Nielsen IQ: Cứ 100 đồng tiêu cho tiêu dùng nhanh, người Việt mua bia 21 đồng

Một thùng bia ướp lạnh tại Hà Nội, năm 2016. (Ảnh minh họa: Vietnam Stock Images/Shutterstock)

Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen IQ cho biết bia là mặt hàng cực kỳ quan trọng đối với tiêu dùng nhanh tại Việt Nam. Mặt hàng này đóng góp tới 21,1% tổng chi tiêu FFCG (Fast Moving Consumer Goods – ngành hàng tiêu dùng nhanh).

Tại hội nghị nhà cung cấp năm 2023 do Công ty MM Mega Market Việt Nam tổ chức ngày 1/12, ông Lê Hoàng Long, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen IQ cho biết khi kinh tế phát triển chậm sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người dân, tiêu thụ những mặt hàng thiết yếu.

Ông Long dẫn chứng qua số liệu của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), từ việc đo lường 70 ngành hàng tiêu dùng nhanh, ở 63 tỉnh thành trong 10 tháng đầu năm 2023 của Nielsen IQ.

Trong giỏ hàng phân bổ mức độ chi tiêu, người dân chi ra 100 đồng cho FMCG thì 21 đồng chi vào mặt hàng bia. Tiếp theo là nước giải khát 19,1%, sữa 13%, thực phẩm 8,7%. Theo ông Long, bia là mặt hàng cực kỳ quan trọng đối với tiêu dùng nhanh tại Việt Nam, đóng góp tới 21,1% tổng chi tiêu FMCG.

Vẫn theo đại diện Nielsen IQ, tại quý 3/2023, tốc độ tiêu thụ suy giảm ở tất cả các ngành hàng, nhưng sang tháng 10, ngành hàng tiêu dùng tăng nhanh trong đó mặt hàng bia, nước giải khát đang phục hồi tốt, gồm cả thực phẩm.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, tốc độ tăng trưởng FMCG ở kênh phân phối hiện đại là 7,7%, cao hơn nhiều so với mức 2% của kênh tạp hóa.

Theo tin công bố tại hội nghị tập huấn cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường, do Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge tổ chức hồi đầu tháng 7/2022, Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.

Ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu dùng rượu bia ở Việt Nam vào năm 2017 là 4 tỷ USD, gần bằng 7% số thu ngân sách của nhà nước (chưa tính đến chi phí gián tiếp) trong khi đóng góp của ngành rượu bia và nước giải khát vào ngân sách nhà nước năm 2017 là khoảng 50.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD).

Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay hiện nay thuế rượu bia tại Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Tỷ trọng thuế rượu bia trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi đó ở nhiều nước, thuế rượu bia chiếm khoảng 40%-85% giá bán lẻ.

Theo đánh giá, một trong những nguyên nhân sức mua rượu bia tại Việt Nam tăng mạnh là do giá rất rẻ. Giá rượu bia tăng được cho là tăng chậm hơn nhiều so với mức tăng thu nhập bình quân/người/năm. Vào năm 1998, để mua 10 lít rượu Vodka Hà Nội, rượu vang nội và rượu trắng nội địa, một người phải chi 8,2%; 5,9% và 1,6% GDP/người/năm. Đến năm 2014, tỷ lệ này chỉ còn 2,2%; 1,6%; và 0,4%. Mức giảm cũng tương tự với mặt hàng bia.

Nguyễn Minh

Phó trạm trưởng trạm kiểm lâm tử vong, thân thể găm nhiều đạn

Lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô tuần tra, bảo vệ rừng. (Ảnh: baodaklak.vn)

Phó trạm trưởng Trạm 2, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, tử vong do trúng hàng chục vết đạn hoa cải.

Tối ngày 2/12, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, xác nhận tại Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar xảy ra vụ một cán bộ kiểm lâm tử vong trong lúc đi tuần tra rừng, trên người có vết đạn.

Nạn nhân là ông N.K.A, SN 1974, quyền Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 2, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Theo báo cáo của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, lúc 5h ngày 2/12, cán bộ của Trạm kiểm lâm số 2 thức dậy thì không thấy ông A. ở trạm và cũng không thấy đồ bảo hộ, giày đi rừng hằng ngày của ông A.

Do đó, lực lượng của trạm cho rằng khả năng ông A. đi kiểm tra khu vực hay bị người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy vào buổi sáng sớm (thuộc thôn Giang Đông, xã Ea Dắh, huyện Krông Năng).

Tại tuyến đường này, lực lượng của Trạm kiểm lâm số 2 cũng thường xuyên chốt chặn để ngăn chặn các đối tượng xâm nhập vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và vận chuyển lâm sản ra bên ngoài.

