Tin thế giới sáng thứ Sáu: Nhiều nước tăng cường cảnh giác dịch bệnh “giống cúm” từ Trung Quốc

Nhiều nước tăng cường cảnh giác dịch bệnh “giống cúm” từ Trung Quốc

Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 5/3/2020. (Ảnh minh họa: NAUFAL ZAQUAN/Shutterstock)

Ở Trung Quốc lại đang lây lan căn bệnh đường hô hấp cấp tính “chưa rõ nguyên nhân”, hầu hết trường hợp nhiễm là trẻ nhỏ. Ban đầu người ta cho rằng đó là bệnh viêm phổi do mycoplasma, sau đó được cho là do nhiễm nhiều mầm bệnh, bao gồm cả loại chủng mới của COVID-19. Việc nhà chức trách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường che giấu tình hình đã khiến cộng đồng quốc tế lo lắng, nhiều nước vì lo ngại tái diễn thảm kịch như từng xảy ra đại dịch COVID-19 nên đã cân nhắc thực hiện các biện pháp ứng phó.

Nhiều phương tiện truyền thông phương Tây gọi căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hiện đang phổ biến ở Trung Quốc là “bệnh hô hấp do virus bí ẩn”. Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do “loại virus bí ẩn” này cũng đang lây lan bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, theo đó trường hợp tương tự đã xuất hiện ở một số nước châu Âu, Mỹ và châu Á.

Ngày 1/12, tờ New York Post đưa tin rằng, từ trải nghiệm trong thực tế nhà cầm quyền Trung Quốc luôn mơ hồ về tình hình sức khỏe cộng đồng, cho nên không thể không nghi ngờ bất kỳ thông tin y tế công cộng nào từ Trung Quốc.

Tuần trước Đan Mạch báo cáo 541 trường hợp, tương tự là ở quận Warren bang Ohio nước Mỹ cũng báo cáo 142 trường hợp viêm phổi ở trẻ nhỏ, nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân là do mycoplasma hay sự kết hợp của nhiều loại mầm bệnh.

Trong tuần qua cơ quan chức năng Hà Lan cho hay về nhóm trẻ từ 5 -15 tuổi có 0,08% (cứ khoảng 100.000 có 80 trẻ) phải điều trị viêm phổi; số ca viêm phổi ở trẻ từ 4 tuổi trở xuống cũng ngày càng gia tăng, từ 124 trường hợp lên 145 trường hợp/100.000 trẻ. Đây là trận dịch viêm phổi quy mô lớn nhất ở Hà Lan trong những năm gần đây.

Phản ứng của một số nước về “động cơ không minh mạch của ĐCSTQ”:
Mỹ

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa Mỹ đã cùng nhau gửi thư tới Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ kêu gọi chú ý đến dịch bệnh ở Trung Quốc. Ngày 30/11, giám đốc mới của CDC Mỹ là bà Mandy Cohen lần đầu tiên tham dự phiên điều trần của Quốc hội Mỹ. Tại phiên điều trần, các nhà lập pháp bày tỏ lo ngại về dịch bệnh gia tăng ở Trung Quốc, đặt câu hỏi về tính minh bạch trong dữ liệu của ĐCSTQ, lo ngại vết xe đổ như từng xảy ra bùng phát đại dịch COVID-19.

Ngày 1/12, 5 thành viên Quốc hội Mỹ, trong đó có Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện là Marco Rubio, đã gửi thư chung cho Tổng thống Biden yêu cầu chính phủ Mỹ cấm đi lại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bức thư viết: “ĐCSTQ có động cơ để nói dối, như họ đã làm trong suốt đại dịch COVID-19, do bất kỳ mầm bệnh mới nào cũng có thể phá hỏng nỗ lực kích thích nền kinh tế của họ. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên trông chờ vào hành động của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì những dữ liệu bám theo ĐCSTQ. Chúng ta phải thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ sức khỏe của người Mỹ và nền kinh tế của chúng ta. Điều đó có nghĩa là chúng ta nên hạn chế ngay việc đi lại giữa Mỹ và Trung Quốc cho đến khi chúng ta biết rõ về mối nguy hiểm do dịch bệnh mới này gây ra. Lệnh cấm du lịch bây giờ có thể giúp đất nước chúng ta cứu được nhiều mạng sống, tránh được bùng phát để rồi phải thực thi các lệnh phong tỏa”.

Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel ngày 23/11 cũng đã tweet trên nền tảng X, kêu gọi ĐCSTQ công bố sự thật về dịch bệnh. Ông nói: “Sự bùng phát bệnh viêm phổi gần đây ở Trung Quốc đã đặt ra những vấn đề nghiêm trọng, WHO đang truy vấn tình hình. Đã đến lúc (ĐCSTQ) từ bỏ lừa dối và trì hoãn thông tin rõ ràng về dịch bệnh, bởi vì thông tin minh bạch và kịp thời để loài người tránh khỏi chết chóc. Sự hợp tác toàn diện với cộng đồng quốc tế không phải là một lựa chọn mà là một mệnh lệnh y tế cộng đồng. Liệu ĐCSTQ có sẵn sàng?”
Nhật Bản

Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Takemi Keizo ngay từ ngày 24/10 đã phát biểu trong một cuộc họp báo, cho hay về lây lan của bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ đang bùng phát tại Trung Quốc: “Chúng tôi đã chuyển tới chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) thông điệp rằng, hy vọng họ sẽ sẽ cung cấp thông tin qua các kênh ngoại giao. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan quản lý khủng hoảng bệnh truyền nhiễm để thu thập thông tin và ứng phó”.

Các nước láng giềng của Trung Quốc, bao gồm Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan, Nepal… đều đã bày tỏ lo ngại về đợt bùng phát bệnh hô hấp mới nhất ở Trung Quốc, đã bắt đầu thực hiện các biện pháp cảnh giác hoặc tăng cường giám sát dịch bệnh về đường hô hấp chưa biết rõ nguyên nhân này.
Đài Loan

Ngày 25/11, Bộ trưởng Y tế Đài Loan thông báo các cảng và sân bay trong tình trạng “báo động cao”. Ông kêu gọi người già và trẻ nhỏ không nên đi lại bên ngoài nhiều nếu không cần thiết. Ông cũng yêu cầu du khách từ Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông và Ma Cao trình báo lịch sử đi lại, nếu có trường hợp xuất hiện triệu chứng thì ngay lập tức cho điều trị.

CDC Đài Loan chỉ ra rằng hiện được biết có nhiều loại virus đang lây lan ở người như rhovirus, mycoplasma, adenovirus, cúm, COVID-19 chủng mới…

Phát ngôn viên Lo Yi-chun của CDC Đài Loan ngày 24/11 cho hay, sự gia tăng dịch bệnh ở miền bắc Trung Quốc được phân loại là cúm, theo quan điểm mà WHO có chỉ ra là vì nhiều mầm bệnh cùng lây lan; ông nhắc nhở người dân đi lại giữa hai bên eo biển Đài Loan phải hết sức chú ý đến các biện pháp phòng chống dịch bệnh: “Những người đi du lịch đến Trung Quốc trước tiên nên tiêm vắc-xin cúm và chú ý bảo vệ vệ sinh cá nhân, ai cảm thấy cơ thể có vấn đề hãy mau đi khám tại cơ sở y tế”.

Ông Lo Yi-chun cũng cho biết CDC Đài Loan sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ dịch bệnh “giống cúm” ở Trung Quốc. Ngoài ra, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan cũng tuyên bố ngày 29/11 rằng, sẽ đẩy mạnh sản xuất và nhập khẩu thuốc điều trị bệnh viêm phổi và các bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ, nhằm tăng dự trữ các loại thuốc này.

