của mình.
Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng đã đưa ra yêu sách đối với nhiều hòn đảo và rạn san hô ở vùng biển được cho là có trữ lượng dầu mỏ phong phú nằm sâu dưới vùng biển của họ.
Mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã rạn nứt trong những tháng gần đây do một loạt sự cố ở vùng biển này, trong đó có hai vụ va chạm giữa tàu Philippines và tàu Trung Quốc mà các nước đều đổ lỗi cho nhau.
Hôm thứ Sáu (1/12), ông Ano cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và các tàu khác có hành vi “bất hợp pháp” và “hung hăng” đối với ngư dân và tàu tuần tra Philippines.
“Đó chính là hành vi bắt nạt”, ông Ano nói.
“Chúng tôi sẽ không dao động, chúng tôi sẽ giữ vững lập trường của mình. Chúng tôi sẽ không nản lòng trước bất kỳ thế lực nào cố gắng áp bức và khuất phục chúng tôi.”
Anh Nguyễn, theo channelnewsasia