Đến 8h cùng ngày, không thấy ông A. về, lực lượng của trạm nhiều lần gọi điện thoại cho ông A. thì nghe chuông điện thoại reo nhưng không có người bắt máy.

Đến 11h vẫn không thấy ông A. trở về nên lực lượng kiểm lâm trong trạm tổ chức đi tìm.

Trong lúc tìm kiếm, lực lượng kiểm lâm phát hiện xe máy của ông A. để tại khu vực trạm thường hay giấu xe để đi tuần tra rừng, chìa khóa vẫn còn cắm trên xe. Mở rộng tìm kiếm khu vực xung quanh và các lối đường xâm nhập vào khu bảo tồn nhưng đơn vị vẫn không thấy ông A.

Khoảng 15h cùng ngày, sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã huy động lực lượng kiểm lâm của các trạm cùng tham gia tìm kiếm, phát hiện ông A. tử vong trong một rẫy bắp.

Cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Nguyên nhân sơ bộ ban đầu được xác định ông A. bị bắn vào vùng bụng bằng súng hoa cải, với hàng chục vết đạn trên người.

Nhiều năm qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô luôn là điểm nóng về vi phạm lâm luật.

Khu bảo tồn thiên có diện tích gần 27.000, tiếp giáp hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Đây là Khu bảo tồn còn nhiều loài động vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam và nhiều loại gỗ quý như trắc, cẩm lai, giáng hương…

Minh Long

2 lô hàng sầu riêng, ớt Việt Nam bị Nhật Bản buộc tiêu hủy

Trong 11 tháng năm 2023, có tới hơn 90% sầu riêng Việt Nam xuất khẩu là sang thị trường Trung Quốc. (Ảnh minh họa: baokhanhhoa.vn)

Cơ quan kiểm dịch Nhật Bản phát hiện 2 lô hàng sầu riêng, ớt đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam có tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, yêu cầu doanh nghiệp này phải tiêu hủy.

Bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Japan Apple LLC (có văn phòng tại Tokyo, Nhật Bản), cho biết doanh nghiệp này vừa thiệt hại hàng trăm triệu đồng, liên quan đến 2 lô hàng sầu riêng, ớt nhập khẩu từ Việt Nam bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu phân tích và phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, báo Thanh Niên đưa tin.

Cụ thể, lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn được nhập khẩu qua một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam từ ngày 5/10, với giá 132.000 đồng/kg.

Khi hàng xuất đến Nhật Bản, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất Procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật Bản là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc.

Còn với lô hàng hơn 4 tấn ớt, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu xét nghiệm với 4 hoạt chất thì có 2 hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép gồm tricyclazole 0,2 ppm và hexaconazole 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm.

“Cả 2 lô hàng đều bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản yêu cầu tiêu hủy. Riêng lô sầu riêng, doanh nghiệp thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Còn với lô hàng ớt nếu không nhập khẩu bù thì khả năng cao sẽ còn bị phạt theo hợp đồng”, bà Oanh nói.

Theo bà Lê Thị Kiều Oanh, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản đang áp dụng quy định kiểm dịch tất cả sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam, khiến các doanh nghiệp tốn kém nhiều chi phí, thời gian hàng lưu kho kéo dài ảnh hưởng đến khâu phân phối, tiêu thụ.

Trước đó, trong tháng 9, Công ty Japan Apple LLC nhập phải 1 lô hàng sầu riêng cắt non. Sau nhiều ngày giao hàng đến đối tác, sầu riêng không thể chín bình thường mà chín ép, có mùi chua, buộc doanh nghiệp phải thu hồi, chịu lỗ nặng.

“Các doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng đi xong là gần như chối bỏ trách nhiệm. Trong một số vụ việc, chúng tôi yêu cầu chia sẻ trách nhiệm thì họ trừ bớt tiền hàng nhưng sau đó lại tìm cách nâng giá bán”, bà Oanh cho biết.

Ở thị trường Đài Loan, mì ăn liền Việt Nam cũng đã từng bị tiêu hủy nhiều lần khi tồn dư chất cấm theo quy định của quốc gia này.

Vào tháng 8/2022, Hãng thông tấn Đài Loan cho biết Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (thuộc Bộ Y tế Đài Loan) đã quyết định thu giữ và tiêu hủy 1.440 kg mì Omachi xốt tôm chua cay nhập khẩu từ Việt Nam thông qua Công ty Qianyu (Thiên Du).

Cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện trong gói bột gia vị mì gói hương vị tôm chua cay của Omachi có chứa 0,195 mg/kg Ethylene Oxide.

Đức Minh

Related posts