Ấn Độ

Tại Ấn Độ giáp Trung Quốc, sau khi Bộ Y tế Ấn Độ yêu cầu các bang chuẩn bị cho khả năng bùng phát bệnh về đường hô hấp, đã có 6 bang đã đặt các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong tình trạng báo động.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết ngày 26/11: “Do ở miền bắc Trung Quốc trong những tuần gần đây có các báo cáo về sự gia tăng bệnh nhân bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ nên Ấn Độ cần hết sức thận trọng, Bộ Y tế liên bang đã quyết định chủ động xem xét các biện pháp phòng ngừa đối với bệnh về đường hô hấp… Chính phủ Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến”.

Thái Lan

Tại Thái Lan, nhà chức trách cũng đang chuẩn bị cho khả năng bùng phát dịch bệnh về đường hô hấp. Bộ Y tế Công cộng Thái Lan yêu cầu các quan chức y tế tăng cường giám sát, đặc biệt là tại các điểm du lịch.

Các bệnh viện ở Thái Lan cũng được yêu cầu đảm bảo có đủ thuốc và thiết bị y tế, bao gồm máy thở, bình oxy, dụng cụ chẩn đoán, thiết bị bảo vệ cá nhân cho nhân viên y tế, và giường bệnh đủ để ứng phó và quản lý hiệu quả dịch bệnh hô hấp có thể bùng phát.
Nepal

Các quan chức y tế Nepal cũng cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình các mầm bệnh này, do các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp bao gồm cúm và viêm phổi do mycoplasma cũng đang lây lan bất thường ở Nepal.

Tiến sĩ Ranjan Bhatta, giám đốc Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng Quốc gia Nepal cho biết: “Tất cả những loại virus và vi khuẩn này đều phổ biến ở nước ta và đang lây lan”.

Tương tự, giám đốc Sher Bahadur Pun của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Truyền nhiễm ở Thủ đô Kathmandu cho biết: “Ngày càng nhiều trẻ nhỏ gặp phải các triệu chứng giống cúm. Với việc ngày càng nhiều du khách (Trung Quốc) đến thăm Nepal trong những tuần gần đây, tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị cho một đợt bùng phát (các bệnh về đường hô hấp) có nguồn gốc từ Trung Quốc”.

Theo Diệp Đình, Epoch Times

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen: Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Ukraine thất bại

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen phát biểu khai mạc tại cuộc gặp với các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh, vào ngày 03 tháng 11 năm 2023 tại Washington, DC. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết hôm thứ Ba (5/12) rằng Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Ukraine bị đánh bại trên chiến trường nếu viện trợ bổ sung không được Quốc hội thông qua.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang tranh luận về gói chi tiêu bổ sung trị giá 111 tỷ USD, trong đó bao gồm 61 tỷ USD cho Kiev, cùng với tài trợ cho Israel, Đài Loan và an ninh biên giới Hoa Kỳ. Đề xuất mới nhất được đảng Dân chủ công bố hôm thứ Ba (5/12).

Bà Yellen cho biết bà đã nói chuyện với các nhà lập pháp và họ hiểu rằng, “đây là một tình huống nghiêm trọng và chúng tôi có thể phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của Ukraine nếu chúng tôi không quản lý để có được nguồn tài trợ cần thiết cho Ukraine gồm cả hỗ trợ ngân sách trực tiếp vì điều đó cực kỳ cần thiết”.

Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Zelensky, ông Andrey Yermak, cảnh báo tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ rằng việc Mỹ trì hoãn tài trợ chiến tranh khiến Kiev có “nguy cơ lớn bị thua trong cuộc chiến này”.

Hôm thứ Hai (4/12), Giám đốc Quản lý và Ngân sách Hoa Kỳ, bà Shalanda Young đã gửi thư kêu gọi các nhà lãnh đạo Quốc hội, cảnh báo rằng các nguồn lực phân bổ cho Kiev đang cạn kiệt. Bà tuyên bố rằng vào giữa tháng Mười Một, Bộ Quốc phòng đã chi 97% trong số 62,3 tỷ USD mà họ nhận được trong năm nay cho Ukraine. Bà cho biết Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã sử dụng hết số tiền được phân bổ.

Trả lời bà Young, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho biết sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa đối với dự luật sẽ yêu cầu dành tiền để bảo vệ biên giới Mỹ-Mexico trước tình trạng di cư không kiểm soát. Ông nêu rõ quan điểm của Đảng Cộng hòa vào tháng Mười và đặt ra “hai điều kiện tiên quyết thiết yếu: an ninh ở biên giới của chúng ta và các câu trả lời quan trọng liên quan đến số tiền được yêu cầu”, ông cũng đề cập đến các cáo buộc tham nhũng ở Ukraine và lạm dụng tiền do Mỹ cung cấp.

Hôm thứ Ba (5/12), ông Zelensky đã định gửi phát biểu tới Thượng viện để kêu gọi các Thượng nghị sĩ và Nhà Trắng thảo luận về việc tăng thêm tiền cho Kiev, nhưng phát biểu đó đã bị nhóm của ông hủy bỏ vài phút trước khi nó bắt đầu.

Sau sự hủy bỏ bất ngờ đó của ông Zelensky, một số thành viên Đảng Cộng hòa, bao gồm Thượng nghị sĩ Deb Fischer và Mitt Romney, đã rời Thượng viện sớm.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson yêu cầu “tính toán đầy đủ về việc viện trợ quân sự và nhân đạo của Mỹ trước đây” dành cho Ukraine đã được chi tiêu như thế nào. Cho đến nay, Washington đã cung cấp cho Kiev gần 75 tỷ USD tài trợ tổng hợp trong gần hai năm xung đột với Nga.

Moscow coi cuộc xung đột này là một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga, trong đó người Ukraine chết như “ngả rạ” để phục vụ lợi ích nước ngoài. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã ước tính thiệt hại của Ukraine kể từ cuộc phản công của Kiev bắt đầu vào mùa hè là khoảng 125.000 người.

Anh Nguyễn, theo RT

Cựu chính trị gia Ukraine thân Nga bị bắn chết gần Moscow

Ông Ilya Kiva, cựu chính trị gia Ukraine (Nguồn ảnh: STR/NurPhoto qua Getty Images)

Hôm thứ Tư (6/12), truyền thông Nga đưa tin về việc thi thể của ông Ilya Kiva, người từng là thành viên Quốc hội Ukraine cho đến khi chiến tranh bắt đầu, đã được tìm thấy ở khu vực Moscow. Trước đây, ông Kiva đã có nhiều quan điểm chỉ trích gay gắt Tổng thống Ukraine Zelensky.

Theo các nguồn tin, thi thể của ông Kiva được tìm thấy trong khuôn viên khách sạn ‘Velich Country Club’ gần ngôi nhà nơi ông đang cư trú, trong tình trạng bị bắn vào đầu và mặt úp trên vũng máu dưới lớp tuyết dày.

Theo hãng tin Strana của Ukraine, phát ngôn viên tình báo quân đội nước này, ông Andrey Yusov, tuyên bố rằng các cơ quan an ninh Ukraine đứng đằng sau vụ tấn công. Hãng thông tấn nhà nước Ukraine Ukrinform cũng đưa tin rằng Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) xác nhận họ chịu trách nhiệm về vụ sát hại. Ukrinform mô tả ông Kiva “kẻ phản bội, thông đồng và kẻ tuyên truyền hàng đầu…”, tuyên bố rằng ông đã bị “thanh trừ”.

Vụ giết người xảy ra trong bối cảnh hàng loạt cựu nhà lập pháp đối lập người Ukraine khác – những “kẻ phản bội” – dường như cũng đã bị loại bỏ. Kyiv đã nhận trách nhiệm về vụ sát hại một chính trị gia Ukraine thân Nga vào tháng trước. Ông Mikhail Filiponenko ở vùng Luhansk do Nga chiếm đóng bị giết bởi bom xe. Tổng cục tình báo Ukraine sau đó đã cảnh báo rằng “những kẻ phản bội Ukraine và cộng tác với bọn khủng bố Nga trên các vùng lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng… sẽ phải nhận quả báo! Cuộc săn lùng đang tiếp tục!”.

Hiện tại các quan chức Nga vẫn chưa đưa ra bình luận.

Ông Kiva là nghị sĩ Ukraine từ năm 2019 đến năm 2022 và là thành viên của đảng ‘Nền tảng đối lập – Vì sự sống’, đảng này chính thức bị Kyiv cấm vào tháng 6/2022. Bản thân ông Kiva là người phê bình gay gắt Tổng thống Ukraine Zelensky và chính sách ‘thân NATO’ của chính phủ. Ông Kiva trước đây cũng cáo buộc ông Zelensky sử dụng âm mưu ám sát để loại bỏ các đối thủ chính trị. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2022, ông Kiva chỉ trích Mỹ và NATO vì đã sử dụng Ukraine làm “mồi nhử” để khiêu khích Nga tham gia cuộc xung đột.

Chính trị gia này rời Ukraine không lâu trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022. Đầu tiên, ông Kiva chuyển đến Tây Ban Nha và sau đó đến Nga. Ukraine đã tước quyền ủy nhiệm của ông vào giữa tháng 3/2022, chưa đầy một tháng sau khi Moscow bắt đầu cuộc chiến. Trong cùng tháng, cơ quan thực thi pháp luật Ukraine cũng khép cho ông Kiva tội phản quốc, cáo buộc ông đã “làm mọi thứ” để mời “những kẻ xâm lược Nga” đến Ukraine.

Vài ngày sau khi ông Kiva bị đuổi khỏi Quốc hội, toàn bộ đảng của ông – cùng với 11 đảng thân Nga khác tại Ukraine – đã bị cấm theo quy định thiết quân luật khẩn cấp của quốc gia.

Cuối cùng ông Kiva bị kết án vắng mặt 14 năm tù ở Ukraine. Trong bài đăng cuối cùng trên mạng xã hội của mình vào sáng thứ Tư (6/12), ông Kiva cáo buộc Tổng thống Zelensky đã “nhấn chìm người dân [Ukraine] trong máu”, nói thêm rằng việc trốn ra nước ngoài hoặc tự sát sẽ là hai lựa chọn duy nhất cho ông Zelensky vì Thượng viện Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn dự luật cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.

Trong một tuyên bố hôm thứ Tư (6/12), Ủy ban Điều tra Nga cho biết đã mở một cuộc điều tra về vụ sát hại cựu nghị sĩ Ukraine. Ủy ban đã xác nhận danh tính của chính trị gia này và cho hay ông bị bắn vào tối thứ Ba (5/12) bởi một kẻ tấn công không rõ danh tính. Cơ quan này không nêu tên bất kỳ nghi phạm nào trong vụ án và nói rằng họ đang theo đuổi tất cả các hướng điều tra.
Một vụ giết người bằng bom xe rõ ràng khác cũng đã xảy ra ngay hôm nay (7/12), tuy nhiên nhà nước Ukraine chưa lên tiếng nhận trách nhiệm. Tờ báo tiếng Pháp Le Monde đưa tin ông Oleg Popov, cũng là một người Ukraina phối hợp với việc Nga chiếm đóng Luhansk, đã thiệt mạng sau khi xe của ông phát nổ. Theo tờ New York Post, ông Popov đã sống sót sau một vụ ám sát được cho là vào năm ngoái, và các nguồn tin khẳng định SBU chịu trách nhiệm về vụ giết hại ông ấy trong hôm nay, tuy nhiên thông tin này chưa được xác nhận.

Vy An

Related posts